GYALWANG DRUKPA XII
Trích: Hạnh Phúc Tại Tâm; Biên dịch: Drukpa Việt Nam; NXB Tôn Giáo
Tôi thực sự hoan hỷ khi thấy các chuyến bộ hành Pad Yatra đã mang lại những giây phút thấu hiểu thực sự cho những thành viên tham gia, chẳng hạn như Joanna, cô đã đưa những giây phút đó vào cuộc sống của mình:
Một trong những trải nghiệm đem lại nhiều cảm hứng nhất với tôi là niềm hoan hỷ thầm lặng ngay giữa những thử thách cam go cả về thể chất lẫn tinh thần trong các chuyến bộ hành Pad Yatra. Điều tôi thực sự trân trọng tri ân là những khoảng lặng nội tâm trở nên rộng mở một cách tự nhiên, trong khi nhiều cảm xúc mạnh mẽ cứ sinh rồi lại diệt, và niềm vui vẫn đồng thời lan tỏa từ bên trong, tựa như một đóa sen nở giữa bùn lầy.
Tôi sẽ không bao giờ quên hương vị của miếng bánh mì cũ mà lúc đầu tôi đã từ chối trước khi nhận ra đó chính là bữa tối của mình. Khi đó tôi không đòi hỏi gì nữa và miếng bánh mì trở nên thật ngon lành. Sau này, tôi nhận ra đó chính là cách tâm tạo nên mọi thứ. Từ đó, những trải nghiệm tương tự cũng thường xảy đến với tôi trong cuộc sống hàng ngày. Là mẫu bánh mì cũ ấy nhắc tôi biết chuyển hóa tâm và hài lòng với những gì mình đang có.
Trường dưỡng khả năng tỉnh thức và nhận biết những thói quen hành xử của bản thân giúp tôi hỗ trợ khách hàng tốt hơn. Khi biết biểu và chấp nhận chính mình, một cách tự nhiên, tôi cũng hiểu và thông cảm hơn với những người yêu thương gần gũi, với khách hàng và tất cả mọi người. Tôi biết lắng nghe hơn, suy nghĩ mạch lạc và cẩn trọng hơn trong lời nói của mình. Những chuyển hóa trong tâm có được từ trải nghiệm tu tập đã cho tôi thêm niềm tin sâu sắc rằng tất cả mọi người đều có thể tự thay đổi và chuyển hóa để đạt được hạnh phúc an lạc và xuợt qua thách thức cuộc sống tới niềm vô úy tự tại.
Dừng lại để quán chiếu
Nếu bạn ngắm nhìn mặt hồ tĩnh lặng buổi đêm và bóng trăng phản chiếu nơi đáy nước, bạn sẽ thấy nó chẳng khác gì mặt trăng mà bạn nhìn thấy trên bầu trời. Trong mắt chúng ta, hai hình ảnh này không khác biệt mặc dù chúng ta biết rằng trăng trong hồ nước chỉ là hình ảnh phản chiếu hay một ảo ảnh.
Bạn có thể dùng gương để thực hành bài tập này: đơn giản là hãy dành một phút nhìn lại mình trong gương. Bạn có thể thấy từng chi tiết nhỏ – bạn cao bao nhiêu, ngày hôm nay bạn có bao nhiêu sợi tóc bạc. Mặc dù vậy, hình ảnh đó không phải là thật. Giống như bóng trăng trong hồ nước, khuôn mặt bạn thấy trong gương chỉ là hình ảnh phản chiếu.
Bài thiền quán đó giúp ta hiểu rằng vạn vật trên thế gian không có gì là chắc thực trường tồn. Nó giúp ta hiểu rõ chính tâm phóng chiếu và đặt danh cho sự vật hiện tượng – rằng không có một chân lý duy nhất mà tất cả chỉ là nhận thức và hiện tướng bên ngoài. Điều này giải thích tại sao hai người cùng trải qua cùng một tình huống lại có cảm nhận rất khác biệt. Lấy ví dụ đơn giản, giả sử bạn đang đi nghỉ ở miền quê – khi trời mưa bạn rất thất vọng vì mình không thể dạo chơi, nhưng người nông dân thì vui mừng vì điều đó tốt cho mùa màng cây cỏ. Vậy thì mưa là tốt hay xấu? Ở đây không có câu trả lời đúng hay sai.
Mục đích của việc thiên quán này là để rèn luyện tâm, giúp chúng ta có thể đặt mình vào hoàn cảnh người khác và cảm thông với cách nhìn của họ dù điều này thoạt đầu có thể khiến ta tức giận và bất bình. Phán xét người khác là điều quá dễ dàng, chúng ta lại thường quên dừng lại để quán chiếu rằng bất kỳ một hoàn cảnh nào cũng đều chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố nhân duyên khác nhau. Hơn nữa, bản thân chúng ta cũng không hề hoàn hảo. Nếu hoàn hảo thì chúng ta đã là Phật. Đã là Phật thì vô ngôn tuyệt ngữ.
Tất cả là tùy thuộc ở chúng ta: chúng ta luôn có quyền lựa chọn có nên bám chấp một thế giới quan hạn hẹp hay mở rộng tâm mình để chấp nhận sự khác biệt và nhìn thấy vẻ đẹp của sự đa dạng.