THẾ NÀO LÀ MỘT THÀNH VIÊN CỦA NHÓM?

John C.Maxwell

Trích: Làm Việc Nhóm; Huỳnh Nhựt Tân dịch; NXB. Hồng Đức;

Những người chơi giỏi đặt đội của họ lên trên hết.

Từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi, hầu hết mọi người quan tâm cho chính mình hơn bất kỳ một người nào khác. Nhưng đối với Philip Toosey, một sĩ quan trong quân đội Anh trong Thế chiến thứ II, ông đã có rất nhiều cơ hội để bảo vệ mình khỏi tù đày hay tử thần, nhưng thay vào đó, ông luôn quan tâm đến lợi ích của đội hơn bản thân.

Năm 1927, ở tuổi hai mươi ba, Toosey gia nhập quân đội địa phương, một loại quân đội dạng dự bị, ông đã tham gia quân đội kiểu như vậy, vì ông muốn tập trung phát triển sự nghiệp của mình nhiều hơn là trong lĩnh vực ngân hàng và kinh doanh ông đang làm. Ông cũng có những sở thích khác. Ông là một vận động viên giỏi và rất thích chơi bóng bầu dục, khi thấy các bạn đăng ký vào quân đội, ông quyết định tham gia. Ông được ủy nhiệm làm trung đội trưởng trong một đơn vị pháo binh, nơi ông nổi trội trong vai trò chỉ huy. Một thời gian sau, ông được chuyển lên quân đội chính quy.

Năm 1939, khi chiến tranh nổ ra ở châu Âu, ông và đơn vị được điều động chiến đấu. Ông phục vụ một thời gian tại Pháp, sơ tán tại Dunkirk, sau đó tham gia mặt trận Thái Bình Dương. Tại đây ông và đơn vị đã thất bại trong việc chiến đấu bảo vệ bán đảo Mã Lai và Singapore từ sự xâm lược của quân phát xít Nhật. Vào thời điểm đó, Toosey được thăng cấp trung tá và chỉ huy Trung đoàn 135 của Sư đoàn 18. Mặc dù ông và đồng đội đã chiến đấu ngoan cường trong chiến dịch, nhưng các lực lượng Anh đã liên tục phải rút lui và cuối cùng tan rã tại Singapore.

Có một hành động tuyệt vời mà ông đã làm trong những giây phút chiến đấu căng thẳng. Khi quân đội Anh nhận ra rằng việc đầu hàng là điều không thể tránh khỏi, Toosey được lệnh phải rút khỏi đội và trở về nơi an toàn vì quân đội biết ông có khả năng đặc biệt trong vận hành pháo binh, cần được trọng dụng ở nơi khác. Và ông đã khước từ lệnh. Ông kể lại:

Tôi thực sự không thể tin vào tai mình nhưng là một dân quân địa phương (hơn là một sĩ quan quân đội chính quy), tôi từ chối. Tôi có một khẩu pháo lớn và được yêu cầu làm theo trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, tôi có thể nói, là một quân dân địa phương, tất cả các mệnh lệnh đều cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Tôi nhận ra, là một người chỉ huy, tôi đã đọc Hướng dẫn sử dụng pháo, Cuốn II, điều được nói khá rõ ràng rằng trong bất kỳ cuộc rút lui nào, chỉ huy trưởng sẽ là người rời đi cuối cùng Toosey hiểu rằng tinh thần của đồng đội ông sẽ xuống dốc thế nào khi người chỉ huy của mình rời bỏ đội. Kết quả, khi các lực lương Đồng minh ở Singapore đầu hàng Nhật Bản vào tháng 2 năm 1942, Toosey trở thành tù binh chiến tranh cùng với đồng đội của ông.

Toosey bị giam trong một trại tù ở Tamarkan gần một con sông lớn gọi là Kwae Yai. Là sĩ quan cao cấp, ông được lệnh chỉ huy các tù nhân Đồng minh. Nhiệm vụ của ông ở Nhật Bản là xây dựng cầu qua sông Kwai (bộ phim Cầu sông Kuai dựa trên các sự kiện có thật, nhưng khác tên nhân vật là Đại tá Nicholson trong phim).

Khi hai bên chiến tuyến thực hiện việc trao trả tù binh cho nhau và Toosey là một trong những tù binh được chọn. Lần này ông lại từ chối và xin ở lại cùng đồng đội chưa được thả. Công ước La Hay năm 1907 mà Nhật Bản đã ký kết, nêu rằng cấm các tù nhân chiến tranh bị buộc phải làm những việc có thể giúp kẻ thù của họ trong cuộc chiến. Nhưng Toosey cũng biết rằng sự từ chối làm việc cho kẻ thù sẽ mang lại sự trừng phạt, mà ông miêu tả là “tức thời, thể xác và dữ dội”. Nhà sử học Peter N. Davies nhận xét: “Trên thực tế, Toosey nhanh chóng nhận ra rằng ông không có lựa chọn nào khác trong vấn đề này và hiểu rằng câu hỏi không phải là ông có làm việc giúp đỡ kẻ thù là quân đội Nhật hay không mà là sẽ có bao nhiêu đồng đội cùng là tù binh của ông sẽ bị giết hại”.

Toosey đã yêu cầu các tù nhân hợp tác với những kẻ thù, nhưng hằng ngày ông vẫn dũng cảm để đấu tranh nhằm gia tăng khẩu phần ăn cho tù binh, giảm thời gian làm việc thêm giờ, tăng số ngày nghỉ trong tuần. Sau này ông bộc bạch, “Nếu bạn làm như cách tôi đã làm, cũng có nghĩa là bạn phải chịu hình phạt rất nặng”. Ông bị đánh đập thường xuyên và bị phạt đứng phơi nắng trong mười hai giờ, nhưng những đấu tranh của ông ta giúp các tù nhân cải thiện điều kiện sống. Và đáng chú ý, trong suốt mười tháng xây cầu, chỉ có chín tù nhân chết.

Sau đó, Toosey làm việc tại bệnh viện trại giam, tại đây, ông bí mật hỗ trợ đồng đội của mình về mọi thứ, kể cả việc phải lẻn vào những buồng nhà tù lúc đêm khuya để mang những nhu yếu phẩm cần thiết. Trao đổi tiền và hàng hóa ở “chợ đen” để được mua thuốc men chữa trị cho đồng đội. Đứng ra chịu trách nhiệm khi bị quân đội Nhật phát hiện các tù nhân trao đổi thông tin qua một “radio mật”, dù biết rằng nếu bị phát hiện sẽ bị xử tử. Chiến tranh kết thúc, Toosey còn lặn lội ba trăm dặm để tìm cho được những đồng đội đã vào sinh ra tử với mình.

Sau khi trở lại Anh, Toosey có 3 tuần nghỉ lễ, sau đó ông đã trở lại với công việc trước chiến tranh tại ngân hàng Thương nhân Barings. Ông không bao giờ tìm kiếm vinh quang cho những nỗ lực của mình trong chiến tranh, cũng như không phàn nàn về bộ phim Cây cầu sông Kwai, mặc dù ông ghét bộ phim này. Điều duy nhất Toosey muốn làm trong thời gian còn lại của cuộc đời là hỗ trợ Liên đoàn Tù nhân Viễn Đông để giúp các cựu tù binh chiến tranh khác. Đó là những hành động đặc trưng của người luôn đặt nhóm lên trên bản thân.

TRAU DỒI THÁI ĐỘ SỐNG KHÔNG ÍCH KỶ

Nhà thơ W. H. Auden nói: “Tất cả những gì chúng ta có thể làm là mang lại những điều tốt lành cho người khác”. Một nhóm nếu muốn thành công thì mỗi cá nhân nên có sự quan tâm đến các thành viên khác trong đội. Việc này là không dễ dàng, nhưng là cần thiết.

Là một thành viên nhóm, làm thế nào để bạn trau dồi một thái độ sống không ích kỷ? Bắt đầu bằng cách làm như sau:

1. Hãy rộng lượng

Thánh Francis từng nói: “Hãy gắn kết với mọi người bằng việc cho đi, thay vì chỉ nhận mà trở nên tách biệt”. “Trái tim” của lòng vô ngã là sự rộng lượng. Nó không chỉ giúp nhóm trở thành một khối thống nhất, mà còn giúp thúc đẩy sự phát triển của nhóm. Nếu mỗi cá nhân trong đội đều có lòng rộng lượng đối với các thành viên khác, đây là bước tạo nên thành công.

2. Tránh cạnh tranh nội bộ

Một trong những biểu hiện ở tính ích kỷ đó là cạnh tranh để tạo ra vị thế riêng cho cá nhân, cho dù kết quả có ra sao thì điều này cũng sẽ làm ảnh hưởng xấu đến tinh thần đoàn kết của đội. Các cầu thủ giỏi thường quan tâm đến đồng đội nhiều hơn là quan tâm đến thành tích của bản thân. Sự rộng lượng mang lại lợi ích cả cho người cho và người nhận. Nhà khoa học Albert Einstein từng nó: “Một người chỉ bắt đầu sống khi anh ta sống không chỉ cho riêng mình”.

3. Thể hiện lòng trung thành

Nếu bạn trung thành với nhóm, thì đồng đội sẽ trung thành với bạn. Đó chắc chắn là trường hợp của Đại tá Toosey. Qua thời gian, ông ta tự đặt mình vào vị trí của đồng đội, và kết quả là họ làm việc chăm chỉ, phục vụ ông hết mình và hoàn thành nhiệm vụ được giao ngay cả trong trường hợp khó khăn nhất. Sự trung thành thúc đẩy sự thống nhất, và sự thống nhất tạo nên một nhóm đúng nghĩa.

4. Giá trị nhóm cao hơn giá trị cá nhân

Ở Hoa Kỳ, chúng tôi đánh giá cao tính độc lập bởi vì nó thường đi kèm với sự sáng tạo, chịu áp lực công việc, và sẵn sàng bảo vệ những quan điểm cho là đúng đắn. Nhưng độc lập quá sẽ sinh ra ích kỷ, đặc biệt có thể gây ra tổn hại hoặc cản trở cuộc sống người khác. Seneca khẳng định: “Không ai có thể sống hạnh phúc khi chỉ sống cho mình, muốn mọi thứ là của riêng mình. Bạn phải sống cho người khác nếu bạn muốn sống cho mình”.

ĐỂ TRỞ NÊN RỘNG LƯỢNG HƠN

Khen ngợi người khác hơn chính bạn

Nếu bạn có thói quen hay tự khen ngợi chính mình và hay thể hiện mình trước đồng nghiệp, thì giờ bạn hãy làm ngược lại, đó là hãy khen ngợi và động viên đồng nghiệp. Hãy bỏ ra hai tuần, tìm những điều tích cực hay điểm mạnh ở đồng nghiệp, đặc biệt là cấp trên, gia đình và bạn bè thân thiết của bạn.

Sẵn sàng đóng vai phụ

Xu hướng chung của mọi người đó là muốn trở thành “nhân vật chính trong phim” để được mọi người yêu quý và thần tượng. Vậy thì hôm nay, hãy thử vào vai trò phụ, được người khác chỉ đạo. Hãy làm điều này một tuần và xem thái độ của bạn thay đổi như thế nào.

Chia sẻ những điều riêng tư

Nhà văn John Bunyan nói: “Thành công trong tương lai của bạn ảnh hưởng bởi cách bạn ứng xử với một ai đó ngày hôm nay. Và họ có quay lại tìm bạn hay không.” Làm sao bạn có thể nhận được sự giúp đỡ cần thiết từ ai đó nếu như người đó không hiểu chút gì về bạn. Hãy thử biến chia sẻ thành thói quen và đừng bao giờ dừng lại.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG BẬC THANG NHÂN CÁCH CỦA TÔI
  2. LÀM THẾ NÀO ĐỂ TẠO NĂNG LƯỢNG TÍCH CỰC CHO NHÓM?

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP