TẤT CẢ CHÚNG SINH ĐỀU CÓ PHẬT TÍNH

TAI SITUPA XII

Trích “Đánh Thức Vị Phật Đang Ngủ”; Dịch giả: Nguyên Toàn; NXB: Tôn Giáo

Mọi chúng sinh đều có Phật tính, chỉ có điều là liệu họ có nhận biết được điều này hay không. Một số có thể hoàn toàn vô minh về Phật tính, một số chúng sinh có thể nhận thức được, và một số khác có thể nhận thức đầy đủ về điều này. Nhưng trong tất cả ba giai đoạn phát triển, mọi chúng sinh đều có Phật tính. Khi một chúng sinh vô minh về Phật tính, mặc dù vậy bản tính phật của nó vẫn luôn hiện diện, như một hạt giống luôn sẵn sàng để nảy mầm. Khi một chúng sinh phát triển, Phật tính được biểu lộ như là kiến thức, trí tuệ, thiện tâm, và các hành động thiện. Khi một chúng sinh đạt được giác ngộ, thì bản thân sự giác ngộ là Phật tính. Cá nhân nào nhận ra hoàn toàn Phật tính của mình – đó chính là giác ngộ.

Ở mức độ tuyệt đối mọi chúng sinh đều là phật. Không có sự khác nhau về bản chất tối thượng giữa một chúng sinh vô minh và phật giác ngộ. Bản chất là như nhau. Sự khác nhau duy nhất là chúng sinh không hiểu biết về điều này, nhưng một vị phật là hiện thân của Phật tính. Chúng sinh chưa được giác ngộ ở mức độ tương đối, nhưng có Phật tính bẩm sinh, trong khi một vị phật thì giác ngộ ở cả mức độ tương đối và tuyệt đối. Trong thực tế, một vị phật vượt ra ngoài giới hạn tương đối và tuyệt đối – vốn mang tính nhị nguyên.

Đức Di Lặc giải thích rằng mọi chúng sinh đều có tiềm năng đạt giác ngộ. Không có chúng sinh nào không thể hoàn thiện và không giác ngộ. Vì vậy, tất cả chúng sinh đều có bản tính phật, bất kể là chúng sinh thuộc cõi giới nào. Mọi chúng sinh là hoàn hảo tuyệt đối. Theo Phật giáo, ở khía cạnh tương đối, do các ô nhiễm (các độc) nên các chúng sinh đều có vô số sự không hoàn hảo. Những ô nhiễm này như là sân hận, kiêu ngạo, và bám víu. Mục đích của thực hành Pháp là áp dụng phương pháp hiệu quả nhất để vượt qua những ô nhiễm đó. Với phương pháp đúng, một người có thể dần dần tỉnh giác và vượt qua tất cả ô nhiễm làm che mờ sự tỉnh thức bản chất thật sự bên trong và bản tính phật. Đức Di Lặc nói rằng khi tiềm năng tối thượng của từng chúng sinh được đánh thức, không có sự khác nhau giữa một người giác ngộ viên mãn và một chúng sinh hoàn toàn vô minh. Lời tuyên bố này có lẽ là khó hiểu nếu không có sự hiểu biết rõ về bản chất của chân lý. Chân lý có hai khía cạnh: tương đối, hay là chân lý có thể thay đổi, và tuyệt đối, chân lý không thay đổi. Ở cấp độ tương đối, các chướng ngại xuất hiện. Ở cấp độ tuyệt đối là sự tinh khiết – đó là bản tính phật. Ở mức độ tương đối chúng ta chưa phải là phật, nhưng ở mức độ tuyệt đối, chúng ta là phật. Ở mức độ tương đối, chúng ta phải đương đầu với nhiều vấn đề khó khăn, nhưng ở mức độ tuyệt đối chúng ta không còn khó khăn nữa. Sự hiểu biết của chúng ta về bản chất thực của sự thật phải nhìn qua sự tương phản này.

Cũng cần nhớ rằng có mối liên hệ trực tiếp giữa hai khía cạnh tuyệt đối và tương đối. Tuyệt đối là sự tuyệt đối của tương đối, và tương đối là sự tương đối của tuyệt đối. Chúng không phải là hai điều khác nhau. Do đó, khi Đức Di Lặc nói rằng bất kể một người bình thường hay tiêu cực như thế nào, không có sự giới hạn trong phạm vi về bản chất sâu xa của người đó, ở đây ý Ngài muốn nói về hai khía cạnh tương đối và tuyệt đối của sự thật. Về tuyệt đối, không có sự khác biệt giữa những chúng sinh đang chìm trong đau khổ của luân hồi với một vị phật đã giác ngộ hoàn toàn và vượt ra ngoài mọi giới hạn. Họ là như nhau. Suy tư về điều này rất tốt cho chúng ta.

NHỮNG PHẨM CHẤT CỦA PHẬT TÍNH

Đức Di Lặc cũng giải thích rằng Phật tính là vô hạn. Nó vượt ra khỏi thời gian, khuôn khổ, chất lượng, và tất cả giới hạn. Ở khía cạnh tuyệt đối, không có giới hạn, nhưng ở khía cạnh tương đối là có giới hạn, như là một người nỗ lực đạt tới sự thức tỉnh cao cả hơn.

Đức Di Lặc tuyên bố Phật tính là hoàn toàn tinh khiết. Bản thân nó không thể bị che khuất, mặc dầu khái niệm tương đối của nó có thể bị che mờ. Mọi chúng sinh đều sẵn sàng cho sự giác ngộ ở mọi khoảnh khắc. Chướng ngại duy nhất là chúng ta không nhận ra sự vô hạn và tinh khiết của Phật tính. Có lẽ chúng ta có những ý niệm mơ hồ về phẩm chất vô hạn của mình, nhưng chúng ta không nhận ra đầy đủ điều này, vì vậy, chúng ta chỉ tập trung vào cái tôi tương đối. Mỗi khoảnh khắc chúng ta được giác ngộ nhưng lại không nhận ra điều đó. Do vậy, mỗi khoảnh khắc chúng ta lại bị ngăn cản để nhận thức được Phật tính, chúng ta không thể giác ngộ được đầy đủ. Tính nhị nguyên (dualism) tạo ra các nhân và duyên hai mặt, mà biểu hiện như là tốt và xấu, sáng và tối, tích cực và tiêu cực. Giống như một giấc mơ dài. Thức tỉnh khỏi giấc mơ nhị nguyên, bạn phải làm những nỗ lực chắc chắn, bao gồm cách cư xử đúng, lắng dịu tâm trí thông qua thiền định, và những phương pháp khác để phát triển tỉnh giác và nhận thức. Thực hành cá nhân có nhiều hình thức. Có thể là thiền hoặc là hành động. Mục đích là để nâng cao quan niệm, kinh nghiệm, và bộc lộ Phật tính của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể dễ dàng bị lôi cuốn vào những điều sai trái và trở nên vô minh hơn. Đức Di Lặc nói rằng trước khi bạn đạt tới cấp độ bồ tát sơ địa, bạn có thể tinh tấn hoặc bạn vẫn có thể trở thành bị huyễn hoặc. Nhưng sau khi đạt được cấp độ bồ tát sơ địa bạn không thể bị huyễn hoặc nữa. Trong giai đoạn này, ngay cả dù Phật tính là vô hạn, nó có thể bị che mờ bởi chân lý tương đối.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NĂM GIAI ĐOẠN CHO NGƯỜI THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. 5 LỢI ÍCH CỦA VIỆC HIỂU BIẾT PHẬT TÍNH và 5 BẤT LỢI DO KHÔNG HIỂU BIẾT
  3. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA PHẬT TÍNH

Bài viết mới

  1. LÒNG TỪ ÁI
  2. NĂM NGUỒN LỰC THÀNH CÔNG LÀ GÌ?
  3. NHÓM VÀ CÁCH LÀM VIỆC THEO NHÓM