ĐẠI NGỘ

THIỀN SƯ HƯ VÂN

 

1895 : 56 tuổi

Tôi được rảnh rang tu, từ đây muôn niệm đều dứt, công phu ngày đêm như một, hành động nhanh nhẹn như bay.

Một đêm, trong lúc thắp hương, tôi mở mắt nhìn, bỗng thấy trời sáng như ban ngày, nhìn xuyên suốt cả trong lẫn ngoài. Cách một bức vách tôi còn thấy rõ vị sư Hương đăng đang đi tiểu và một vị Sư khác đang ngồi trong cầu, tôi còn thấy luôn ghe thuyền đang lướt trên sông tận tít đằng xa…thấy luôn màu sắc cây cối hai bên bờ ra sao, mỗi mỗi đều rõ ràng. Lúc này, tiếng bảng đang báo hiệu canh ba.

Sáng ra, tôi hỏi thăm các vị liên quan đến cảnh thấy của mình hồi khuya thì đúng y như vậy. Tôi biết đây chỉ là cảnh, không cho là kỳ lạ.

Đến tháng chạp, vào buổi tối thứ ba của tuần thất thứ tám, khi tôi đã ngồi đến nén hương thứ sáu, thì vị hộ thất pha trà rót nước sôi làm văng trúng tay tôi, chén trà rơi xuống đất vỡ tan, vang lên thành tiếng, gốc nghi trong tôi ngay đây dứt sạch, cảm giác thật khoan khoái tuyệt vời! Tôi giống như người vừa tỉnh mộng, tự nghĩ mình xuất gia phiêu bạt ngót mấy mươi năm…nhớ lúc ở chòi tranh Hoàng Hà, bị anh chàng thế tục hỏi một câu, chẳng biết đường mà nói…Nếu như khi đó tôi đá nhào cả nồi lẫn bếp, xem anh chàng Văn Cát thốt lời gì? Lần này, nếu không bị té sông rồi bệnh nặng, nếu không nhờ gặp thuận cảnh, nghịch cảnh và các thiện tri thức giáo hóa cho, e là sẽ còn lầm lạc cả đời, đâu có được như sáng hôm nay.

Nhân đó, tôi làm bài kệ:
Bôi tử phốc lạc địa
Hưởng thinh minh lịch lịch
Hư không phấn toái đã
Cuồng tâm đương hạ tức.

Chén trà rơi xuống đất
Vang thành tiếng rõ ràng
Hư không đà vỡ nát
Cuồng tâm ngay đây tan

Bài kệ tiếp theo:
Đãng trước thủ, đả toái bôi
Gia phá, nhân vong, ngữ nan khai
Xuân đáo hoa hương xứ xứ tú.
Sơn hà đại địa thị Như Lai.

Phỏng tay rơi chén vỡ tan rồi
Nhà nát người tan khó mở lời
Xuân đến hoa thơm, nơi nơi đẹp
Núi sông trời đất là Như Lai.

Năm này ký điều ước Mã Quan, cắt Đài Loan, Liêu Nam cho Nhật Bản.


HÓA ĐỘ LÝ CĂN NGUYÊN
1911 – 72 tuổi

Sư rước Tạng Kinh về tỉnh Điền, sắp xếp phân phối và giáo hóa, các quan lại sĩ phu trong vùng, ngày càng kính ngưỡng Sư. Dân chúng từ già đến trẻ, không ai mà không biết đến Hòa thượng Hư Vân.

Khi cách mạng Tân Hợi thành công, vua Thanh mất ngôi, phong trào hủy chùa đuổi Tăng bộc phát lan khắp các tỉnh. Lúc này toàn bộ binh quyền tỉnh Điền đều thuộc về quan Nhiếp thống Lý Căn Nguyên. Ông kéo một đội binh hùng hậu đi khắp nơi tiến hành việc đuổi Tăng phá chùa. Nghĩ rằng Sư chỉ là một Hòa thượng quèn mà lại có khả năng mê hoặc lòng dân thái quá, nên ông chỉ đích danh Sư, truyền lệnh bắt, tai họa xem ra khó lường. Tăng chúng các nơi đều trốn hết. Riêng chùa của Sư có hơn trăm chúng, cũng bị kinh hoảng lây. Mọi người khuyên Sư nên trốn đi lánh nạn… Sư điềm nhiên bảo:
– Quý vị ai muốn đi thì cứ đi. Phần tôi, nếu đấy là nghiệp báo của mình, thì có trốn tránh cũng vô ích. Thà tôi đem thân này theo Phật…

Nghe vậy Tăng chúng chẳng ai muốn bỏ đi, đồng tình nguyện ở lại. Vài ngày sau, quan Nhiếp thống Lý Căn Nguyên kéo binh đến chân núi, trước tiên ông đóng quân ở chùa Tất Đàn, ra lịnh cho binh lính lên Kim Đỉnh phá hủy tượng đồng Đại vương, Điện Phật và Điện Thờ Chư Thiên trên núi Kê Túc. Sư thấy tình thế cấp bách, bèn một mình xuống núi, đến tận cửa doanh trại, xin yết kiến ông Lý. Lính gác thấy Sư, bàng hoàng kinh hãi, đã không dám vào bẩm báo mà còn thúc hối Sư hãy mau mau trốn đi, kẻo không họa dữ ập xuống, nguy hiểm khó lường… nhưng Sư chẳng nghe, cứ bình thản đi thẳng vào. Thấy Lý Căn Nguyên cùng quan Bố chánh Tứ Xuyên (là Triệu Phiên) đang ngồi trong điện. Sư cúi chào, Lý không thèm nhìn đến. Triệu Phiên có quen biết Sư nên hỏi thăm:

– “Ngài đến có việc gì?”…Sư thuật lại việc mới vừa xảy ra. Lúc này mặt Lý bừng bừng sắc giận, thịnh nộ quát to:

– Để Phật giáo tồn tại làm cái quái gì, nào có ích chi đâu?…

Sư thưa:

– Thánh nhân lập giáo cốt để giúp đời lợi dân dạy người sơ cơ tu sửa thân tâm, làm lành lánh dữ. Từ ngàn xưa đến nay, chính trị và tôn giáo luôn song hành, hỗ tương nhau. Chính trị giúp an dân, còn tôn giáo giúp cảm hóa dân, dạy dân chỉnh đốn đức hạnh. Đạo Phật dạy người điều tâm, vì tâm là gốc, nếu gốc được chánh thì vạn vật được yên, thiên hạ thái bình.
Mặt Lý dịu lại, y nói:

– Cho dù là vậy thì chẳng nên đúc tượng tạc hình làm chi, chỉ tổ uổng phí tiền bạc…

Sư thưa:

– Phật dạy: Dùng tướng tiêu biểu cho Pháp. Nếu không dùng tướng để biểu trưng thì Pháp chẳng thể lan rộng, chẳng thể giúp người sinh tâm kính sợ. Mà lòng người nếu không biết kính sợ, thì không điều ác nào không làm – Vì không có sự nể sợ kìm cương thắng bớt… nên họ sẽ không cẩn thận lúc gieo nhân và hành động dễ rơi vào sai, trái. Do vậy mà tai họa loạn lạc sẽ phát sinh. Còn nói theo thế tục thì: “Nê Sơn lễ Thánh, Đinh Lan đẽo cây”. Ở nước ta các tộc họ đều có nhà Từ đường, thậm chí còn thờ phụng danh tượng của các nước Đông, Tây. Tượng được tôn tạo, chẳng qua là giúp người sinh tâm tin kính, có chỗ để quy hướng. Nhờ có lòng kính tin, người ta mới biết sợ tội tạo phúc, từ đó sinh ra biết cẩn trọng dè dặt trong mọi hành động. Cho nên hiệu quả và công đức của việc này không thể nghĩ lường. Song nói cho cùng thì “Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, tức thấy Như Lai”.

Mặt Lý tươi dần. Ông gọi người mang trà đến mời Sư và hỏi tiếp:

– Nhưng…sao tôi thấy có nhiều Hòa thượng hành sự không đàng hoàng, làm lắm chuyện kỳ cục để thành hạng phế thải của quốc gia?

Sư thưa:

– Hòa thượng là từ dùng để gọi cho có sự khác biệt. Đừng vì chứng kiến vài tu sĩ không xứng đáng mà phế hết chư Tăng. Lẽ nào thấy một-hai vị Tú tài tệ lậu mà trách đức Khổng Tử? Như hiện giờ Ngài thống lĩnh binh lính, mặc dù quân kỷ có nghiêm minh, song không có nghĩa là tất cả binh sĩ đều thông minh, chính trực như Ngài! – Biển không bỏ loài tôm cá, dung chứa hết tất cả nên mới gọi là lớn. Phật pháp cũng giống như biển, không gì mà không dung. Tu sĩ là người được Phật cảm hóa, mộ đạo nên phát tâm xuất gia, hộ trì Tam bảo, họ âm thầm sửa đổi và chuyển hóa lặng lẽ, có hiệu quả lợi ích rất lớn, không phải là hạng phế thải như ông nghĩ đâu!

Vẻ bất bình đã tiêu tan, nét hài lòng lộ ra mặt. Lý phấn chấn đàm đạo với Sư. Thỉnh thoảng mỉm miệng cười, chốc chốc lại gật gù tâm đắc…cử chỉ không còn xấc xược ngạo mạn nữa…đầu ông càng lúc càng cúi thấp, ra chiều rất cung kính.

Rồi…Lý mời Sư ở lại dùng cơm, thắp đuốc đàm đạo đến khuya. Sư tiếp tục giảng về nhân quả phân minh, lưới nghiệp chặt chẽ…sau đó bàn đến nghiệp báo nhân duyên, thế giới tương quan, chúng sinh tương tục, lời rộng ý sâu…càng nghe càng thích. Lúc này, Lý đã thưa thốt ôn tồn, cư xử nhũn nhặn. Sự nể trọng Sư thể hiện hết ra mặt, Lý đối với Sư cực kỳ lễ phép. Khi Sư giảng xong, Lý thở dài, tỏ vẻ hối hận, nói:

– Phật pháp cao siêu như vậy mà con không hiểu thấu, đến nổi kéo quân đi giết Tăng phá chùa, tạo tội ác nghiêm trọng, giờ biết phải làm sao?…
Sư bảo:

– Đây chỉ là do phong trào nhất thời khiến vậy, chẳng phải lỗi của ông. Mong rằng từ đây trở về sau, ông dốc sức bảo vệ hộ trì đạo pháp thì công đức này rất lớn.

Lý nghe Sư nói vậy rất mừng. Hôm sau ông theo Sư về chùa Chúc Thánh, ở chung với chúng Tăng, cùng ăn chay mấy hôm. Lúc này trong núi bỗng hiện ánh Đại kim quang, sắc vàng chói lọi, từ đỉnh núi đến cỏ cây, đều phủ màu hoàng kim. Nghe kể rằng: trong núi có ba loại hào quang: Phật quang, Ngân quang và Kim quang. Phật quang thì năm nào cũng có, còn Ngân quang và Kim quang thì từ hồi khai sơn đến nay, chỉ hiện có vài lần. Tận mắt chứng kiến cảnh này, Lý xúc động lắm, càng thêm kính tin Phật, đối với Sư một bề thủ lễ đệ tử, Lý tôn Sư làm Tổng trụ trì vùng Kê Túc, rồi dẫn binh đi.

Rõ ràng, nếu không nhờ đạo cao đức trọng của Sư cảm hóa, thì làm sao trong chớp mắt có thể dễ dàng chuyển đổi được Lý Căn Nguyên hóa dữ thành lành như thế?

Tiếp đến, Hội Phật giáo ở đất Hổ chế đặt hiến chương mới, gây đụng chạm chống trái khắp nơi. Sư phải ra Bắc đến Hổ, cùng Ký Thiền, Dã Khai hội họp. Xong, Sư vào lại Nam Kinh gặp Tôn Trung Sơn để thương lượng việc sửa đổi hiến chương. Mọi việc hoàn tất, Sư lại cùng Ký Thiền đến Bắc Kinh gặp Viên Thế Khải. Rồi Ký Thiền ngồi thị tịch ở chùa Pháp Nguyên, Sư lo liệu mọi việc xong thì đưa quan tài về Nam.

Sư đến tỉnh Điền, gặp Thái Ngạc, xin phép mở chi nhánh hội Phật giáo tại Điền Kiểm và cho xây Phật học viện, lập trạm bố thí thuốc, thuyết giảng kinh pháp, làm đủ Phật sự… nhờ có Lý Căn Nguyên hết lòng giúp đỡ nên mọi việc đều được chu toàn. Suốt 40 năm về sau, Lý đóng góp hết mình vì đạo. Bất cứ pháp hội nào, buổi giảng nào cũng có mặt ông tham dự. Giờ đây Lý là một vị Đại hộ pháp trung thành đắc lực, mộ đạo chí thành”.


Trích: “Hư Vân Niên Phổ”
Kiến Vân, Như Thủy, Hạnh Đoan dịch

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÁI THẤY CỦA TỔ LÂM TẾ

Bài viết khác của tác giả

  1. PHẬT GIÁO TRUYỀN KHẮP QUỐC TẾ
  2. PHẬT GIÁO TRUYỀN KHẮP QUỐC TẾ
  3. THIỀN SƯ HƯ VÂN: DỐC LÒNG NIỆM PHẬT

Bài viết mới

  1. GIẢM THIỂU SỰ TÁC ĐỘNG CỦA BẢN NGÃ VÀ NHỮNG TỔN THƯƠNG
  2. LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH – PHẦN 1
  3. LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH – P2: NHỮNG LỢI ÍCH THỂ CHẤT