TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Những Giáo Lý Thiết Yếu Của Đại Thừa; Nguyên tác: Essential Teachings; Người dịch: Đương Đạo; NXB. Thiện Tri Thức, 2010

Chúng ta có thể quan sát rằng khổ đau về thân thể thường đến từ tâm thức, hay rằng nếu hai người cùng chịu đựng một mức độ khổ đau vật lý như nhau, người mà tâm thức bình an và hạnh phúc thì ít đau đớn hơn người tâm thức xáo trộn và lo âu. Chúng ta cũng có thể thấy rằng ngay cả người rất may mắn có đủ tiện nghi vật chất lại chán nản, lo âu và không hạnh phúc… trong khi những người khác đời sống hàng ngày đầy kém may mắn nhưng lại có một tinh thần vui tươi và bình an nội tâm, cho ta một cảm tưởng thanh thản lớn lao. Một người đàn bà mà tâm thức trong sáng, rộng mở và quân bình sẽ có tâm thái an bình trước những khó khăn không thể tránh và thậm chí trước cả những đau đớn lớn lao, trong khi một người đàn ông cố chấp, xáo trộn và lo âu sẽ trở nên thất vọng bi quan và mất hết tiềm năng khi đối diện với sự khó khăn bất ngờ nhỏ nhất.

Tâm thức quan trọng hơn thân thể rất nhiều. Thế nên, bởi vì chính trạng thái của tâm thức chúng ta cho phép chúng ta chịu đựng được nhiều hay ít hay thậm chí kinh nghiệm khổ đau, như vậy chúng ta cần xem trọng nhiều hơn nữa cách thức suy nghĩ của chúng ta. Sự chuẩn bị của tâm thức chúng ta bởi thế cực kỳ quan trọng và thực hành Pháp là sự chuẩn bị tốt nhất. Chúng ta hãy tạm để qua một bên luật nghiệp báo và tái sanh mà chỉ xem xét những kết quả do sự thực hành Pháp mang lại cho chúng ta trong đời này. Chính tâm thức của chúng ta và đặc biệt tâm thức của những người khác sẽ thu hoạch kết quả. Với một tâm thức cao thượng trong sạch và rộng lượng, chúng ta sẽ phát tán niềm vui chung quanh chúng ta, chúng ta sẽ cảm thấy an bình lớn lao và có thể truyền thông nó cho những người khác.

Hãy nhìn vào thế giới này quanh chúng ta, cái thế giới mà chúng ta gọi là “văn minh” và đã hơn 2000 năm tìm kiếm hạnh phúc, trốn tránh khổ đau bằng những phương tiện giả dối sai lầm: lừa đảo, tham nhũng, thù ghét, lạm dụng quyền lực, và bóc lột người khác. Chúng ta đã chỉ tìm kiếm hạnh phúc cá nhân và vật chất, người này đối địch người kia, nòi giống này chống lại nòi giống khác, những hệ thống xã hội chống đối lẫn nhau. Điều này đưa đến một thời của sợ hãi, khổ đau, giết chóc và đói kém. Nếu ở Ấn độ, châu Phi và những nước khác sự khốn khó và đói kém ngự trị, đó không phải vì thiếu những tài nguyên thiên nhiên, cũng không phải vì thiếu những phương cách đem lại phúc lợi lâu dài. Đó chính vì mỗi người chỉ tìm lợi ích cho riêng mình, không ngần ngại áp bức những người khác vì những mục tiêu ích kỷ và kết quả là thế giới đáng thương buồn bã này. Gốc rễ của nền văn minh này bị hư thối, thế giới khổ đau, và nếu nó tiếp tục theo cách đó, nó sẽ còn khổ đau thêm nữa.

Một số người có một hành trang văn hóa và trí thức khá lớn và tự cho là cởi mở nghĩ rằng Pháp là không thực dụng hay nó chỉ tốt cho những người sống ở những vùng kém phát triển và hẻo lánh. Nhưng Pháp là gì? Rõ ràng nó không phải là mặc những y phục đặc biệt, những tu viện và dấn thân vào những lễ nghi phức tạp. Những cái đó có thể đi cùng với sự thực hành Pháp, nhưng bất luận thế nào, cũng chẳng phải là Pháp. Sự thực hành chân chánh của Pháp là ở bên trong; nó là một tâm thức an hòa, rỗng rang và rộng lượng, một tâm thức mà chúng ta biết làm thế nào để huấn luyện, hoàn toàn trong sự kiểm soát của chúng ta.

Dù chúng ta có tụng thuộc lòng Ba Tạng kinh điển nhưng vẫn ích kỷ và làm hại những người khác, chúng ta không phải đang thực hành Pháp.

Sự thực hành Pháp là cái cho phép chúng ta chân thực, thành tín, lương thiện và khiêm tốn – giúp đỡ và kính trọng người khác và hy sinh cho họ. Cố gắng tích tập tài sản hay tạo lập một vị trí xã hội tốt hơn sẽ không đem lại cho bạn niềm tin và bình an. Một số người cúi rất thấp trước những người quyền thế của thế giới này, tâng bốc họ hết mức nhưng chỉ trích và coi thường họ sau lưng. Những người khơi dậy khao khát thường không có tâm thức bình an và lo âu, quẩn trí với ý nghĩ sợ mất cái mà họ có thể chiếm được. Khi chúng ta chết, chúng ta sẽ bỏ lại mọi thứ, thậm chí cơ sở vật chất vững chắc nhất đòi hỏi chúng ta bao lo nhọc để hoàn thành. Chúng ta cũng sẽ để lại cha mẹ, bạn bè. Nếu cuộc đời chúng ta không lương thiện chúng ta sẽ cảm thấy nhiều hối hận, nhưng bất luận thế nào chúng ta cũng sẽ không thể hưởng lợi từ sự không lương thiện của chúng ta. Chúng ta phải bỏ thân thể của chúng ta. Thân thể tôi cũng thế, cái thân thể tên là Tezin Gyatso này, tôi phải bỏ nó và cái y phục tu sĩ mà tôi chưa từng rời dù chỉ một đêm. Chúng ta sẽ bỏ lại mọi sự như thế, và nếu của cải của chúng ta chỉ là vật chất và ích kỷ, những phút cuối cùng của chúng ta sẽ rối bời bởi lo âu và phiền muộn. 

Huấn luyện tâm thức, từ bỏ sự thái quá, và sống hòa hợp với những người khác và với chính chúng ta sẽ bảo đảm cho chúng ta hạnh phúc, dầu cuộc sống hàng ngày của chúng ta là bình thường. Và nếu chúng ta gặp lại ai đó thù nghịch với chúng ta, những người khác sẽ giúp đỡ chúng ta bởi vì chúng ta đã sống đẹp đẽ và tốt lòng. Chúng ta phải không bao giờ quên rằng dù một người hư hỏng và độc ác đến mấy, trong người ấy khi nào cũng hiện hữu một hạt nhỏ từ bi, và một ngày nào hạt giống đó sẽ làm người ấy thành Phật.

Bây giờ chúng ta cũng phải nghĩ đến đời tới của chúng ta. Luật nghiệp báo không dễ hiểu, cũng như sự tái sanh. Nhưng nếu chúng ta khảo sát cẩn thận những sự kiện của cuộc sống, với một tâm trí thành thật và không phiến diện, chúng ta sẽ hiểu chúng. Và chúng ta cũng sẽ quy chiếu trở lại với những lời dạy của Phật xác nhận sự tái sanh.

Mọi sự xảy ra cá nhân hay tập thể bởi vì luật nghiệp quả. Con đường tốt đẹp chúng ta đã theo sẽ kết thành quả trong đời kế tiếp, cố gắng chúng ta đã làm sẽ cho chúng ta đạt được một tâm thức cao cả và trong sạch. Việc các bạn đến đây chứng minh cho những lời nói của tôi, bởi vì các bạn đến để nhận những chỉ bày liên quan đến Pháp, điều đó chứng tỏ rằng Pháp có ý nghĩa đối với các bạn. Pháp tương đương với lòng tốt, nếu có ai từ chối Pháp, đó bởi vì người đó không hiểu điều này. Pháp là khả tính độc nhất để có được hạnh phúc.

Chúng ta có tất cả những khả năng cần thiết cho sự thực hành Pháp. Dù trong các bạn có một người rất già không biết đọc, biết viết, người ấy vẫn có thể nghe và hiểu một số lời này về Pháp. Một thân thể già và mòn mỏi vẫn là một thân người quý báu, quý hơn nhiều so với thân thể đẹp đẽ của một con thú trẻ trung và mạnh mẽ. Đời người rất giá trị vì có hàng tỷ cuộc đời trên trái đất này, nên cơ hội có thân người là hiếm hoi. Chúng ta có một thân người trong thời này và có thể biết Pháp trọn vẹn, Đại thừa. Chớ để cơ hội này qua đi; làm như thế cũng vô lý như một người đói với một số tiền đi vào chợ mà trở về tay không. Dù chúng ta trẻ hay già, mỗi người chúng ta phải có cố gắng cần thiết và không bỏ phí đời người quý báu này.

Đời người quý báu này, rất khó được và rất dễ mất, đòi hỏi một số điều kiện. Một số điều kiện do từ những thiện hạnh đã làm trong đời trước, không phải là những hành vi tốt riêng lẻ và bề ngoài, mà là những thiện hạnh thường xuyên lặp lại. Ngay bây giờ chúng ta phải bắt đầu – không phải ngày mai hay sau này – tạo lập công đức. Công đức của chúng ta nhanh chóng bị hủy hoại bởi lỗi lầm nhỏ nhất của kiêu mạn, thù ghét, ích kỷ – những xúc tình chúng ta đều có và nhanh chóng tràn ngập chúng ta vào bất cứ lúc nào. Bởi thế rất đáng nghi rằng công đức quá khứ nhờ nó mà chúng ta có được cuộc đời này vẫn còn nguyên vẹn. Chúng ta hãy làm mới lại và tăng trưởng công đức của chúng ta mà không nghĩ đến “số vốn” chúng ta tin mình đã thu hoạch được.

Mỗi chúng ta đều có thể thực hành Pháp, vì không bắt buộc phải bỏ cái gì và phải đi thiền định trong một hang động. Chúng ta có thể thực hành Pháp trong đời sống hàng ngày bằng cách biến một số hoạt động trong đời thường thành ra hoạt động tâm linh. Chúng ta phải có một tâm thức cao cả, nhân đức, rộng mở, không loạn động hay tranh đấu, nó sẽ cho chúng ta tiến nhanh hơn trên con đường khi những hoàn cảnh bên ngoài thuận lợi. Hãy bắt đầu từ chiều nay, chớ đợi đến sau này. Hãy thức tỉnh với những lỗi lầm nhỏ có vẻ vô hại lúc ban đầu; chẳng hạn, thức tỉnh với những lời nói dối nhỏ nhặt nhất – người ta nói dối ở mọi tình huống, không nghĩ đến cái hại và thậm chí không tự biết mình đang nói dối. Đấy là những khuynh hướng nghiệp; chúng ta phải thôi làm chúng dần dần và không ngã lòng. Chớ nói, “Pháp thì quá lớn lao đối với tôi, tôi là một kẻ tội lỗi.” Tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi khôn cùng và tuy nhiên chính trong buổi chiều nay chúng ta sắp thay đổi dần dần. Từ giờ, tôi cũng nhìn vào những lỗi lầm còn đọng trong tôi. Hãy cũng làm như vậy và chớ để mọi sự tiếp tục như cũ với sự biện bạch rằng các bạn không thể.

Thực hành Pháp là loại bỏ dần dần những lỗi lầm và tăng trưởng những phẩm tính chân thật để cuối cùng có được những phẩm tính tối thượng. Vào lúc ấy, khả năng giúp đỡ mọi chúng sanh của chúng ta sẽ đầy đủ. Phật quả đến từ những thực hành Pháp và trạng thái đó là cái độc nhất cho phép chúng ta thành tựu hạnh phúc tối hậu và chân thật. Chúng ta có gương mẫu những Bồ tát và chư Phật giúp chúng ta hiểu kết quả toàn hảo này của sự thực hành Pháp. Nhưng chúng ta theo con đường này không chỉ để có kiến thức đẹp đẽ về Pháp; những phẩm tính cần thiết chỉ phát triển qua thực hành, thế nên rất quan trọng phải biết cái gì cần đưa vào thực hành.

Đạt đến một thực hành toàn hảo cho phép chúng ta giúp đỡ những chúng sanh tùy theo những khả năng của họ. Quán Thế Âm có sự toàn thiện này, đó là tại sao bản văn nói, “Con quy y ngài, không chỉ hôm nay, mà luôn luôn và không chỉ bằng lời nói mà bằng cả ba cửa thân ngữ tâm của con… Con tôn kính và đảnh lễ ngài…”

Mọi hạnh phúc và bình an đều đến từ nghiệp “trắng”, một nghiệp cao cả được tạo thành bởi sự tích tập những hành động chân chính. Thế nên, một lần nữa, con đường duy nhất để theo, phương pháp duy nhất, cốt ở loại bỏ những hành động, lời nói và tư tưởng sai lầm. Tsong Khapa nói: “Dù thân tôi có chết, cuộc đời tôi có chấm dứt, và dù tôi có mất chúng vì thực hành Pháp, nguyện rằng tôi thực hành Pháp bất chấp mọi sự.”

Đức Dalai Lama nói với giới cư sĩ: Khi không nghe thuyết pháp, các bạn nên cố gắng dùng những ngày ở Bodh Gaya này cho có thiện hạnh. Chúng ta thường thực hành đi nhiễu các tháp; trong khi đi nhiễu hãy nghĩ đến việc đánh thức nguyện vọng của Bồ đề tâm trong tâm thức các bạn. Bồ Tát Hạnh (của Shantideva) nói, “Giống như đất và các đại chủng và cũng bao la như không gian vô tận, hãy để tôi làm nền tảng sống động của tình thương cho vô số chúng sanh.” Lời nguyện này sẽ làm cho việc đi nhiễu các tháp của các bạn rất lợi lạc. Hãy nhớ đức Phật, quán tưởng ngài, nghĩ đến các lời dạy của ngài, hãy nghĩ đến lòng từ bi của ngài, và phát một lời nguyện theo con đường như vậy. Theo cách này sức mạnh động cơ của các bạn sẽ tăng trưởng.

Rồi, nói với giới tăng ni: Sống trong một tu viện, mặc áo tăng, các bạn bận việc với những thực hành cao cấp, những nghi lễ tantra – tất cả mọi cái này trước hết có vẻ là thực hành Pháp. Nhưng nếu tâm thức xao lãng bởi những sự vật bên ngoài nhỏ nhặt của thế gian, thì những cái đó rốt cuộc cũng không là cái gì cả. Đôi khi trong những lễ puja tôi nhận thấy người xung quanh tôi xao lãng, rõ ràng bị hút vào những bận rộn việc đời, nhưng ở ngoài họ có vẻ đức hạnh. Tôi nghĩ, “Họ đang ở trong một tình trạng thật đáng thương!” và tôi cảm thấy nản lòng. Thực hành Pháp không dựa vào vẻ bề ngoài của chúng ta mà dựa vào trạng thái tâm thức và động cơ bên trong của chúng ta. Tâm thức phải thoát khỏi mọi tư tưởng phù phiếm, trong sạch và hoàn toàn dấn mình vào bất cứ thực hành nào đang làm, như thế dù một giờ thực hành cũng rất giá trị. Bởi thế dù một người già, đau và yếu, cũng không nên chán nản mà nên cố gắng theo khả năng của mình. Mọi cơ hội đã được dâng tặng cho chúng ta – tại sao không nhỉ? Bởi vì chúng ta đã nhận được đời làm người quý báu này.

Gởi đến mọi người: Bởi thế, đang có cơ hội này, tài sản tốt đẹp này – một thân thể đầy đủ và những phương tiện cần thiết – chúng ta phải sử dụng trọn vẹn những hoàn cảnh tuyệt hảo này nỗ lực lớn lao đạt đến niết bàn và Phật quả cho sự tốt đẹp của tất cả chúng sanh. Những nỗ lực chúng ta làm cho sự tốt đẹp của tất cả chúng sanh cần tuôn chảy như một dòng sông. Phương pháp đúng là trước hết nghiên cứu để có được hiểu biết cần thiết, rồi thiền định về những giáo lý Đại thừa, suy nghĩ về chúng, phân tích cái chúng ta đã học, cứu xét cho đến khi chúng ta có được niềm tin trọn vẹn, và rồi tập trung tâm thức chúng ta vào niềm tín sáng tỏ ấy. Chúng ta cần luân phiên sự thiền định phân tích và sự tập trung nhất tâm trong một thực hành cân bằng. Thiền định theo lối này, chúng ta sẽ đạt được một cái hiểu trực giác.

Thế nên, trước hết, chúng ta nghiên cứu, học hỏi. Nhưng điều này chưa đủ; chúng ta phải tham thiền và phân tích và cuối cùng thiền định sâu xa. Theo cách này chúng ta sẽ đạt những kết quả tốt đẹp. Chớ tách lìa ba thực tập này (văn, tư, tu), mà thực hành chúng luân phiên.

Nghiên cứu Pháp hoàn toàn không phải là một loại khoa học, chẳng hạn như lịch sử. Thực hành Pháp đòi hổi áp dụng những phương pháp của Pháp, và đây là sự thực hành của Bồ tát. 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  2. VỀ NHỮNG CÂU NÓI THIẾU SUY XÉT
  3. TÌM NƠI NƯƠNG TỰA BÊN TRONG

Bài viết mới

  1. NĂNG LỰC SÁNG TẠO
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. ĐI QUA ĐỪNG CÓ ĐỐT CẦU, ĐỂ NGÀY CẦN ĐẾN CÓ CẦU MÀ ĐI