TẠO ĐỘNG LỰC CHO LÒNG TỐT – ĐỨC DALAI LAMA XIV

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Hãy Có Lòng Tốt - Be Kind; Thảo Triều dịch; NXB Lao Động, cty sách Thái Hà

Nhìn chung, tôi có ấn tượng rằng giáo dục và một số lãnh vực khác có thiếu sót về vấn đề tạo động lực cho con người.

Có lẽ từ thời cổ đại, trách nhiệm này được xem như thuộc về tôn giáo. Nhưng trong xã hội ngày nay, nhìn chung tôn giáo có vẻ như lỗi thời, vì vậy nhiều người đang mất dần hứng thú với tôn giáo và các giá trị nhân văn sâu sắc của nó.

Tuy nhiên, theo tôi đây nên là hai vấn đề riêng biệt. Nếu bạn tôn trọng hoặc quan tâm đến tôn giáo, điều đó là tốt. Nhưng ngay cả khi nếu bạn không quan tâm tới tôn giáo nào thì bạn cũng không nên quên đi tầm quan trọng của những giá trị nhân văn sâu sắc này.

Khi phát triển tình yêu thương của một người, sẽ phát sinh rất nhiều tác động tích cực đi kèm.

Một trong số đó là nếu tình yêu thương của bạn càng lớn bao nhiêu thì khả năng phục hồi trong việc đương đầu với gian khổ của bạn sẽ lớn lao và khả năng bạn có thể chuyển hoá chúng thành những điều kiện tích cực sẽ mạnh mẽ bấy nhiêu.

Có một hình thức thực hành dường như khá hiệu quả được giới thiệu trong cuốn Một hướng dẫn về con đường Bồ Tát đạo, một văn bản cổ của Phật giáo.

Theo cách thực hành này, bạn hình dung ra bản ngã cũ của mình – hiện thân của việc cho mình là trung tâm, sự ích kỉ, và cứ như vậy – rồi sau đó tưởng tượng một nhóm người đại diện cho đa số chúng sinh khác.

Sau đó bạn áp dụng quan điểm của một người thứ ba với vai trò là người quan sát trung lập, không thiên vị và đưa ra đánh giá so sánh về giá trị, những lợi ích, và sau đó là tầm quan trọng của hai nhóm này.

Rồi cố gắng nhìn lại những sai lầm của việc hoàn toàn không biết gì đến hạnh phúc của những chúng sinh khác, và những gì mà bản ngã cũ này thực sự đã đạt được khi bị dẫn dắt bởi một lối sống như vậy.

Sau đó hãy suy ngẫm về những chúng sinh khác và xem hạnh phúc của họ quan trọng như thế nào, mong muốn phục vụ họ, v.v, và xem điều bạn, với vai trò là người quan sát trung lập thứ ba, có thể kết luận về việc lợi ích của ai và hạnh phúc của ai quan trọng hơn.

Một cách rất tự nhiên bạn sẽ bắt đầu cảm thấy có chiều hướng muốn nghiêng về những chúng sinh khác hơn.

Tôi cũng nghĩ rằng thái độ vị tha của bạn hướng đến các chúng sinh khác càng lớn bao nhiêu, bạn sẽ càng trở nên can đảm bấy nhiêu. Bạn càng can đảm bao nhiêu, bạn sẽ thấy mình ít nản lòng hơn và ít mất hi vọng hơn bấy nhiêu. Vì vậy, tình yêu thương cũng là một nguồn sức mạnh nội tâm.

Khi sức mạnh bên trong tăng lên, có thể phát triển quyết tâm vững chắc, và với quyết tâm như vậy, cơ hội thành công sẽ lớn hơn, bất kể trở ngại nào. Mặt khác, nếu bạn cảm thấy do dự, sợ hãi, và thiếu tự tin thì thường bạn sẽ phát triển một thái độ bi quan.

Tôi xem đó là hạt giống thực sự của thất bại. Với một thái độ bi quan, bạn không thể hoàn thành điều gì, thậm chí cả những thứ mà bạn có thể dễ dàng đạt được.

Nhưng ngược lại, nếu phải đối mặt với một thứ rất khó để đạt được mà bạn lại có một quyết tâm không thể lay chuyển thì cuối cùng bạn vẫn có khả năng gặt hái được thành công.

Bởi vậy, ngay cả trong ý nghĩa thông thường, tình yêu thương đóng vai trò rất quan trọng cho một tương lai thành công.

Như tôi đã đề cập trước đó, tuỳ thuộc vào cấp độ trí tuệ của bạn mà có các cấp độ khác nhau về tình yêu thương, chẳng hạn như tình yêu thương được thúc đẩy bởi sự sáng suốt chân thực về bản chất tối thượng của thực tại, tình yêu thương được thúc đẩy bởi việc nhận ra được bản chất vô thường của vạn vật, và tình yêu thương được thúc đẩy bởi nhận thức về nỗi đau khổ của các chúng sinh khác.

Cấp độ trí tuệ của bạn, hay còn gọi là sự sáng suốt chân thực về bản chất của thực tại, quyết định cấp độ của tình yêu thương mà bạn sẽ trải nghiệm.

Từ quan điểm của Phật giáo, tình yêu thương phải đi cùng với trí tuệ. Như thế tình yêu thương giống như một người rất trung thực còn trí tuệ giống như một người có năng lực; nếu bạn đào sâu cả hai phẩm chất này, thì kết quả sẽ diễn ra một cách rất hiệu quả.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LÒNG TỐT DẪN ĐẾN THÀNH CÔNG
  2. SỰ CẦN THIẾT CÓ LÒNG TỐT
  3. YÊU THƯƠNG VÀ LÒNG TỐT

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ