SUY NIỆM MỖI NGÀY

LEV TOLSTOY

Trích: Suy Niệm Mỗi Ngày; Nguyên tác: Wise Thoughts For Every Day; Người dịch: Đỗ Tư Nghĩa; Công ty TNHH VH Khai Tâm, 2017

Gần 100 năm sau khi nó được biên soạn, cuốn sách này – tác phẩm vĩ đại cuối cùng của Tolstoy, vẫn còn nguyên giá trị như khi nó được xuất bản lần đầu tiên. Chiều sâu minh triết của Tolstoy, đức tin của ông, và sự thông minh của ông chiếu sáng xuyên suốt một cách rực rỡ. Những tư tưởng của ông là sự chắt lọc cái tinh hoa nhất của dăm bảy ngàn năm của kinh nghiệm con người, và chúng vẫn tươi mới, chân thực, và có thể áp dụng bây giờ, như chúng đã từng như vậy. Tolstoy dạy người đọc suy ngẫm, kinh ngạc, cười, và nhất là hiểu “thân phận con người” với sự sáng tỏ và mối đồng cảm sâu xa. Đây là một tác phẩm “cổ điển” và phi thời gian: Chicken Soup (Súp gà cho linh hồn).

Tolstoy giữ cái “cẩm nang” cho một cuộc sống tốt này trên bàn làm việc của ông trong suốt những năm cuối cùng đời mình cho đến phút cuối (thậm chí ông còn yêu cầu trợ lý của mình, V. Chertkov, đưa ông xem bản in thử trên giường chết của ông). Ông có thói quen đọc nó cho gia đình và trân trọng giới thiệu nó cho bạn hữu ông. Bây giờ, trong thời đại mà sự “nhận biết về tâm linh” đang ngày càng tăng, thì kiệt tác này – một cuốn sách “tự giúp mình” vĩ đại, một lần nữa, có thể cung cấp cho người đọc khắp nơi nguồn cảm hứng và an ủi, và như ông đã ước, “giúp họ trong cuộc sống và lao động của họ”.

Cấu trúc của Wise thoughts for every day thì công phu, tỉ mỉ, nhưng cũng linh hoạt. Mỗi tháng được chia thành 4 tiểu mục – mối quan hệ của chúng ta với thượng đế, những thách thức của chúng ta, những hành động của chúng ta, và cuộc sống tâm linh của chúng ta – chúng ta quán xuyến nhiều chủ để khác nhau, một chủ đề cho mỗi ngày.

Trích đoạn dưới dây là một số chủ đề để mỗi ngày chúng ta cùng suy niệm.

1. Đức tin

Tuân theo quy luật của Thượng đế là làm cái mà Thượng đế muốn chúng ta làm, chứ không phải làm cái mà Ngài không muốn chúng ta làm.

Tôn giáo đích thực không phải là tin vào một biến cố siêu nhiên hay tuân theo những luật tắc và nghi lễ. Tôn giáo đích thực là thái độ mà một người có đối với những người khác và với cái thế giới vô hạn – một thái độ dựa trên trí tuệ và kiến thức đương thời.

Những đức tin và tôn giáo khác nhau có nhiều quy luật và quy tắc khả biến khác nhau, và cũng có một vài quy luật và quy tắc bất biến và vĩnh cửu. Những quy luật vĩnh cửu này chính là tôn giáo đích thực.

Những ai mà đặt tôn giáo vào hàng thứ hai trong đời mình, họ không có tôn giáo nào cả.

2. Linh hồn

Có hai lối đi trong đời: Một là sống cho thể xác, và lối kia, cho linh hồn. Nếu bạn sống cho thể xác, sự thể sẽ trở nên rõ ràng rằng, những lạc thú xác thịt vốn mong manh, sẽ yếu đi qua năm tháng, và kết thúc với cái chết. Trái lại, nếu bạn sống cho linh hồn, thì những niềm vui của đời sẽ gia bội với thời gian, và cái chết sẽ không còn đáng sợ.

Vậy thì, chúng ta là ai? Không là gì cả. Quả thật, chúng ta không là gì cả. Nhưng cái “không là gì” này lại có khả năng hiểu chính nó và cái nơi chốn của nó trên thế gian này.

Khi bạn nhìn chính mình như là một hữu thể vật chất, bạn trở thành một câu đố không thể giải đối với chính bạn. Trái lại, ngay khi bạn hiểu rằng “cái tôi nội tại” của mình là cái linh hồn bị giam nhốt trong thân xác này, thì câu đố biến đi này, và thế gian trở thành dễ hiểu.

Nếu chúng ta so sánh sức mạnh thể chất của mình với những sức mạnh của thiên nhiên, thì chúng ta không là gì cả. Nếu chúng ta nhìn vào linh hồn mình – nó vốn là một phần của linh hồn thiêng liêng – thì chúng ta hiểu rằng, chúng ta là một cái gì đó ở bên trên cái phần còn lại của thế gian này.

3. Một linh hồn trong tất cả

Đa số mọi người nghĩ rằng chỉ có họ mới là quan trọng, và những người khác thì không. Tuy nhiên, có những người nhân ái và khôn ngoan, họ hiểu rằng cuộc đời của những người khác và những thú vật, thì cũng quan trọng như đời của chính họ, và họ thực tình quan tâm đến mọi sinh vật. Đối với những người như thế, sống và chết đều dễ dàng.

Có một thời, khi tất cả mọi người đều ăn thịt người, và nghĩ rằng họ không đang làm gì sai trái. Bây giờ, ngày càng có thêm nhiều người hiểu rằng ăn thịt súc vật là xấu. Thời điểm sẽ đến, khi mà mọi người sẽ nghĩ rằng việc giết mổ và ăn thịt cừu, bò cái, hay lợn, thì cũng xấu như việc giết hại một con người.

Mọi sinh vật, người và thú, thì được kết nối mật thiết với nhau. Khi một sinh vật khổ thì những sinh vật khác cũng khổ nữa. Tương tự như vậy, khi một người hạnh phúc thì niềm hạnh phúc trải ra và khiến cho kẻ khác hạnh phúc.

Bạn sẽ hiểu cuộc đời này chỉ khi nào bạn thấy chính mình trong mọi người.

4. Thượng đế

Đừng tìm Thượng đế trong những ngôi đền. Ngài hiện diện, và đang sống bên trong bạn. Hãy trao mình cho Thượng đế, và bạn sẽ luôn luôn vui sướng và hạnh phúc.

“Một người trầm tư có thể cảm nhận sự hiện diện của linh hồn chính mình và linh hồn đại đồng – Thượng đế. Nhưng ngay khi y cố làm sáng tỏ và giải thích những ý tưởng này, y phải khiêm cung ngừng lại, và không thể chạm vào bức màn vốn che phủ chúng. Mọi dân tộc đều rao giảng cái linh hồn tối thượng vĩ đại kia, gọi nó bằng những cái tên khác nhau và mặc cho nó những trang phục khác nhau. Bên dưới những cái tên và trang phục này, chỉ có một Thượng đế duy nhất”.

Kẻ hướng dẫn đời ta và cuộc sống của toàn thế gian, là Thượng đế.

Thượng đế mong muốn cái tốt lành cho tất cả. Nếu bạn cũng ao ước điều tốt lành cho tất cả, thế thì Thượng đế sống bên trong bạn.

Người ta có thể tránh việc nói tên Thượng đế, nhưng người ta không thể tránh việc chấp nhận sự hiện hữu của Ngài. Không có gì hiện hữu, nếu Ngài không hiện hữu.

5. Sự hợp nhất trong linh hồn

Khi một người chỉ sống cho thân thể mình, thì dường như chỉ có duy nhất một cái hiện hữu và quan trọng: “Tôi”. Tuy nhiên, có hàng triệu người mong ước được hạnh phúc như là những cá thể (riêng lẻ, tách rời), và họ mâu thuẫn với nhau, vì không ai hoàn toàn thỏa mãn. Cái “Tôi” của bạn nói với bạn rằng thân thể bạn thì không vĩnh cửu: Nó sẽ biến mất và chết đi với thời gian. Con đường ra khỏi sự mâu thuẫn này là chấp nhận rằng, cái “Tôi” của bạn thì không chỉ ở trong thân thể mà thôi, nó còn ở trong linh hồn, cái linh hồn mà sẽ được hợp nhất với những người khác bởi tình yêu, bởi vì linh hồn thì không chết.

Thân thể muốn cái tốt nhất cho chính nó, cho dù cái đó làm hại linh hồn. Còn linh hồn thì lại muốn cái tốt nhất cho chính nó, cho dù cái đó làm hại thân thể. Cuộc đấu tranh này sẽ biến đi chỉ khi nào bạn hiểu rằng, đời bạn không ở trong thân thể – nó sẽ biến đi và chết: Thân thể chỉ là nơi chốn mà linh hồn vĩnh cửu của bạn lưu trú tạm thời.

Một người có thể hiểu tình yêu tốt lành như thế nào, khi y hiểu thân xác y mong manh như thế nào.

6. Tình yêu đại đồng

Nếu bạn mong đợi một phần thưởng cho tình yêu của mình, thì đó không phải là chuyện tình yêu chân thực. Cái phẩm chất cốt tủy của tình yêu là hiến tặng những phúc lành cho tất cả những ai ở xung quanh bạn – và không đòi hỏi cái gì đáp lại.

Người ta sống không phải bằng những cái mà họ nghĩ về cuộc đời, mà chỉ qua tình yêu.

Bạn muốn sự tốt lành, và sẽ nhận được nó khi bạn mong muốn sự tốt lành cho hết thảy mọi người.

Có nhiều sự tốt lành trên thế gian này, nhưng chỉ có duy nhất một sự tốt lành chân thực: yêu người khác.

Tình yêu mà có một lý do thì không phải là tình yêu thuần khiết. Chỉ có tình yêu vô hạn chế, vô điều kiện mới là tình yêu vĩnh cửu. Tình yêu như thế không biến đi, mà liên tục tăng trưởng với thời gian.

7. Tội lỗi

Không có cuộc sống nào mà không có tội lỗi và việc chuộc lại những sai lầm của bạn. Những tội lỗi của chúng ta thì giống như một cái vỏ trứng hay một hạt lúa mạch. Diệt trừ những tội lỗi của ta, thì giống như việc phá vỡ cái vỏ ngoài, nó giải phóng chú gà con, hay để cho hạt mầm phát triển khi nó được phô ra không khí trong lành và ánh sáng. Cùng cách như vậy, cái tôi tâm linh của chúng ta tăng trưởng khi được phô bày ra trước linh hồn của Thượng đế.

Thân thể bạn nên phục vụ linh hồn bạn. Nhưng thường khi, do hoàn cảnh, người ta làm ngược lại. Đây là cái mà tôi gọi là một tội lỗi.

Trong thế giới tâm linh, mọi sự được nối kết chặt chẽ hơn trong thế giới vật chất. Bất cứ lời nói dối nào cũng dẫn đến dăm bảy lời nói dối khác, bất cứ hành vi tàn nhẫn nào cũng dẫn đến những hành vi tàn nhẫn khác.

Đối với chúng ta, trẻ con có vẻ thuần khiết hơn người lớn. Sở dĩ như vậy, có thể là vì tâm trí của chúng chưa bị làm hỏng bời những thành kiến của người lớn. Người lớn phải tranh đấu với tội lỗi của họ.

8. Sự cám dỗ

Hãy phục vụ thân thể bạn chỉ khi nào nó thực sự cần đến sự phục vụ đó, chứ không phải bằng cách tạo ra thêm nhiều cách để chiều chuộng nó. Khi bạn chiều chuộng thân thể bạn quá nhiều, thực ra bạn đang làm đau chính mình. Để có một cuộc sống tốt đẹp, thân thể bạn nên phục vụ linh hồn bạn, chứ không phải ngược lại.

Chỉ có thân thể bạn mới khổ, chứ linh hồn bạn không biết đến sự khổ. Cuộc sống tâm linh của bạn càng yếu thì bạn sẽ càng khổ. Tốt nhất là sống bằng linh hồn bạn nhiều hơn.

Bao tử bạn ví như những chiếc cùm trói buộc linh hồn bạn. Bạn nên ăn để chống lại cơn đói, chứ không phải cho lạc thú của vị giác.

Cáng ít chú tâm đến thực phẩm, y phục đắt tiền và trò giải trí, thì bạn sẽ càng có nhiều tự do hơn.

9. Lao động và nhàn rỗi

Nếu bạn không muốn làm việc, bạn sẽ sống hoặc là bằng sự nhục nhã hay bạo động, hoặc bằng cách ăn cắp từ những người khác.

Chúng ta nên kính trọng người khác không phải vì sự giàu có của họ, mà vì công việc họ làm. Thường khi, những người rất lười biếng nhưng rất giàu thì được nể trọng, trong khi những ai làm công việc hữu ích bằng tay chân, như những nông dân, hay kẻ làm thuê hưởng thù lao từng ngày lại không được nể trọng. Đây là điều sai lầm.

Không có gì làm hại một cuộc sống tốt đẹp nhiều cho bằng bỏ bê công việc bình dị, thường nhật – làm ra thực phẩm của chính bạn, quét dọn nhà cửa, và giặt ủi quần áo. Nhiều người giàu bỏ bê những việc lặt vặt thường nhật như thế, nhưng đối với một người lương thiện, thì đây là công việc quan trọng nhất của đời mình.

Nếu bạn làm việc cho những người khác thì hãy đừng xấu hổ về điều này, và đừng đòi thêm thù lao phụ trội. Hãy nhớ rằng, lao động của bạn khi được làm trong tình yêu, cho sự tốt lành của người khác, thì tốt cho linh hồn mình.

 

10. Kiêu mạn

Giận huynh đệ mình thay vì yêu thương là một điều xấu. Tuy nhiên, càng tệ hơn nếu y nghĩ rằng y tốt hơn huynh đệ của mình.

Thật ngốc nghếch, nếu một người nghĩ rằng mình cao hơn một người khác. Càng ngốc nghếch hơn, khi một dân tộc nghĩ rằng nó cao hơn một dân tộc khác.

Một người không thể tự nhắc mình vào trong không trung.  Hệt như vậy, y không thể thực sự tự tôn vinh chính mình.

Chỉ trong cuộc sống vật lý của mình, bạn mới có thể đối xử một cách tự tôn với kẻ khác. Tuy nhiên, nếu bạn sống một cuộc sống tâm linh, bạn sẽ thấy mọi người đều bình đẳng, ngang hàng với bạn.

Sự bất bình đẳng là không tương thích với tình yêu chân thực. Tình yêu là mặt trời, chiếu sáng một cách bình đẳng trên tất cả mọi người. Nếu mặt trời chiếu sáng cho một số người, mà không chiếu sáng cho những người khác, thì nó sẽ không phải là mặt trời. Cũng như vậy, một tình yêu chỉ dành cho một số người, thì không phải là tình yêu chân thực.

11. Kiêu mạn và danh vọng

Chỉ sống cho danh vọng thật là nguy hiểm. Nếu bạn chỉ sống cho riêng bản thân mình, thì khi vấp ngã, bạn chỉ làm hại một mình bạn. Nhưng nếu sống cho danh vọng, bạn có thể làm hại những người khác nhiều hơn một trăm lần.

Hãy “đắp tai ngoảnh mặt” với những dư luận của người khác về bạn. Nếu không có sự “làm ngơ” đó, bạn sẽ không thể là một người tự do.

Càng về già, qua năm tháng, phần lớn những tội lỗi và cám dỗ đều trở nên yếu đi. Tuy nhiên, riêng với lòng kiêu mạn, thì bạn sẽ phải đấu tranh với nó suốt từ tuổi ấu thơ cho đến tuổi già.

Thượng đế sáng tạo ra trời và đất, nhưng chúng ta không thể nắm bắt khái niệm này, hoặc tìm thấy hạnh phúc trong nó. Thượng đế cũng tạo ra chúng ta để hiểu hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều được sáng tạo như là một bộ phận của một cơ thể duy nhất, một cơ thể mà phải yêu chính nó.

12. Tham lam và giàu có

“Một người từ bi, không bao giờ giàu có. Một người giàu có, thì không từ bi”.

Tục ngữ Trung Hoa

Một số người nói: “Tôi giàu bởi vì tôi tốt hơn những người khác”, và đồng thời nói: “Tôi tốt hơn những người khác bởi vì tôi giàu”. Vâng, thực sự là khó cho một người giàu bước vào vương quốc của Thượng đế.

Bạn nên tích lũy loại của cải mà không ai có thể lấy đi từ bạn: Nó vẫn còn lại với bạn ngay cả sau cái chết, và không bao giờ hư mất. Những của cải đó được lưu trữ trong linh hồn bạn, trong một cuộc sống tràn đầy tình yêu.

Mười người tốt, đứng đắn, có thể nằm chung trong một căn phòng nhỏ và ngủ ngon trên một cái sàn nhà, đắp chung một cái chăn bình dị. Tuy nhiên, hai người giàu không thể chịu đựng được nhau, ngay cả trong một dinh thự với mười phòng ngủ.

Qua thời gian, người giàu trở nên càng xấu hổ, và người nghèo càng thêm tuyệt vọng.

13. Phán xét và trừng phạt

Sự trả thù và trừng phạt đối với những ai đã lăng nhục hay làm hại bạn trong bất cứ cách nào là một sai lầm. Lời dạy rằng sự bạo động thì hữu ích cho con người, cũng là một sai lầm.

Sự bạo động có thể là một cản trở và một chướng ngại cho những gì mà người ta muốn. Tuy nhiên, giống như một con đập vốn không thể ngăn dòng chảy của một con sông, sự bạo động không thể ngăn chặn cơn thủy triều của cảm xúc, mà sẽ một ngày nào đó vỡ bùng ra.

Mọi người đều hiểu rằng cái xấu không thể tiêu diệt cái xấu. Chúng ta chỉ tăng cường cái xấu ác khi ta tin rằng cái xấu phải bị trừng phạt. Chúng ta không tiêu diệt được cái xấu, mà chỉ làm gia bội nó khi ta đáp trả cái xấu bằng cái xấu.

Ta có thể thấy tội lỗi trong người khác một cách dễ dàng như ta thấy vết nhơ trên mặt họ, nhưng ta không thể thấy chính những tội lỗi của bản thân, bởi vì ta không đang nhìn vào tấm gương của lương tâm mình. Ta cần soi vào tấm gương đó một cách thường xuyên hơn. Rồi, chúng ta sẽ trách cứ những người khác ít hơn về những tội lỗi của họ, và trở nên thuần khiết hơn.

14. Bạo động và chiến tranh

Có vẻ như việc làm thay đổi xã hội và làm cho con người trở nên tốt hơn là một vấn đề đơn giản. Do vậy, chúng ta thường hay cố thay đổi những ai xung quanh ta và quên đi việc phát triển tâm linh của chính mình – tự phấn đấu để đạt tới sự toàn thiện nội tại. Con đường chân thực duy nhất để cải thiện xã hội là cải thiện cái tôi tâm linh của mình. Cũng nói hệt như vậy. Ngay khi hai nhóm này khởi sự cáo buộc lẫn nhau về tôi nói dối, thì rất có thể cả hai đều sai.

Bất cứ sự nô lệ nào cũng dễ chịu đựng hơn là sự nô lệ đặt nền trên tôn giáo dối trá. Một người, khi đã là tên nô lệ cho một tông phái hay giáo hội nào đó, thì ở dưới sự kiểm soát hoàn toàn của những vị đạo sư của y.

Thời đại chúng ta là thời đại của sự phê phán thực hành, mà trong đó mọi sự có thể được xem xét và đánh giá với óc phê phán.

“Hai nhóm cố trốn tránh sự phê phán: những cơ sở tôn giáo, nấp dưới cái cớ là thánh thiện; và những kẻ làm luật, nấp dưới cái cớ của quyền lực và sự vĩ đại của họ”. – Immanuel Kant

15. Khoa học sai lầm

Loài cú có thể nhìn thấy trong bóng tối, nhưng trở nên mù lòa trong ánh sáng. Đối với nhiều học giả thì cũng đúng y như vậy. Họ biết nhiều kiến thức lặt vặt, “từ chương”, nhưng không biết, hay không muốn biết cái khoa học quan trọng nhất, cần thiết cho cuộc sống – ta nên sống như thế nào trên thế gian này.

Có những quan điểm sai lầm về mọi thứ thì cũng có những khoa học sai lầm. Một số ý kiến được xem là chân lý duy nhất, không phải bởi vì chúng đáp ứng những nhu cầu của con người, mà bởi vì những học giả xem nó là cần thiết. Do vậy, khoa học trở thành sai lầm. Điều này thường xuyên xảy ra trong thế giới chúng ta.

Khả năng của tâm trí để hấp thu kiến thức, khả năng đó không phải là vô giới hạn. Do vậy, bạn không nên tin rằng càng biết nhiều hơn thì càng tốt hơn. Kiến thức về những điều không quan trọng là một trở ngại cho sự hiểu biết chân thực.

16. Nỗ lực

Khi một người tìm cách cải thiện chính mình, y có thể sẽ ngã trở lại những thói xấu cũ, nhưng sau cùng luôn luôn trở về với những nỗ lực của mình. Cái bước lùi này thì luôn nhỏ hơn sự tiến bộ của y. Nếu một người muốn cải thiện cuộc sống nội tại của mình, sau cùng y sẽ thành công.

“Chúng ta nên loại bỏ cái quan điểm sai lầm rằng, Thượng đế có thể sửa chữa những tội lỗi của chúng ta. Ngoài bạn ra, không ai có thể làm việc này cho bạn. Nếu bạn nấu bữa ăn một cách cẩu thả, chiếu lệ thì bạn không thể mong đợi Thượng đế làm cho nó trở nên ngon lành. Nếu bạn đi sai hướng trong cuộc đời, bạn không nên mong đợi Thượng đế, qua sự can thiệp thiêng liêng, thay đổi nó và bất ngờ làm cho nó tốt hơn”.

John Ruskin

Nói rằng bạn không thể thực hiện một nỗ lực để giữ cho mình khỏi làm điều sai trái, thì cũng như công nhận rằng bạn không phải là một con người, mà là một con vật, hay một sự vật vô tri. Con người biết rằng, thực hiện một nỗ lực, cái đó nằm trong quyền lực của chúng ta.

Mọi tôn giáo đều dạy chúng ta rằng, toàn bộ cuộc đời ta là một nỗ lực, tiến lên từ những giai đoạn thú vật sơ khai đến sự sống cao hơn linh hồn.

17. Không có điều xấu

Nếu một chút xíu trong cái nỗ lực mà người ta đặt vào việc làm giàu, tự chiêu đãi mình, hay tranh cãi, được đầu tư vào việc cải thiện cái tôi nội tại của họ, và không chống lại lương tâm họ, thì chẳng bao lâu mọi điều xấu sẽ biến đi khỏi thế gian này.

Đừng nói hay phàn nàn về những điều xấu mà những kẻ thân yêu của bạn đã làm. Nếu những người khác đàm tiếu, phán xét, và chỉ trích những láng giềng của họ, hãy cố phớt lờ nó. Bạn càng ít phán xét kẻ khác, thì càng tốt hơn cho bản thân mình.

Bạn không thể làm gia tăng sự tốt lành của cuộc đời này. Đời bạn, trong tự thân nó là một điều tốt đẹp. Tất cả những gì bạn cần làm là không làm hỏng nó. Quả thực, đôi khi chúng ta sống một cuộc sống xấu xa, nhưng sở dĩ như vậy là bởi vì chúng ta đã làm những điều xấu, mà lẽ ra chúng ta không nên làm.

Câu nói: “Aut bebe aut nihil” thường được hiểu là: “Về người chết, chỉ nên nói điều tốt, hoặc không nói gì cả”. Điều này sai. Người ta nên nói ngược lại: “Về người đang sống, chỉ nên nói điều tốt, hoặc không nói gì cả”. Làm điều này, chúng ta sẽ thoát khỏi nhiều lỗi lầm và khỏi trộn lẫn cái tốt với cái xấu.

18. Ý nghĩ

Bạn không thể, về mặt thể lý, loại bỏ tội lỗi, sự cám dỗ, hay những lời nói dối. Bạn có thể loại bỏ chúng chỉ trong những ý nghĩ của bạn.

Sức mạnh tâm linh vốn có thể dịch chuyển thế giới này, thường hay vuột khỏi sự chú ý của ta. Nó không được tìm thấy trong những cuốn sách, nhật báo, luật lệ, hay những chuyên san có tính hàn lâm. Vô hình, nó luôn tự do. Nó có thể được tìm thấy trong những ý nghĩ của bạn, và nó là sức mạnh của linh hồn bạn.

Trước hết, hãy nói bằng tiếng nói nội tại của bạn khi nghĩ về thế gian này, chỉ lúc đó, bạn mới nên nói ra với những người khác.

Cuộc đời của con người được xác định, không phải bởi những hành động của họ, mà bởi những ý tưởng nội tại vốn chỉ đạo, hướng dẫn những hành động của họ; có thể nói tương tự như thế về những dân tộc. Chúng ta được xác định, không phải bởi những biến cố bên ngoài, mà bởi những ý kiến được chia sẻ, vốn hợp nhất những con người.

Một ý tưởng lớn cư ngụ trong linh hồn của một người, có thể làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời y.

19. Chân lý

Đừng tin bất cứ điều gì mà chỉ dựa vào lời nói của ai đó. Hãy suy nghĩ và phân tích mọi sự, rồi chấp nhận chỉ những điều được trí tuệ của bạn phê chuẩn.

Để sống một cuộc sống tốt, hãy sống bằng sự thật, và tìm kiếm sự hướng dẫn từ những vị hiền nhân sống trước bạn.

Chân lý chỉ đến với bạn nếu bạn dùng trí tuệ của mình.

Nếu bạn muốn biết chân lý, hãy tự giải phóng mình ra khỏi mọi ý tưởng về lợi lộc cá nhân, và rồi, hãy làm quyết định của bạn.

Mọi người đang tìm kiếm chân lý, việc này nhắc nhở tôi nhớ về một nông dân. Nhiệm vụ chính yếu của y là chọn lựa chân lý, như một nông dân chọn những hạt giống tốt nhất của mình, và rồi trồng chân lý này vào trong linh hồn, như người nông dân trồng những hạt giống của y. Những từ ngữ là những dụng cụ chủ yếu của bạn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ĐỂ TẠO RA MỘT CUỘC ĐỜI TUYỆT VỜI
  2. CHÂN LÝ CỦA NIỀM VUI

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP