TẠI SAO CÂU CHUYỆN CỦA NGƯỜI ĐÓ LẠI THÚ VỊ

TERUYUKI YOSHIDA

Trích: Nói Chuyện Thú Vị Như Người Nhật; Nguyễn Phương Hoa dịch; NXB. Thanh Niên

Trong bầu không khí vui vẻ của những cuộc chuyện phiếm, bạn hãy đặt câu hỏi để câu chuyện được tiếp tục nối dài. Việc đặt câu hỏi cho đối phương thể hiện sự quan tâm của bạn đến câu chuyện, điều này khiến cho họ cảm thấy vui vẻ và hứng thú hơn và bầu không khí cũng trở nên thoải mái hơn. Trước đó, ở chương 2 tôi có đề cập đến việc nếu có thể kể những câu chuyện hài hước sẽ tạo được bầu không khí giao tiếp gần gũi. Từ đây, tôi sẽ bàn về chủ đề này nhiều hơn. Hãy tạo ra tiếng cười và theo đuổi cốt lõi của một câu chuyện thú vị.

Thường những người thú vị chỉ nói một câu thôi cũng khiến đối phương bật cười, họ không phải giả vờ ngốc nghếch hay làm trò gì quá lố cả. Vì không có tính toán chủ đích gì nên những điều họ nói ra mới thú vị. Tuy nhiên bạn cho rằng vì họ bẩm sinh đã thú vị, nên rất khó để chúng ta tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao câu chuyện của người đó lại thú vị?”.

Nhưng các bạn hãy yên tâm rằng, có một bí quyết sẽ khiến bạn sẽ thành công và trở thành người nói chuyện thú vị. Chúng ta hãy cùng nhau tìm ra đáp án.

Đó chính là “không quá tập trung vào bản thân” hay bạn có thể hiểu là “tập thói quen quan sát bản thân và mọi người xung quanh”.

Khi bạn nghe thấy những câu khiếm nhã của người khác và trở nên cáu giận, bạn sẽ ngay lập tức đáp trả theo phản xạ tự nhiên hay sẽ nhận thấy rằng mình đang tức giận? Với mỗi cách phản ứng này, não bộ bạn sẽ vận hành theo những cách khác nhau và những lời bạn nói ra cũng khác nhau. Nếu bạn đáp trả theo phản xạ thì mối quan hệ của bạn với đối phương sẽ rất có thể trở nên xấu đi đúng không? Nhưng sau khi nhận thức được rằng: “Có lẽ mình đang tức giận thật” thì bạn sẽ nghĩ đến khả năng mối quan hệ giữa hai bên sẽ xấu đi và từ đó điều chỉnh cách sử dụng từ ngữ của mình.

Thêm vào đó, muốn câu chuyện của bạn được người khác đón nhận thì bạn phải để ý đến cảm xúc của đối phương và bầu không khí cuộc trò chuyện. Nếu chỉ chú ý đến cảm xúc của bản thân thì bạn sẽ không thể rèn luyện được sự nhạy bén đó. Khi áp dụng những điều tôi đã nêu ra trong chương này vào thực tiễn đời sống hằng ngày, các bạn hãy tập thói quen có cái nhìn khách quan hơn. Từ đó, bạn có thể phát hiện ra một khía cạnh hoàn toàn khác của bản thân mà trước đây bạn chưa hề nhận thấy. Rồi sau đó bạn sẽ tìm thấy cách để trở nên “thú vị”. Khi đó, bạn đã có thể khiến mọi người thích thú với câu chuyện và tiếng cười sẽ tự nhiên bật lên. Mọi người hãy thử sử dụng và tận hưởng kết quả của phương pháp này nhé.

LUÔN LUÔN THAY ĐỔI CÁCH DIỄN ĐẠT ĐỂ CÂU CHUYỆN THÚ VỊ

Nếu bạn hay xem các chương trình hài đối thoại trên truyền hình, sẽ thấy luôn có hai vai trò là người hỏi (chuyên đặt ra những câu hỏi) và người đối đáp (chuyên trả lời và tương tác tiếp nối câu chuyện). Những người nói chuyện thu hút là những người biết ứng biến linh hoạt và biến đổi câu trả lời. Ví dụ như sau:

A: Bữa tối hôm nay ăn cá thu nữa nhé?

Người không thú vị sẽ trả lời:

B: Lại cá thu à? Giờ là mùa trứng cá hồi rồi mà.

Người thú vị sẽ trả lời:

B: Bổ sung DHA mỗi ngày rất tốt cho sức khỏe, nhưng nếu quá nhiều thì cũng không tốt…

Tôi cho rằng những người thú vị thường sẽ diễn đạt theo cách của riêng họ. Tuy vẫn là cá thu nhưng họ sẽ nghĩ ra một cách diễn đạt khác. Lúc này khi nghĩ đến DHA, trong đầu B sẽ liên tưởng như sau: “DHA rất tốt cho sức khỏe, nhưng nếu ăn hằng ngày lại gây hại cho cơ thể”. Nói tóm lại, thay đổi cách diễn đạt từ ngữ cũng như đang chơi một trò chơi liên tưởng trong đầu. Nếu biết sử dụng phương pháp này, cuộc trò chuyện sẽ trở nên phong phú hơn. Cùng một đối tượng nhưng nếu linh hoạt thay đổi cách diễn đạt, câu chuyện sẽ thú vị hơn.

Giống như ví dụ vừa rồi, bạn không phải cố gắng quá nhiều mà vẫn có thể tiếp nối cuộc trò chuyện.

—–???—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LOẠI BỎ SỰ KHÓ XỬ BẰNG “CHỦ ĐỀ TỦ”

Bài viết mới

  1. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ
  2. “LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”
  3. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH