THẤY MỖI TẾ BÀO ĐỀU LÀ ÁNH SÁNG

TULKU THONDUP

Trích: Độ Sanh Vô  Biên - Các Bài Tập Thiền Đưa Đến Giác Ngộ Tâm Và Chữa Lành Thân; Mộc Tử - Phương Lan dịch; NXB Từ Điển Bách Khoa, THAIHABOOKS.

Với việc hình dung mỗi tế bào trong cơ thể bạn được ánh quang minh chiếu sáng, bạn sẽ gọi ra năng lượng chữa lành thiết yếu cụ thể. Nhiều truyền thống tâm linh thấy ánh sáng này đi cùng với sự tinh khiết, tự do, thiêng liêng, thần thánh. Nhưng bạn không cần là một tín đồ tôn giáo mới cảm nhận được tiềm năng mạnh mẽ của ánh sáng. Ánh sáng giúp cây cối trên trái đất phát triển, và một buổi sáng nhiều nắng, chỉ với ánh sáng rực rỡ của nó cũng có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu.

Trong Phật giáo, thiền sử dụng ánh sáng được coi là phương tiện đặc biệt hiệu quả để xả bỏ tính bám chấp của tâm thức khó cởi bỏ và đây là nền tảng của mọi sự chữa lành. Người Tây Tạng biết năng lượng chữa lành của ánh sáng trực tiếp bởi việc quán tưởng ánh sáng đã được sử dụng qua nhiều thế kỷ với mục đích giảm bớt các vấn đề hay khổ não về tinh thần cũng như bệnh thể chất.

Tùy theo nhu cầu và sở thích, bạn có thể chọn quán tưởng ánh sáng theo ba cách sau:

  1. Nhìn thấy ánh sáng mà không chấp vào màu sắc cụ thể của nó hay nói một cách khác, ánh sáng có thể trong suốt hoặc có màu trắng.
  2. Nhìn thấy ánh sáng đa sắc như cầu vồng.
  3. Nhìn ánh sáng dưới góc độ đơn sắc, chẳng hạn như màu đỏ là màu của sự ấm áp, màu xanh da trời là sự rộng mở hay màu vàng là màu của sức mạnh.

Tuy cuốn sách này nói về việc chữa lành hàng ngày nhưng nó có thể hữu ích, là nền tảng để mô tả một cách đơn giản ánh sáng được thấy bằng cách nào trong nguồn giáo lý Mật tông Tây Tạng cổ xưa mà tôi thực hành. Theo kinh điển bí truyền này, tâm và vật trong thực tính là sự hợp nhất không thể tách rời của trí tuệ và ánh sáng. Tất cả vật chất đều là ánh sáng. Đây là cái nhìn giác ngộ.

Tuy nhiên, tâm bình thường, tham chấp sẽ nhìn thực tế không phải là sự hợp nhất của ánh sáng mà theo lối nhị nguyên về vật và đối tượng. Vì những khuynh hướng về tinh thần này mà trí huệ của chúng ta đã bị nhỏ giọt vào những khái niệm và cảm xúc đau khổ, và ánh sáng chói lọi vô hạn lượng của trí tuệ bị thu nhỏ thành các yếu tố khung.

Các yếu tố chung là đất, nước, gió, lửa và không khí. Mỗi hạt của cơ thể được tạo thành từ năm yếu tố này, hiện ra với những màu sắc khác nhau. Trong thật tính của chúng, không khí có màu xanh nhạt, nước có màu trắng, đất màu vàng, lửa màu đỏ và gió màu xanh lá cây.

Tôi đã không thể tìm thấy bất kỳ nguồn kinh điển Phật giáo nào miêu tả các sự vật trong tính ánh sáng của nó. Tuy nhiên, tôi thấy thật thú vị khi vật lý phương Tây nói rằng thực tế thì vật chất là năng lượng được biểu hiện dưới dạng ánh sáng. Albert Einstein đã viết: “Do vậy khối lượng và năng lượng về cơ bản giống nhau; chúng chỉ là các biểu hiện khác nhau của cùng một thứ.”

Năng lượng và ánh sáng là những biểu hiện của cùng một thứ. Đối với các nhà khoa học, khái niệm này là kiến thức phổ biến. Với các Phật tử Tây Tạng, sự hiểu biết cao nhất về vật chất chính là vật chất là ánh sáng. Biết được điều này có thể khơi cho bạn nguồn cảm hứng và giúp bạn giải phóng thiền định của mình vì nó ngụ ý rằng bằng việc chú tâm vào ánh sáng, bạn đang chạm vào đặc tính thiết yếu của thiên nhiên và sự sống.

Mặt khác, bạn không cần phải can thiệp vào những điều này để có được lợi ích từ việc quán tưởng ánh sáng. Chỉ cần nghĩ đến đặc tính đẹp đẽ, rực rỡ, giải thoát của ánh sáng. Làm như vậy thật thoải mái và có thể khiến cả thân và tâm được an lành.

Mục đích: Thấy chính mình là cơ thể ánh sáng có thể giúp bạn cảm thấy minh mẫn và an lạc. Vì ánh sáng thì tinh khiết, trong trẻo, rõ ràng và mong manh nên nó không hợp với việc bám chấp. Quán tưởng ánh sáng có thể là một phương pháp hiệu quả trong việc giải tỏa căng thẳng, lo âu, phiền muộn và đau đớn, những thứ sinh ra sự cứng nhắc và thối rữa của thể chất và tinh thần.

Nhìn thấy cơ thể là ánh sáng là một phương tiện thiện xảo để phát triển tâm tính vui vẻ. Dựa trên những nguyên lý uyên thâm, phương pháp chữa lành này giúp bạn giảm bớt các vấn đề tạm thời của mình và có thể đưa bạn đến với tầng giác ngộ tâm linh cao hơn.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CHỮA LÀNH QUA ÂM THANH
  2. BỐN SỨC MẠNH CHỮA LÀNH CỦA TÂM
  3. CUỘC SỐNG CON NGƯỜI – NHỮNG NGÀY QUÝ BÁU CỦA CHÚNG TA

Bài viết mới

  1. CHÚNG TA TRỞ NÊN NHƯ THẾ NÀO TÙY THUỘC VÀO SUY NGHĨ CỦA CHÍNH MÌNH
  2. HÃY RŨ BỎ QUÁ KHỨ CHÚ TÂM VÀO HIỆN TẠI
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH