SỨC MẠNH CỦA CÂU HỎI ĐÚNG
Trích: Điều Quan Trọng Nhất, Lẽ Thật Cuộc Đời Từ Những Cơ Duyên; Nguyên tác: The Most Important Thing; Người dịch: Phạm Hải Anh; NXB Thế giới; Công ty Sách Sài Gòn, 2022

BẠN PHẢI SẴN SÀNG LẬT NGƯỢC LẠI VẤN ĐỀ, CHỐNG LẠI “SỰ THẬT” CỦA ĐÁM ĐÔNG.
Đây là câu nói tuyệt vời mà tôi đọc được từ một nhà văn Pháp sống ở thế kỷ 19 – Pierre-MarcGaston de Lévis: “Phán đoán một người qua câu hỏi của anh ta thì dễ hơn là qua câu trả lời”. Tôi thích kiểu suy nghĩ này vì nó đảo ngược cách nhìn nhận thông thường của mọi người. Chúng ta thường nghiêng về cái mà tôi gọi là “sự thật của đám đông” – điều mà hầu hết mọi người đều đồng thuận – nhưng việc tìm ra điều quan trọng nhất lại tùy thuộc vào việc không chấp nhận những ý tưởng, niềm tin, ý kiến của người khác; bởi vì con đường của đám đông không phải lúc nào cũng dẫn đến nơi sâu thẳm nhất, đến niềm vui, nguồn cảm hứng hoặc sự an bình.
Những câu hỏi mà ta đặt ra là vô cùng quan trọng. Điều gì là quan trọng nhất trong đời sống tinh thần của tôi? Toàn bộ đời sống tinh thần của tôi xoay quanh điều gì? Bạn cũng có thể hỏi những câu hỏi này trong các mối quan hệ. Tình bạn hay tình yêu với tôi là gì? Điều gì ở người ấy là quan trọng nhất với tôi? Hoặc bạn có thể đặt câu hỏi về công việc. Điều gì là quan trọng nhất trong nghề nghiệp của tôi? Bởi những câu hỏi đó đưa ta vào tận sâu trong nội tâm, nên không phải lúc nào chúng cũng khiến ta cảm thấy dễ chịu hay thoải mái. Bạn phải sẵn sàng lật ngược lại vấn đề, chống lại “sự thật” của đám đông – những gì mọi người nghĩ là câu trả lời chính xác hay xem như chân lý.
Như Lévis đã nói, câu trả lời không quan trọng bằng câu hỏi – chúng ta vốn đã bị lập trình với những câu trả lời. Khi đi học, đến lúc làm bài kiểm tra, ai cũng muốn trả lời đúng đáp án; chúng ta muốn nhắc lại hệt như những gì mình được dạy. Chúng ta buộc phải làm như thế vì đó là một phần của việc học. Thật không may, theo tôi, đó là một vấn nạn lớn của giáo dục, bởi vì chúng ta bị người khác nhồi nhét vào đầu câu trả lời của họ chứ ta không tự mình đi tìm câu trả lời. Cách giáo dục như thế phần nào cũng khá thiết thực – ghi nhớ các kiến thức nhất định sẽ giúp ta biết đọc, biết làm toán, hiểu biết nền tảng của khoa học. Nhưng nếu nói về đời ta, về cảm giác hạnh phúc, về an vui và tình yêu của chúng ta, về cái mà ta đóng góp được cho cuộc sống quý giá, ngắn ngủi này, thì việc nhắc lại câu trả lời của người khác không giúp ta trả lời cho những câu hỏi lớn của đời mình: Bạn muốn đóng góp điều gì? Bạn đang đóng góp những gì? Điều gì là quan trọng với bạn?
Tôi thích đặt ra những câu hỏi sâu sắc đến cùng. Tôi gọi đây là “cuộc truy vấn”. Đặt câu hỏi không an toàn, nhưng câu trả lời thì an toàn. Chấp nhận câu trả lời của người khác, cũng như ý thức hệ và các lý thuyết có sẵn là lựa chọn an toàn. Chúng ta tìm kiếm những câu trả lời “đúng” vì nghĩ rằng nó khiến ta thoải mái, bảo vệ ta khỏi đau khổ. Chúng ta chộp lấy điều đầu tiên khiến mình cảm thấy ổn hơn, nhưng không phải sự thật nào cũng khiến ta cảm thấy “ổn” – có sự thật đẹp đẽ, có sự thật vô cùng xấu xí. Tuy nhiên, bản thân việc khám phá ra sự thật đã ẩn tàng một sức sống lớn lao, bởi vì cái gì thật cũng mang lại động lực, năng lượng và sức mạnh.
Thông thường, khi muốn tìm hiểu ai đó, chúng ta thường tìm các câu trả lời. “Bạn làm nghề gì? Thú vui của bạn là gì? Bạn thích xem phim gì? Cuốn sách yêu thích của bạn là cuốn nào?”. Biết câu trả lời thì cũng tốt thôi, vì đó là một phần của giao tiếp. Nhưng để hiểu một ai đó, việc hỏi xem câu hỏi quan trọng nhất trong đời họ là gì có lẽ sẽ tốt hơn nhiều so với hỏi về nghề nghiệp hoặc nơi họ sống.
Nếu chúng ta muốn sống một cuộc đời tràn đầy cảm hứng, một cuộc đời cho chúng ta cảm giác được sống có ý nghĩa, trong câu hỏi của chúng ta sẽ ẩn chứa năng lượng đó. Tôi không nói “ý nghĩa” theo cách hiểu thông thường, như khi ta nói “Đây là ý nghĩa cuộc đời tôi”; tôi cũng không định nói về điều gì đó đã là chân lý, như “hai cộng hai bằng bốn”. Thay vào đó, tôi đang nói về cảm giác sống có ý nghĩa – cái trải nghiệm được sống thật sự, ở đây và bây giờ. Đó là một ý nghĩa sâu sắc, khó có thể diễn tả thành lời, bởi vì nó là trải nghiệm chứ không phải định nghĩa.
Các câu hỏi đưa chúng ta đến gần trải nghiệm đó hơn, mặc dù chúng thường trái khoáy ở chỗ, lần đầu tiên ta đặt câu hỏi, câu trả lời ngay lập tức phát ra là câu trả lời đã được lập trình. Đào sâu vào những câu hỏi này, nhìn sâu vào bên trong mình, chính là tu tâm. Điều quan trọng nhất là gì? Rất nhiều câu trả lời có sẵn bên trong chúng ta bởi chúng ít nhiều khiến ta cảm thấy thoải mái, an tâm hoặc tự tin, nhưng chúng đã tước đi trải nghiệm phong phú của việc được hiện diện, được tồn tại, được sống và làm gì đó trên đời này. Cái giá của việc không đặt ra những câu hỏi sâu sắc là chúng ta có xu hướng sống máy móc, chủ yếu dựa trên những gì mà văn hóa, xã hội, gia đình và bạn bè đã lập trình sẵn trong đầu ta, từ những gì ta được dạy bảo và từ “sự thật” của đám đông mà hầu hết mọi người đều rơi vào mà không hề hay biết. Bất kỳ ai đạt được thành tựu xuất sắc ở một lĩnh vực nào đó, đặc biệt là về tâm linh như Đức Phật, Chúa Giê-su hoặc nhiều người khác, cũng đều có xu hướng nghi vấn về “sự thật” của đám đông. Họ không chấp nhận thứ tín ngưỡng có thể xoa dịu tâm trí họ; họ không tuân theo vì nhà chức trách bảo thế là đúng hay đó là cách mà thế giới vận hành; họ tự khám phá những vấn đề này bên trong chính họ.
Nhà thần thoại học vĩ đại Joseph Campbell đã diễn giải ý của Carl Jung rằng: tôn giáo sinh ra là để ngăn chúng ta khỏi trải nghiệm linh thiêng thực sự. Sao lại như vậy? Vì nó bảo chúng ta rằng mọi thứ đều nằm gọn trong một hệ tư tưởng thần học hay tín ngưỡng cụ thể nào đó. Chúng ta đáp: “Được rồi, tôi thấy đúng đấy, tôi đồng ý, mọi sự phải vậy mới đúng”, nhưng việc làm thế đẩy chúng ta xa rời hành trình khám phá thực sự, bởi vì chúng ta chỉ có thể khám phá cái ta còn chưa biết.
Giáo điều mang cái đã biết đổ đầy khoảng trống chưa biết trong ta; tôn giáo lấp đầy ta, thế là chúng ta cứ thế đi loanh quanh với một hệ tư tưởng, mà chính nó đã ngăn ta đến với những trải nghiệm tinh thần linh thiêng đúng nghĩa. Nói thế không có nghĩa là những tín đồ tôn giáo không có trải nghiệm tinh thần linh thiêng. Họ cũng có thể có những trải nghiệm đó, bất chấp tín ngưỡng của họ là gì. Dù cho theo tôn giáo nào, họ cũng vượt lên trên những giáo điều và những hệ tư tưởng của tôn giáo đó.
Không quan trọng tín ngưỡng của chúng ta là gì – hữu thần, vô thần, nhị nguyên, nhất nguyên, chính những câu trả lời của chúng ta làm ta mù quáng. Chúng ta nấp đằng sau những câu trả lời đó, dùng chúng để bảo vệ bản thân khỏi những bất an to lớn khi đối mặt với sự bối rối và hoài nghi của chính mình, cũng như những nỗi lo sợ khi ta tiến vào các tầng ý thức sâu hơn của chúng ta.
Ngay cả khi đã biết chối từ những câu trả lời được mớm sẵn thì chúng ta vẫn có thể đặt ra những câu hỏi đã bị lập trình. Đôi khi, những câu hỏi hữu ích sẽ vô cùng nguy hiểm – chúng dường như đe dọa và thách thức cái “sự thật” của đám đông. Những câu hỏi kiểu ấy sẽ làm rung chuyển thế giới quan của bạn. Khi tự hỏi những câu như vậy, bạn sẽ bắt đầu nhận thấy: chính cách bạn tự định nghĩa bản thân đã hạn chế bạn, và chúng không nói lên sự thật bạn là ai. Đấy là những câu hỏi lớn lao.
Những câu hỏi hiện sinh thường có ý nghĩa tâm linh vô cùng sâu sắc, và mỗi người đều sẽ có những câu hỏi của riêng mình. Với bạn, đó có thể là: Sứ mệnh của tôi ở cuộc đời này là gì? Chúa là gì? Cuộc sống là gì? Cái quái gì đang xảy ra ở đây? Với tôi, đó là một câu hỏi tâm linh khá phổ biến – Tôi là ai? – nó thách thức những giả định của tôi. Hồi mới tu tập, câu hỏi này xuất hiện trong lúc tôi đang hành thiền. Tôi nghĩ: Khoan đã. Tôi thậm chí không biết mình là ai. Tôi thậm chí không biết cái “tôi” đang tìm kiếm sự giác ngộ là ai. Nếu không biết mình là ai, tôi dựa vào đâu mà đặt câu hỏi khác? Tôi ý thức được rằng mình đang theo đuổi sự giác ngộ, nhưng tôi thậm chí còn không biết cái người theo đuổi sự giác ngộ đó là ai. Tôi nhận ra tốt hơn hết là tôi nên tìm hiểu chính con người mình. Đột nhiên tôi nhìn mọi thứ khác đi – sự giác ngộ mà tôi tìm kiếm dường như không quan trọng bằng việc ai đang tìm kiếm nó. Câu hỏi đó khiến tôi băn khoăn. Giống như một cái tát vào mặt, nó sắp xếp lại thứ tự ưu tiên của tôi, bởi vì nó là một câu hỏi sâu sắc hơn rất nhiều những gì tôi từng hỏi bản thân. Ngay khi câu hỏi đó đến với tôi, tôi biết mình đã tìm thấy hướng đi; tôi đã tìm thấy điều quan trọng nhất trong đời sống tinh thần của mình.
Khi chúng ta tìm thấy điều quan trọng nhất, nó đến với chúng ta một cách rất mãnh liệt và làm chúng ta cảm thấy bất an, bởi vì nó khiến mọi thứ đều trở thành câu hỏi. Nó xáo trộn tất cả, nhưng đồng thời cũng đầy cảm hứng, bởi vì khi chúng ta đặt một câu hỏi thực sự quan trọng, nó sẽ mở ra cho ta nguồn năng lượng to lớn và giá trị. Thường thì câu trả lời thực sự cho những câu hỏi hiện sinh này không phải là điều tôi có thể viết ra trong một cuốn sách; chúng giống như khoảnh khắc chợt ngộ ra hơn. Giống như bạn không thể mô tả trải nghiệm uống nước cho một người chưa từng uống một cốc nước; điều tốt nhất bạn nên làm là đưa họ một cốc nước để họ tự mình trải nghiệm. Dù bạn tả nước như thế nào, thì cảm giác cũng sẽ không giống như khi bạn tự thưởng thức nó.
Những câu hỏi quan trọng có thể làm gì? Chúng mở ra một không gian bên trong chúng ta, xóa đi định kiến để những thứ tươi mới có thể nảy sinh. Những câu hỏi của bạn có cả vẻ đẹp, nguồn cảm hứng lẫn sự bất an – đó là nơi tiềm tàng khả năng và sự thông tuệ của bạn. Trên thực tế, khi giảng dạy về tâm linh, tôi phát hiện ra rằng một trong những điều quan trọng nhất mà tôi có thể làm là đặt câu hỏi về những giả định mà mọi người thường tin tưởng, răng sự thức tỉnh tâm linh là điều rất hiếm hoi. Ngay cả những học viên nhiệt tâm nhất cũng tin rằng đó là điều phi thường, khó khăn. Nhưng nếu nó thực sự không hiếm hoi, khó khăn như vậy thì sao? Nếu quan niệm đó không đúng thì sao? Hãy đặt câu hỏi về những giả định của bạn, hãy xem như bạn chưa biết điều gì.
Đặt câu hỏi lật tung lên tất cả. Và khi làm như vậy; chúng ta sẽ nhận ra chúng ta hoàn toàn có thể đạt đến sự thức tỉnh.