CHIA SẺ KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO

AZIM JAMAL - HARVEY McKINNON

Trích: "Cho đi là còn mãi"

Nguyên tác: The Power of Giving

Tác giả: Azim Jamal & Harvey McKinnon

Biên dịch: Huế Phượng

NXB. Tổng hợp Tp.HCM, Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News, 2016

Khái niệm lãnh đạo có thể được hiểu với nhiều nghĩa khác nhau. Một người được xem là lãnh đạo giỏi đối với người này nhưng lại là kẻ độc tài trong cái nhìn của người kia. Có người là nhà lãnh đạo rất thành công trong sự nghiệp nhưng lại thất bại trong đời sống riêng tư. Năng lực lãnh đạo dù trong cuộc sống riêng hay trong một tập thể đều có thể làm nên sự khác biệt rất tích cực cho cuộc sống.

Cuộc sống hiện đại có những đổi thay với tốc độ chóng mặt, những bất ổn về tài chính và vô vàn những khó khăn khác khiến vai trò của người lãnh đạo càng được đề cao. Người lãnh đạo sẽ giúp mọi người trấn an tinh thần và vạch ra những hướng giải quyết tốt đẹp hơn. Thế nhưng để có được khả năng lãnh đạo người khác không phải là điều dễ dàng. Các nhà nghiên cứu cho thấy rằng, nhân dân thường hoài nghi khả năng lãnh đạo của các viên chức cấp cao trong chính quyền hơn là trong các lĩnh vực khác.

Để trở thành nhà lãnh đạo giỏi, bạn phải kiên trì, ham học hỏi, dám dấn thân để tiếp thu kiến thức. Nhờ đó, bạn mới có thể giải quyết ổn thỏa những bất đồng, thúc đẩy công việc tiến lên. Điều này cũng đòi hỏi bạn dám nhận trách nhiệm, tự mình làm chủ chính mình, nghiêm khắc với bản thân, chứ không phải chỉ lệ thuộc vào những đánh giá của dư luận xã hội.

Đọc đến đây, có lẽ bạn sẽ mỉm cười, vì bạn nghĩ rằng bạn không thể nào trở thành nhà lãnh đạo. Nhưng chúng tôi tin rằng, bạn sẽ ngạc nhiên về những gì bạn thực hiện được khi đã có quyết tâm trở thành một nhà lãnh đạo giỏi.

Trong quyển “Khả năng lãnh đạo từ bên trong”, tác giả Peter Urs Bender chỉ rõ rằng, bên trong mỗi người đều có hạt mầm của sự cao thượng. Để trở thành nhà lãnh đạo, người ta chỉ cần thực hiện hai bước:

Phát triển kỹ năng cần thiết.

Vượt qua sự sợ hãi – rào cản lớn nhất.

Bender cho rằng, hầu hết mọi người ngại nói không với những điều họ không muốn, họ sợ bày tỏ những cảm xúc thật của mình, ngại bị phê bình hay sợ bị người khác coi là ngớ ngẩn, vụng về. Chắc chắn bạn đã từng trải qua hoặc đang có một trong những nỗi sợ hãi này. Sự sợ hãi chính là trở ngại ngăn cản mọi bước tiến của bạn. Với bạn, làm việc dưới quyền người khác còn thoải mái hơn nhiều so với vai trò làm lãnh đạo. Cách suy nghĩ này hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, nếu muốn vượt lên sự nhút nhát của bản thân, cách tốt nhất bạn hãy thừa nhận sự hiện diện của nó, sau đó không lưu tâm đến nó nữa, để vững bước đi lên. Ngoài ra, bạn có thể chọn một công việc lãnh đạo phù hợp với khả năng và có ý nghĩa đối với mình.

Năng lực của người lãnh đạo còn thể hiện ở khả năng phát hiện ra giá trị của người khác. Nhà lãnh đạo chân chính thường tạo ra sự khác biệt tích cực trong cuộc sống cộng đồng. Họ trân trọng khả năng của người khác, mời gọi sự cộng tác của những người có năng lực, qua đó mọi người cùng đồng tâm hiệp lực tạo nên thành công chung.

William Arthur Ward – một nhà văn, đồng thời cũng là nhà giáo từng nói: “Một thầy giáo bình thường thì nói ra sự việc, một thầy giáo giỏi thì phân tích nó, một thầy giáo giỏi hơn nữa thì tìm cách chứng minh, còn một thầy giáo vĩ đại thì truyền cảm hứng của sự việc đó”. Điều này cũng đúng đối với các nhà lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo muốn hoạt động có hiệu quả cần có những đức tính cốt yếu sau đây:

? Biết tập trung vào việc giải quyết các vấn đề, không tập trung vào những trở ngại của vấn đề.

? Quan tâm đến những việc quan trọng, chứ không phải là những việc cấp bách. 

? Đồng thời, phải biết cách động viên, khuyến khích người khác quan tâm đến những vấn đề nào quan trọng nhất.

? Tiếp cận mục tiêu một cách lâu dài và kiên trì, không đốt cháy giai đoạn. Dành thời gian để tạo dựng những mối quan hệ bền vững dựa trên việc đối xử với nhau một cách chân tình và trân trọng lẫn nhau.

? Biết vận dụng sự nhạy bén và giác quan thứ sáu của mình để tạo nên lợi thế trong giao tiếp. Đồng thời phải phục vụ mọi người với tấm lòng yêu thương.

? Biết cách tạo dựng một môi trường làm việc vui vẻ, thân thiện, để bất cứ ai  cũng có cơ hội phát huy hết năng lực của bản thân.

? Biết hy sinh. Mọi người thường dùng cụm từ “người đầy tớ của nhân dân” để gọi các nhà lãnh đạo tài ba. Nghe cụm từ này có vẻ sáo rỗng nhưng kỳ thực lại rất đúng. Họ chính là những người luôn tận tụy, trung thành và mong muốn được phục vụ người khác.

LÃNH ĐẠO TRONG MỘT CÔNG TY

Lãnh đạo một công ty là công việc đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Một trong những mục đích cơ bản của công ty là tạo lợi nhuận cho cổ đông và nhân viên. Điều này đòi hỏi người lãnh đạo phải nỗ lực thực sự, dám liều lĩnh và sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro. Chính vì vậy, người lãnh đạo cần được đền bù cho những công sức mà họ đã bỏ ra.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến những đóng góp của các thành viên khác trong công ty, bởi trên thực tế không một công ty nào phát triển mạnh mà lại không có sự chia sẻ lợi nhuận giữa các thành viên. Một công ty có doanh thu cao sẽ phải trả lương tương xứng cho nhân viên, chia lãi cho cổ đông, đồng thời còn phải biết quan tâm đến quyền lợi của người tiêu
dùng. Việc cung cấp dịch vụ càng tốt, công ty càng thu được nhiều lợi nhuận. Khi biết áp dụng phương châm “chung sức” và “mọi người cùng hưởng” công ty sẽ có được động lực phát triển và gặt hái được nhiều thành công hơn.

Ngày nay, việc khuyến khích các công ty thực hiện chính sách xã hội đã trở thành một phong trào phổ biến trên khắp thế giới. Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán rằng, công ty nào biết thể hiện trách nhiệm đối với xã hội thì chắc chắn sẽ tiến nhanh hơn các công ty khác trong quá trình cạnh tranh. Đây cũng là một đòi hỏi chính đáng từ người tiêu dùng. Họ thường tín nhiệm những công ty biết quan tâm đến đời sống nhân viên, đến môi trường sống. Họ thích
những công ty thường làm công tác từ thiện, ủng hộ các tổ chức phi lợi nhuận. Vào năm 1998, trung tâm Roper thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến người tiêu dùng, 65% người dân Mỹ cho biết họ sẵn sàng thay đổi thói quen tiêu dùng để ủng hộ sản phẩm của công ty nào có tham gia vào công tác từ thiện.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy có 83% người tiêu dùng nói rằng, họ sẽ để ý đến những công ty ủng hộ cho một tổ chức từ thiện nào đó mà họ đang quan tâm. Trong giới công nhân, có 87% trung thành với người chủ nào có chương trình liên quan đến hoạt động từ thiện và chỉ có 67% trung thành với công ty không có hoạt động từ thiện.

Những con số trên cho thấy người dân rất quan tâm đến hoạt động từ thiện của các công ty. Đây cũng là điểm mà các nhà lãnh đạo cần tham khảo để phát triển doanh thu cũng như nâng cao khả năng lãnh đạo của chính mình. Câu nói “cho là nhận” cũng có thể áp dụng cả trong trường hợp này.

Là nhà lãnh đạo, bạn có thể chia sẻ như thế nào? Bob Galvin – con trai của người sáng lập công ty điện thoại khổng lồ Motorola có lần nhận xét: “Cha tôi xem thường những công nhân nữ thực hiện dây chuyền sản xuất, điều này làm tôi phải suy nghĩ: Tất cả họ đều giống mẹ tôi, họ cũng có con cái, có gia đình để chăm sóc, có những con người cần đến họ”. Từ nhận thức này đã thúc đẩy Galvin Sr. nỗ lực làm việc để tạo cho nhân viên của mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây là một thí dụ điển hình về khả năng chia sẻ điều tốt đẹp từ năng lực lãnh đạo công ty.

Khi người lãnh đạo công ty biết cống hiến thời gian, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình cho nhân viên, họ sẽ có được những cộng sự đắc lực. Khi một công ty biết quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng, công ty đó sẽ tạo được lòng tin cho khách hàng, công việc kinh doanh của công ty vì thế sẽ phát triển bền vững, lâu dài.

Một số công ty chuyển những món nợ ngắn hạn thành dài hạn theo chương trình “bán hàng trả góp” ở những nước đang phát triển. Chương trình này giúp người nghèo có thể khởi nghiệp kinh doanh, giúp họ có cơ hội thoát khỏi đói nghèo. Đây cũng là một dạng chia sẻ trong giới kinh doanh hiện nay.

Nhiều khách hàng vẫn thường tin tưởng vào thương hiệu nổi tiếng của những công ty lớn. Nhưng nếu các công ty đó hoạt động kinh doanh không lành mạnh thì giá trị thương hiệu cũng nhanh chóng giảm đi và người tiêu dùng sẽ nhanh chóng nhận ra điều đó qua các phương tiện truyền thông hoặc trên mạng Internet.

Đối với nhiều tập đoàn, việc xây dựng thương hiệu luôn gắn liền với hoạt động kinh doanh của họ. Quan tâm, chia sẻ, tạo quyền lợi cho nhân viên, cho cộng đồng và cho môi trường là bí quyết thúc đẩy sự phát triển và sống còn của thương hiệu trong tương lai.

247-Cho đi là còn mãi - khả năng lãnh đạo

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NÂNG ĐỠ NGƯỜI KHÁC – TRÍ TUỆ XÚC CẢM ỨNG DỤNG TRONG CÔNG VIỆC
  2. MÀI GIŨA NHÂN CÁCH VÀ NÂNG CAO TÂM HỒN
  3. LÒNG VỊ THA TRONG KINH DOANH

Bài viết khác của tác giả

  1. CHIA SẺ NỤ CƯỜI
  2. HỌC CÁCH CHIA SẺ
  3. SỨC MẠNH CỦA SỰ CHIA SẺ

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU