TÂM BẤT SANH

THIỀN SƯ BANKEI

Trích: Tâm Bất Sanh; Người dịch: Thích Nữ Trí Hải; NXB Thanh Văn, 1983

Thiền Sư Bankei (1622 – 1693), cũng được gọi là Bàn Khuê Quốc sư, là một vị Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Lâm Tế, hệ phái Diệu Tâm Tự. Sư là một trong những Thiền sư danh tiếng nhất trong lịch sử Phật Giáo Nhật Bản với tư cách là người đã phổ biến thiền học đến lớp quần chúng.

???????

Sư dạy chúng: Như quý vị đều đã nghe tôi nói, mọi người bẩm sinh đều có tâm Phật, vậy quý vị chỉ cần làm mỗi một việc duy nhất là an trú trong cái tâm Bất sinh ấy. Thế nhưng, vì theo thói đời, quý vị đã vướng vào những tệ đoan và đã chuyển tâm Phật thành ra quỷ đói luôn bám víu thèm khát. Hãy nhớ kỹ điều này, để luôn trú trong tâm Phật bất sinh. Nhưng nếu vì mong mỏi nhận cho ra cái Bất sinh mà quý vị ráng ngăn chặn những ý tưởng giận dữ thèm khát không cho chúng khởi lên, thì khi làm như vậy quý vị đã phân chia một cái tâm duy nhất ra làm hai. Cũng như thể là quý vị đuổi theo một cái gì đang trốn chạy. Khi ta còn cố ý ngăn tư tưởng khởi lên, thì cái ý ấy chống lại với những ý khác đang khởi lên liên tục, thế là không bao giờ có sự chấm dứt. Việc ấy cũng như thể là dùng máu để rửa máu, không bao giờ sạch được. Cũng vậy, mặc dù những tư tưởng giận dữ mà bạn ngăn chặn ấy có thể chấm dứt, nhưng cái tư tưởng sau cùng để ngăn chặn tư tưởng trước cứ tiếp tục không bao giờ dừng nghỉ.

Bạn có thể hỏi, vậy tôi phải làm sao? Nếu bỗng dưng ý tưởng giận dữ, hay thèm khát, hay bám víu… khởi lên nơi bạn một cách bất trị, ngoài ý muốn, thì đừng khai triển nó thêm, đừng để ý đến nó. Đừng bận tâm ngăn chặn hay không ngăn chặn, chỉ cần thấy kệ nó, thì nó không làm gì khác hơn là đi đến chấm dứt. Bạn không thể cãi với vách tường nếu bạn chỉ đứng một mình. Khi không có ai ở đấy để chiến đấu, thì mọi việc tự động đi đến chấm dứt.

Dù cho đủ mọi thứ tư tưởng tạp loạn thò mặt ra, thì cũng chỉ ló ra trong một chốc. Hệt như trẻ con ba bốn tuổi bận rộn trong trò chơi. Nếu bạn không bám víu một tư tưởng nào đặc biệt, như vui hay buồn, không nghĩ tới chuyện chấm dứt hay không chấm dứt nó, thì thế chính là an trú trong Tâm Bất sinh. Hãy giữ cho cái tâm duy nhất vẫn là cái tâm duy nhất. Nếu tâm bạn luôn luôn như vậy, thì dù cho điều tốt điều xấu gì khởi lên cũng tự động chấm dứt mà không cần bạn phải cố nghĩ hay không nghĩ. Cái mà bạn gọi là cơn giận hay niềm vui toàn là do bạn sản xuất với mãnh lực của tính chấp ngã, hậu quả của dục vọng ích kỷ. Khi vượt ngoài mọi ý tưởng bám víu thì những tư tưởng kia sẽ tự động tan biến. Sự biến mất ấy chính là cái Bất diệt. Và cái bất diệt chính là Tâm Phật bất sinh.

Tóm lại, điều chính yếu là luôn luôn nhớ đến Tâm Phật bất sinh, không hăm nấu những tư tưởng này nọ trên cái nền Bất sinh ấy, nghĩa là bám lấy những gì bạn gặp phải và đổi cái tâm Phật thành ra những ý tưởng. Khi bạn không bị lay chuyển, thì không tư tưởng nào còn khởi lên dù tốt hay xấu và do đó cũng không cần gì phải diệt. Như thế có phải là bạn không tạo tác cũng không hủy diệt hay chăng? Đấy không gì khác hơn là cái Tâm Phật bất sinh bất diệt đó vậy. Hãy hiểu rõ điều này?

——–*———

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. AI CŨNG CÓ TÂM PHẬT
  2. BỆNH VÀ TÂM PHẬT – THIỀN SƯ BANKEI
  3. SỐNG NHƯ PHẬT – THIỀN SƯ BANKEI

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ