THÁO BỎ BỨC TƯỜNG THÀNH

MICHAEL A. SINGER

Trích: Cởi Trói Linh Hồn - Hành Trình Vượt Qua Giới Hạn Của Chính Mình; Biên dịch: Bùi Thị Ngọc Hương; NXB. Tổng hợp Tp.HCM

MICHAEL A. SINGER là tác giả của cuốn sách cực kỳ thành công mà bạn đang cầm trên tay – Cởi trói linh hồn. Cuốn sách này cũng được xuất bản ở Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil (bằng tiếng Bồ Đào Nha), Thụy Sĩ (bằng tiếng Đức), Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Đan Mạch, Phần Lan, Ba Lan và Ý.

Singer nhận bằng thạc sĩ về kinh tế tại Đại học Florida vào năm 1971. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, ông đã có một sự thức tỉnh nội tâm sâu sắc và quyết định sống ẩn dật để tập trung vào yoga và thiền định. Năm 1975, ông thành lập trung tâm yoga và thiền định Temple of the Universe, hiện vẫn đang hoạt động. Đó là nơi mà mọi người thuộc bất kỳ tôn giáo hoặc tín ngưỡng nào đều có thể đến để cùng trải nghiệm bình an nội tại.

—–❄️❄️❄️—–

Đến một giai đoạn nào đó trong quá trình phát triển của bạn, nội tâm của bạn bắt đầu trở nên thật tĩnh lặng. Điều này xảy ra khá tự nhiên khi vị trí định tâm của bạn tiến sâu hơn vào bên trong. Và rồi bạn chợt nhận ra rằng mặc dù bạn luôn ở vị trí đó nhưng bạn vẫn liên tục bị áp đảo bởi những chướng ngại của ý nghĩ, cảm xúc, và cảm nhận bằng giác quan vốn thu hút tám thức của bạn. Khi nhận thức được điều này, bạn bắt đầu hiểu ra rằng bạn thật sự có thể vượt lên trên tất cả những xáo trộn này. Càng ngồi ở vị trí quan sát của tâm thức, bạn càng nhận ra rằng bởi vì bạn hoàn toàn độc lập với những gì bạn đang quan sát nên chắc hẳn phải có cách thoát khỏi sức mạnh kìm giữ đầy ma thuật của tâm lý đối với nhận thức của bạn. Chắc chắn phải có một lối thoát.

Bước đột phá nội tại sau cùng để đạt được tự do hoàn toàn được mô tả theo truyền thống bằng một thuật ngữ hay bị lạm dụng và dễ gây nhầm lẫn: “sự giác ngộ”. Vấn đề là do quan điểm của chúng ta về giác ngộ hoặc được dựa trên những trải nghiệm cá nhân hoặc dựa trên sự hiểu biết và nhận thức hạn hẹp của chúng ta. Bởi vì hầu hết chúng ta chưa bao giờ thật sự trải nghiệm điều này nên trạng thái giác ngộ hoặc là bị chế giễu, hoặc là đưoc xem như một trạng thái huyền bí tối cao mà hầu như không một ai có thể đạt đến. Điều duy nhất mà đa số mọi người đều biết rõ về giác ngộ là họ không ở trong trạng thái đó.

Tuy nhiên, khi hiểu được rằng ý nghĩ, cảm xúc và các đối tượng giác quan chỉ đơn giản là đang lướt qua trước tâm thức, có lẽ bạn sẽ thắc mắc liệu nhận thức của bạn có phải chỉ giới hạn trong phạm vi này thôi hay không. Điều gì xảy ra nếu tâm thức thôi không tiếp tục quan sát chuỗi suy nghĩ cá nhân, chuỗi cảm xúc cá nhân, và những cảm nhận bằng giác quan? Liệu bạn có được giải thoát khỏi những ràng buộc của bản ngã cá nhân và có được tự do để khám phá xa hơn nữa không? Và chính xác là tâm thức đã trở nên gắn bó với bản ngã cá nhân như thế nào? Việc xem xét những thắc mắc này đòi hỏi chúng ta thảo luận về những gì tồn tại bên ngoài ranh giới của tâm trí. Rõ ràng là việc thảo luận này rất khó để thực hiện bên trong cái kết cấu tâm lý mà chúng ta đã quá quen thuộc. Vì vậy, chúng ta sẽ bắt đầu khám phá trạng thái tinh thần được giải thoát thông qua việc sử dụng một câu chuyện phúng dụ. Giống như Plato đã dùng hình thức đối thoại để kể câu chuyện “Dụ ngôn về Cái hang” (Allegory of the Cave) vào năm 360 trước Công nguyên, chúng ta sẽ sử dụng một câu chuyện ngắn để kể dụ ngôn về một ngôi nhà rất đặc biệt.

Hãy tưởng tượng bạn tìm thấy chính mình ở giữa một cánh đồng rộng lớn ngút tầm mắt, nơi mà mặt trời luôn tỏa sáng. Đó là một nơi tuyệt đẹp với ánh sáng rạng rỡ và khoảng không bao la. Quang cảnh ảo diệu đến nỗi bạn quyết định sống ở đó. Vì vậy bạn mua đất, và ngay giữa cánh đồng bao la, bạn bắt đầu đích thân thiết kế và xây dựng ngôi nhà mơ ước của mình. Bạn làm móng chắc chắn vì bạn muốn ngôi nhà bền vững trong thời gian dài. Bạn xây nhà bằng những khối bê tông vững chắc vì bạn không muốn bất kỳ vấn đề gì phát sinh như tình trạng mục nát hay thấm nước. Để ngôi nhà bền vững về mặt sinh thái, bạn quyết định lắp rất ít cửa sổ và xây phần mái với nhiều mái che. Sau khi gắn các cửa sổ và ngói nhà hoàn thiện, bạn nhận thấy rằng hơi nóng vẫn xâm nhập vào nhà khá nhiều. Vì vậy bạn lắp cửa chớp bảo vệ chất lượng cao để không chỉ phản chiếu ánh sáng mặt trời và nguồn nhiệt ngược trở ra bên ngoài mà còn có thể khóa trái ngôi nhà với mục đích an ninh. Đó là một ngôi nhà rất lớn, có thể dự trữ đủ mọi thứ cho phép bạn sống sung túc trong thời gian dài. Thậm chí bạn còn xây dựng một khu nhà riêng biệt cho một người trầm tính đáng tin cậy để giúp bạn giữ nhà cửa sạch sẽ trong khi bạn vẫn có không gian yên tĩnh một mình. Và ngôi nhà hoàn toàn trở nên vắng vẻ vì bạn đưa ra một yêu cầu viển vông là không có điện thoại, ra-di-ô, truyền hình và cả kết nối Internet.

Ngôi nhà mơ ước của bạn cuối cùng cũng hoàn thiện, và bạn rất hào hứng khi sống ở đó. Bạn yêu khoảng không trái rộng ngút ngàn của cánh đồng và tất cả ánh sáng cũng như vẻ đẹp của thiên nhiên. Nhưng trên tất cả, bạn say mê ngôi nhà. Bạn đã đặt cả trái tim và tâm hồn vào mỗi một chi tiết thiết kế, và nó thể hiện đúng điều đó – nó quả thực là “bạn”. Theo thời gian, niềm mê đắm của bạn với ngôi nhà ngày càng tăng, trong khi sự khó chịu với tất cả những cảnh vật và âm thanh xa lạ bên ngoài ngày càng lớn, bạn bắt đầu dành nhiều thời gian ru rú trong nhà hơn. Đó là lúc bạn nhận ra rằng với những cánh cửa chớp và cửa lớn hoàn toàn bị khóa trái, ngôi nhà thực sự bắt đầu trông như một pháo đài. Với bạn thì điều này chẳng sao cả. Đã từng quen sống ở thành phố, lẽ ra bạn đã thấy khá đáng sợ khi sống mà không tiếp xúc với ai, hoàn toàn cô lập. Nhưng bạn đã tự cam kết sẽ sống hoàn toàn độc lập.

Vì vậy bạn dần trở nên quen với việc sống an toàn trong phạm vi ngôi nhà. Bạn vui sướng được sống với sở thích của mình – đọc và viết – như bạn hằng mong muốn. Ở đó thực sự khá thoải mái vì bạn hoàn toàn có thể kiểm soát khí hậu, và bạn đủ khôn ngoan để cài đặt một hệ thống chiếu sáng quang phổ hiện đại. Khổ nỗi, bạn nhận thấy ngôi nhà quá thoải mái, thú vị và an toàn đến nỗi bạn hoàn toàn ngừng suy nghĩ về bên ngoài. Rốt cuộc, mọi việc xảy ra bên trong ngôi nhà đều quen thuộc, có thể dự đoán được và nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Với những việc xảy ra bên ngoài, bạn cảm thấy xa lạ, không dự đoán được và hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Cảm giác gắn bó của bạn với nơi chốn “thiêng liêng bên trong này càng được củng cố khi các cửa chớp và rèm được khóa cố định, chúng hòa hợp với nhau trông như những bức vẽ trên tường, khiến bạn thậm chí không bao giờ nghĩ đến việc phải mạo hiểm đi ra ngoài để mở những cái khóa đó ra. Các cửa chớp và rèm được đóng kín đến độ khi tắt hết đèn, ngôi nhà hoàn toàn tối đen, bất kể ngày hay đêm. Nhưng bởi vì bạn quen với việc không bao giờ tắt đèn, bạn không để tâm đến chúng cho đến một ngày kia khi các ngọn đến lần lượt bị hỏng. Chỉ khi đó bạn mới nhận ra tình trạng oái oăm của mình: Không ai để lại cho bạn những bóng đèn thay thế tương thích với hệ thống chiếu sáng hiện đại của ngôi nhà. Điều này có nghĩa là khi ngọn đèn cuối cùng tắt đi, bạn bị bỏ mặc để tự tìm lối đi quanh ngôi nhà chìm trong bóng tối.

Từ thời điểm đó trở đi, ánh sáng duy nhất bạn có là từ một vài cây nến bạn giữ phòng những trường hợp khẩn cấp. Nhưng số nến này rất ít, vì vậy bạn bảo quản chúng cẩn thận. Là một người yêu thích ánh sáng, tình cảnh này khá gay go đối với bạn. Tuy nhiên cũng không quá gay go để buộc bạn phải vượt qua những nỗi sợ hãi mà bạn đã nuôi dưỡng lâu nay khi ra khỏi vùng an toàn của ngôi nhà. Tuy vậy, rốt cuộc thì sự căng thẳng khi sống trong bóng tối này cũng đã phá hủy phần lớn sức khỏe của bạn, cả về thể chất và tinh thần. Theo thời gian, mọi ký ức về cánh đồng ngập tràn ánh nắng tuyệt đẹp dẫn mờ nhạt trong tâm trí bạn, không bao giờ trở lại nữa.

Sự việc xảy ra khiến bạn trở nên rất quan tâm đến việc giữ ánh sáng cho ngôi nhà. Ánh sáng duy nhất bạn biết đến gần đây là ánh sáng mà bạn tạo ra trong bóng tối với những cây nên quý giá còn lại. Bạn trở nên cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Bạn bị cô lập khỏi mọi thứ, và điều duy nhất khiến bạn dễ chịu là cảm giác bảo vệ mà ngôi nhà dành cho bạn. Bạn không còn nhận thức chính xác cái gì thực sự khiến bạn sợ hãi; bạn chỉ nhận thức được là bạn luôn cảm thấy sợ hãi và khó chịu. Tất cả những gì bạn có thể làm chỉ để cố gắng giữ cho mình bình tĩnh. Thậm chí bạn ngừng đọc và viết vì thiếu ánh sáng. Ngôi nhà tối om, và bạn cũng rơi vào bóng tối.

Rồi một ngày kia, người quản gia – người đã cùng bạn quyết tâm ẩn trú trong ngôi nhà – gọi bạn xuống hầm chứa đồ. Bạn quá đỗi ngạc nhiên với những gì nhìn thấy. Một nguồn cung cấp đầy đủ những cái đèn pin khẩn cấp có thể nạp điện dễ dàng bằng cách lắc chúng. Quản gia của bạn bật sáng một vài ngọn đèn, và cả căn hầm ngập trong ánh sáng rực rỡ. Đây là một bước ngoặt thực sự trong cuộc đời bạn.

Bạn và người quản gia bắt tay vào việc cố gắng tạo trở lại ánh sáng, vẻ đẹp và niềm hạnh phúc cho bên trong ngôi nhà. Hai người lần lượt trang hoàng từng phòng và cùng nhau giữ cho căn nhà luôn tràn ngập ánh sáng cho đến khi đi ngủ. Bạn bắt đầu đọc và viết trở lại, và hóa ra người bạn cùng phòng rất thích đọc những tác phẩm của bạn. Thực ra, không chỉ ánh sáng nhân tạo đang thắp sáng cả căn nhà. Đốm lửa tình yêu đã bất đầu bừng sáng trong trái tim của cả hai. Hãy hình dung ánh sáng mà hai bạn có thể tạo ra cùng nhau thay vì mỗi người tự thắp riêng lẻ. Hai bạn bắt đầu dành tất cả thời gian cho nhau, và cuối cùng là một lễ cưới diễn ra đầm ấm. Thật là một cảnh tượng đẹp khi hai bạn nguyện thề chăm sóc nhau, đem tình yêu và ánh sáng vào ngôi nhà của mình. So với bóng tối mà bạn từng trải qua thì cuộc sống mới này là thiên đường.

Một ngày nọ bạn tình cờ đọc một cuốn sách trong thư viện của bạn. Cuốn sách hấp dẫn bạn vì nó nói về ánh sáng tự nhiên, rạng rỡ tồn tại “bên ngoài”. Cuốn sách còn đề cập đến việc tắm trong ánh sáng đó. Điều đáng chú ý là nó đang đề cập đến ánh sáng rực rỡ hơn bạn từng có thể tưởng tượng, và không ai phải làm bất cứ điều gì để tạo ra nó. Điều này khiến bạn bối rối, khó hiểu. Từ trước đến giờ, bạn chỉ biết đến ánh sáng nhân tạo từ những cây nến và đèn pin. Làm cách nào bạn có thể tạo ra nhiều ánh sáng hơn và duy trì chúng mãi mãi? Bạn không có manh mối gì về những điều mà cuốn sách đang nói đến vì bạn chỉ có thể nhìn nhận mọi thứ trong mối tương quan với cách mà bạn đang sống. Bạn đã sống bên trong ngôi nhà, và sống trong bóng tối. Tất cả ánh sáng mà bạn đã trải nghiệm chỉ giới hạn trong những thứ bạn đã tạo ra trong phạm vi ngôi nhà. Bạn đã sống ở đó quá lâu, đến nỗi tất cả những hy vọng, ước mơ, triết lý sống và niềm tin đều được thiết lập bên trong căn nhà tối đó. Toàn bộ thế giới của bạn chỉ xoay quanh việc thu xếp cho chính mình một cuộc sống tốt nhất có thể trong phạm vi của ngôi nhà.

Khi bạn tiếp tục đọc, cuốn sách có vẻ như huyền bí này còn nói đến cuộc sống sẽ như thế nào khi thực sự dạo bước trong ánh sáng thiên nhiên này. Nó dường như mô tả một thứ ánh sáng tự phát, tràn ngập khắp nơi. Đó là ánh sáng rơi trên mọi vật một cách liên tục và đồng đều. Mặc dù bạn không có khung tham chiếu cho sự hiểu biết này, nhưng nó đã chạm vào sâu bên trong bạn. Và rồi cuốn sách đề cập đến những diễn tiến ở thế giới bên ngoài, tức là vượt khỏi các bức tường của thế giới mà bạn đã tạo ra cho chính mình. Thực ra, cuốn sách muốn nói rằng trong khi bạn gắn bó và say mê với cái thế giới mà bạn tạo ra để tránh bóng tối, bạn sẽ không bao giờ biết được nguồn ánh sáng tự nhiên dồi dào bên kia vùng ranh giới của ngôi nhà bạn. Làm sao bạn có thể nghĩ đến việc đi ra thế giới bên ngoài khi đã quá phụ thuộc vào những gì bạn đã gầy dựng bên trong?

 

Cuộc sống lặp lại giống nhau bên trong ngôi nhà hoàn toàn phù hợp với những gì mà chúng ta dự đoán. Tâm thức của chúng ta, nhận thức về sự tồn tại của chúng ta, đang đâm rễ sâu bên trong chúng ta, trong một vùng bị phong tỏa bởi chính chúng ta. Nó có bốn bức tường, có lót sàn và cả mái nhà. Nó dày và kiên cố đến nỗi không một tia sáng tự nhiên nào có thể thâm nhập vào. Ánh sáng duy nhất chúng ta nhận được là thứ ánh sáng mà chúng ta tự tạo ra cho chính mình. Nếu chúng ta không kiến tạo được những điều kiện sống tốt đẹp cho chính mình thì chỉ có bóng tối tồn tại. Vì vậy chúng ta bận rộn trang trí mỗi ngày. Chúng ta làm vậy để cố gắng mang một số thứ vào trong đó với chúng ta – với hy vọng ít nhất cũng tạo ra được một chút ánh sáng trong ngôi nhà mà chúng ta dựng nên, nơi chúng ta đã phong tỏa chính bản thân mình.

Bạn có thể hình dung thế này: Bạn ở bên trong một ngôi nhà, hoàn toàn phong tỏa khỏi mọi nguồn ánh sáng tự nhiên, trong khi ngôi nhà nằm giữa một cánh đồng trải rộng mênh mông, ngập tràn ánh sáng rạng rỡ. Nhưng ngôi nhà của bạn làm bằng chất liệu gì? Những bức tường của bạn làm bằng chất liệu gì? Làm sao chúng lại có thể ngăn chặn nguồn ánh sáng ngập tràn đó và khóa trái bạn bên trong? Ngôi nhà của bạn được xây dựng bằng những suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Các bức tường được dựng nên bằng nội tâm của bạn. Ngôi nhà được xây từ những chất liệu như thế. Đó là tất cả những trải nghiệm trong quá khứ của bạn; tất cả những suy nghĩ và cảm xúc; tất cả những ý niệm, quan điểm, ý kiến, niềm tin, hy vọng và ước mơ mà bạn thu thập được xung quanh mình. Ban giữ chúng cố định ở tất cả mọi phía bao quanh bạn, cả ở trên và ở dưới bạn. Bạn đã tạo nên một tập hợp những suy nghĩ và cảm xúc của bạn trong tâm trí, và sau đó dệt chúng thành một thế giới khái niệm và bạn sống trong đó. Cấu trúc tinh thần này hoàn toàn ngăn bạn khỏi bất kỳ ánh sáng tự nhiên nào bên ngoài những bức tường thành của nó. Bạn có những bức tường ý nghĩ đủ dày và đủ kín, nơi mà không có gì ngoài bóng tối ngự trị bên trong cấu trúc đó. Bạn đang bị mê hoặc bởi những suy nghĩ và cảm xúc của bạn, đến nỗi bạn không thể vượt ra khỏi giới hạn mà chúng tạo ra.

Nếu bạn muốn xem giới hạn của những bức tường đó như thế nào, chỉ cần bắt đầu tiến bước về phía chúng. Giả dụ như bạn mắc chứng sợ độ cao. Trước đây bạn đã từng trèo thang và bị té, và ấn tượng đó vẫn còn tồn tại trong bạn. Giờ đây bạn đang đứng trước một trong những bức tường của chính mình. Nếu bạn ngờ vực liệu nó có phải là bức tường không, chúng ta sẽ xem cách bạn đi xuyên qua nó. Giả sử điều gì đó xảy ra và kích hoạt những cảm xúc sợ hãi cũ, và bạn quyết định đi thẳng về phía nó. Càng đến gần nó, bạn sẽ càng bị thôi thúc quay ngược trở lại. Chính trải nghiệm mà bạn đã có trong quá khứ đã hình thành nên ranh giới mà trực giác bạn muốn trốn tránh. Đó là phản xạ tự nhiên chúng ta thường có khi gặp phải những bức tường- chúng ta tránh không đâm sầm vào chúng. Nhưng chính vì bạn tránh chạy thẳng đến chúng, cho nên bạn đã ngăn giữ chính mình bên trong chu vi những bức tường. Chúng trở thành nhà tù của bạn – chính là những giới hạn trong nhận thức của bạn, Vì bạn không sẵn sàng tiếp cận chúng, bạn không thể nhìn thấy bên ngoài những ranh giới đó.

Khi bạn tiếp cận với khu rào chắn của những suy nghĩ và cảm xúc, bạn cảm thấy như thể sắp sa chân vào vực thẳm. Bạn không dám đến gần khu vực đó. Nhưng bạn hoàn toàn có thể đến đó, và nếu bạn muốn thoát ra, bạn sẽ đi đến đó. Cuối cùng, bạn sẽ nhận ra rằng bóng tối không phải là điều thực sự tồn tại ở đó. Cái thực sự hiện hữu ở đó là những bức tường thành ngăn trở nguồn ánh sáng vô tận. Khi ánh sáng là tất cả những gì bạn đang tìm kiếm thì việc nhận ra điều này là cả một sự khác biệt quan trọng. Nếu bạn nhìn thấy bức tường và tin rằng nó bảo vệ bạn khỏi bóng tối bất tận, bạn sẽ không muốn đi đến đó. Nhưng nếu bạn nhìn thấy bức tường đang cản trở ánh sáng, bạn sẽ muốn đi đến đó để dỡ bỏ bức tường. Người ta thường nói rằng bạn phải đi xuyên qua đêm đen tối nhất để đón nhận ánh sáng vô hạn. Đó là bởi vì cái mà chúng ta gọi là bóng tối thực ra là vật cản ánh sáng. Bạn phải vượt qua những bức tường này.

Thực sự không khó để vượt qua những bức tường. Nhiều lần, mỗi ngày, dòng chảy tự nhiên của cuộc sống sẽ va chạm với những bức tường thành trong chúng ta và cố gắng đạp phăng chúng xuống. Nhưng hết lần này đến lần khác, chúng ta đều tìm cách bảo vệ chúng. Bạn phải nhận ra rằng khi bạn che chở chính mình là thực chất bạn đang bảo hộ những bức tường này. Không có gì khác bên trong bạn cần bảo vệ cả. Chỉ có nhận thức của bạn về sự tồn tại và ngôi nhà ngăn cản ánh sáng mà bạn xây dựng để sống trong đó. Cái mà bạn đang bảo vệ chính là ngôi nhà bạn đã xây để bảo vệ bản thân mình. Bạn đang giấu mình trong đó. Nếu điều gì đó vô tình thách thức những bức tường tâm lý của bạn, bạn sẽ trở nên cực kỳ phòng thủ. Bạn thiết lập một ý niệm bản thân, chuyển đến ẩn trú ở trong đó, và giờ đây bạn bảo vệ ngôi nhà đó cùng với tất cả những gì mà bạn có. Nhưng còn chất liệu gì khác đã tạo nên ngôi nhà nội tại đó không, ngoài những bức tường suy nghĩ của bạn? Khi bạn nói: “Tôi là một phụ nữ 45 tuổi. Tôi kết hôn với Joe và tốt nghiệp từ trường này…”, đó đều là những suy nghĩ của cá nhân bạn. Những tình huống thực không tồn tại trong ngôi nhà đó với bạn ngoại trừ dưới dạng những suy nghĩ chủ quan mà bạn luôn bám víu vào: “Nhưng tôi đã là một cổ động viên, và tôi là lớp trưởng của lớp đàn anh này”. Đã ba mươi năm trôi qua rồi, và những tình huống đó không còn tồn tại nữa. Nhưng chúng vẫn hiện hữu trong bạn, và tạo thành những bức tường mà bạn sống trong đó.

Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó thách thức ý niệm bản thân của bạn và “khoét” một lỗ nhỏ trong đó? Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó làm lung lay một trong những suy nghĩ nền tảng hình thành nên ngôi nhà tâm lý của bạn? Hãy hình dung nếu ai đó nói với bạn điều này vào năm bạn hai mươi tuổi: “Này cháu. Đó không phải là ba mẹ của cháu. Cháu chỉ là con nuôi của họ thôi. Họ chưa từng nói cho cháu biết sao?”. Bạn sẽ kiên quyết phủ nhận nó cho đến khi họ cho bạn thấy các tài liệu chứng thực. Sự thật đó sẽ làm rung chuyển toàn bộ con người bên trong của bạn. Chỉ một suy nghĩ sai và “công trình kiến trúc” bắt đầu sụp đổ. Nói sợ hãi và xáo trộn có thể bắt đầu tấn công bên trong bạn chỉ đơn giản là vì điều gì đó không giống như bạn từng nghĩ. Nó khiến bạn bị chấn động đến tận sâu bên trong con người bạn vì nó thách thức ngôi nhà làm bằng những suy nghĩ mà bạn đang ở trong đó. Để chấn chỉnh điều này, bạn bắt đầu tìm cách “hợp lý hóa” những suy nghĩ của mình: “Tôi biết họ thực sự tốt. Họ cũng giống như cha mẹ thực sự của tôi. Hãy nghĩ xem, họ nhận nuôi tôi và dạy dỗ tôi khôn lớn không khác gì con ruột. Chúa ơi, họ thậm chí còn đặc biệt hơn những gì tôi đã nghĩ về họ”. Bạn vá lỗ hổng đó thật tốt. Đó là điều chúng ta thường làm với những bức tường của mình. Chúng ta giữ cho chúng luôn kiên cố. Không có gì được phép làm lung lay những bức tường đó.

Hãy để ý rằng bạn đã vá bức tường bị nứt bằng những suy nghĩ. Bạn dùng suy nghĩ để vá cái được tạo nên từ những suy nghĩ. Đó là cách chúng ta thường làm. Cũng giống như những người sợ hãi nhốt mình bên trong ngôi nhà tối tăm giữa cánh đồng ngập nắng rồi sau đó cố tạo ra một chút ánh sáng, chúng ta cật lực xây dựng một thế giới chật hẹp bên trong bằng những bức tường dày, rồi lại cố thắp lên chút ánh sáng cho không gian vốn tối tăm của nó. Chúng ta trang trí những bức tường bằng ký ức về những trải nghiệm quá khứ và mơ ước tương lai. Nói cách khác, chúng ta dùng những suy nghĩ để trang hoàng chúng. Tuy nhiên, tương tự như việc những người trong ngôi nhà đó có thể bước ra khỏi thế giới mà họ tự tạo ra để hòa mình vào vẻ đẹp của ánh sáng tự nhiên, bạn cũng có thể bước ra khỏi ngôi nhà làm bằng suy nghĩ của bạn để bay vào khoảng không vô tận. Nhận thức của bạn có thể trải rộng trong không gian rộng lớn thay vì trong phạm vi hạn hẹp mà bạn sống. Sau đó, khi bạn nhìn lại ngôi nhà nhỏ bé mà bạn đã tạo dựng, bạn sẽ tự hỏi không hiểu tại sao bạn lại từng ở trong đó.

Đó là hành trình thoát ra bên ngoài của bạn. Tự do thực sự đang ở rất gần; nó chỉ ở bên kia những bức tường. Sự khai sáng tinh thần là một điều rất đặc biệt. Nhưng thực ra, chúng ta không nên tập trung vào nó. Thay vào đó, hãy chú ý đến những bức tường do bạn tạo ra đang che khuất ánh sáng. Mục đích của bạn là gì khi dựng nên những bức tường ngăn chặn ánh sáng rồi sau đó lại nỗ lực hết sức để đạt đến sự khai sáng tinh thần? Bạn có thể thoát ra ngoài đơn giản bằng cách để cho cuộc sống hàng ngày hạ bỏ những bức tường mà bạn dựng lên xung quanh mình. Bạn chỉ cần không tham gia vào việc hỗ trợ, duy trì và bảo vệ pháo đài của bạn.

Hãy hình dung ngôi nhà làm bằng suy nghĩ của bạn đứng giữa đại dương ánh sáng từ một nghìn tỷ ngôi sao. Trong khi đó, nhận thức của bạn lại bị kẹt trong bóng tối của ngôi nhà đó, cố sống dè sẻn từng ngày bằng ánh sáng nhân tạo từ số lượng hạn chế những trải nghiệm mà ban tự tạo ra. Bây giờ hãy tưởng tượng những bức tường đang đổ nát, và tâm thức đang được giải phóng dễ dàng, mở ra và hòa nhập vào đại dương bao la ánh sáng ngoài kia. Giờ thì hãy đặt cho trải nghiệm này một cái tên – sự khai sáng tinh thần.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THÂN THỂ LÀ ĐỀN THỜ TÂM LINH
  2. TẦM ĐẠO BẰNG PHƯƠNG PHÁP ĐI SÂU VÀO NỘI TÂM
  3. TÂM VÀ BẢN TÁNH CỦA TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. BÍ MẬT CỦA CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO
  2. MỞ CỬA TRÁI TIM ĐÓN NĂNG LƯỢNG VÔ HẠN
  3. NĂNG LƯỢNG VÔ HẠN

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP