TÁC ĐỘNG CỦA CHÁNH NIỆM

HUGH G.BYRNE

Trích: Thói Quen Hiện Tại; người dịch: Thế Anh; Cty sách Văn Lang Books, NXB Thanh Hoá

Thích Nhất Hạnh, một thiền sư Phật giáo, nhà thơ và là nhà hoạt động vì hòa bình nổi tiếng, đã đặt nhan đề cho một trong những quyển sách của ông là The Miracle of Mindfulness (Phép mầu của Chánh Niệm; HT. Nhất Hạnh 1975). “Phép mầu” này nằm trong sự chuyển hóa phát xuất từ sự tự nguyện trải nghiệm mà không chống đối,tranh đấu, và với một con tim cởi mở và sẵn lòng chấp nhận. Điều dường như gây đau khổ, đáng sợ và không thể chịu đựng có thể trở thành con đường để trưởng thành và chữa lành, khi chúng ta toàn tâm toàn ý gặp gỡ chúng. Như đạo sư Eckhart Tolle đã nói: “Bất cứ điều gì bạn chấp nhận hoàn toàn, bạn đều vượt qua” (Tolle 2003).

Khi bạn kháng cự hoặc trốn tránh bất cứ phần nào trong trải nghiệm của mình, việc này giống như thể bạn dựng lên một bức tường tinh thần xung quanh nó. Ở đây, tôi xin diễn giải lại câu nói nổi tiếng của Franklin D. Roosevelt: Bạn sống trong sự sợ hãi chính nỗi sợ. Khi bạn trốn tránh một trải nghiệm, một cảm giác hoặc một cảm xúc, trải nghiệm ấy, cảm giác ấy hoặc cảm xúc ấy không hề biến mất, mà trái lại, nó còn được sự chống đối của bạn cung cấp năng lượng và sẵn sàng quay trở lại khi có điều kiện thích hợp. Cái bạn kháng cự sẽ tồn tại dai dẳng.

Sẵn sàng đón nhận một cách trọn vẹn đối với một trải nghiệm chính là điều cho phép các lề thói “tự siêu thoát”, một thuật ngữ có từ truyền thống Phật giáo Tây Tạng; nếu không có năng lượng từ sự chống cự, tranh đấu, thì mọi cảm giác đều sẽ đến rồi đi. Điều trớ trêu là con đường thoát ra khỏi sự đau khổ chính là sự trải nghiệm đau khổ. Cái khó ở đây là bạn phải có dũng khí để gặp gỡ sự đau khổ và phiền muộn của mình, mà không đồng nhất cũng như không chống lại nó.

Chánh niệm đơn giản chỉ cần bạn “hiện diện ở nơi đây vào lúc này”, sẵn lòng đón nhận trải nghiệm của bạn đúng với bản chất của nó. Những trải nghiệm ấy bao gồm các cảnh quan và âm thanh xung quanh bạn, cũng như các cảm giác, cảm xúc và suy nghĩ của bạn.

Nhưng, chánh niệm cũng chẳng dễ gì vì xung quanh bạn có quá nhiều điều có thể lôi kéo bạn ra khỏi khoảnh khắc hiện tại. Có thể bạn đã quen với việc dành ra nhiều thời gian để chìm đắm vào việc nghiền ngẫm về quá khứ, so sánh bản thân với những người khác hoặc lo lắng về tương lai (chúng ta sẽ bàn đến vấn đề này ở chương 6). Có thể những trải nghiệm đau buồn hoặc gây tổn thương đã để lại di sản cho bạn là sự cảnh giác và lo hãi đến cực độ mà nếu không được xử lý, bạn rất khó hiện diện trọn vẹn. Trớ trêu thay, các tiến bộ về khoa học kỹ thuật cho phép bạn thường xuyên liên lạc với những người khác và tiếp cận thông tin nhanh chóng lại có khuynh hướng tách biệt bạn ra khỏi thế giới xung quanh, và có thể khiến bạn xa cách những người ở ngay bên cạnh bạn. Và cuối cùng, qua quảng cáo và các chiêu bài khác, bạn bị mồi chài để muốn những cái mà bạn không cần. Ví dụ, như Michael Moss đã lưu ý: “Không có điều gì là ngẫu nhiên trong một cửa hàng tạp hóa… một bản nhạc du dương từ hộp nhạc, những mùi thơm từ gian bánh nướng; những tủ nước ngọt ướp lạnh bên cạnh lối thanh toán tiền” (Moss 2014, các trang 346 – 347). Các công ty chi ra hàng tỉ đô-la để kích thích thói quen mua sắm của người tiêu dùng và duy trì cảm giác thèm muốn. Sự thèm muốn này khiến cho bạn khó lòng chỉ lưu ý đến môi trường xung quanh mà không muốn thứ gì đó mà bạn không có, hoặc ao ước các sự việc trở nên khác đi, bất kể là bạn đang ở nhà hay là đang ở bên ngoài. Thế nên, việc trở nên có chánh niệm không phải là điều dễ dàng; nó đòi hỏi việc tập luyện hiện diện. Nhưng khi trở nên có chánh niệm về trải nghiệm từng khoảnh khắc, bạn sẽ trau dồi những kỹ năng khác nhau mà những nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy là đã tác động đến nhiều phần khác nhau ở não, và vì thế đã mang lại lợi ích và những thay đổi cho thể xác, cảm xúc, trí tuệ và tinh thần.

Nghiên cứu khoa học hiện nay đang giúp làm rõ cách thức tác động của chánh niệm, và những khía cạnh đặc biệt khác của việc rèn luyện chánh niệm có thể dẫn đến những kết quả đặc trưng ra sao. Chánh niệm có thể giúp nhiều người khác nhau theo những cách thức khác nhau. Ví dụ, nó có thể giúp những người bị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (attention-deficit hyperactivity disorder) cải thiện khả năng tập trung của họ, nó có thể giúp những người nghiện chịu đựng những cơn thèm của họ, và giúp những người rối loạn tâm lý trải nghiệm các cảm giác tiêu cực mà không để những cảm giác ấy áp đảo.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. BẠN CÓ CHẮC MÌNH “CÓ QUÁ NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM ?”
  2. THÓI QUEN TRAU DỒI, KHÍCH LỆ AN LẠC VÀ HẠNH PHÚC
  3. THẨM TRA CÁC NIỀM TIN & CÂU CHUYỆN HƯ CẤU CỦA TINH THẦN

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ