SỨC MẠNH CỦA SỰ NHƯỢNG BỘ

BRYAN ROBINSON

Trích “Nghệ Thuật Sống Tự Tin”
Thanh Thảo - An Bình biên dịch, Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2016.


BRYAN ROBINSON, PH.D.

Chấp nhận những tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn và nhượng bộ chúng có thể mang đến cho bạn sự thanh thản ngay tức thì. Hoàn cảnh sẽ thay đổi khi ta chấp nhận chúng đúng như bản chất vốn có, bất luận có khó khăn, thất vọng hay đau đớn đến thế nào. Khi chúng ta chấp nhận các tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát như những gì nó vốn có, thay vì cố gắng thay đổi nó theo ý muốn chủ quan của ta, nghĩa là ta đã nhượng bộ để hài hòa hơn với nó và nhờ thế mà ta có thể vượt qua nó. Kết quả là cuộc sống của ta sẽ diễn ra suôn sẻ hơn.

Mười hai bước của những người nghiện rượu ẩn danh, bao gồm cả bí quyết của sự hài hòa, đã cứu hàng triệu cuộc đời thoát khỏi sự hủy hoại của việc lạm dụng các chất gây nghiện, ăn uống quá độ, ham mê cờ bạc, nghiện tình dục và thói tham công tiếc việc. Lời cầu nguyện thành kính – nền tảng của những chương trình hồi phục – sẽ giúp bản ngã của ta thư giãn đồng thời làm cho sự thanh thản và cái tôi tự tin xuất hiện. Bí quyết của sự hài hòa mang đến niềm hi vọng, lòng can đảm, sự thanh bình trong nội tâm cho hàng triệu con người.

Bí quyết của sự hài hòa sẽ giúp ta sống tự tin hơn, bất luận ta có tham gia vào chương trình hồi phục nào hay không. Càng tìm hiểu trật tự tự nhiên của vạn vật và nương theo chúng, ta càng trở nên hài hòa hơn với thế giới xung quanh và tìm được sự thanh thản trong tâm hồn. Lão Tử nói rằng: “Chỉ cần ghi nhận là trật tự tự nhiên của vạn vật. Hãy hợp tác với nó thay vì chống lại nó. Bởi vì cố gắng thay đổi nó chỉ tạo ra thêm sự đối kháng mà thôi”.

Chúng ta sống trong một thế giới có trật tự và có thể dự đoán trước được sự vận hành của nó nhờ vào những quy luật nhất định. Những cơn thủy triều làm xao động biển cả. Trọng lực làm cho mọi vật rơi xuống. Các hành tinh duy trì khoảng cách nhất định so với mặt trời. Trái đất quay tròn quanh trục của nó. Rõ ràng, sự hài hòa hoàn hảo luôn chiếm ưu thế. Các nhà vật lý học đồng ý rằng vũ trụ vận hành theo một trật tự và có thể lý giải được, chứ không phải một cách ngẫu nhiên. Các nhà khoa học tin rằng vũ trụ mở ra theo quy luật nhân – quả, sự kiện này dẫn đến sự kiện khác… Cuộc sống không được gọt dũa theo tiêu chuẩn chủ quan của ta; và nó cũng không biến đổi để phù hợp với cách sống của ta. Henry Miller đã nói rằng: “Thế giới không cần phải được sắp xếp lại trật tự, bởi vì bản thân nó đã là một thực thể có trật tự rồi”.

Với suy nghĩ này trong đầu, bạn sẽ vượt qua được mọi khó khăn bằng cách nhượng bộ chúng – chấp nhận chúng mà không phàn nàn, nhận biết được rằng chúng diễn ra theo trật tự và có thể lý giải được – đồng thời bạn có thể thực hiện những hành động tích cực ở bất cứ nơi đâu. Để thực hiện được những điều này, ta cần phải có lòng dũng cảm. Rainer Maria Rilke, đem đến cho ta nguồn an ủi qua câu nói: “Hãy để mọi thứ xảy đến với bạn, cả cái đẹp lẫn sự kinh hoàng. Hãy cứ tiếp tục sống. Chẳng có cảm giác nào là sau cuối đâu”.

Nhượng bộ trước dòng chảy tự nhiên của cuộc sống sẽ mang đến cho ta nhiều sức mạnh hơn là cố gắng chống lại nó. Các võ sư thường dạy rằng khi đối thủ ra sức đẩy ta, nếu ta nhượng bộ bằng cách kéo họ về phía mình thay vì cố gắng đẩy họ ngược lại (vốn là một dạng của sự kháng cự), thì ta sẽ ở vào thế mạnh. Phương pháp sinh Lamaze là một phương pháp êm dịu và làm giảm các cơn đau đớn của sản phụ bởi vì họ có thể hít thở cùng với những cơn co thắt dạ con, thay vì phải ra sức rặn và chống lại những cơn co ấy. Khi hoạt động của công ty có chiều hướng bất lợi cho sự thăng tiến của bạn mà bạn chẳng thể làm gì để ngăn cản nó, thì cách tốt nhất là bạn nên tìm cách thích nghi với nó. Nếu như chiều hướng phát triển ấy đi ngược lại các tiêu chuẩn về đạo đức, giá trị và các mục đích cá nhân của bạn, thì bạn có thể tìm một công việc khác hài hòa hơn với mình. Nếu bạn đang có một mối quan hệ không lành mạnh và bạn phải cố gắng thay đổi bản thân nhiều mà vẫn không thể cải thiện gì, thì có lẽ đã đến lúc bạn nên rút lui khỏi mối quan hệ ấy.

☘️ Sự Thấu Cảm Xoa Dịu Bất Hòa

Hãy tưởng tượng bạn đang cùng ăn tối với một người đặc biệt tại một nhà hàng sang trọng. Bạn hi vọng sẽ có một buổi tối yên tĩnh với nến, nhạc êm dịu và cuộc trò chuyện thân mật. Thế nhưng, các bạn lại gặp phải người hầu bàn thiếu nhã nhặn và nóng nảy. Khi ấy, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Bạn sẽ làm gì? Hầu hết mọi người đều cảm thấy bực bội, giận dữ và có thể sẽ quát vào mặt cô hầu bàn ấy.

Giờ, hãy tưởng tượng nếu một người bạn của bạn, cũng đang dùng bữa ở nhà hàng ấy và quen biết với cô hầu bàn này,nói cho bạn biết rằng con trai cô ấy vừa qua đời trong một vụ tai nạn và cô ấy vẫn phải đi làm. Khi ấy, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Hầu hết mọi người đều sẽ thấy thương cảm cho cô hầu bàn. Rồi điều gì xảy ra? Làm sao bạn có thể chuyển từ cảm xúc giận dữ sang tình thương yêu ngay lập tức? Thái độ của người hầu bàn vẫn không hề thay đổi, vẫn giữ nguyên cách cư xử ấy, nhưng chính bên trong bạn đã thay đổi. Cách bạn nhìn nhận tình huống thay đổi vì bạn đã thấy được bối cảnh rộng lớn hơn để đánh giá về người phụ nữ ấy. Sự thấu hiểu này, đến từ cái tôi tự tin chứ không phải từ bản ngã, thậm chí có thể khiến bạn để lại nhiều tiền boa hơn, bất chấp thái độ phục vụ không tốt của cô bồi bàn.

Khi chủ động đặt mình vào vị thế của người khác và cảm nhận vấn đề theo cách của họ, khả năng thấu hiểu và sự nhạy cảm của bạn cũng sẽ tăng theo.

Sự thấu cảm giúp xoa dịu những phần bất hòa trong con người ta. Khả năng đặt mình vào vị trí của người khác để thấy được quan điểm của họ sẽ mang đến cho bạn kết quả xứng đáng. Khi chủ động đặt mình vào vị thế của người khác và cảm nhận vấn đề theo cách của họ, khả năng thấu hiểu và sự nhạy cảm của bạn cũng sẽ tăng theo. Điều này sẽ giải phóng bạn khỏi những suy nghĩ hạn hẹp, tiêu cực và bạn sẽ ít phán xét hơn. Áp dụng phương pháp này sẽ giúp bạn tự tin phản ứng trước các tình huống cuộc sống và thanh thản hơn khi đối mặt với những người khó tính cũng như những hoàn cảnh khó khăn.

Giả sử bạn mua nhầm chiếc iPod bị lỗi và bạn gọi điện đến cửa hàng để phàn nàn. Nếu người bán hàng không hiểu và tỏ ra thiếu hợp tác thì có thể bạn sẽ càng nổi điên (vì một phần bản ngã trong bạn bị kích động). Nhưng nếu cô ấy xin lỗi vì đã gây phiền toái cho bạn và nói với bạn rằng: “Tôi biết rằng điều này làm ông thất vọng lắm!” và hứa sẽ đổi cho bạn chiếc máy khác, bạn sẽ cảm thấy cơn giận của mình lắng xuống. Đó là do cô bán hàng đã biết đồng cảm với nỗi thất vọng trong lòng bạn (tức là nhượng bộ trước quan điểm của bạn).

Sự thấu cảm trong công việc, hôn nhân, tình cảm bạn bè là một dạng của sự nhượng bộ, bởi vì ta biết tạm gác quan điểm của mình để nghĩ cho người khác. Dạng nhượng bộ này là một ví dụ về cuộc sống được cái tôi tự tin dẫn dắt. Nó sẽ mang đến cho ta phần thưởng xứng đáng trong các mối quan hệ cá nhân cũng như trong công việc.

Bạn có thể áp dụng phương pháp này với bạn bè và những người thân yêu của mình, để dàn xếp các bất hòa và giúp bạn bình tĩnh khi người khác nóng giận. Giả sử bạn đang có một ngày yên ả thì người bạn đời của bạn bất ngờ bước vào nhà, chửi rủa và đóng sầm cửa lại. Thường thì bạn sẽ cảm thấy phẫn nộ khi người bạn đời đã phá hỏng phút giây thư thái của bạn. Thậm chí, có thể chính bạn cũng bắt đầu chửi rủa và đóng sầm cửa lại. Tuy nhiên, nếu bạn dành thời gian để tìm hiểu xem phía sau sự bực bội của người bạn đời ẩn chứa điều gì, thì có thể bạn sẽ hiểu được nguyên nhân của vấn đề và nhờ đó sẽ xoa dịu cơn giận của chính mình. Bất kể gốc rễ của vấn đề là gì thì việc dành thời gian để tìm hiểu nó trước khi phản ứng lại cũng giúp bạn giữ được cái tôi tự tin của mình và trở thành mẫu người mà bạn mong muốn.

Có thể lúc này bạn đang nghĩ rằng: “Nhưng tại sao tôi lại phải thông hiểu cho người đang phá hoại đời tôi, kể cả người thân hay kẻ lạ? Việc này thật vô lý!”. Thứ nhất, dùng sự thấu cảm thay vì tỏ ra giận dữ sẽ giúp bạn trở thành người đáng yêu, tốt bụng và tử tế hơn. Nếu lý do đó vẫn chưa đủ thuyết phục bạn, thì hãy nghĩ rằng sự thấu cảm sẽ giúp bạn kiểm soát tình hình, giữ được sự điềm tĩnh thuần khiết của bạn. Điều này giúp bạn nhìn thấy được mọi khía cạnh của hoàn cảnh (với lăng kính có góc nhìn rộng) và có được các phản ứng khiến việc giao tiếp trở nên thuận lợi hơn. Trong công việc, hiểu được nguyên nhân cơn giận dữ của khách hàng hoặc đồng nghiệp có thể giúp bạn chiếm được ưu thế, làm dịu tình hình và làm việc hiệu quả hơn.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BẠN ỨNG PHÓ VỚI NHỮNG BIẾN CỐ LỚN TRONG ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?
  2. TẠO MỘT KHOẢNG CHÂN KHÔNG TỪ NỘI TÂM HƯỚNG RA BÊN NGOÀI
  3. NGUYÊN LÝ CHIẾC BOOMERANG

Bài viết mới

  1. KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC CHỈ LÀ CẢM NHẬN CHỦ QUAN
  2. VƯỢT QUA SỢ HÃI
  3. TÍNH NÔN NÓNG