TÂM KHÔNG ĐỊNH HƯỚNG

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Thực Tại Hiện TiềnTừ Hóa Hoàng Lan biên soạn; NXB. Dân Trí; Công ty xuất bản Thiện Tri Thức, 2023

Có nhiều loại năng lượng khác nhau: có năng lượng thể chất do thức ăn bổ dưỡng, có thể có năng lượng do cảm xúc, tình cảm tạo ra; có năng lượng do tư tưởng tạo ra qua nhiều loại mâu thuẫn, căng thẳng và trong vùng của những năng lượng đó, chúng ta sống. Tôi chỉ trình bày nó một cách khác đi. Và chúng ta vẫn đang cố gắng khám phá năng lượng lớn hơn trong vùng đó, nhằm giải quyết các vấn đề của mình – một việc cần rất nhiều năng lượng. Bây giờ, có một loại năng lượng hoàn toàn khác – hoặc sự liên tục của năng lượng này dưới một hình thức hoàn toàn khác – khi tâm trí hoạt động một cách toàn bộ, không bị bó hẹp trong phạm vi của tư tưởng, mà là một cách thông minh.

Có thể nào tâm trí quán sát nội dung của nó mà không chút lựa chọn – không chọn lựa bất kỳ phần nào của nội dung, bất kỳ phần mảnh nào, mà là quan sát toàn bộ? Khi tôi nhìn vào bản đồ nước Pháp, vì tôi đi từ Anh, ngang qua hầm đường biển, tôi gặp con đường dẫn tới Gstaad. Tôi có thể thấy chiều dài con đường, tôi có thể thấy hướng đi, điều đó vô cùng đơn giản bởi vì đã được đánh dấu trên bản đồ, tôi chỉ việc đi theo nó. Trong khi đọc bản đồ, tôi không nhìn vào phần nào khác trên bản đồ, tôi biết hướng mình muốn đi và như thế hướng đó loại trừ những hướng khác. Cũng tương tự, một tâm trí đang tìm kiếm theo một chiều hướng định trước thì không thấy được cái toàn bộ. Nếu tôi muốn khám phá cái gì đó mà tôi cho là thật thì lúc đó một định hướng đã được đặt ra và tôi đi theo hướng đó và tâm trí tôi không thấy được cái toàn bộ.

Bây giờ, khi tôi nhìn vào nội dung ý thức của tôi – nó cũng giống như nội dung ý thức của bạn – tôi đã định một chiều hướng: đi tới bên kia. Một chuyển động theo một định hướng cá biệt – tìm kiếm một sự thoải mái nhất định, không muốn làm điều này, điều kia – khiến người ta không có khả năng nhìn được cái toàn bộ. Nếu tôi là nhà khoa học, tôi chỉ nhìn theo một chiều hướng cụ thể. Nếu tôi là một nghệ sĩ, thì cũng thế, nếu tôi có một tài năng hoặc năng khiếu cụ thể, tôi chỉ nhìn theo một chiều hướng nhất định. Vậy, nếu có chuyển động theo một định hướng cá biệt thì tâm trí không có khả năng nhìn cái toàn bộ và sự bao la của cái toàn bộ đó. Vậy có thể nào tâm trí hoàn toàn không có định hướng không?

Đây là một câu hỏi khó trả lời – xin vui lòng lắng nghe. Dĩ nhiên tâm trí phải có định hướng khi tôi đi từ đây đến ngôi nhà kia, hoặc tôi phải lái xe, hoặc khi tôi phải thực hiện một thao tác kỹ thuật nào đó. Nhưng tôi có ý nói tới một tâm trí thấu suốt bản tính của định hướng, và do đó, có khả năng nhìn cái toàn bộ. Một khi tâm trí nhìn cái toàn bộ thì lúc ấy nó vẫn có thể vận hành theo định hướng. Tôi tự hỏi bạn có hiểu điều này? Nếu tôi có bức ảnh toàn cảnh trong tâm trí, lúc ấy tôi có thể thấy cái chi tiết; nhưng nếu tâm trí tôi chỉ vận hành theo cái chi tiết thì tôi không thể hấp thu cái toàn bộ. Nếu tôi bận tâm tới những ý kiến của mình, những quan ngại của mình, tới cái tôi muốn làm, tới cái tôi phải làm, thì tôi không thể nhìn thấy cái toàn bộ, thật rõ ràng. Nếu tôi sinh ra ở Ấn với những định kiến, những mê tín, và truyền thống của mình thì tôi không thể nhìn thấy cái toàn bộ. Như vậy, câu hỏi của tôi là: có thể nào tâm trí tự do khỏi định hướng không? – điều này không có nghĩa là nó không có định hướng. Khi tâm trí vận hành từ cái toàn thể thì định hướng trở nên rõ ràng, mạnh mẽ và hiệu quả. Nhưng khi tâm trí vận hành theo định hướng mà nó đã đặt ra thì tâm trí không thể thấy cái toàn thể.

Có nội dung của ý thức – cái tạo ra ý thức. Bây giờ, có thể nào tôi thấy nó như một cái toàn thể không? Có thể nào tâm trí chỉ nhìn ngắm thôi không? – không có bất kỳ định hướng nào, không có bất kỳ phán xét nào, không có bất kỳ lựa chọn nào, chỉ nhìn ngắm, điều này hàm ý hoàn toàn không có người quan sát, bởi vì người quan sát là quá khứ? Có thể nào tâm trí chỉ nhìn ngắm với trí thông minh, cái không bị tư tưởng kết hợp lại với nhau – bởi vì tư tưởng là quá khứ? Hãy làm như vậy – nó đòi hỏi kỷ luật ghê gớm; không phải kỷ luật của đè nén, kiểm soát, bắt chước, hoặc tuân thủ, mà là thứ kỷ luật của một hành động mà trong đó sự thật được thấy rõ. Sự vận hành của sự thật tạo ra hành động của chính nó, và đó là kỷ luật.

Có thể nào tâm trí bạn nhìn vào nội dung của nó trong lúc bạn nói chuyện với người khác, trong cách bạn bước đi, trong cách bạn ngồi và ăn, trong cách bạn ứng xử? Thái độ của bạn cho thấy nội dung ý thức của bạn. Các nhà tâm lý học nói rằng, từ xưa con người đã luôn được giáo dục theo nguyên tắc thưởng phạt, địa ngục và thiên đàng. Ngày nay, họ nói rằng con người phải giáo dục theo nguyên tắc khen thưởng. Đừng trừng phạt, chỉ khen thưởng – thưởng hay phạt cũng đều giống nhau thôi. Họ chuyển từ cái này sang cái khác và nghĩ rằng họ đã giải quyết xong mọi thứ. Thấy sự phi lý của thưởng phạt là thấy cái toàn bộ. Khi bạn thấy cái toàn bộ thì trí thông minh hoạt động trong lúc bạn hành động, và lúc đó, bạn không cư xử theo hình phạt hoặc phần thưởng.

Thái độ của bạn bộc lộ nội dung ý thức của bạn. Bạn có thể giấu mình đằng sau một thái độ nhã nhặn, một thái độ được luyện tập kỹ lưỡng, nhưng thái độ như vậy thì hoàn toàn máy móc. Từ đó khởi lên câu hỏi: có phải tâm trí hoàn toàn có tính máy móc – hoặc có phần nào đó của tâm trí mà hoàn toàn không máy móc chút nào không?

Tôi sẽ ôn lại những gì đã được nói đến sáng nay. Bên ngoài chúng ta, trong thế giới chính trị, trong thế giới kinh tế, trong thế giới tôn giáo, trong thế giới xã hội và vân vân… con người đang tìm kiếm và tìm kiếm các vị thần, các vị thầy mới, các lãnh tụ mới. Và khi bạn quan sát toàn bộ việc ấy một cách rõ ràng, bạn sẽ thấy rằng con người đang hoạt động trong phạm vi của tư tưởng. Một cách cốt tủy, tư tưởng không bao giờ được tự do. Tư tưởng luôn cũ vì tư tưởng là sự hồi đáp của quá khứ, cũng giống như kiến thức và kinh nghiệm; tư tưởng là vật chất, nó thuộc về thế giới vật chất. Tư tưởng cố vượt thoát thế giới vật chất để đi vào thế giới phi vật chất, nhưng trong khi nỗ lực thông qua tư tưởng để vượt thoát vào thế giới phi vật chất thì vẫn là vật chất.

Chúng ta có đủ các vấn đề về đạo đức, xã hội và kinh tế của cá nhân và của tập thể. Một cách cốt tủy và thực chất, cá nhân là thành phần của tập thể; cá nhân khác biệt với tập thể; mỗi người có thể có những khuynh hướng khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, tính khí khác nhau, và vân vân… nhưng về thực chất, mỗi cá nhân là thành phần của văn hóa – cái là xã hội.

Lúc này, những cái đó là những sự kiện đang tiếp diễn xung quanh chúng ta, những sự kiện đang diễn ra bên trong tâm chúng ta cũng giống như vậy. Chúng ta đang nỗ lực tìm câu trả lời cho những vấn đề lớn của đời sống con người thông qua sự vận hành của tư tưởng – tư tưởng mà người Hy Lạp đã áp đặt ở phương Tây, với triết lý chính trị của họ, với toán học và vân vân… Tư tưởng chưa bao giờ tìm thấy câu trả lời và sẽ không bao giờ tìm thấy. Do đó, chúng ta phải đi vào toàn bộ cấu trúc của tư tưởng trong mối tương giao, trong đời sống hàng ngày của mình. Quan sát ấy bao hàm có cái nhìn thấu suốt xem liệu người quan sát có khác biệt với đối tượng được quan sát hay không, vì nếu có sự khác biệt đó thì tất nhiên có mâu thuẫn, giống như có mâu thuẫn giữa hai hệ tư tưởng khác nhau – hai hệ tư tưởng là sáng kiến của tư tưởng, bị điều kiện hóa bởi nền văn hóa trong đó chúng ta phát triển.

Bây giờ, bạn có thể quán sát điều ấy trong đời sống hàng ngày của mình không? Trong quan sát như thế, bạn sẽ thấy thái độ của mình là gì – liệu nó có dựa trên nguyên tắc thưởng phạt – giống như hầu hết thái độ có vẻ nhã nhặn và tinh tế của chúng ta hay không. Từ quan sát đó, người ta bắt đầu học trí thông minh thực sự là gì – không phải trí tuệ thu lượm từ sách vở hoặc từ kinh nghiệm, cái đó hoàn toàn không phải là trí thông minh. Dù thế nào đi nữa, trí thông minh cũng không dính dáng gì tới tư tưởng. Trí thông minh vận hành khi tâm trí nhìn cái toàn bộ, cái toàn bộ vô tận – chứ không phải là tổ quốc của tôi, các vấn đề của tôi, các vị thần nho nhỏ của tôi, các thiền định của tôi, liệu cái này là đúng hay cái này là sai; nó thấy trọn vẹn ý nghĩa của đời sống. Và phẩm tính này của trí thông minh có năng lượng phi thường của chính nó.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ĐỜI NGƯỜI QUÝ GIÁ – NGHỆ THUẬT ĐỂ SỐNG TRỌN VẸN Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI
  2. HÀNH THIỀN LÀ QUÁN SÁT TÂM VÀ CÁC CẢM GIÁC CỦA TÂM
  3. LUÔN GIỮ CHO NĂNG LƯỢNG TÍCH CỰC ĐƯỢC TỰ DO LƯU THÔNG

Bài viết khác của tác giả

  1. KRISHNAMURTI VỀ Ý NGHĨ
  2. TÔI KHÔNG BIẾT
  3. BÀI CA VỀ CÁI THÂN YÊU

Bài viết mới

  1. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ
  2. “LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”
  3. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH