HE. GARCHEN RINPOCHE VIII
Trích: Ngọn đèn trí huệ tỏa khắp – Bình giảng về Ba Lời Tuyên Thuyết Của Đại Viên Mãn Dzogchen; Trần Thị Lan Anh dịch Việt; Hiệu đính bởi Ban dịch thuật Thiện Tri Thức
Ở đây chúng ta phân biệt giữa trong thời điểm thiền và hậu thiền. Đầu tiên Ngài Tenpe Nyima nói rằng “thực hành thời khóa chuẩn bị chung”. Ở đây muốn nói đến quy y, phát khởi động lực đúng đắn là Bồ Đề Tâm, và rồi bắt đầu vào thực hành chính. Vào thời gian đầu bạn nên luôn luôn thực hành quy y. Trước đó bạn nên hiểu về nơi quy y bên ngoài là Tam Bảo, và sau khi đã thọ nhận quy y, bạn cần hiểu về Tam bảo bên trong, tức là cần hiểu rằng Tam Bảo ở ngay trong chính tâm bạn. Phật bên trong bạn là tâm trí huệ, Pháp bên trong lá tình yêu thương và lòng bi mẫn. Khi bạn quy y hãy nghĩ rằng “tôi đang thọ giới quy y để có thể bảo vệ chúng sinh khỏi khổ đau luân hồi”.
Ngoài ra khi bạn thọ giới quy y, bạn cần liên tục nhớ đến phẩm tính của Tam Bảo. Nếu đã thuần thục về điều đó thì bất cứ khi nào bạn nghĩ về các phẩm tính của Tam Bảo, ngay trong giây phút ấy bạn sẽ nổi da gà và có một cảm xúc mạnh mẽ, thậm chí cả cảm giác thân vật lý. Ban đầu khi bạn chưa hiểu biết về các phẩm tánh của Tam Bảo và chỉ tụng bằng miệng lời nguyện quy y thì sẽ không có cảm nhận đặc biệt. Điều rất quan trọng là ban đầu cần phải trưởng dưỡng ba loại tín tâm, và quan trọng nhất là hiểu biết về các phẩm tánh của Tam Bảo. Và rồi khi bạn nhìn thấy một đại diện của Tam Bảo thì cảm nhận rất mạnh mẽ sẽ sinh khởi ngay tức thì. Chúng ta thọ giới quy y để làm lợi lạc mọi chúng sinh trong luân hồi. Tại sao chúng ta lại cần làm lợi lạc cho họ? Đó là vì bởi họ khổ đau. Gốc rễ khổ đau của họ là gì? Đó là chấp ngã. Điều gì vượt qua được chấp ngã? Chỉ có từ bi. Nếu bạn thực lòng yêu thương mọi người thì bạn có thể thật sự làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh trong luân hồi.
Ở khía cạnh rốt ráo thì mọi chúng sinh đều có Phật tánh. Khi thiền định, bạn hiểu rằng tâm tự do khỏi bám chấp của bạn – nền tảng duy nhất ấy – có cùng một bản chất với tâm của mọi chúng sinh. Khi bạn đã trưởng dưỡng được cái thấy thì sẽ có sự hợp nhất của tánh không và từ bi. Tâm như thế có thể lan tỏa khắp mọi chúng sinh và làm lợi lạc cho họ. Đặc biệt chú ý là chúng ta cần hiểu sự liên hệ giữa chúng sinh, chư Phật và bản thân mình. Mối liên hệ này chính là Phật tánh. Đó cũng chính là lý do tại sao thông qua tâm nguyện của mình, chúng ta có thể lan tỏa cùng khắp chúng sinh.
Tiếp theo, Ba Bất Động là phần chính của thực hành, trước khi chúng ta đến phần cuối cùng: “kết thúc bằng hồi hướng và cầu nguyện dẫn dắt bởi cái thấy thanh tịnh”. Ở đây muốn nói đến hồi hướng tối thượng. Với cái thấy thanh tịnh bạn hiểu rằng tất cả mọi chúng sinh trong sáu cõi luân hồi đều có Phật tánh. Đức Phật đã nói rằng “Phật ở trong mọi chúng sinh. Họ chỉ bị che chướng bởi những ô nhiễm tạm thời”. Những ô nhiễm tạm thời chính là những ô nhiễm của chấp ngã và vô minh. Không có ô nhiễm nào khác. Khi chấp ngã bị phá hủy thì tất cả chúng sinh là Phật. Từ góc nhìn đó thì không có đối tượng thật sự của từ bi bởi vì rốt ráo thì chúng sinh không tồn tại. Chúng sinh chỉ giống như những tảng băng bị đông cứng lại, nhưng bản chất của các tảng băng là nước và băng có thể dễ dàng bị tan chảy.
Khi kết thúc thời khóa tu, chúng ta hồi hướng. Hồi hướng dựa trên khái niệm được thúc đẩy bởi từ bi, và hồi hướng vô khái niệm được gọi là hồi hướng với trí tuệ vô niệm siêu vượt ba ranh giới (ba chấp), như được giải thích trong 37 Pháp Tu Bồ Tát. Chúng ta hồi hướng từ trong trạng thái thiền định. Trong một thời khóa thiền định thì tất cả các khía cạnh thực hành này cần phải được bao hàm, tức là gồm có quy y, trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm, thiền định, và hồi hướng thiện căn.
Ở văn bản này nói đến hồi hướng tối thượng – hồi hướng với cái thấy thanh tịnh. Chúng ta hồi hướng với sự hiểu biết rằng tất cả chúng sinh có tiềm năng của giác ngộ. Nếu bạn nghĩ về điều này mỗi lần thực hành thì kinh nghiệm có được trong thời thiền sẽ hóa nhập với trạng thái hậu thiền định cho đến khi rốt cuộc là không còn sự khác biệt giữa thiền định và hậu thiền định. Trong thời thiền, chúng ta duy trì cái thấy, và trong trạng thái hậu thiền định chúng ta cũng duy trì cái thấy. Vì thế hồi hướng ở đây là hồi hướng cùng với cái thấy. Sau đó bản văn nói rằng:
Mặc dù không có sự khác biệt giữa các thời thiền chính thức và hậu thiền định, nhưng đầu tiên nếu chưa có được sự ổn định trong thời thiền chính thức thì bạn sẽ không thể hòa nhập trí tuệ từ kinh nghiệm thiền định với trạng thái hậu thiền định. Và vì thế, dù bạn có nỗ lực đến đâu để đưa các hoạt động hàng ngày vào con đường thì những niệm tưởng vô tận sẽ làm bạn trượt lại vào những thói quen cũ và xu hướng tiêu cực. Do vậy “hãy thực hành các thời khóa thiền riêng biệt.
Đầu tiên chánh niệm đang còn yếu, vì thế bạn có thể nhận ra cảm xúc tiêu cực nhưng vẫn bị chúng sai sử, bởi vì chánh niệm của bạn chưa đủ mạnh để vượt qua chúng. Ví dụ đưa ra là về con dao. Nếu bạn có một con dao rất sắc, giống như nếu thiền định của bạn rất ổn định, thì nó có khả năng cắt được mọi thứ. Nhưng nếu con dao của bạn không sắc thì cho dù bạn có thể cố để cắt nhiều thứ bằng con dao ấy nhưng bạn không thể làm được. Khi ấy mặc dù rất nhiều nỗ lực song bạn vẫn không thể làm được việc dọn sạch [tâm thức].
Phương pháp nào để giúp kiểm soát được cảm xúc tiêu cực? Dzogchen dạy rằng các thời khóa thiền định nên được tiến hành thường xuyên nhưng ngắn và vì thế rất sáng tỏ. Bạn nên thiền định trong một khoảng thời gian ngắn để duy trì chánh niệm sáng tỏ. bắt đầu thời khóa với phần quy y, phát khởi Bồ Đề Tâm và sau đó hãy hoàn toàn chú tâm vào việc duy trì chánh niệm. Cuối thời khóa thì hồi hướng các công đức. Hãy làm mình thuần thục với nhịp độ này và hãy thực hành thường xuyên liên tục. Thậm chí sau các thời thiền, bạn nên duy trì chánh niệm trong tất cả các hoạt động hàng ngày. Bất cứ khi nào bạn có thời gian, dù rằng chỉ là một khoảng thời gian ngắn, thì hãy sử dụng thời gian đó để thiền định. Thiền định thường xuyên và trong những thời khóa ngắn là phương pháp đặc biệt của Dzogchen. Chúng ta cần duy trì tánh giác cả khi đang không ngồi thiền trong thời khóa.