THIỀN LÀ SỰ BIỂU HIỆN CỦA HOẠT ĐỘNG THƯỜNG NHẬT

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: “Tâm Trí Không Giới Hạn” Tác giả: J. Krishnamurti Người dịch: Ngọc Minh Nhà Xuất Bản Hà Nội, 2009 Ảnh: Nguồn internet

Tối hôm qua chúng ta đã bàn về nỗi sợ hãi, bản chất của nỗi sợ và cái dẫn tới sự sợ hãi. Chúng ta đã nói về thời gian, về ham muốn, về suy tư, là những nguyên nhân của nỗi sợ hãi và loài người đã sống trong sợ hãi. Giờ đây, chúng ta vẫn sống trong sợ hãi – sợ quá khứ, sợ tương lai, sợ cái gì sẽ xảy đến với con người. Chắc chắn, tương lai của con người là cái mà anh ta đang là. Nếu anh ta không thay đổi hoàn toàn, về mặt tâm lý, về mặt nội tâm, thì tương lai chính là những gì anh ta đang có trong hiện tại. Điều đó được đảm bảo bởi vì sẽ còn nhiều cuộc chiến tranh, nhiều công cụ của chiến tranh, nhiều sự hủy diệt hơn, nhiều bạo lực hơn, nhiều sự phân mảnh của nhân loại ra thành các quốc tịch v.v. Tương lai là cái mà chúng ta đang có trong hiện tại. Vì thế cần phải có một cuộc cách mạng về tâm lý. Có một sự thay đổi lớn nghĩa là gì – không phai di chuyển từ hình thức, một hệ thống, một tư tưởng nào đó tới một hình thức, một hệ thống, một tư tưởng khác, nhưng liệu loài người, những người từng sống trên Trái đất yêu dấu này trong hàng thiên niên kỉ, có thể thay đổi hay không?

Tối nay, chúng ta cần nói chuyện với nhau về việc liệu có thể chấm dứt khổ đau hay không – khổ đau của con người; tình yêu là gì, lòng từ bi là gì, trí huệ là gì, ý nghĩa của cái chết, toàn bộ câu hỏi về thiền định. Chúng ta đã sống trong đau khổ từ thế hệ này sang thế hệ khác – buồn bã, đau khổ vì cô đơn, đau khổ vì lo lắng, đau khổ vì không có mối liên hệ với người khác, đau khổ vì một người mẹ, một người cha mất đi đứa con trai của mình, vì một người vợ có chồng bị hi sinh trong chiến trận. Còn có nỗi đau khổ của sự thờ ơ. Đau khổ có rất nhiều hình thức khác nhau. Nó không chỉ là một sự cố được gọi là cái chết, nó không chỉ là một thứ xảy ra trong cuộc đời một con người nào đó, mà là một chuỗi những sự cố, những tai họa và những trải nghiệm bao gồm cả lạc thú và đau đớn, nỗi đau khổ vì sự đổi thay dâu bể, đau khổ vì sinh lão bệnh tử, vì mù quáng, nỗi đau khổ của những đứa trẻ tật nguyền. Loài người đã mang gánh nặng của đau khổ và cố gắng thoát ra khỏi nó. Anh ta phát minh ra các loại lý thuyết, các loại khả thể, các loại quan niệm lãng mạn, nhưng đau khổ vẫn luôn đồng hành với con người. Tôi băn khoăn liệu người ta có thể quan sát những gì mà chiến tranh đã gây ra cho con người, bao nhiêu phụ nữ, đàn ông, người cha, người anh, người chị đã phải rơi lệ bởi vì người ta muốn giữ vững chủ nghĩa dân tộc, những định kiến chủng tộc, những khác biệt ngôn ngữ. Tất cả những cái này đang gây ra những khổ đau lớn lao trên khắp thế giới, không chỉ có nỗi đau khổ của cá nhân, sự mất mát một điều gì đó, việc mất đi người mà bạn từng thương yêu, mà là sự mất mát không bao giờ lấy lại được của một ngày hạnh phúc, trong lành, nỗi đau nhìn thấy đói nghèo trên mảnh đất này và chẳng thể làm gì để thay đổi nó. Con người đã phải chịu đựng nỗi đau khổ này suốt trong vô lượng thời gian. Chúng ta vẫn chịu gánh hặng đó, vẫn sợ hãi, lo lắng, cô đơn, khốn khổ với nỗi đau sâu sắc trong nội tâm, sự thiếu thành công, thiếu cơ hội, thiếu những thứ mà chúng ta muốn. Liệu có thể chấm dứt được gánh nặng khủng khiếp này bằng nhân tính và bởi những người đang sống trong đau khổ hay không? Đau khổ là gì? Đâu là nguyên nhân của đau khổ: Ở đâu có nguyên nhân, ở đó có sự kết thúc. Nếu chúng ta mắc bệnh ung thư, nhưng chúng ta tìm ra nguyên nhân của nó, nỗi đau của nó, thì có thể nguyên nhân đó sẽ bị loại bỏ. Bởi vậy, ở đâu có một nguyên nhân của bất cứ thứ gì, thì ở đó sẽ có một sự kết thúc cho nguyên nhân đó. Nhân quả là một sự vận động, đó không phải là một điểm cố định. Nếu bạn có thể hiểu và khám phá nguyên nhân của gánh nặng đau khổ này, thì chúng ta có thể hiểu bản chất của tình yêu, không phải tình yêu đối với Thượng Đế, không phải là tình yêu với một vị thầy, không phải là tình yêu với sách vở hay thi ca mà tình yêu với con người – tình yêu của bạn với vợ chồng, con cái của bạn. Để khám phá ra hương vị phi thường đó, cái chính là ánh sáng thực sự của thế giới, người ta phải hiểu về bản chất của sự đau khổ, cấu trúc của sự đau khổ.

Tôi hi vọng chúng ta, bạn và diễn giả, sẽ đi sâu vào vấn đề này. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu, không phải diễn giả tìm hiểu và bạn thì lắng nghe, đồng thuận hay bất đồng, chấp nhận hay phản đối, mà chúng ta cùng nhau khám phá ra một vấn đề rất rất sâu sắc của loài người. Cần có một cách tiếp cận khách quan để hiểu về đau khổ, một cách tiếp cận không mang tính chất cảm xúc, không phải là một phán quyết rằng nỗi buồn sẽ chấm dứt, hoặc rằng nỗi buồn sẽ luôn tồn tại với loài người. Chúng ta phải cùng nhau xem xét câu hỏi này một cách sâu sắc. Bạn có thể chỉ xem xét câu hỏi này khi để tâm vào nó. Chúng ta sử dụng trí tuệ của mình để hiểu, để phân biệt, để tranh luận. Chúng ta dùng trí tuệ của mình để lựa chọn, đo lường. Và trí tuệ là một trong những năng lực của bộ não. Nếu chúng ta đang xem xét vấn đề phi thường, sâu sắc này, thì trí tuệ đơn thuần khó có thể có chỗ đứng, và hầu hết chúng ta đều vô cùng thông minh, được giáo dục tử tế, có phẩm chất phi thường của nhà phân tích. Bạn ở Ấn Độ nhưng có thể phân tích bất cứ điều gì trên Trái đất. Bạn có đầu óc rất khôn ngoan, trong khi đó để hiểu được nỗi đau khổ, chỉ có trí tuệ thì không thể đi xa được. Chúng ta đang nói rằng tất cả chúng ta đều có khả năng sử dụng trí tuệ của mình, để hiểu, để quan tâm, để tranh luận, để lựa chọn, để cân nhắc cái này với cái kia. Đây là chức năng của trí tuệ. Và hầu hết chúng ta có năng lực này – nếu bạn chỉ đang tiếp cận vấn đề nỗi đau khổ theo cách đó – thì trí tuệ của chúng ta, tâm trí của chúng ta sẽ chi phối tiến trình tìm hiểu. Do đó, nó bị biến dạng.

Trong khi đó, liệu có thể tiếp cận nó với một sự vận động toàn diện hay không? Chúng ta không bao giờ tiếp cận bất cứ thứ gì như một chỉnh thể. Chúng ta không bao giờ quán sát đời sống như một chỉnh thể. Chúng ta có đời sống phân mảnh, bị vỡ vụn thành trí tuệ, cảm xúc, tình yêu v.v, và bởi vậy chúng ta không bao giờ quán sát vấn đề một cách tổng thể. Từ “tổng thể” cũng có hàm nghĩa là lành mạnh – một tâm trí lành mạnh, không phải một tâm trí què quặt, không phải một tâm trí trì trệ, mà là một tâm trí mang tính chất chỉnh thể, một cảm giác bao trùm lên toàn bộ Trái đất, bầu trời và vẻ đẹp của tất cả. “Chỉnh thể” có nghĩa là thiêng liêng. Trong khi tìm tòi, khám phá vấn đề này, trong trái tim người ta cần phải có phẩm chất của sự chú tâm, không phải lãng mạn, lí tưởng hóa, tưởng tượng, mà là một tâm trí tỉnh táo, thực tế, được hòa trộn với phẩm chất của tình yêu. Khi chúng ta sử dụng từ “thiêng liêng”, chúng ta ngụ ý tâm trí trong trái tim đó, tâm trí trong phẩm chất của tình yêu đó, cái không liên quan gì đến bất cứ lí tưởng nào, bất cứ một sự tuân thủ nào. Chỉ có tự do quan sát. Bởi vậy, chúng ta hãy cùng quán sát vấn đề khổ đau là gì, tại sao loài người lại phải chịu đựng đau khổ, tại sao anh ta lại chấp nhận nó như thể anh ta đã chấp nhận nỗi sợ hãi, như thể anh ta đã chấp nhận lạc thú, ham muốn, tất cả những gì quay xung quanh con người, cả bên trong và bên ngoài.

Vậy, đau khổ là gì? Đâu là bản chất của nó? Trong cái gọi là đau khổ, có sự đau đớn, buồn bã, có cảm giác tách biệt, có cảm giác cô đơn không liên hệ. Đây không chỉ là một cú sốc về thể xác mà còn là một sự khủng hoảng cực độ trong ý thức, trong nội tâm. Tôi đã mất con trai, tôi chỉ đang lấy đó như một ví dụ. Tôi đã mất con trai, người mà tôi đang bám víu vào. Tôi muốn nó lớn lên, trở thành một doanh nhân, có thu nhập ổn định, một ngôi nhà v.v., và nó đã đột ngột ra đi. Sự đột ngột đó là gì, một cái gì đó đã từng cho tôi niềm vui lớn, nỗi đau đớn lớn, nỗi lo âu lớn, sự quan tâm về tương lai của nó: Tất cả những vận động đó – tình cảm của tôi, mối quan tâm của tôi, cảm giác giúp đỡ con mình để có được một trải nghiệm tử tế, để sống một cách tử tế – đột ngột kết thúc. Bạn có biết tất cả những cảm giác này không? Ở trong mỗi ngôi nhà đều có bóng tối của đau khổ. Đó là một sự kết thúc đột ngột của những gì mà ta đang bám chấp, một sự kết thúc đột ngột của tất cả niềm hi vọng của tôi, cái tôi đã từng đầu tư, đột ngột trong ý nghĩa của một cú sốc sâu sắc và cuộc đời trở nên trống rỗng, hoặc tôi trở nên rất yếm thế, hoặc tìm kiếm một sự giải thích hợp lý, hoặc lao mình vào các hình thức giải trí – ma túy, các chuyến đi và tất cả những thứ còn lại của nó, hoặc tin vào cuộc sống nào đó trong tương lai. Đây là phần lớn con người chúng ta.

Đâu là điểm kết thúc cho điều này? Kết thúc có nghĩa là gì? Chúng ta đã bao giờ kết thúc một điều gì đó mà không có một động cơ, không có một phần thưởng hoặc một sự trừng phạt hay không? Nơi nào có kết thúc, nơi đó sẽ có sự khởi đầu hoàn toàn mới. Nhưng chúng ta không bao giờ kết thúc. Chúng ta kết thúc nếu nó đem lại lợi ích hoặc sự đau đớn. Cuộc đời chúng ta dựa trên phần thưởng và sự trừng phạt, cả trên phương diện bề ngoài lẫn trong nội tâm, nhưng chúng ta không bao giờ kết thúc bất cứ thứ gì mà không có nguyên nhân. Bởi vậy, đau buồn, cô đơn và cảm giác chia ly, về bản chất, đó là thời gian, là sự xác định, là sự đầu tư và tất cả những thứ này ta đã gieo trồng trong một người khác – tất cả những thứ đó đã kết thúc và có một cú sốc và cú sốc đó ta gọi là đau khổ. Giờ đây, liệu người ta có thể ở lại với nó, không trốn chạy nó, không tìm kiếm sự thoải mái hay không? Liệu bạn có thể sống chung với thách thức lớn lao đó mà không có bất cứ một sự dao động nào trong suy nghĩ, bởi vì đau khổ có thể là một trong những thách thức lớn nhất, những đòi hỏi lớn nhất đối với tâm trí con người, đối với phẩm chất con người? Và liệu bạn có thể chỉ đơn thuần thoát khỏi nó, trốn chạy nó, hợp lý hóa nó, rồi nỗi đau khổ là bóng tối của bạn, bởi với sự kết thúc của nỗi buồn, có một niềm đam mê, cái là bản chất của năng lượng. Nhưng rất ít người trong số chúng ta có được sự đam mê, cái đang sống, sự đam mê, cái dịch chuyển vũ trụ.

Bởi vậy chúng ta cần tìm hiểu xem tình yêu là gì. Từ này đã bị làm hỏng. Chúng ta đã phú cho nó một ý nghĩa rất hạn hẹp. Ta nói, tôi yêu vợ tôi. Người ta chất vấn tình yêu đó. Tình yêu đó có thể là sự bám chấp, tình yêu đó có thể là sự tìm kiếm sự thoải mái, khoái cảm tình dục, niềm vui của sự đồng hành v.v. Chúng ta sẽ xem xét tình yêu là gì, để nhìn thấy chiều sâu của nó, vẻ đẹp và phẩm chất phi thường của nó. Tình yêu có thể liên quan đến cái chết.

Chắc chắn, để tìm ra điều gì đó đúng, người ta phải phủ nhận cái không đúng, phủ nhận cái giả ngụy. Để khám phá ra đâu là cái giả ngụy, đâu là cái đúng đắn, và đâu là cái đúng đắn trong cái giả ngụy, người ta cần không chỉ năng lực suy nghĩ một cách rõ ràng, mà còn cần phải biết cách đặt câu hỏi. Vậy tình yêu là gì? Liệu tình yêu có phải là ham muốn? Liệu tình yêu có phải là lạc thú: Liệu tình yêu có phải là cảm giác gắn bó? Diễn giả đang đặt ra những câu hỏi này cho bạn để bạn tự trả lời, không phải để lừa dối bản thân, điều này dễ lắm. Người ta có thể suy nghĩ rằng người ta là một kẻ tuyệt vời, và rằng người ta nằm ngoài tất cả những điều này. Nhưng để khám phá ra rằng cái gì không phải là tình yêu, đó là sự phủ định, và đó là một hành động tích cực nhất. Chúng ta đang chất vấn liệu ham muốn có phải là tình yêu không? Ham muốn là một sự chuyển động lang thang, và liệu tình yêu có phải là sự lang thang, không ổn định, yếu đuối, hoặc liệu nó có phải là một cái gì đó mạnh mẽ, quan trọng như cái chết? Liệu tình yêu có phải là lạc thú, là khoái cảm tình dục, là khoái cảm được sở hữu, được thống trị một người nào đó? Liệu đó có phải là tình yêu không? Liệu sự gắn bó với một người nào đó – Vợ tôi, chồng tôi, gia đình tôi, muốn giữ lấy, muốn bám lấy – liệu đó có phải là tình yêu hay không? Hoặc trong sự bám chấp có nỗi sợ hãi, sự ghen tuông, lo lắng, ghét bỏ? Nơi nào có ghen tuông, nơi đó có ghét bỏ. Liệu đó có phải là tình yêu không? Liệu thù ghét có mối liên hệ gì với tình yêu hay không? Liệu tình yêu có đối lập với căm ghét hay không? Liệu cái tốt có phải là đối lập của cái không tốt hay không? Nếu căm ghét là đối lập với yêu thương, thì căm ghét có nguồn gốc trong yêu thương. Tất cả những cái đối lập đều có nguồn gốc trong cái đối lập với nó. Hãy xem xét đời sống của bạn một cách trung thực và đặt ra những câu hỏi này. Ham muốn, lạc thú, bám chấp, ghen tuông, lo lắng, sợ mất mát, những cái đó có phải là tình yêu không? Liệu bạn có thể giải phóng khỏi sự bám chấp, không phải ở vận động cuối cùng khi cái chết xảy đến hay không? Liệu bạn có thể chấm dứt sự bám chấp vào người khác hay không? Hãy xem xét những ngụ ý của sự bám chấp, hệ quả của bám chấp. Nơi nào có ghen tuông, nơi đó có căm ghét, giận dữ. Liệu tất cả những cái đó có phải là tình yêu hay không?

Và từ bi là gì? Không phải định nghĩa bạn có thể tra trong từ điển. Đâu là mối quan hệ giữa tình yêu và lòng từ bi, hoặc liệu chúng có phải là những chuyển động giống nhau hay không? Khi chúng ta sử dụng từ “mối quan hệ”, nó ngụ ý một tính hai mặt, một sự chia tách, nhưng chúng ta đang chất vấn nơi nào có tình yêu trong lòng từ bi, hoặc liệu tình yêu có phải là biểu hiện cao nhất của lòng từ bi hay không? Bằng cách nào người ta có thể có lòng từ bi nếu bạn lệ thuộc vào một tôn giáo nào đó, tuân theo một vị thầy nào đó, tin tưởng vào một điều gì đó, tin vào kinh sách của bạn, bám chấp vào một phán quyết nào đó? Khi bạn chấp nhận vị thầy của bạn, bạn sẽ tiến tới một phán quyết, hoặc khi bạn tin tưởng mạnh mẽ vào Thượng Đế hoặc một vị cứu tinh này hay khác, liệu có thể có lòng từ bi hay không? Bạn có thể làm các công việc xã hội, giúp đỡ người nghèo khó bằng sự thương hại, bằng lòng thấu cảm, bằng sự từ thiện, nhưng tất cả những cái này có phải là tình yêu và lòng từ bi hay không? Để hiểu về bản chất của tình yêu, cần có phẩm chất để tâm trí vào trái tim, phải có trí huệ. Trí huệ là sự hiểu biết và khám phá tình yêu là gì. Trí huệ không liên quan đến suy nghĩ, sự khôn ngoan, hay tri thức. Bạn có thể rất thông minh trong học thuật, trong công việc, trong khả năng lập luận một cách rõ ràng, chặt chẽ, nhưng đó không phải trí huệ. Trí huệ song hành với tình yêu và lòng từ bi, và bạn không thể có được trí huệ đó với tư cách một cá nhân. Lòng từ bi cũng không phải là cái thuộc về bạn hay về tôi, giống như suy tư không thuộc về bạn hay về tôi. Khi có trí huệ, sẽ không có tôi và bạn. Và trí huệ không tuân theo trái tim hoặc theo lí trí. Trí huệ đó là tối cao và ở khắp mọi nơi. Đó là trí huệ di chuyển Trái đất, thiên đường và các vì sao, bởi vì đó là lòng từ bi.

Chúng ta cũng cùng nhau trao đổi về vấn đề cái chết – cái chết là sự kết thúc, kết thúc của kí ức, của sự bám chấp, của tài khoản ngân hàng nếu bạn có tài khoản ngân hàng. Bạn không thể mang nó theo mình dù bạn muốn có được nó cho đến giây phút cuối cùng. Vậy thì cái chết là gì và ai là người chết? Và sự sống là gì? Bạn hiểu chứ? Ai là người chết và chết có nghĩa là gì? Chúng ta đang trò chuyện về sự kết thúc của cơ thể vật lý, nhưng chúng ta đang tìm hiểu về cuộc sống, sự chấm dứt của cuộc sống và ý nghĩa vĩ đại của việc cái chết là gì. Cuộc sống, cái mà chúng ta thường tách biệt với cái chết, là gì? Có một lỗ hổng của 40, 50, 100 năm. Chúng ta muốn kéo dài cuộc sống của mình càng lâu càng tốt. Y học, y tế, phẫu thuật hiện đại đang giúp kéo dài cuộc sống con người. Tôi không biết để làm gì, nhưng người ta muốn kéo dài nó. Vậy cuộc sống là gì, cuộc sống của bạn hoặc cuộc sống của vũ trụ, cuộc sống của Trái đất, đời sống của tự nhiên, thứ đời sống là sự chuyển động mênh mông vô thủy vô chung đó là gì? Đừng quay trở lại với cái bẫy truyền thống của bạn. Đó là cái chết, chết như một cái đinh đóng cửa. Vì vậy, chúng ta phải xem xét xem khi chúng ta đang nói về sự sống, về cuộc sống của con cá bơi dưới nước, đời sống ánh lên trong vẻ đẹp của một con hổ, đời sống của vũ trụ, đời sống này có vẻ như vô cùng mênh mông, bao la, vô lượng. Liệu chúng ta có nói về nó hoặc đời sống của bạn? Nếu bạn đang nói về đời sống của bạn, thì đời sống đó là gì? Tới văn phòng từ sáng sớm tinh mơ cho tới đêm khuya trong suốt 50, 60 năm, sinh con đẻ cái, thuộc về một giáo phái nào đó, đi theo một vị thầy nào đó? Cuộc sống của bạn là xung đột cũng như lạc thú, xung đột cũng như sợ hãi và mưu cầu lạc thú cùng ham muốn. Đây là cuộc đời bạn. Liệu có phải đó là cái mà chúng ta nói về, kết thúc của cuộc sống đó? Đâu là điều quan trọng – trước khi chết hay sau khi chết? Cuộc sống, vẻ đẹp của nó, năng lượng, lạc thú của nó, sự mênh mông của nó bạn đã giảm tới một chút xíu nông cạn “tôi”. Liệu bạn có quan tâm đến điều đó, cái “tôi” đang chết đó? Liệu đó có phải là tên của bạn, hình thức của bạn, cách mà bạn nhìn, tài khoản ngân hàng của bạn, lý tưởng của bạn, niềm tin của bạn, kinh nghiệm của bạn? Vậy thì bạn là gì? Hãy quan sát, chất vấn nó, hoài nghi nó. Liệu đó có phải là những gì bạn sợ hãi – cái chết? Biết rằng cơ thể của bạn, thể xác của bạn đang chết? Bạn có thể kéo dài sự sống trong một thời gian dài, nhưng nó sẽ đi đến sự kết thúc. Hoặc bạn có thể nói: “Tôi có một cuộc sống vui vẻ, tôi không bận tâm đến cái chết”. Chúng ta đang chất vấn liệu cái gì đang chết và cái gì đang bám vào cuộc sống? Khi dùng từ “cuộc sống”, tôi muốn ngụ ý tới văn phòng, quan hệ tình dục, đau đớn, khoái lạc, chiến đấu với nhau, cãi cọ nhau, hủy diệt lẫn nhau. Đây là cuộc sống của bạn, dù bạn đang còn trẻ hay đã về già. Liệu đó có phải là những gì bạn sợ sẽ kết thúc hay không? Hoặc liệu bạn có đang băn khoăn về việc cuộc sống là một chỉnh thể, cuộc sống của vũ trụ, cái mênh mông, rộng lớn, vô hạn định? Hãy tìm hiểu xem bạn là gì, ý nghĩ đang bám víu vào cái gì, hình ảnh nào bạn đã xây nên về bản thân mình. Đó không phải là sự bất tử của một linh hồn của một ai đó, linh hồn của chính bạn. Bạn đã được xây dựng nên qua thời gian, hình ảnh của bạn là “tôi” từ khoảnh khắc bạn chào đời cho tới bây giờ. Và bạn chấp nhận rằng “tôi” là một thực tại, liệu nó có thực hay không hay nó chỉ là một chuỗi những lời nói, một chuỗi những kí ức, những trải nghiệm tình cờ, tất cả những gì mà chúng ta đã tập hợp lại bằng suy tư, và liệu đó có phải là “tôi” đang bám giữ tất cả các dấu vết cuộc sống này? Nếu bạn không bám giữ nó, thì cuộc sống là một cái gì đó hoàn toàn khác. Nó là một sự chuyển động mênh mông vô hạn định. Nhưng điều đó chỉ có thể được nhìn thấy khi không có ngã.

Giờ đây, chúng ta nên đặt một câu hỏi: thiền định là gì? Chúng ta sẽ cùng nhau xem xét thiền định là gì, không phải làm thế nào để thiền định, mà là bản chất, phẩm chất, cấu trúc, vẻ đẹp của thiền định. Từ “thiền định” ngụ ý suy ngẫm, cần nhắc, thăm dò, điều tra, quán sát, theo từ điển. Và từ “thiền định” cũng có nghĩa là sự đo lường, việc đo lường. Đo lường có nghĩa là so sánh. Bạn có bao giờ nghĩ làm thế nào mà người Hi Lạp cổ đại vào năm 450 trước Công nguyên lại có thể bành trướng khắp châu u? Người Hi Lạp nổi tiếng về đo lường, nước Hi Lạp đã phát minh ra các công cụ đo lường. Không có đo lường, sẽ không có công nghệ. Và thế giới phương Tây có thể có những thành tựu lớn lao về công nghệ, cái mà sau này đã chuyển sang Nhật Bản. Người Ấn Độ cổ đại nói rằng đo lường là ảo ảnh, người Ấn Độ trỗi dậy ở khắp châu Á. Đừng tự hào về điều này, mọi thứ đã qua rồi. Bạn đã đánh mất một thứ rất quý giá. Bạn đã đánh mất viên ngọc giá trị nhất mà bạn từng có. Vậy thiền định có nghĩa là suy nghĩ, là suy ngẫm, và nó cũng có nghĩa là đo lường. Đó là tôi là thế này, tôi phải là thế kia, tôi đang so sánh tôi với bạn, người thông minh hơn tôi, xinh đẹp hơn, đáng yêu hơn, và tôi không được như vậy, đó là sự đo lường. Nơi nào có sự so sánh về tâm lý, thiền định không thể tồn tại. Nơi nào có sự đo lường, so sánh, thì thiền định không thể tồn tại. Bạn có thể so sánh hai chiếc ô tô, hai tài liệu, cái áo tốt hơn, trang giấy tốt hơn, ngôi nhà tốt hơn, thực phẩm tốt hơn, nhưng nơi nào tâm trí suy nghĩ dưới dạng tốt hơn về mặt tâm lý, nơi đó không thể có thiền định. Bạn có thể ngồi kiết già, tập yoga, tất cả những loại kiểm soát, nhưng nơi nào có sự kiểm soát, nơi đó có sự đo lường. Nơi nào có sự kiểm soát, nơi đó có xung đột và phải có sự đo lường, và đó không phải là thiền định. Thiền định là để sống một cuộc sống siêng năng. Thiền định là không chia tách khỏi cuộc đời thường nhật; đó không phải là lỉnh vào trong một góc nhỏ, thiền đến 20 phút mỗi ngày, sáng sáng, chiều chiều; đó chỉ là một giấc ngủ trưa. Không có hệ thống. Hệ thống ngụ ý sự thực hành. Thực hành có nghĩa là đo lường – từ cái mà bạn đang là sang cái mà bạn muốn là, và bạn có thể thực hành sai cách. Và có thể bạn như vậy. Bạn gọi đó là thiền định. Thiền định đó hoàn toàn tách biệt khỏi cuộc sống thường nhật của bạn. Khám phá ra liệu có thể sống một cuộc đời thường nhật của thiền định có nghĩa là không có đo lường vào bất cứ thời gian nào. Trong thiền không có một sự kiểm soát nào bởi vì người kiểm soát là cái được kiểm soát. Trong thiền không có ý chí bởi vì ý chí là ham muốn. Bản chất của ham muốn là ý chí. “Tôi sẽ thiền, tôi sẽ thực hành ngày này sang ngày khác”. Trong thiền không có nỗ lực gì hết bởi vì không có sự kiểm soát. Thiền định ngụ ý sự tỉnh giác, tỉnh giác về Trái đất, vẻ đẹp của Trái đất, cái lá khô, con chó đang chết, tỉnh giác về môi trường bạn đang sống, tỉnh giác về hàng xóm của bạn; tỉnh giác về màu sắc bạn đang mặc, tại sao bạn mặc màu sắc đó và đeo chuỗi hạt đó, nhận thức về cái đó. Để tỉnh giác về vẻ đẹp của làn gió lùa trong kẽ lá, tỉnh giác về các ý nghĩ, các cảm giác, phải nhận thức mà không chọn lựa, chỉ đơn giản là nhận thức. Điều đó làm cho bạn trở nên nhạy cảm hơn – để quan sát mọi thứ một cách cẩn thận. Khi bạn nói tôi sẽ làm gì đó, hãy làm nó, đừng bao giờ quên là bạn đã nói. Đừng nói những điều không thực lòng. Đây là một phần của thiền. Tỉnh giác về cảm giác của bạn, điều kiện của bạn, ý kiến của bạn, phán xét của bạn, niềm tin của bạn để trong sự nhận thức đó không có lựa chọn – chỉ là nhận thức về vẻ đẹp của Trái đất, của bầu trời và những dòng nước đẹp đẽ. Khi bạn nhận thức như vậy, thì sẽ có sự chú tâm; chú tâm không chỉ để nhìn thấy diễn giả mà còn để nhìn thấy vợ của bạn đang chuyện trò với bạn, chồng của bạn đang chuyện trò với bạn, con của bạn đang chuyện trò với bạn, các chính trị gia đang chuyện trò với bạn – những trò lừa bịp của họ, sự tìm kiếm quyền lực và vị trí của họ. Khi bạn chú tâm một cách sâu sắc như vậy, thì sẽ không có sự tham dự của bản ngã. Đó cũng là thiền định.

Rồi, nếu bạn đi xa đến vậy, nếu tâm trí đã di chuyển xa tới mức đó, thì bạn sẽ đặt câu hỏi tôn giáo là gì. Tôn giáo không phải là những cái mà bạn có – đền chùa và những thứ nội dung của đền chùa, lễ cầu an, thánh địa Tirupatis, nhà thờ, tất cả những thứ đó không phải là tôn giáo. Các nghi thức, tín ngưỡng, chúng đã được tập hợp lại bởi suy tư, cái là một tiến trình vật chất và bạn tôn thờ những cái mà suy tư đã tạo ra, những cái mà bạn đã tạo ra. Bạn đã bao giờ nhận ra rằng tất cả những nghi lễ này, thần thánh này, bạn đã tạo ra chúng bằng nỗi sợ hãi của mình, bằng khát vọng an toàn của mình? Tôi biết bạn không đồng ý, nhưng hãy lắng nghe điều này. Bạn sẽ tiếp tục làm nó bởi vì tâm trí bạn đã bị ấn định, sợ hãi, muốn một cái gì đó an toàn, nhưng một người có tôn giáo không phụ thuộc vào bất cứ nhóm người nào, bất cứ tôn giáo nào, không có bất cứ niềm tin nào bởi vì tâm trí anh ta tự do. Trí huệ là hình thức cao nhất, thiêng liêng nhất của sự an toàn tối thượng, không phải là sự khôn ngoan giảo hoạt. Có trí huệ của lòng từ bi. Trong trí huệ đó không có nghi ngờ, không có bất an, không có sợ hãi. Trí huệ đó là một cái gì đó lớn lao và phổ quát. Và nơi nào có sự chú tâm, nơi đó có sự tĩnh lặng. Nếu bạn chú tâm tới những gì diễn giả đang nói vào lúc này, chú tâm vào đôi tai của bạn, đôi mắt của bạn, từng tế bào thần kinh của bạn, với toàn bộ cơ thể bạn, nếu bạn chú tâm như vậy, thì trong phẩm chất của sự chú tâm đó sẽ có sự tĩnh lặng một sự tĩnh lặng vô lượng. Sự tĩnh lặng mà suy tư không bao giờ có thể chạm tới, và chỉ khi đó những gì mà con người đã tìm kiếm từ thời xa xưa, một cái gì đó thiêng liêng, vô danh tính, tối cao, mới xuất hiện. Chỉ tâm trí đó là hoàn toàn tự do thoát khỏi mọi dấu vết của đời sống, chỉ một tâm trí như vậy mới có thể tìm thấy sự tối cao. Đó có nghĩa là thiên định, sự biểu đạt của hoạt động hằng ngày.

Madras, ngày 2 tháng Một năm 1983

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. KRISHNAMURTI VỀ Ý NGHĨ
  2. TÔI KHÔNG BIẾT
  3. BÀI CA VỀ CÁI THÂN YÊU

Bài viết mới

  1. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ
  2. “LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”
  3. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH