PHẬT GIÁO TRUYỀN KHẮP QUỐC TẾ

THIỀN SƯ HƯ VÂN

Trích: HƯ VÂN NIÊN PHỔ, Dịch giả: Kiến Châu - Như Thủy - Hạnh Đoan; NXB Phương Đông, Năm 2009

THIỀN SƯ HƯ VÂN (SINH 1840 MẤT NĂM 1959)

Lược ghi:
THƯ GIẢI ĐÁP CHO ÔNG TƯỞNG

Phật giáo hiện nay đã truyền khắp quốc tế, có xu hướng tiến đến một tôn giáo đại đồng duy nhất.

Trong thế giới hiện có hai thuyết: Duy thần và Duy vật, phủ nhận lý luân hồi quả báo, ảnh hưởng khó thể nói hết được.

Phật dạy: “Ba cõi (vũ trụ) vốn không kiến lập một pháp, do chân tâm khởi vọng mà sinh ra muôn pháp. Gọi chân tâm chẳng qua vì – có vọng, có vật đối đãi mà lập giả danh này, chứ thật ra gọi chân tâm cũng chẳng phải. Dụ như biển cả: Tâm ví như nước, vạn pháp vạn sự, vạn vật ví như sóng. Biển lặng thì gọi là nước, cuộn ầm ầm thì gọi là sóng. Nhưng dù tĩnh hay động thẩy đều là nước cả. Nước động dữ thì là ba đào, vì có ba đào – Nên mới nói không nổi sóng là nước tĩnh lặng – Từ căn bản nếu không có tướng ba đào thì giả danh sóng cũng chẳng lập, và giả danh tĩnh lặng cũng không nốt. Có lập thành, chỉ là giả danh do ta và người lập nên. Phải biết Vật tức là Tâm, Vọng tức là Chân, Phiền não tức Bồ đề, chúng sinh tức chư Phật v.v… Một niệm mê thì Tâm thành Vật, Chân thành Vọng, Bồ-đề thành Phiền não, Chư Phật thành Chúng sinh… Giống như nước khi dấy động ầm ầm là sóng. Một niệm giác ngộ thì Vọng chằng khác Chân, Phiền não chẳng khác Bồ-đề, chúng sinh chẳng khác chư Phật, giống như nước không gợn sóng thì tĩnh lặng.

Vì mê mà sinh khởi vật, hữu, sắc, vọng, phiền não, chúng sinh… đối đãi nhau. Cho nên mới có những giả danh: Tâm, vô, không, chân, Bồ-đề, chư Phật…

Từ căn bản nếu không mê thì các giả danh này chẳng lập.
Gọi là Duy Tâm, Duy Vật, Hữu Thần, Vô Thần đều do thức tâm phân biệt suy diễn nên thôi.
Còn nói: “Vậy, Phật học cũng thuộc về Duy Tâm Luận?”.
Phật giáo tuy nói Duy tâm nhưng rất khác xa Duy tâm của triết học.

Người theo thuyết Duy tâm thì chấp “Có tâm không vật”. Đức Phật đã dạy: Đây là chấp tâm phan duyên làm tự tính, chấp vọng tưởng sinh diệt cho là thật.

Còn người theo thuyết Duy Vật thì “Chấp vật có, tâm không”. Phật nói: “Đây là hành sự điên đảo, nhận lầm vật là mình, khư khư chấp thủ, trôi lăn trong luân hồi”.

Người theo Duy Thần phân định vật chất và thần linh, chia ra hai thế giới chẳng đồng. Phật dạy: Đó là lầm cho tâm ở trong sắc thân, nhận tí tẻo bọt nước cho là toàn hồ. Những chấp trước thiên kiến này giống như kẻ nhận bóng trâu cho là trâu, hay những người dòm qua khe vách thấy được cái sừng, cái đầu hay một phần nhỏ nào đó của con trâu… đã vội cho đó là toàn thể con trâu, ai cũng nghĩ mình phải, nhưng thực sự chẳng ai đúng cả – vì không thấy được con trâu trọn vẹn. Phật Giáo thì phăng đến tận nguồn, đem con trâu trắng thật sự chỉ rõ ra. Nếu nhờ chỉ mà thấy trâu, thì không ai là không thấy con trâu thật.

Cho nên, muốn nghiên cứu, biện biện rõ sự sai khác của các luận thuyết Duy tâm – Duy vật mà phế bỏ lời Phật dạy thì không thể.

Phật từng dạy: Minh tâm tánh (sáng tâm tánh) hoặc gọi là Chân Tâm Thường Trụ, Chân Như Giác Tánh, Pháp Thân, Thật Tướng… đều là tên khác của chân lý.

Tánh giác thanh tịnh bản nhiên, lìa các danh tướng, không chỗ nơi, thể tự giác, tự sáng, là cái đức tánh sẵn có của chính mình, dứt hết Năng, Sở, đối đãi, không thuộc mười phương (không gian) ba đời (thời gian). Không thuộc về đại địa, người, súc sinh, cây, đá, địa ngục, thiên đường… chỉ do một niệm vọng mà sinh khởi pháp hữu vi (vạn sự vạn vật trong vũ trụ), như Kinh Lăng Nghiêm tả (Kinh này, không pháp nào chẳng đủ, không căn cơ nào chẳng nhiếp, những vị nghiên cứu về triết học Phật Giáo đều phải nên xem), Đức Thích Ca đáp câu hỏi của tôn giả Phú Lâu Na: “Tánh giác thanh tịnh bản nhiên, vì sao bỗng sinh ra núi sông đại địa…?”

“Tánh giác tất sáng, nhưng vọng thành ra có cái (minh) biết sáng. Giác không phải là cái bị biết. Nhân biết mà lập ra cái bị biết. Cái bị biết do vọng lập, liền sinh ra cái vọng biết (chủ quan). Trong chỗ không đồng, dị, bỗng thành có sai khác, nhân dị mà lập đồng. Đồng, dị chia chẻ rõ ràng, nhân đây lại lập không đồng dị. Cứ thế, tạo đối đãi nhiễu loạn nhau, sinh ra mệt mỏi. Mệt mỏi lâu, pháp sinh trần cảnh, tự làm vẩn đục nhau, từ đó sinh ra trần lao phiền não, thành ra thế giới. Cái tĩnh thành từ không. Hư không là đồng, thế giới là dị. Cái không đồng dị, thật ra chỉ là pháp hữu vi”.

Phật dạy Phú Lâu Na: “Tưởng và ái đồng kết, ái không thể lìa, nên cha mẹ con cháu trong thế gian sinh ra không dứt, đều do dục tham làm gốc. Tham và ái đồng tăng trưởng, không thể dừng nên các loài thai, noãn, thấp, hóa trên thế gian, tùy sức mạnh yếu mà ăn nuốt lẫn nhau. Do lòng hiếu sát làm gốc. Người ăn dê, dê chết làm người, người chết làm dê… như thế cho đến mười loài sinh, chết chết sống sống, ăn nuốt lẫn nhau mà thành ác nghiệp, đến tận đời vị lai. Còn lỗi trộm, cắp cũng do tham làm gốc. Anh thiếu mạng tôi, tôi trả nợ anh, do đó mà trải qua trăm nghìn kiếp, thường ở trong sinh tử. Anh ưa tâm tôi, tôi thích sắc anh, nên trải qua trăm nghìn kiếp vẫn còn ràng buộc. Đều do các lỗi căn bản là Sát, Trộm, Dâm mà nghiệp quả tiếp nối nhau.

Người theo Duy tâm, đề xướng Duy Tâm Luận nhận lầm thức thần là Chơn tâm. Người theo Duy Vật chấp biên kiến về “vật” đề xướng Duy Vật Luận. Rồi căn cứ theo duy vật mà đề xướng thuyết Vô Thần Luận. Người theo Duy Thần cũng chấp biên kiến, vọng sanh phân biệt. Chẳng biết, tâm là vật, vật tức thần – tâm, vật, thần, đồng một lý thể. Có vật thì có tâm, có thần – không tâm thì không thần, không vật. Nhưng, “có” đây chẳng phải như có không, mà là “diệu hữu” chẳng phải có mà có. “Không” đây chẳng phải là cái không của đoạn tuyệt, mà là cái không vi diệu, “diệu vô”, vượt lên trên có và không. (Cái diệu hữu, diệu vô này, cùng với lời nói “vô sinh mà sinh”, “hữu sinh mà sinh” nghĩa của nó rất sâu, ngữ ngôn văn tự chẳng bàn đến được, là điều quan trọng của Thiền môn.)

Duy tâm luận, Duy vật luận, Duy thần luận… đều chẳng rõ nghĩa lý này, nên kích bác lẫn nhau. Sự thật thì họ đều đúng mà cũng chẳng đúng, chỉ cần nghiên cứu Phật học một phen, thì tự họ có thể vỡ hết tất cả tình chấp.
Phật giáo đối với việc nghiên cứu bổn thể của vũ trụ, ngoại trừ những điều đã nói trên đây, đối với việc cấu tạo, thành, hoại của thế giới, người, việc và mọi vấn đề khác, thì trong Kinh Lăng Nghiêm cùng các Kinh, Luận, đều có bàn luận thuyết mình rất rõ, phần nhiều phù hợp với những sáng kiến phát minh của khoa học, triết học sau này. Bây giờ, chưa thể chỉ rõ được.

Bàn về giá trị nhân tánh, thì hạnh nguyện của chư vị Bồ Tát, chư vị Thánh hiền của các tôn giáo khác không thể bì kịp.

Kinh điển hiện nay ở đâu cũng có. Giáo pháp vi diệu tuyệt không nêu sự kỳ lạ lập dị nào để huyễn hoặc người. Mỗi hành động, mỗi lời nói đều y theo tam học Giới, Định, Huệ, phải đích thân hành mới đạt lợi ích thực.

Sao gọi là Giới, Định, Huệ? Giới là ngăn điều quấy, dứt điều ác. Định là sáu căn tiếp cảnh, tâm chẳng chuyển theo. Huệ là: Tâm cảnh đều không, chiếu soi chẳng lầm. Ngăn ngừa được thân khẩu ý không tạo tội thì nước tâm tự lóng sáng. (Nghĩa là nhờ Giới sinh Định) Nước tâm lóng sáng thì có thể tự chiếu soi muôn vật, (như vậy là nhờ Định sinh Huệ). Nho gia cũng có câu: “Định rồi tĩnh, tĩnh thì an, an rồi tư duy, tư duy mới đạt”.

Nhưng Nho gia, Khoa Học gia, Triết gia thì dùng tâm phan duyên để suy gẫm về vạn vật vũ trụ, mà chẳng biết vũ trụ vạn vật cũng do tâm phan duyên tạo thành. Cái suy nghĩ và cái được suy nghĩ đều là tâm phan duyên, dùng tâm phan duyên nghiên cứu chân lý thì giống hệt như người đang ngồi xếp bằng trên ghế mà muốn nhấc cái ghế lên, là chuyện chẳng thể nào làm được.

Về nhận thức, các Triết gia đối với các vấn đề, vẫn còn bàn cãi phân vân, chưa rút ra kết luận, chưa có ai đúng. Phật ly ngôn dứt nghĩ, đem trí giác chiếu soi vũ trụ, vạn sự vạn vật. Vì vậy, giống như bước xuống đất và nhấc chiếc ghế lên, cho nên tự tại như như.

Phật giáo bao quát cả Triết học, Khoa học, Tôn giáo. Nhật bản chọn đạo Phật làm quốc giáo, thời gần đây rất hưng thịnh. Chư vị hiền nhân duy tân của họ, thâm thiền hành sự đắc lực. Việc này mọi người đều biết. Nếu chẳng vì đám quân phiệt say mê vũ lực, ngược đạo, lấy giết hại làm công, cho xâm lược là tài, thì đâu phải chuốc phải thất bại!?

Có người cho Phật giáo là tiêu cực, mê tìn, chẳng đủ sức làm Quốc giáo, đó là vì họ chưa rõ lời Phật dạy. Sự thật thì Phật pháp chẳng hề làm hoại thế gian, sao có thể nói là tiêu cực? Phật giáo hướng dẫn người lìa mê về giác, sao có thể gọi là mê tín được?

Chữ Phật, tiếng Phạn là Buddha, nghĩa là người giác ngộ. Vì đã tự giác ngộ, nên giúp người giác ngộ, do giác ngộ đạt được hạnh phúc viên mãn gọi là Phật.

Bồ tát, tiếng Phạn là Bodhisattva, nghĩa là Giác hữu tình (loài hữu tình đã giác ngộ). Có hai loại: Bồ Tát Xuất Gia và Bồ Tát Tại Gia. Bồ Tát là người phát đại tâm, đại nguyện, vì chúng sinh cầu đạo vô thượng, vừa tự tu, vừa độ người. Sự tích cực và chánh tín của Bồ Tát, e không ai hơn. Phật giáo dựa vào nghĩa Chiết và Nhiếp, lập ra nhiều phương tiện.

Chiết là sao? là chiết phục ác nhân. Xưa, Thạch Lặc hỏi ngài Phật Đồ Trừng về giới sát. Ngài dạy: “Ông là vua, không (vọng sát) – giết bậy – là đã giữ giới sát”. Bởi vì hàng Bồ Tát Tại Gia, có trách nhiệm dẹp ác để lợi sinh. Dù phải thi hành án định tội, trừng phạt nặng – song lại sinh công đức. Nếu khởi ác ý giết hại người, thì ai cũng biết là không nên. – Song vì thiện ý mà phải trừng trị người thì đây chính là hạng tay mắt Kim Cang, là hạng Bồ Tát tại gia có quyền lực lớn.

Nhiếp là sao? Là nhiếp thọ thiện nhân. Phật và Bồ Tát vì lợi ích của chúng sinh nên chẳng nề gian khổ. Có bốn pháp nhiếp:

1. Bố thí nhiếp: Dùng bố thí nhiếp phục, tùy tâm nguyện chúng sinh mà bố thí tiền của, giáo pháp, khiến họ phát tâm kính ái, học đạo.

2. Ái ngữ nhiếp: Dùng lời thân thiện, hòa nhã, dịu dàng để an ủi, tùy theo căn tánh chúng sinh mà nhiếp phục, khiến họ sinh lòng kính ái phát tâm học đạo.

3. Lợi hành nhiếp: Suy nghĩ, nói năng, hành động đều nhằm vào giúp ích chúng sanh, khiến họ sinh lòng kính ái phát tâm học đạo.

4. Đồng sự nhiếp: Quán sát căn tánh chúng sanh, tùy sở thích của họ mà phân thân thị hiện, khiến cho các cộng sự với mình đều được lợi ích, sinh tâm kính ái, học đạo. Qua đây đủ thấy, sự tích cực của Phật và Bồ Tát có ai bằng?
Phương tiện là sao? – là xét căn khí của chúng sanh, đặt ra phương tiện khéo léo hóa độ họ. Bốn pháp nhiếp trên đây cũng là pháp môn phương tiện. Trong Kinh Pháp Hoa, Phẩm Hóa Thành Dụ viết:

“Thí như có con đường hiểm ác, không có cỏ nước, người đi qua gặp nhiều thú dữ nên rất sợ hãi. Song có vô số, nghìn vạn người phải đi qua con đường này. Đường lại quá dài, trải qua 500 do tuần. Bấy giờ có một người dẫn đường. trí huệ cao viễn. Thấy mọi người mệt mỏi, than: “Chúng tôi không đủ sức đi, chỉ muốn quay về”. Người dẫn đường nghĩ thầm: “Những người này thật đáng thương sao lại muốn quay lui để chịu mất kho trân bảo?”. Ông ta suy nghĩ và dùng thần lực, hóa ra một thành phố lớn, nói: “Các bạn hãy vào thành này, sẽ được tùy thích”. Khi mọi người đã vào thành, ai cũng vui vẻ, người dẫn đường nói: “Đây chỉ là hóa thành, vì thấy các bạn mệt quá, giữa đường muốn thối lui nên tôi tạm hóa ra thành phố này. Bây giờ, các bạn phải cố gắng đi đến chỗ chứa đồ quí…”

Xem qua đoạn Kinh trên, đủ biết thâm ý của Đức Thích Tôn đã chia thời mà lập giáo, quyền lập phương tiện. Cho nên, đối với hàng căn cơ Tối Thượng. Ngài dạy Thiền, đối với hàng căn bậc Thượng Ngài dạy Giáo, đối với người hay phân tích thì dạy Duy thức, đối với tầng lớp phổ thông thì dạy Tịnh Độ. Ngài tạm đặt ra Đại Thừa, Tiểu Thừa, chẳng kể tại gia hay xuất gia đều tùy căn cơ mà hóa độ, khiến tất cả chúng sanh đều được lợi.

Ngày nay, người theo thuyết vô thần, thấy Phật tử ở trước tượng, quỳ lạy, trì niệm danh hiệu Phật, thì cho là mê tín, họ chẳng hiểu việc quỳ lạy cùng đối với bậc trưởng thượng tỏ lòng cung kính, đâu khác gì nhau?

Niệm Phật, đối với việc tu tâm rất có ích. Vả lại, trì danh niệm Phật chẳng qua là một phương tiện đơn giản để độ kẻ sơ cơ, còn có các pháp môn Quán tưởng niệm Phật, Thật tướng niệm Phật v.v… Pháp môn Tịnh độ có nhiều lợi ích, diệu dụng vô cùng, chỉ tại người không hiểu, nào phải mê tín?

Có người bảo: “Cơ đốc giáo cũng thoát thai từ Kinh A Di Đà của tông Tịnh Độ” – Họ lý luận: “Thử nhìn xem, Đức Jésus thân đắp y, cùng Phật đâu khác nhau?” – trong Kinh A Di Đà nói: “Thế giới Tây Phương Cực Lạc” thì bên Chúa Jésus cũng nói: “Thiên đàng”. Nếu sinh về Tịnh Độ chia thành 9 phẩm thì sách “Lý Lâm Thiên Thần Phổ” cũng chia Thiên thần làm 9 hạng. Kinh A Di Đà nói: “Chẳng thể nhờ chút căn lành, phước đức nhân duyên mà được sinh về Cực Lạc”. Chúa cũng dạy: “Nếu con chẳng lập công đức tại nhân gian, thượng đế chẳng cho con vào nước Chúa”. Theo Tịnh độ tông, sáu thời phải niệm danh hiệu Phật, cầu Phật tiếp dẫn, thì đạo Gia Tô cũng bắt sáng chiều cầu nguyện Thượng đế thương mà cứu giúp cho. Phật có pháp quán đảnh, thì Gia Tô cũng có nghi thức rửa tội… Họ nói rằng xem giáo nghĩa của đạo Gia Tô cùng Tông Tịnh Độ, thấy giống nhau. Rằng chúa Jésus sinh trể sau Phật hơn nghìn năm, tức là đã từng nhận sự giáo hóa của Phật (?), đã được truyền cho Kinh A Di Đà (?). Rồi trở về căn cứ theo đó mà sáng lập tôn giáo. Vả lại, Chúa đã từng ẩn tích ba năm, chắc đi Ấn Độ tham học (?), việc này dù không căn cứ nhưng dấu vết thì cũng tựa như tơ nhện hay vết chân ngựa, có vẻ chẳng dối lầm v.v… dường như không còn nghi ngờ gì nữa?

Những luận thuyết này, chẳng phải là quay vào vách mà đặt bày hư cấu, chẳng qua là nhìn sơ thì thấy Gia Tô giáo, có giống với pháp trì danh niệm Phật của tông Tịnh Độ, nhưng sự thật rất khác xa. Đạo Gia Tô chủ trương tha lực, nói rõ về Chúa mà chẳng nói rõ về cái gì tạo ra Chúa, Còn pháp trì danh niệm Phật thì trọng tha lực, lực tác tương ứng. Như trong Kinh Lăng Nghiêm, chương Đại Thế Chí Viên Thông nói:

“Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh như mẹ nhớ con. Nếu con chạy trốn thì mẹ dù nhớ cũng chẳng biết làm sao. Con nếu nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì mẹ con trải qua nhiều đời chẳng cách xa nhau. Nếu tâm chúng sinh nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền hoặc mai sau, chắc chắn được thấy Phật, cách Phật chẳng xa, chẳng cần phương tiện, tự mở mang tâm địa”… ngài Thế Chí trình với Phật: “Nhân tu của con, do niệm Phật mà nhập Vô sinh nhẫn. Nay ở cõi này, giúp người niệm Phật, trở về Tịnh Độ”.

Có nhân, có quả nên lý sự vô ngại. Vả lại, Gia Tô giáo nói Vĩnh sinh, Tịnh độ tông thì nói Vãng sinh Tịnh Độ, thấy Phật, nghe pháp, ngộ vô sinh nhẫn. Cái sinh của Vĩnh sinh, do diệt mà hiển bày cái sinh, có sinh đối đãi thì sẽ có lúc diệt. Còn sinh của vô sinh, là vốn tự vô sinh nên không có diệt, do đó mới gọi là Vô Lượng Thọ (dịch nghĩa chữ A Di Đà vậy).

Hạnh nguyện của Bồ Tát là cầu đạo vô thượng, chẳng phải là sau khi xuất gia mới thực hành, mà khi còn tại gia cũng có thể thực hiện. Chẳng qua hàng xuất gia từ biệt vua chúa lìa thân thuộc, xả bỏ gia đình, ý muốn thoát ly sự ràng buộc của tình dục, xả bỏ tình riêng để phát triển tình đại đồng bao la của Phật, xả bỏ yêu thích riêng, phát huy lòng bái ái vĩ đại. Lấy chuyện độ tất cả chúng sanh làm Trung, thờ tất cả chúng sanh làm Hiếu Đây là nghĩa đại đồng. Tiên sinh Tôn Trung Sơn đã từng nói:

“Phật Giáo là đạo cứu thế, Phật học là mẹ của Triết học. Tôn giáo là một động lực tự nhiên, rất hùng mạnh để đào tạo và duy trì dân tộc. Nhân dân chẳng thể không có tư tưởng tôn giáo. Nghiên cứu Phật Giáo sẽ thấy có những điều giúp ích, bổ túc cho những thiên lệch của khoa học”.

Nay, ông cũng cho rằng sự du nhập của Phật Giáo vào Trung Hoa giúp ích nhiều cho tư tưởng học thuật Trung Hoa nên mới nói: “Phật giáo là tôn giáo lớn duy nhất truyền khắp quốc tế, có xu hướng tiến đến đại đồng vào thời nay”… không phải là lời hồ đồ đâu. Vả lại, ngày nay tự do tín ngưỡng, chẳng thể bắt người ta mê tín, chỉ nên giúp người vui lòng mến phục mà sinh chánh tín. Bởi vì, bỏ Phật Giáo thì dân chúng biết quy hướng vào đâu?

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THIỀN SƯ HƯ VÂN: DỐC LÒNG NIỆM PHẬT
  2. PHẬT PHÁP – VIÊN NGỌC NHƯ Ý
  3. LỐI TIẾP CẬN PHẬT GIÁO

Bài viết khác của tác giả

  1. PHẬT GIÁO TRUYỀN KHẮP QUỐC TẾ
  2. THIỀN SƯ HƯ VÂN: DỐC LÒNG NIỆM PHẬT
  3. NHÂN QUẢ – QUI Y TAM BẢO

Bài viết mới

  1. TÔI NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÔI – HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM
  2. KORA – ĐI TRONG ÂN SỦNG
  3. SỰ HỒN NHIÊN NGUYÊN THỦY