TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN CÁC KỸ NĂNG BÊN TRONG QUAN TRỌNG HƠN VẺ BỀ NGOÀI

NATORI HOUGEN

Trích: Tâm Buông Bỏ, Đời Bình An; Việt dịch: Nguyễn Thanh Hương; Hiệu đính: Ngọc Hà; NXB. Thế Giới, 2017

Trong Phật giáo có mười nghiệp lành, là mười điều ngăn giữ chúng sinh đọa lạc vào bể khổ. Giới tăng ni làm theo mười điều này là chuyện đương nhiên, còn những Phật tử thông thường cũng được khuyên nên làm theo. Những việc nên làm theo thì tốt này khác với những nguyên tắc mà nếu vi phạm sẽ bị xử phạt. Những nghiệp lành này là cơ sở để tu tập thêm mười việc thiện, chủ yếu giúp mọi người tự thấu hiểu chính mình và cũng là để bảo vệ chính mình. Nếu không phải tăng ni, dù phạm vào bạn cũng không bị xử phạt.

Ba việc thiện đầu tiên bao gồm: không sát sanh (không sát sanh một cách không cần thiết), không trộm cắp, không tà dâm (tránh xa các mối quan hệ nam nữ tội lỗi). Đây là những lời cảnh báo về cách xử sự, hành vi của con người, từ đó dẫn tới định mức xử phạt trong hệ thống pháp luật nhằm duy trì trật tự xã hội.

Còn các việc thiện như bất xan tham (không gian tham), bớt sân khuể (không giận dữ), bất tà kiến (không có cái nhìn lệch lạc đối với người khác) là ba việc nên làm liên quan đến tịnh tâm, giữ gìn trái tim trong sáng.

Bốn việc thiện còn lại liên quan đến lời nói, cách ăn nói. Mục đích là để cảnh báo con người về những tiêu cực và ảnh hưởng xấu của lời nói. Tôi có cảm giác rằng bốn việc thiện này nói về tâm lý muốn che đậy bản thân, tô điểm đánh bóng bản thân.

Bất vọng ngữ nghĩa là không được nói dối, nói những lời xảo trá với mục đích che giấu sự thật. Khi bị phát hiện đang nói dối, ta sẽ mất sự tín nhiệm của người khác. Hiểu được điều này nhưng vẫn nói dối hòng đánh bóng bản thân, vẻ hào nhoáng bề ngoài sẽ không có giá trị thật sự.

Bất ý ngữ là đừng nói những lời khoa trương bóng bẩy. Nó giống như bản thân mình không làm được nhưng vẫn nói rằng mình có thể làm được để đánh bóng bản thân. Lời nói của các thanh niên tuổi dậy thì kiểu: “Tớ mà làm thì làm được ngay, chỉ là tớ không làm thôi” đúng với trường hợp này.

Bất ác ý là đừng nói những từ ngữ cộc cằn, thô lỗ, ác độc để đe dọa người khác. Trong cuộc hội thoại bình thường mà nói ra những lời thô lỗ chẳng khác gì con mèo dựng hết lông lên để dọa kẻ thù khiến bản thân trông có vẻ to lớn hơn. Đây cũng là một dạng đánh bóng, phóng đại bản thân.

Bất lưỡng thiệt là không nói xấu người khác. Những người muốn đánh bóng bản thân mà ở mỗi nơi nói một kiểu hay nói xấu người khác thì tâm sẽ không bình an. Người ta thường cho rằng nghi thức xuống tóc dành cho người có địa vị cao chính là cạo tóc quy y cửa Phật, nhưng ý nghĩa quan trọng nhất của nghi thức này chính là tuyên bố rằng người đó đã quyết tâm vứt bỏ vẻ bề ngoài để từ nay sống cuộc sống đúng với bản chất nhất.

Con người tự trang trí, đánh bóng bản thân mình bằng những món đồ, bằng lời nói và hành động che giấu bản tâm thật sự. Càng đánh bóng, trang điểm nhiều càng tốn thời gian và công sức. Hơn nữa, vẻ ngoài hào nhoáng ấy một lúc nào đó sẽ rơi xuống. Từ bây giờ, hãy tập trung phát triển vẻ đẹp bên trong của bản thân, như thể lớp trang trí bên ngoài đã không còn nữa.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. MÀI GIŨA NHÂN CÁCH VÀ NÂNG CAO TÂM HỒN
  2. MƯỜI BẤT THIỆN – GIÁO HUẤN DAKINI

Bài viết khác của tác giả

  1. SỰ TỒN TẠI CỦA MỖI CHÚNG TA TRÊN THẾ GIỚI NÀY CHÍNH LÀ MỘT ĐIỀU KỲ DIỆU
  2. DỤC VỌNG CỦA BẢN THÂN LÀ CỘI NGUỒN SẢN SINH RA KHỔ
  3. BIẾT ƠN NGƯỜI ĐÃ ƯU TIÊN CHO HOÀN CẢNH CỦA MÌNH

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP