SUY NGHĨ

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Vũ Trụ Trong Một Nguyên Tử; Dịch: Lê Tuyên; NXB Hồng Đức

Tôi đã trải qua nhiều năm để suy ngẫm về các tiến bộ đáng kể thuộc lĩnh vực khoa học. Trong khoảng thời gian ngắn gần đây, khoa học đã đem lại vô số những ích lợi cho con người. Mặc dù tôi bắt đầu quan tâm đến khoa học chỉ vì tò mò về một thế giới, khi ấy vẫn còn rất xa lạ với tôi, được thống trị bởi nền khoa học kỹ thuật hiện đại, nhưng chẳng bao lâu tôi đã bắt đầu thấm nhuần được tầm quan trọng của nền khoa học vì lợi ích của con người – đặc biệt là sau khi tôi bắt đầu sống cuộc sống tha hương vào năm 1959. Ngày nay hầu như không có lĩnh vực đời sống nào của con người mà không có sự hiện diện và trợ giúp của khoa học kỹ thuật. Tuy vậy liệu chúng ta đã thực sự hiểu rõ về vai trò của khoa học kỹ thuật trong toàn bộ đời sống nhân loại chưa – chính xác thì nó nên làm gì và ai sẽ là người chịu trách nhiệm định hướng cho nó? Điều này rất quan trọng bởi vì trừ khi khoa học được định hướng theo chiều hướng nhân đạo, nếu không thì rất có thể nó sẽ chẳng đem lại cho chúng ta bất kỳ một ích lợi nào. Nó thực sự có thể tạo ra những thiệt hại to lớn cho con người.

Việc nhận thấy được tầm quan trọng to lớn của khoa học và ý thức rõ sự phổ quát toàn cầu và những thay đổi cơ bản mà khoa học đã đem lại cho con người, chính việc này đã làm thay đổi thái độ trong tôi, từ tò mò chuyển sang thực sự muốn tìm hiểu sâu về nó. Trong Phật giáo, lý tưởng cao nhất là trau dồi lòng từ bi dành cho tất cả mọi sinh linh và làm việc vì lợi ích của mọi sinh linh ở mức độ cao nhất nếu có thể. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được dạy rằng cần phải nâng niu trân trọng lý tưởng này và cố gắng thực hiện đúng theo lý tưởng này trong mỗi hành vi của mình. Thế nên tôi muốn tìm hiểu khoa học bởi vì nó chỉ ra một lĩnh vực mới mà tôi cần khám phá để có thể thấu hiểu được bản chất của thực tại, của sự thực. Tôi cũng muốn tìm hiểu khoa học bởi vì tôi nhận thấy rằng trong khoa học có một đường hướng tiếp cận mọi vấn đề khá giống với đường hướng trong đời sống tâm linh của tôi. Thế nên, theo cá nhân tôi, việc dấn thân tìm hiểu khoa học, dấn thân tìm hiểu lực lượng hùng mạnh này trong thế giới chúng ta cũng đã trở thành một bài tập bắt buộc trong quá trình rèn luyện các phẩm hạnh tâm linh của mình. Câu hỏi cốt lõi được đặt ra ở đây – cốt lõi với sự sống còn và phát triển của thế gian này – là chúng ta có thể làm gì để biến những thành tựu tuyệt vời trong khoa học trở thành một cái gì đó có thể phục vụ con người theo một đường hướng vị tha, từ bi, phục vụ tất cả những sinh linh khác đang chia sẻ trái đất này cùng chúng ta.

Vấn đề đạo đức liệu có chỗ đứng trong khoa học không?  Tôi tin rằng có. Trước hết, giống  như bất kỳ một phương tiện nào khác, chúng ta có thể vận dụng khoa học theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Chính trạng thái tâm hồn của người vận dụng phương tiện này sẽ là yếu tố quyết định kết quả cuối cùng của quá trình vận dụng phương tiện này. Thứ hai, những khám phá khoa học tác động mạnh mẽ đến khả năng hiểu biết của chúng ta về thế giới và về vị trí của con người trong thế giới này. Tất cả mọi việc này đều phụ thuộc chủ yếu vào thái độ của chúng ta. Ví dụ, những hiểu biết khoa học về thế giới này đã đưa chúng ta đến với cuộc Cách mạng Công nghiệp trong lịch sử trong cuộc Cách mạng này thì việc khai thác tận dụng thiên nhiên là vấn đề cơ bản. Tuy nhiên, có một xu hướng chung là người ta thường nghĩ rằng vấn đề đạo đức chỉ có liên quan đến việc vận dụng khoa học chứ không liên quan đến những khám phá khoa học. Trong thế giới hiện đại này, các nhà khoa học là những thành viên trong cộng đồng những người làm khoa học, nhìn chung họ có một quan điểm trung lập về vấn đề đạo đức, họ không chịu trách nhiệm về thành quả hoặc hậu quả của những gì họ đã khám phá phát minh ra. Nhưng nhiều khám phá khoa học quan trọng, đặc biệt là những cải cách trong công nghệ hiện đại, đã tạo ra những thay đổi hoàn toàn mới, những hoàn cảnh hoàn toàn mới, và điều này cũng đem lại nhiều thách thức mới về vấn đề đạo đức trong cả khoa học lẫn tâm linh. Chúng ta không chỉ đơn giản là phớt lờ trách nhiệm của các tổ chức khoa học, các tập đoàn khoa học, các nhà khoa học trong việc đã tạo ra những vấn đề cấp thiết trong xã hội hiện đại này.

Có lẽ điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải đảm bảo rằng khoa học không bao giờ trở thành một yếu tố tác hại đến tình cảm cơ bản của con người là lòng cảm thông giữa người với người. Cũng giống như các ngón tay của chúng ta chỉ có thể vận hành hoạt động khi dựa vào lòng bàn tay, các nhà khoa học cần phải luôn sáng suốt để nhận biết rõ mối liên hệ của mình với toàn bộ thế giới này. Khoa học luôn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, nhưng nó cũng chỉ là một ngón tay của cả bàn tay nhân loại, và chúng ta chỉ có thể kiểm soát và định hướng tốt cho những tiềm năng của khoa học khi chúng ta luôn ghi nhớ điều này. Nếu không, chúng ta có nguy cơ đánh mất khả năng thống trị toàn cầu của mình. Nhân loại có thể dồn mọi tâm huyết của mình để theo đuổi những tiến triển trong khoa học. Khoa học và kỹ thuật là những công cụ có uy lực mạnh mẽ, nhưng chúng ta cần phải quyết định làm cách nào để vận dụng chúng một cách tốt nhất. Điều quan trọng nhất ở đây chính là động cơ thúc đẩy trong việc quản lý định hướng vận dụng khoa học và kỹ thuật, tốt nhất chúng ta cần phải vận dụng các công cụ này, các phương tiện này bằng cả con tim và tâm hồn mình.

Theo cá nhân tôi, khoa học là môn học đầu tiên đưa con người đến với cánh cổng nhằm tìm hiểu bản chất của thế giới vật chất sống động này. Về cơ bản, nó là một phương thức tìm hiểu giúp chúng ta có được những kiến thức sâu sắc về thế giới này, về những quy luật của thiên nhiên, từ đó chúng ta có thể đúc kết những kinh nghiệm của mình. Khoa học tiến triển, các thử nghiệm lặp đi lặp lại, qua việc kiểm tra, thẩm định, cân đo đong đếm, chứng thực, xác nhận. Ít nhất đây cũng là bản chất cơ bản về đường lối phát triển của khoa học trong mô hình tiến triển hiện đại của con người. Trong mô hình này, nhiều khía cạnh có liên quan đến sự tồn tại của con người, gồm cả các giá trị nhân văn, sự sáng tạo trong con người, và yếu tố tâm linh của con người, cũng như tất cả những câu hỏi siêu hình ở mức độ sâu sắc hơn, tất cả đều nằm ngoài tầm kiểm soát của các điều nghiên khoa học.

Mặc dù có những lĩnh vực thuộc đời sống và những kiến thức nằm ngoài tầm kiểm soát của khoa học, nhưng tôi nhận thấy nhiều người vẫn luôn khẳng định rằng quan điểm của khoa học về thế giới này cần phải là nền tảng cơ bản cho tất cả mọi loại kiến thức và tất cả những gì có thể nhận thức được. Đây chính là chủ nghĩa duy vật khoa học. Quan điểm này luôn ủng hộ niềm tin vào một thế giới khách quan. Quan điểm này khẳng định rằng mọi dữ liệu được phân tích qua một cuộc thử nghiệm luôn độc lập với những khái niệm trước đó, những hiểu biết trước đó, kể cả những kinh nghiệm của nhà khoa học đang tiến hành phân tích thử nghiệm đó.

Quan điểm này luôn khẳng định rằng sự thực luôn là sự thực, sự thực luôn chịu tác động bởi những quy luật vật lý học. Thế nên, quan điểm này sẽ tán thành rằng tâm lý học có thể được dị giản hóa thành sinh vật học, sinh vật học có thể được dị giản hóa thành hóa học, và hóa học có thể được dị giản hóa thành vật lý học. Ở đây tôi không quan tâm nhiều đến việc tranh luận với quan điểm này, mà tôi quan tâm đến việc rút ra những lưu ý về một điểm cực kỳ quan trọng: những ý tưởng này không cấu thành, không tạo ra những kiến thức khoa học; nói đúng hơn, chúng đại diện cho một lý luận triết học, một lý thuyết siêu hình, một quan điểm trừu tượng.

Một trong số những vấn đề quan trọng đối với chủ nghĩa duy vật khoa học cơ bản là sự hạn hẹp về tầm nhìn, sự hạn hẹp này có khả năng đưa nhân loại đến với chủ nghĩa hư vô. Chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa dị giản hóa luận là viễn cảnh trong tương lai của nhân loại, bởi vì chúng có tiềm năng sẽ khiến cho sự tự nhìn nhận chính mình của nhân loại bị héo úa, kiệt màu, suy nhược. Ví dụ, dù rằng chúng ta tự xem mình là những sinh vật ngẫu nhiên hay là một sinh vật đặc biệt được phú cho ý thức và khả năng kiểm soát phẩm hạnh thì điều đó cũng tác động mạnh đến thái độ của chúng ta trong suy nghĩ về chính mình và trong hành xử với mọi người quanh mình. Theo quan điểm này, các phẩm chất cấu thành con người – kỹ năng, đạo đức, tinh thần, lòng tốt, vẻ đẹp, và trên hết là ý thức – được dị giản hóa thành những phản ứng hóa học khi đốt cháy các nơ-ron thần kinh. Và chúng ta đang đối mặt với nguy cơ là con người có thể bị dị giản hóa thành những cỗ máy sinh học, thành những sản phẩm của sự lai ghép gien một cách ngẫu nhiên, mà không vì một mục đích nào cả ngoại trừ để duy trì giống nòi.

Thật khó có thể giúp những người theo quan điểm như thế có thể hiểu được các câu hỏi về việc đâu là ý nghĩa của đời sống, đâu là điều tốt, và đâu là điều xấu xa tồi tệ. Vấn đề ở đây không phải là các dữ kiện khoa học mà là luận điểm luôn cho rằng chỉ có các dữ kiện khoa học mới có thể thiết lập được nền tảng cơ bản chính đáng cho sự phát triển của nhân loại và giải quyết những khó khăn rắc rối của nhân loại. Vẫn còn đó nhiều vấn đề có liên quan đến sự tồn tại của nhân loại và sự thực mà khoa học hiện nay vẫn chưa thể giải quyết được.

Tương tự như thế, tâm linh cần phải hòa điệu với các hiểu biết và khám phá thuộc khoa học. Nếu chúng ta, trong vai trò là một tín đồ nghiên cứu tâm linh, nếu chúng ta phớt lờ các khám phá khoa học, thì việc luyện tập của chúng ta cũng trở nên cùn lụt, mờ xỉn, mất màu, suy nhược, bởi vì một tâm hồn như thế chỉ có thể tìm đến với một chủ nghĩa chính thống (luôn tin tuyệt đối vào kinh thánh) mà thôi. Đây là một trong số những lý do tại sao tôi lại khuyến khích các đồng sự Phật giáo của mình hãy tham gia nghiên cứu tìm hiểu về khoa học, nhờ đó chúng ta mới có thể dung hòa và vận dụng những hiểu biết khoa học vào thế giới Phật giáo của mình.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG ĐAU KHỔ DO CHÍNH MÌNH TẠO RA
  2. THỰC HÀNH CÁC PHÁP BA-LA-MẬT
  3. THAY ĐỔI GÓC NHÌN

Bài viết mới

  1. SỰ HÀI HÒA ĐÍCH THỰC LÀ GÌ ?
  2. HÃY CỨ SỐNG THỰC VỚI CHÍNH MÌNH
  3. SÁNG TỎ VÀ THUẦN KHIẾT