BUDDHADASA BHIKKHU
TÁC GIẢ TỲ KHEO BUDDHADASA BHIKKHU
—*—
Trong một phân đoạn khác của bộ kinh này Đức Phật có nói rằng tánh không lúc nào cũng là một nguồn lợi ích hay một niềm an ủi và khích lệ lớn lao cho những người thế tục tức là tất cả những người thật bình dị trong thế giới này. Đoạn kinh trên đây có nêu lên một giai thoại kể lại một nhóm người thế tục tìm gặp Đức Phật. Họ thỉnh cầu Ngài hãy ban cho họ một bài giảng huấn có thể mang lại một sự lợi ích lâu dài và một niềm an vui cho những người thế tục như họ, tức có nghĩa là cho “những người có gia đình, còn bận bịu vợ con, còn bôi dầu đàn hương và xức nước hoa”. Đức Phật bèn giảng cho họ bài kinh nói về tánh không trên đây. Nhóm người thế tục nói với Đức Phật rằng bài giảng này quá khó và họ không hiểu gì cả. Đức Phật bèn giảm xuống một bậc và giảng cho họ một phương pháp tu tập khác, ấy là cách giúp họ bước vào dòng chảy (bước vào dòng chảy có nghĩa là hòa mình với dòng suối đưa đến Niết bàn, và trên thực tế thì có nghĩa là phải quy y, đấy là cách giúp mình bước theo vết chân của Đức Phật), tức có nghĩa là thực hiện tinh thần đích thực của Phật, Dhamma (Đạo pháp) và Sangha (tăng đoàn), và tuân thủ đạo đức (tu giới) khiến cho các vị Thánh Nhân khi trông thấy cũng phải toại nguyện. Thực ra thì đấy cũng chỉ là cách mà Đức Phật đã hướng họ vào một chủ đích khác (mang tính cách thực tế và cụ thể hơn và cũng dễ thực hiện hơn, tức là chỉ cần quy y và tích lũy đạo đức). Theo cách hiểu ngày nay thì có thể bảo đấy là một cách đánh lừa! Khi nhóm người thế tục bảo rằng họ không thích tánh không (chẳng những họ không hiểu đấy là gì mà cũng không biết phải làm thế nào để thực hiện được tánh không, bởi vì đối với họ đấy là một thứ gì quá trừu tượng, mơ hồ và không hiểu nổi) Đức Phật đành phải thay vào đấy bằng một thứ gì khác giúp họ không cần phải dựa vào tánh không. Thế nhưng thật ra thì họ cũng không thể tránh khỏi được tánh không, bởi vì Đức Phật đã ném về phía họ một sợi dây để kéo họ trở về với con đường thẳng. Thật vậy chỉ có một con đường duy nhất và đích thật để thực hiện tinh thần của Phật, Dhamma và Sangha và tuân thủ đạo đức khiến cho các vị Thánh Nhân cũng phải toại nguyện: đấy là con đường giúp mình lúc nào cũng nhìn thấy tính cách vô nghĩa của các hành động nắm bắt và bám víu của mình.
Quý vị có nghĩ rằng Đức Phật đã sai lầm khi cho rằng tánh không cũng liên quan đến người thế tục hay không? Nếu Đức Phật có lý (tức cho rằng tánh không cũng liên hệ đến người thế tục) thì chúng ta cũng có thể sẽ phải phát điên lên được và cảm thấy mình hoàn toàn sai lầm, bởi vì ngày nay chúng ta vẫn nghĩ rằng tánh không nào có phải là để nêu lên cho những người thường tình sống trong thế giới đâu (tức là những người thế tục), mà chỉ để dành riêng cho những ai hướng tất cả đời mình vào sự thực hiện cảnh giới của nibbana Niết bàn (tức là những người xuất gia) – dù cho họ không biết đích xác đấy là gì đi nữa.
Người ta vẫn thường nghĩ như vậy, thế nhưng Đức Phật thì lại nhìn mọi sự một cách khác hơn. Ngài dạy rằng tánh không là một sự lợi ích trước mặt tức là có thể mang lại niềm an vui cho người thế tục. Vậy thì ai có lý? Đức Phật hay là chúng ta? Nếu Đức Phật có lý thì chúng ta (Buddhadasa muốn nói đến những người thế tục đang ngồi nghe giảng) phải lo tìm hiểu sự thật trong những lời thuyết giảng của Ngài. Để thực hiện điều đó thì chúng ta cũng nên tự hỏi xem ai là những người khổ đau nhiều nhất, ai là những người có tâm thức bị thiêu đốt bởi trận hỏa hoạn và những đống than hồng? Nhất định đấy là những người thế tục! Nếu những ai bị bủa vây bởi trận hỏa hoạn thì phải lo tìm cách cho nó phải tắt đi, tức là phải triệt tiêu dukkha (khổ) dưới tất cả mọi thể dạng của nó, phải xông pha trong chốn lửa bỏng, bởi vì không có bất cứ nơi nào an toàn để có thể giúp họ lẩn trốn: tất cả đều bốc cháy. Họ phải tìm cho mình giữa chốn lửa bỏng một nơi hoàn toàn mát mẻ. Cái nơi ấy chính là tánh không, một nơi không có cái ngã cũng không có bất cứ gì thuộc vào cái ngã cả.
Người thế tục phải biết khám phá ra cái tánh không đó để sống trong bầu không gian tỏa rộng của nó. Nếu không đủ sức để tạo cho mình một cuộc sống tại trung tâm của khung cảnh đó (của tánh không) thì ít ra cũng phải sống bên trong chu vi của khung cảnh đó với một sự hiểu biết đúng đắn (về tánh không) – đấy cũng là một cách mang lại sự an lành lâu bền cho người thế tục.
Nhóm người thế tục trên đây thỉnh cầu Đức Phật hãy giảng cho họ phải làm thế nào để tìm thấy một sự lợi ích lâu bền, Đức Phật trả lời rằng: “sunnatapppatysamyutta lokuttara dhamma” – tức có nghĩa là “dhamma (pháp) được ghép thêm tánh không sẽ vượt lên trên thế giới”. Vượt lên trên thế giới có nghĩa là vượt lên trên ngọn lửa. Thực hiện được tánh không có nghĩa là thoát khỏi mọi sự bám víu vào các sự vật để xem đấy là “cái tôi” hay cái “của tôi”. Những lời giáo huấn ấy có thể xem như là một món quà mà Đức Phật ban tặng cho những ai đang sống trong thế giới này. Cũng chính vì thế mà tôi mong rằng quý vị hãy xét lại xem tại sao lại phải quan tâm đến tánh không đến thế, và cũng nên tự hỏi xem đấy có đúng là chủ đề duy nhất xứng đáng để đem ra học hỏi hay không? Trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya), Đức Phật khẳng định rằng tánh không chính là Niết bàn, và Niết bàn thì cũng là tánh không, và tánh không thì có nghĩa là thoát khỏi mọi thứ ô nhiễm (những thứ u mê tâm thần) và khổ đau. Tóm lại là nibbana (Niết bàn) cũng nhất thiết liên quan đến người thế tục (có nghĩa là người thế tục cũng có thể tu tập để đạt được Niết bàn). Nếu những người thế tục chưa đủ sức để hiểu được nibbana là gì và cũng chưa đủ sức để hội nhập cuộc sống của mình vào khung cảnh của tánh không, thì đấy có nghĩa là họ vẫn còn sống trong lửa bỏng của hỏa hoạn và phải gánh chịu hiểm nguy nhiều hơn những người khác.
⚛️ Niết bàn ngay trong những giây phút này
Ý nghĩa của chữ nibbana tất nhiên là sẽ mở rộng và bao hàm cả cấp bậc hoàn toàn vắng mặt mọi thứ ô nhiễm tâm thần là nguyên nhân mang lại khổ đau. Vì thế mỗi khi tâm thức trống không về “cái tôi” và cái “của tôi” thì đấy chính là nibbana. Hãy đưa ra một thí dụ, ngay lúc này và trong khi quý vị còn đang ngồi đây, thì tôi có thể bảo rằng tất cả hay ít nhất thì cũng gần như tất cả đều có một tâm thức vượt thoát tất cả các khái niệm về “cái tôi” và cái “của tôi”, bởi vì không có bất cứ gì hiện đang xen vào để làm phát lộ ra cảm tính ấy. Khi chăm chú nghe tôi nói thì quý vị sẽ không còn để ra một khoảng trống nào cho cảm tính về “cái tôi” có thể hiện ra. Quý vị thử nhìn lại xem tâm thức mình ngay trong lúc này có thật sự trống không về “cái tôi” và cái “của tôi” hay không? Nếu như có một tánh không nào đó (tôi xin nhấn mạnh đến chữ “nào đó” bởi vì dù đấy không phải là một tánh không “đúng nghĩa” của nó mà thật ra chỉ là một thể dạng bất định của tánh không) thì cũng có nghĩa là quý vị đang ở trong khung cảnh (cõi, hay thế giới) nibbana (Niết bàn). Dù rằng đấy chưa phải là nibbana tuyệt đối và hoàn hảo, thế nhưng đấy cũng vẫn là nibbana.
Mỗi sự vật đều mang một ý nghĩa với ít nhiều sắc thái khác nhau, với các mức độ khác nhau và thuộc các trường hợp khác nhau. Nibbana trong tâm thức của từng quý vị ngay trong lúc này tương ứng với mức độ mà quý vị loại bỏ được cảm tính về “cái tôi” và cái “của tôi”. Do đó tôi cũng mong rằng quý vị ý thức được sự vắng mặt đó của “cái tôi”, luôn nhớ đến nó, tiếp tục giữ được nó khi quý vị trở về nhà. Khi về đến nhà thì biết đâu quý vị cũng có thể cảm thấy rằng mình bước chân vào gian nhà của một người nào khác, hoặc trong lúc làm một việc gì đó trong nhà thì mình có cảm giác là mình đang làm thay cho một người nào khác (không còn nhận ra “cái tôi” của mình nữa và có cảm tưởng như là một người khác đang làm không phải mình) nhằm để hoàn tất công việc của người ấy. Cảm tính ấy tiếp tục ngày càng trở nên rõ rệt hơn và các thứ dukkha do gian nhà và các công việc trong nhà từng gây ra cho mình trước đây cũng sẽ theo đó mà biến mất. Lúc nào quý vị cũng giữ được thể dạng vượt thoát khỏi “cái tôi” và cái “của tôi”. Đấy cũng tương tự như quý vị đeo lên ngực một lá bùa hộ mệnh gọi là nibbana hay tánh không (người dân Thái Lan thường đeo ở ngực một lá bùa hay thường hơn là một tượng Phật nhỏ, quý nhất là những tượng Phật thật xưa, và xem đấy như là một thứ “bùa hộ mệnh”). Đấy là một cách giúp mình tránh khỏi mọi sự hiểm nguy và những điều bất hạnh. Đấy là lá bùa đích thật (tánh không hay niết-bàn trong tâm thức mình) mà Đức Phật đã ban cho chúng ta, tất cả những thứ khác đều là dị đoan (chỉ có tánh không dưới thể dạng niết-bàn thường trú trong tâm thức mình mới có thể giúp mình được mà thôi, tất cả các thứ bùa chú, nghi thức lễ lạc hoặc các sinh hoạt màu mè…chỉ là dị đoan hay nhiều lắm thì cũng chỉ là những gì phụ thuộc – upaya – mà thôi).
Nếu tôi cứ tiếp tục nói theo cách này thì quý vị cũng có thể sẽ nghĩ rằng tôi muốn rao bán món hàng của tôi, thế nhưng xin quý vị không nên xem tôi như là một người phô trương giá trị (thiêng liêng) của Đức Phật ở một nơi công cộng. Quý vị chỉ nên xem tất cả chúng ta chỉ là những người đồng hành khốn khổ đang bước trên con đường của sinh lão bệnh tử, thế nhưng toàn thể chúng ta cũng đều là đệ tử của Đức Phật. Nếu có những điều đã được nói lên nhằm giúp quý vị ý thức được đấy là những điều đã được nói lên với tất cả thiện tâm của tôi. Những ai đã phát huy được trí huệ của mình thì cũng sẽ tự động thấu triệt được những gì tôi nói. Thật thế sự quán thấy về mọi sự vật sẽ mở sâu xa hướng vào một sự thật tối thượng. Vậy đến các thành phần (tiếng Pa-li là dhatu, có thể dịch là thành phần, yếu tố…).
—*—
Trích “Cốt Lõi Cội Bồ Đề”
Hoang Phong dịch
NXB Phương Đông, 2012