SỨC MẠNH CỦA SỰ CHIA SẺ

AZIM JAMAL - HARVEY McKINNON

Trích: Cho Đi Là Còn Mãi; Tác giả: Ạjim Jamal - Harvey McKinnon; NXB Trẻ

Chúng ta không thể phủ nhận rằng, thế kỷ 21 mà chúng ta sống hiện nay đang diễn ra những cạnh tranh hết sức gay gắt, khốc liệt, đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực rất nhiều trong công việc cũng như trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Dường như chúng ta chẳng bao giờ có đủ thời gian để làm những việc cần thiết, chẳng hạn: theo kịp một dự án, hoàn tất một công việc nào đó, hay dành thời gian cho gia đình, bạn bè, kiếm đủ tiền để mua nhà, sắm sửa tiện nghi trong gia đình.
Phải đối mặt với quá nhiều thử thách mỗi ngày khiến bạn luôn tự hỏi: “Tại sao tôi phải mất thời gian quan tâm đến việc chia sẻ?”, hay: “Tôi đang phải đương đầu một cách gay go với mọi áp lực, làm sao mà có thời gian, sức lực và cảm hứng để chia sẻ với người khác?”, hoặc là: “Chẳng thấy ai cho không tôi cái gì cả, mọi thứ tôi có được đều là do sự nỗ lực phấn đấu của chính bản thân tôi, thế thì tại sao tôi lại phải chia sẻ với người khác?”.v.v.
Thật ra, sự chia sẻ có một sức mạnh lớn lao mang lại niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe cho chính bạn. Trong chương này, chúng tôi hy vọng giúp bạn thấy, dù đang sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả khi bạn đang gặp một số khó khăn trong cuộc sống, bạn vẫn có khả năng để chia sẻ với người khác.
NHỮNG QUÀ TẶNG TRONG ĐỜI
Có lẽ trên đời này không có món quà nào quý giá bằng sự quan tâm sâu sắc, những hy sinh cao cả và niềm kỳ vọng lớn lao mà mỗi người nhận được từ cha mẹ. Thế nhưng cha mẹ không phải là người duy nhất cho chúng ta. Trong suốt cuộc đời, chúng ta còn nhận được rất nhiều từ những người khác, như quà tặng từ các thầy cô giáo, những người bà con, và thậm chí từ những người xa lạ nữa. Trường học, bệnh viện, đường sá, công viên… được xây dựng nhờ công sức, mồ hôi nước mắt và tiền đóng thuế của biết bao người.
Thật ra, hầu hết những gì ta có trong đời đều do công sức lao động khổ nhọc của người khác tạo ra. Cuộc sống êm ả thanh bình mà chúng ta có được ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh máu xương của biết bao thế hệ đi trước. Khi nghĩ như vậy, bạn sẽ thấy mọi người trong thế giới này đều chung tay góp sức làm nên điều khác biệt cho cuộc sống của bạn, mang lại nguồn cảm hứng vô tận và góp phần làm cho cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn. Vậy thì tại sao bạn lại không có những tác động tích cực ngược trở lại đối với cuộc sống của những người xung quanh mình?
Bạn thử suy nghĩ về một vài con số thống kê trên thế giới sau đây:
  • Cứ 4 người thì có 1 người bị đói.
  • Một tỉ người không có nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt.
  • Có ít nhất 200 triệu người đang chịu đựng nỗi đau khủng khiếp của chiến tranh, của tù tội và sự thống khổ về thể xác lẫn tinh thần.
  • Cứ cách vài giây lại có một trẻ em bị chết vì những căn bệnh mà chúng ta có thể ngăn ngừa được.
  • Một phần bảy dân số thế giới chưa biết chữ.
Trong cuộc sống có rất nhiều thử thách mà chúng ta phải vượt qua. Để đối mặt với nó, chúng ta có hai cách để lựa chọn. Hoặc là dành một chút thời gian giúp đỡ những người chung quanh và nghĩ đến việc mình có thể thay đổi cách sống, hướng tới một tương lai tốt đẹp, hoặc là chẳng làm gì cả và điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn đang để tuột mất những giá trị của sự chia sẻ. Bạn cũng có thể thấy rằng, khi mọi người cùng ngồi lại với nhau để tìm cách giải quyết những vấn đề khó khăn thì chúng ta thường nhận được hơn là mất đi, đặc biệt là mỗi khi ta tự nguyện giúp đỡ một ai đó.
GIÁ TRỊ CỦA SỰ CHIA SẺ
Bạn hãy hiểu rằng, khi bạn cố gắng chia sẻ, giúp đỡ người khác là bạn đang tự giúp chính mình. Nhờ đó bạn có thể có được những điều sau đây:
  • Tạo thêm được những mối quan hệ mới
  • Cảm thấy an toàn
  • Có thêm những hoạt động thú vị
  • Có sức khỏe tốt hơn
  • Cảm thấy tự hào và thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn sau khi làm được việc tốt.
  • Hạnh phúc
  • Thanh thản và yêu thương
Cho đi chính là nhận lại – điều này nghe có vẻ nghịch lý nhưng lại là một sự thật mà rất nhiều người công nhận. Chỉ trừ khi bạn cho đi với dụng ý được nhận lại – đó là lúc mà hành động vốn cao đẹp này bị mất đi ý nghĩa – thì bạn sẽ chẳng nhận lại được gì cả. Sự chia sẻ thật sự phải xuất phát từ tình cảm chân thành của con tim, từ chính niềm vui cùng lòng vị tha của chúng ta. Động lực của sự chia sẻ hoàn toàn là do tự nguyện mà không cần đền đáp. Có như vậy, sự chia sẻ mới mang lại nhiều ý nghĩa. Các bậc cha mẹ chia sẻ thức ăn, chỗ ở và tình yêu thương cho con cái, đơn giản chỉ vì họ yêu quý các con chứ không phải vì họ mong chờ được con yêu thương lại. Suy cho cùng, ý nghĩa của sự chia sẻ rất cao đẹp, nhưng đôi khi chúng ta lại làm hoen ố ý nghĩa cao đẹp của nó, nếu như chúng ta trao tặng để rồi chỉ mong được người khác công nhận và trông chờ được đền đáp. Điều này đã làm cho cả người cho lẫn người nhận đều không còn nhận thấy giá trị tốt đẹp của việc chia sẻ nữa.
Sự chia sẻ tạo nên những mối quan hệ mới 
Các nhà tâm lý học nhận thấy từ trẻ sơ sinh cho đến người trưởng thành đều luôn khao khát mối quan hệ tác động qua lại giữa người với người. Những đứa trẻ không được lớn lên trong tình yêu thương thì khi trưởng thành, dù rất khao khát nhưng vẫn rất khó để có được một đời sống ổn định về cảm xúc. Người trưởng thành cũng gặp những tổn thương tương tự. Thiếu vắng những mối giao lưu thân tình với người khác, tâm hồn chúng ta thường bị lệch lạc.
Thật vậy, cuộc sống của chúng ta được hình thành từ các mối quan hệ khác nhau, là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Qua đó, ta nhận thức về thế giới, về bản thân và ngay cả “số phận” của mình: Những người có mối quan hệ tốt đẹp với người khác thì mau trưởng thành hơn, sống hạnh phúc hơn, tâm hồn trở nên rộng rãi hơn. Linh mục Thomas Merton đã từng viết: “Tâm hồn của chúng ta cũng giống như các vận động viên, luôn cần có đối thủ ngang sức ngang tài để thể hiện đầy đủ sức mạnh của mình”. Các cơ bắp sẽ trở nên yếu đi nếu không được luyện tập thường xuyên và đầy đủ. Tâm hồn của bạn cũng như thế! Và cách luyện tập tuyệt vời nhất là hãy biết chia sẻ và làm điều tốt cho người khác những khi có thể.
Sự chia sẻ tạo cho bạn cảm giác an toàn 
Sự chia sẻ cũng làm giảm bớt những nỗi sợ hãi, nhàm chán trong cuộc sống của chúng ta do nó thúc đẩy những mối giao tiếp xã hội và làm tăng cảm giác sống có mục đích, cảm giác an toàn cho mỗi người.
Một kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, những người xem nhiều tin tức trên truyền hình thường lo sợ thái quá về những mối hiểm nguy đối với cuộc sống bình yên, hạnh phúc của họ. Nguyên do là vì phần lớn các chương trình truyền hình đều tập trung đưa những bản tin, những hình ảnh rùng rợn, bất an, làm nảy sinh tâm lý hoang mang, sợ hãi trong lòng khán giả. Và đáng ngại hơn, cuộc sống hiện đại đang xuất hiện ngày một nhiều “những cái kén người” tìm cách sống thu mình lại. Nói cách khác, những người này chỉ muốn tự nhốt mình trong tháp ngà của những mối quan hệ với người thân mà đánh mất dần quan hệ tốt đẹp với hàng xóm. Chính lối sống ích kỷ này càng làm cho họ dễ bị kẻ xấu tấn công và dễ gặp những chuyện nguy hiểm hơn.
Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là hãy đối mặt với chúng, từ đó bắt đầu một quá trình tạo nên sự khác biệt. Cội nguồn của mọi hiểm nguy đều xuất phát từ hệ quả của những mặt trái xã hội, nhưng thường thì chúng ta không dám nhìn thẳng vào những vấn đề này. Bản chất của sự việc diễn ra không quan trọng bằng cách mà chúng ta đón nhận những sự việc đó. Chúng ta cần có thái độ thích hợp để làm giảm thiểu những nguyên nhân gây ra mọi bất ổn trong cuộc sống của mình.
Những giá trị mới từ sự chia sẻ 
Sự chia sẻ là bí quyết then chốt để mỗi chúng ta tự vượt lên chính mình. Bạn hãy dành thời gian để giúp đỡ, an ủi, hoặc đơn giản là ở bên cạnh người khác mỗi khi họ cần, điều này sẽ làm cho các mối quan hệ của bạn trở nên gần gũi hơn. Từ đó, tâm lý tự cho mình là nhân vật trung tâm chắc chắn sẽ giảm dần đi; đồng thời, bạn còn thoát khỏi cảm giác sợ hãi và cô đơn thường ngự trị trong lòng mình. Kết quả dự án nghiên cứu rất quy mô của Robert Putnam, được trình bày trong quyển Bowling Alone cho thấy rõ: việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người khác sẽ giúp cho chúng ta được an toàn, khỏe mạnh, hạnh phúc, và thậm chí còn có thêm lợi nhuận nữa. Bạn đã bao giờ có cơ hội tìm được việc làm tốt nhờ vào những mối quan hệ tốt đẹp chưa? Rồi trong những lúc lâm vào hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo, bạn có được người hàng xóm giúp đỡ không? Những lúc bạn kiệt sức, bạn bè của bạn đã giúp bạn chăm sóc con cái? Danh sách những việc mà chúng ta cần người khác giúp đỡ còn dài lắm! Và chính trong những lúc vất vả, thậm chí trong hoạn nạn, chúng ta mới nhận ra ai là người bạn tốt nhất của mình!
Sự chia sẻ giúp bạn có được sức khỏe tốt 
Kết quả nghiên cứu của Viện Hàn lâm Y học Hoa Kỳ chứng minh rằng, những ai dành nhiều thời gian để chia sẻ, giúp đỡ người khác thường tạo được những ảnh hưởng rất tốt cho thể chất lẫn tinh thần của họ. Một bài báo đăng trên tạp chí American Health tháng 5/1988 phân tích các nghiên cứu về đề tài này cho thấy: hoạt động tình nguyện chia sẻ, giúp đỡ người khác góp phần làm tăng tuổi thọ, tăng hạnh phúc của mọi cá nhân. Đó là do sự chia sẻ góp phần làm cho chúng ta giảm bớt cảm giác nhàm chán và làm tăng cảm giác sống có mục đích. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người không tham gia hoạt động tình nguyện có nguy cơ đột tử cao gấp 2,5 lần so với người tham gia hoạt động tình nguyện ít nhất mỗi tuần một lần.
Bài báo còn mô tả những lợi ích khác mà các nhà khoa học tìm thấy qua các hoạt động tình nguyện:
  • Tăng cường khả năng miễn dịch
  • Làm giảm lượng cholesterol trong máu
  • Tăng cường sức mạnh của tim
  • Giảm nguy cơ tức ngực
  • Giảm căng thẳng
Thế giới này sẽ trở nên khác biệt và tốt đẹp hơn rất nhiều khi mọi người đều biết chia sẻ và cảm thông với bản thân mình và với người khác.
Sự chia sẻ giúp bạn phát huy năng lực tiềm ẩn của bản thân
Có một chuyện kể rằng nhà hiền triết Rumi một hôm hỏi Thượng Đế khi thấy Ngài đi ngang qua những người ăn mày đang ngồi bên vệ đường mà không mảy may cho họ một xu nào: “Thưa Thượng Đế, tại sao Ngài không giúp gì cho những người ăn mày này?”. Thượng Đế trả lời:“Ta đã làm một điều là sáng tạo ra các ngươi”.
Thông điệp mà nhà hiền triết muốn gửi đến cho chúng ta qua câu chuyện này đó là: Mỗi chúng ta đều có khả năng làm những gì chúng ta muốn để cải thiện đời sống của mình – khả năng “đánh thức” những năng lực còn tiềm ẩn của bản thân.
Hầu hết mọi người chỉ mới sử dụng một phần nhỏ năng lực của mình. Và chắc chắn lâu nay mỗi chúng ta đều chưa từng khám phá và khai thác hết những năng lực tiềm ẩn mà chúng ta có! Trong những lúc người khác cần sự giúp đỡ, chỉ cần bạn đưa tay ra cho họ thì điều đó cũng giống như một ngọn nến được thắp sáng lên để xua đi màn đêm tăm tối. Hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời này là được cho đi tình yêu thương, để rồi những yêu thương đó lại thắp sáng trong lòng bạn, thúc đẩy bạn vươn tới những tình cảm cao thượng, quên đi những tị hiềm nhỏ nhen để cho tình cảm giữa người với người trong cuộc sống được thăng hoa. Khi bạn làm được điều đó, tức là bạn đã có thể phát huy hết những năng lực tiềm ẩn trong bạn, để giúp đỡ chính mình và người khác.
Cho đến năm 1997, Azim là một kế toán chuyên nghiệp. Vào năm 1993, ông trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị về phúc lợi xã hội trong cộng đồng nơi ông cư ngụ và ông đã tình nguyện làm việc cho nơi này 20-25 tiếng mỗi tuần. Nhưng khi có lời mời gọi đóng góp cho quỹ phát triển của Tổ chức Nhân đạo Focus, ông đã nhanh chóng nhận lời mời này để đến trại tị nạn Afghanistan ở Pakistan trong vài tuần.
Trong khoảng thời gian ở Pakistan, Azim đã có dịp chứng kiến nhiều mảnh đời đau khổ có sức lay động lớn đến tâm hồn ông. Ông đã nghe kể nhiều chuyện về cuộc sống mà những người tị nạn Afghanistan đã trải qua sau chiến tranh. Chạy trốn khỏi Afghanistan chỉ với vài bộ đồ trên người, có người đã tận mắt chứng kiến cảnh cha mình bị giết như thế nào. Họ đã làm việc 14 tiếng một ngày chỉ để kiếm được 1 đô-la. Azim cũng đã gặp những em nhỏ người Afghanistan cùng lứa tuổi với con ông đang phải sống cảnh khốn cùng. Những câu chuyện đó cứ mãi ám ảnh ông: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các con tôi cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự như thế này?”. Ông đã nghe nhiều điều tốt đẹp về những mối quan hệ khác nhau trong xã hội, chúng nối kết nhiều tâm hồn với nhau trong sự chia sẻ, bao dung; nhưng đây là lần đầu tiên ông thực sự cảm nhận được cảm xúc chia sẻ và bao dung đó. Lúc ngồi trên xe tắc-xi trở về khách sạn, ông đã khóc hồn nhiên như một đứa trẻ.
Suốt đêm hôm đó, ông không sao chợp mắt được. Ông cứ nằm trằn trọc và trăn trở, tự hỏi làm thế nào có thể giúp đỡ những đứa trẻ ấy. Cuối cùng, ông nhận ra rằng, nếu tiếp tục làm một kế toán chuyên nghiệp, ông không thể nào tạo ra được những tác động lớn để giúp đỡ những người khốn khổ, và đó cũng là lúc ông không còn tha thiết gì với nghề kế toán của mình nữa. Ngay chính trong cái đêm nhiều trăn trở đó, ông đã đưa ra một quyết định tạo nên bước ngoặt mới trong đời mình, đó là theo đuổi sự nghiệp viết lách và diễn thuyết. Đây là điều mà trước đó ông chưa bao giờ dám nghĩ đến. Có thể nói, những ngày ở trại tị nạn Afghanistan mang lại những trải nghiệm sâu sắc làm thay đổi cả cuộc đời Azim, giúp ông tiến gần hơn đến con đường phát huy năng lực tiềm ẩn của bản thân.
HỆ THỐNG THANG BẬC VỀ NHU CẦU CỦA MASLOW

Một số người cho rằng, họ không thể chia sẻ với người khác vì ngay cả bản thân họ còn chưa thỏa mãn được những nhu cầu thiết yếu của mình. Có lẽ những người này vẫn còn đang dựa vào hệ thống thang bậc về nhu cầu của Abraham Maslow. Qua nhiều năm nghiên cứu, Maslow đã đưa ra một kim tự tháp về tám thang bậc biểu thị những nhu cầu của con người bao gồm:

Nhu cầu căn bản đầu tiên mang tính sinh học rất cần thiết đối với sự sống của chúng ta như: nước, thức ăn, chỗ ở, giấc ngủ, tình dục…

Nhu cầu thứ hai là nhu cầu về sự an toàn, tức là nhu cầu được bảo vệ, che chở tránh những nguy hiểm do thiên nhiên gây ra và do trật tự xã hội quy định.

Nhu cầu thứ ba bao gồm những nhu cầu về xã hội như: tình yêu, gia đình, các mối quan hệ, công ăn việc làm…

Nhu cầu thứ tư là nhu cầu được thể hiện cái tôi của mỗi người thông qua sự thành đạt, sự nổi tiếng, bổn phận, trách nhiệm, sự tự do, độc lập…

Nhu cầu thứ năm đề cập đến nhu cầu về nhận thức bao gồm: kiến thức, hiểu tường tận ý nghĩa các sự việc, sự tự nhận thức…

Nhu cầu thứ sáu thể hiện những yếu tố về thẩm mỹ: vươn tới vẻ đẹp hài hòa và cân đối của cơ thể.

Nhu cầu thứ bảy là nhu cầu được thể hiện đầy đủ năng lực tiềm ẩn của bản thân. Nhu cầu này được thỏa mãn qua sự trưởng thành của mỗi cá nhân, sự tự hoàn thiện và sử dụng được tiềm lực của riêng mình.

Nhu cầu cuối cùng là nhu cầu về tâm linh, được thể hiện qua tính siêu việt và nhu cầu giúp đỡ người khác phát huy năng lực tiềm ẩn.

Theo Maslow thì các nhu cầu của con người phải thỏa mãn trình tự tám thang bậc mà ông đưa ra. Ông cho rằng, mỗi cá nhân sau khi đạt được một nhu cầu căn bản nào đó thì mới tiếp tục hành động để thỏa mãn những nhu cầu tiếp theo.

Tám thang bậc về nhu cầu của Maslow cơ bản là rất hợp lí. Nhưng thực tế cho thấy việc thỏa mãn những nhu cầu này không nhất thiết lúc nào cũng phải đi theo một trình tự từ thấp đến cao. Chẳng hạn, một người nào đó đang cố gắng để hoàn thiện nhu cầu thứ ba (nhu cầu về xã hội), nhưng phải qua kiến thức (nhu cầu thứ năm) thì nhu cầu này mới được thực hiện.

Chia sẻ để tìm thấy hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống 
Tất cả mọi người đều khát khao cảm nhận ý nghĩa cuộc sống, khát khao vươn đến sự hoàn thiện và mong muốn nhận ra hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình. Thế nhưng điều này sẽ không bao giờ đạt đến được nếu bạn luôn mang bên mình sự ích kỷ, luôn tự cho mình là nhân vật trung tâm. Sự chia sẻ phải bắt nguồn từ mong muốn đem lại hạnh phúc cho người khác, khơi dậy niềm tin và lòng can đảm đương đầu với nghịch cảnh để tạo nên sự khác biệt cho đời. Mẹ Teresa là một tấm gương điển hình về sự chia sẻ hạnh phúc. Mẹ đã tìm thấy sự mãn nguyện trong cuộc sống khi tận tâm giúp đỡ và làm thay đổi vẻ mặt của những người hấp hối từ chỗ đầy buồn đau, sợ hãi đến trạng thái thanh thản và bình an. Bằng cách cống hiến đời mình cho người khác, mẹ đã góp phần làm dịu bớt nỗi đau và giúp họ thêm can đảm.
Tôi muốn kể cho các bạn một câu chuyện ngụ ngôn thú vị: Có một người sắp chết đuối, mọi người vây quanh hô lớn: “Hãy đưa tay ông ra cho chúng tôi cứu!” nhưng ông ta lưỡng lự để rồi vật vã chống cự với dòng nước. Cuối cùng, có người đã nói: “Hãy nắm lấy tay tôi đi!” và ngay lập tức, ông ta đã nắm chặt lấy! Sự khác nhau đó là gì? Rõ ràng người đàn ông trong câu chuyện này thường được nhận nhiều hơn là cho đi và ông ta đã suýt chết vì chỉ muốn được nhận!
Nếu lâu nay bạn vẫn cảm thấy hoặc tự cho mình là một người bất hạnh trong cuộc sống, bạn hãy thử làm cho người khác hạnh phúc, bạn sẽ thấy được điều kỳ diệu xảy ra. Nếu bạn đang cảm thấy tâm hồn mình trống rỗng, bạn hãy thử làm một việc gì có ý nghĩa và xứng đáng, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn.
Điều đáng lưu ý là bạn phải thực hiện công việc một cách hăng say, nhiệt tình. Nếu sự chia sẻ của bạn không xuất phát từ những tình cảm thực sự của con tim, bạn sẽ không còn cảm thấy hứng thú và cũng không tin rằng việc làm của mình là có ý nghĩa.
Có một câu chuyện kể về một người thợ xây rất giỏi nhưng đã cao tuổi. Ông ta muốn có một cuộc sống an nhàn bên vợ con và gia đình nên đã nói với ông chủ về quyết định nghỉ hưu của mình. Người chủ rất tiếc khi phải để một người thợ có năng lực và kinh nghiệm lâu năm như ông phải nghỉ việc, nhưng cuối cùng cũng đã chấp nhận. Trước khi người thợ về nghỉ hưu, ông chủ khẩn khoản mong ông cố gắng hoàn tất một ngôi nhà cuối cùng. Dù rất muốn nghỉ, nhưng người thợ cũng đành miễn cưỡng đồng ý. Và ông ta đã xây ngôi nhà một cách cẩu thả với những vật liệu xây dựng kém chất lượng. Khi người thợ làm xong ngôi nhà, người chủ đã đến xem và vui vẻ trao chiếc chìa khóa cửa cho người thợ. Ông nói: “Đây chính là ngôi nhà của ông đấy, mong ông coi nó như một món quà về hưu mà tôi dành tặng ông!”. Nghe ông chủ nói vậy, người thợ cảm thấy thật bàng hoàng và ân hận. Giá như ông biết ngôi nhà này được dành cho chính mình thì chắc chắn ông đã xây nó theo một cách khác hẳn.
Điều này cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta. Mỗi ngày sống, qua từng việc làm và ý nghĩ, chính là lúc chúng ta đang xây ngôi nhà cho riêng mình, đang tạo dựng cuộc đời của riêng mình. Và ở một thời điểm nào đó, chúng ta tỏ ra thiếu nhiệt tình để rồi sau đó phải hối tiếc khi sống trong ngôi nhà không hoàn hảo do chính mình xây nên. Nếu được làm lại từ đầu, chúng ta sẽ làm theo cách khác.
Chính vì vậy, bạn hãy cư xử với mọi người theo cách mà bạn muốn người khác đối xử với bạn. Muốn được sống trong yêu thương, bạn hãy học cách yêu thương người khác. Dù làm bất cứ công việc gì, bạn hãy cố gắng hoàn tất bằng tất cả lòng nhiệt huyết và sự say mê. Sự chọn lựa đúng của bạn trong ngày hôm nay sẽ tạo nên một tương lai hạnh phúc cho bạn ngày mai.
CHIA SẺ ĐỂ BIẾT RẰNG ĐỜI SỐNG THẬT PHONG PHÚ
“Đời sống phong phú”- theo định nghĩa của nhà triết học và thần học Cornel West – là một cuộc sống biết chia sẻ và sống vì mọi người, cố gắng làm cho thế giới này ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Nếu bạn cho rằng bạn giàu có, nhưng lại không thể chia sẻ sự giàu có, điều tốt hay kiến thức của mình cho người khác thì chưa hẳn bạn đã là một người thật sự giàu có. Ngược lại, nếu bạn không giàu có, nhưng bạn biết dành thời gian, sức lực và sự hiểu biết để chia sẻ với những người chung quanh, cảm thông với những người có hoàn cảnh khó khăn, động viên hay giúp đỡ một ai đó, thì bạn đã là một con người rất đỗi giàu có. Bạn sẽ có nhiều bạn tốt và thấy cuộc sống của mình thêm ý nghĩa và hạnh phúc. Bạn sẽ nhận được nhiều thứ hơn cả những gì bạn mong đợi.
Mahatma Gandhi từng nói: “Luôn luôn có đủ cho người nghèo nhưng không bao giờ có đủ cho người tham lam”. Trong cuộc sống, bạn sẽ gặp không ít những người nghèo luôn tỏ lòng biết ơn, trân trọng với những điều ít ỏi mà họ có được, trong khi những người tham lam thì chẳng bao giờ cảm thấy đủ, dù cuộc sống của họ thực sự sung túc.
Nếu của cải của bạn đáng giá hàng tỷ đô-la mà bạn không thể tìm thấy động cơ nào hay một người bạn nào để chia sẻ thì bạn làm gì với số tiền đó? Bạn có thể sống trong bao nhiêu ngôi nhà? Bạn có thể lái bao nhiêu chiếc xe? Bạn có thể ăn bao nhiêu bữa mỗi ngày và thậm chí, nếu bạn tự cho phép mình phung phí, hưởng thụ thỏa thích những gì mình có được, thì bạn sẽ làm gì với phần tiền còn lại?
Có một câu chuyện kể về một nhà doanh nghiệp giàu có, không bao giờ chia sẻ bất cứ cái gì cho ai. Một hôm, có một nhà quyên góp đến xin ông ủng hộ tiền cho một tổ chức từ thiện, nhưng đã bị ông khước từ. Sau khi thuyết phục thật lâu, cuối cùng nhà quyên góp hỏi xin một nắm đất trong khu vườn của người đàn ông giàu có này và xem đó như một món quà. Mong thoát khỏi sự quấy rầy và biết rằng một nắm đất cũng chẳng đáng giá là bao, người đàn ông đã đồng ý cho. Vài ngày sau, người đàn ông giàu có này cảm thấy tò mò nên đã tìm gặp nhà quyên góp để hỏi lý do tại sao ông ta chỉ xin một nắm đất. Nhà quyên góp trả lời, “Tôi muốn ông cảm nhận được vẻ đẹp của sự chia sẻ, ngay cả khi quà tặng chỉ là một nắm đất. Một khi ông trải nghiệm được cảm giác hạnh phúc của sự chia sẻ, dù rất nhỏ, thì sau này chắc chắn ông sẽ tiếp tục chia sẻ với người khác những món quà lớn lao hơn”.
Khi bạn cố gắng tạo nên sự thay đổi tích cực cho người khác, thì tức là bạn đang tạo nên sự thay đổi tích cực cho cuộc đời riêng của bạn. Khi bạn cho đi cũng chính là lúc bạn nhận lại – quan trọng là bạn hãy làm điều đó thật lòng, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được niềm vui thật sự trong tâm hồn.
Nhà văn Earl Nightingale kể một câu chuyện khác về một người đến bên lò sưởi lạnh lẽo của mình và nói: “Hãy cho ta sức nóng, ta sẽ cho ngươi củi đốt!”. Hẳn bạn nghĩ rằng anh chàng này thật ngớ ngẩn và anh ta sẽ chẳng thể nào có được sự ấm áp. Sự chia sẻ bao giờ cũng luân chuyển theo luật nhân quả của vũ trụ. Bạn cần phải lao động kiếm củi trước khi nhận được hơi ấm của ngọn lửa. Nói cách khác, phần thưởng của chúng ta luôn luôn phù hợp với cách mà chúng ta phục vụ – gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy – như kinh Phật từng nhắc nhở con người.
Cuộc sống là một quá trình cho và nhận không ngừng. Sự cho đi làm phong phú cuộc đời bạn, giúp bạn hoàn thiện bản thân và sống một đời sống hạnh phúc.
NHỮNG ĐIỀU SUY NGẪM
  • Sẽ còn rất nhiều khổ đau trong cuộc sống nhưng cũng có nhiều cách để bạn vượt qua và vươn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
  • Khi bạn cho đi, bạn sẽ nhận lại rất nhiều: những mối quan hệ mới, tình bạn, cảm giác an toàn, sức khỏe, hạnh phúc, cảm giác tự hào, mãn nguyện. Tâm hồn bạn sẽ thêm thăng hoa một khi bạn biết mở rộng lòng mình với mọi người.
  • Với tinh thần tự nguyện và niềm say mê làm việc thiện, bạn sẽ phát huy được tiềm năng sáng tạo của riêng mình.
  • Cũng như nhiều người khác, bạn khát khao cảm nhận hạnh phúc của cuộc sống. Do đó, cách tốt nhất là sống hết mình để phát huy hết năng lực tiềm ẩn của bản thân nhằm tạo ra một cuộc sống tốt đẹp và tươi sáng hơn cho mình và cho người khác.
  • Bạn sẽ không bao giờ cảm thấy mất đi khi yêu thương và chia sẻ. Chỉ khi nào bạn khư khư giữ cho riêng mình, mọi thứ sẽ dễ tuột khỏi tầm tay.
  • Sự chia sẻ là những trải nghiệm đẹp trong cuộc sống.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỨC MẠNH CỦA Ý CHÍ

Bài viết khác của tác giả

  1. CHIA SẺ NỤ CƯỜI
  2. HỌC CÁCH CHIA SẺ
  3. CHIA SẺ KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG