SỨC MẠNH CỦA PHƯƠNG PHÁP MỒI TÍCH CỰC

MARC LESSER

Trích: Điềm Tĩnh Trong Bận Rộn - ít hơn hiệu quả hơn; dịch giả: Thu Hương; NXB Thanh Niên

Phần lớn thời gian, chúng ta đơn giản chi hành động một cách tự động mà không suy nghĩ. Cách suy nghĩ và hành động của chúng ta, mức độ hiệu quả của những suy nghĩ và hành động tức thời thực ra nhạy cảm với các tác động bên ngoài hơn chúng ta tưởng nhiều.
– Malcolm Gladwell, Trong chớp mắt

John A. Bargh và Tanya L. Chartrand trong cuốn The Unbearable Automaticity of Being (Tạm dịch: Tính tự động không thể cưỡng nổi của sự tồn tại) miêu tả một thí nghiệm họ thực hiện, trong đó hai nhóm sinh viên được đưa cho cùng một danh sách câu hỏi toán học và tài chính giống nhau để trả lời. Trong căn phòng của một nhóm, người ta đặt một cặp tài liệu trên bàn. Trong căn phòng của nhóm còn lại, một chiếc ba lô được đặt trên bàn. Nhóm có cặp tài liệu đạt được điểm cao hơn đáng kể so với nhóm có chiếc ba lô. Cặp tài liệu, vật gợi lên hình ảnh của kinh doanh và sự tranh đua, mồi cho người tham gia trở nên tập trung và cạnh tranh hơn so với chiếc ba lô, vật mồi cho mọi người về những chuyến dạo chơi thư giãn hoặc đi bộ đường dài. “Mồi” (Priming) là một thuật ngữ tâm lý đề cập tới những biểu tượng và liên tưởng trong trí nhớ gây ảnh hưởng tới hành vi. Hành động “mồi” giúp chuẩn bị hoặc khiến đối tượng bị mồi trở nên nhạy cảm. Ví dụ, sau khi bị mồi bởi việc đọc từ “computer” (máy tính), bạn sẽ có xu hướng điền từ “computer” cao hơn khi được yêu cầu điền vào một từ bắt đầu với chỉ sau đó, Chúng ta đều có thể sử dụng phương pháp mồi để tạo ra những liên tưởng tích cực, từ đó dẫn tới những kết quả tốt hơn, như các thành viên trong thí nghiệm đã chứng minh.

Gần đây, một khách hàng của tôi, một doanh nhân rất thành công và có tầm nhìn, đã cho biết thời gian biểu này: tiếp theo như sau: “Tôi có một cuộc họp vào buổi sáng lúc 8h, tiếp đó là một cuộc họp lúc 9h ở bên kia thành phố. Sau đó tôi có một cuộc họp trực tuyến lúc 9h45 và 10h30 quay lại họp ở văn phòng. Ngày mai tôi sẽ thực sự rất bận”.

Tôi ngắt lời cô ngay lúc đó. “Vậy có lên kế hoạch để có một ngày như vậy à? Cô đã nghĩ về chuyện này chưa? Đây có thực sự là điều cô muốn không? Cô cảm thấy thế nào? Lên kế hoạch khác đi thì sao? Có thể sắp xếp thời gian khả thi hơn không?”

“Được rồi.” Cô cười lớn. “Ít nhất tôi sẽ dời lịch cuộc họp lúc 9h sáng, và cố gắng để cuộc họp trực tuyến có thể linh hoạt về thời gian. Đúng, tôi sẽ lên kế hoạch để có một ngày hào hứng và thậm chí có thể là thư giãn nữa.

Khi bạn tham dự cuộc họp sắp tới ở chỗ làm, hãy chú ý đến những niềm tin của bạn về bản thân và về quy trình của cuộc họp. Nếu cả hai đều tiêu cực, bạn có thể nhìn nhận lại chúng theo cách tích cực không? Bất cứ khi nào tiếp cận một nhiệm vụ, chúng ta đều nên dừng lại, kiểm soát những dao động trong tâm trí và chắc chắn rằng thái độ và kỳ vọng của mình là tích cực. Nếu sự hiện diện của một chiếc ba lô có thể ảnh hưởng đến khả năng giải toán của một người, thì thái độ và những tưởng tượng của bạn về kết quả của tình huống còn có sức mạnh đến thế nào? Trong tuần tiếp theo, trước khi bắt đầu một cuộc hội thoại, thực hiện một nhiệm vụ, hoặc tham gia một cuộc họp, hãy chú ý đến thái độ của mình về chúng. Những lo lắng, băn khoăn và nghi ngờ thường góp phần tạo ra những niềm tin chặn đứng sự sáng tạo và ngăn cản chúng ta tận hưởng quá trình. Giống như chiếc ba lô, chúng có thể vô tình phá hủy kết quả mà chúng ta mong muốn nhất.

Những lo lắng, băn khoản và nghi ngờ thường góp phần tạo ra những niềm tin chặn đứng sự sáng tạo và ngăn cản chúng ta tận hưởng quá trình.

Ovid, một nhà thơ La Mã kể câu chuyện về nhà điêu khắc Pygmalion, người tạo ra bức tượng một người phụ nữ lý tưởng. Bức tượng đẹp đến nỗi Pygmalion yêu say đắm tác phẩm của chính mình. Pygmalion cầu nguyện thần linh, xin họ đem lại sự sống cho bức tượng. Bức tượng của ông trở thành người thật và họ sống bên nhau hạnh phúc mãi mãi về sau. Ngày nay, hiệu ứng Pygmalion là cái tên được đặt cho hiện tượng niềm tin của chúng ta ảnh hưởng đến kết quả. Ví dụ, hai nhà nghiên cứu giáo dục Robert Rosenthal và Lenore Jacobson, trong cuốn sách Pygmalion in the Classroom, chỉ ra rằng trong lớp học, niềm tin của giáo viên về tiềm năng của học sinh có ảnh hưởng sâu sắc lên kết quả học tập của học sinh đó. Do vậy, điều chúng ta tin, hoặc điều chúng ta bị người khác hoặc môi trường mồi để tin, có thể trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm.

Hiệu ứng Pygmalion thường được viện dẫn theo nghĩa tiêu cực, như một cách những niềm tin có thể hạn chế và điều khiển chúng ta, nhưng thực ra hiệu ứng này không tốt cũng không xấu. Điều chúng ta tin ảnh hưởng đến kết quả. Chúng ta có thể nhận thức về những niềm tin này, và nếu cần thiết chúng có thể được nhìn nhận lại để hỗ trợ những nỗ lực của chúng ta. Vì chúng ta liên tục bị mồi, tại sao không sử dụng hiệu ứng này để đạt được những kết quả tích cực?

Chúng ta thường giữ những niềm tin giới hạn và bất lợi cho bản thân bởi vì chúng dường như an toàn hơn. Những ý tưởng này phản ánh điều chúng ta nghĩ là mình biết về bản thân hoặc thế giới (ví dụ: Tôi không phải một người nấu ăn giỏi, Tôi không nói tốt trước đám đông). Đôi khi chúng ta thậm chí chống lại những thay đổi tích cực thay vì từ bỏ những gì mình đang có. Những điều ta đang có dường như đem lại sự dễ chịu, dù thực tế kết quả khá là không dễ chịu.

Dưới đây là một số cách để thử nghiệm với những niềm tin cởi mở hơn. Hãy khám phá cách những niềm tin có thể được biến đổi, từ đó làm thay đổi suy nghĩ, hành động cũng như giảm bớt mức độ phản kháng tổng thể của bạn. Đây là một danh sách tôi mới tạo ra cho bản thân. Hãy lập danh sách những niềm tin giới hạn của riêng mình và diễn đạt chúng thành những niềm tin cởi mở hơn. Bạn có thể tham khảo danh sách của tôi như một hướng dẫn. Sau đó, hãy viết những niềm tin mới vào giấy nhớ hoặc ba đến năm tấm thể như những lời nhắc nhở hàng ngày để đặt trong văn phòng cho vào ví hoặc túi xách. Mỗi lần, hãy chú ý đến cách mà mỗi niềm tin cởi mở này thách thức những niềm tin cũ của bạn. Ngoài ra, xem xét cả những gì bạn có được khi giữ những niềm tin cũ. Luôn có những lí do – thường khá hấp dẫn mặc dù không đặc biệt hữu ích – khiến chúng ta giữ những niềm tin giới hạn này trong thời gian dài như vậy.

NHỮNG NIỀM TIN GIỚI HẠN PHỔ BIẾN / NHỮNG NIỀM TIN CỞI MỞ HƠN

Tôi không có thời gian (Tôi quá bận rộn!) / Tôi biết rõ những ưu tiên và khả năng đáp ứng của mình.

Tôi không có đủ kinh nghiệm. / Tôi biết những điểm mạnh của mình và những gì tôi cần học hỏi.

Tôi không đủ thông minh. / Tôi thích học những điều mới mẻ và tôi đủ thông minh.

Tôi không xứng đáng. / Tôi làm việc hiệu quả hơn tôi nghĩ.

Tôi thường khá cứng đầu. / Tôi có thể học từ những sai lầm của mình.

Tôi không có nguồn lực. / Tôi biết cách chiêu mộ người khác và tập hợp những nguồn lực cần thiết.

Những niềm tin tự giới hạn gây trở ngại nhiều hơn ta có thể tưởng tượng. Việc nhận thấy và sở hữu chúng thỉnh thoảng có thể làm chúng ta xấu hổ. Không dễ dàng để khám phá và nhận thức về chúng, và đây là một quá trình chúng ta có thể sẽ không bao giờ hoàn thành. Khi chúng ta vượt qua và giải quyết được những niềm tin tiêu cực và nỗi sợ đang tồn tại, những niềm tin tiêu cực mới và có lẽ còn sâu sắc hơn có thể xuất hiện, và chúng ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với chúng.

 

 

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. BÍ MẬT CỦA HẠNH PHÚC: THÓI QUEN
  2. QUY TRÌNH BỐN BƯỚC CHO SỰ SÁNG TẠO TRUYỀN CẢM HỨNG
  3. THIỀN SƯ VÀ NHÀ LÃNH ĐẠO KINH DOANH

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP