BIG BANG VÀ VŨ TRỤ VÔ CĂN CỦA PHẬT GIÁO

HH. DALAI LAMA XIV

Nguồn: Vũ Trụ Trong Một Nguyên Tử (Điểm giao hòa giữa khoa học và tâm linh); Lê Tuyên dịch từ nguyên bản tiếng Anh The Universe in a Single Atom; NXB Hồng Đức, 2016

Có ai không cảm thấy ngưỡng mộ khi ngắm nhìn bầu trời đêm được thắp sáng bởi vô số những vì sao? Có ai không băn khoăn tự hỏi liệu phía sau vũ trụ bao la này có tồn tại một điều gì đó? Có ai không tự hỏi liệu hành tinh của chúng ta có phải là hành tinh duy nhất tồn tại sự sống? Theo tôi thì, đây là những hiếu kỳ tự nhiên trong tâm hồn nhân loại. Qua lịch sử vô tận của nền văn minh nhân loại, đã tồn tại biết bao thôi thúc muốn tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này. Một trong những thành tựu vĩ đại nhất của khoa học hiện đại là dường như khoa học hiện đại đã đưa chúng ta xích lại gần hơn bao giờ hết với những hiểu biết to lớn về các đặc điểm của vũ trụ này.

Giống như nhiều nền văn hóa cổ đại, Tây Tạng có một hệ thống thuật chiêm tinh hàm chứa những yếu tố mà nền văn hóa hiện đại gọi là thuật tử vi, vì thế nên có nhiều vì sao mà con người có thể nhìn thấy được bằng mắt thường được đặt tên theo tiếng Tây Tạng. Thực ra, người Tây Tạng và người Ấn Độ đã có thể dự báo được hiện tượng nhật thực và nguyệt thực từ rất lâu đời với mức độ chính xác đáng kể dựa trên những quan sát của mình. Khi tôi còn là một đứa bé sống ở Tây Tạng, tôi đã trải qua nhiều đêm nhìn ngắm bầu trời qua chiếc kính viễn vọng của mình, tôi nghiên cứu hình dáng cũng như tên gọi của các chòm sao.

Tôi còn nhớ một ngày nọ tôi được hân hạnh viếng thăm một đài thiên văn thực sự tại Delhi ở vùng Brila Planetarium. Vào năm 1973, trong chuyến viếng thăm phương Tây lần đầu tiên của mình, tôi đã được mời đến trường Đại học Cambridge ở Anh quốc để trao đổi cùng Thượng viện và tổ chức Faculty of Divinity. Khi vị Phó Thủ tướng hỏi tôi rằng tôi có muốn thực hiện điều gì tại Đại học Cambridge không, tôi đã trả lời không do dự rằng tôi muốn được tham quan đài thiên văn nổi tiếng của khoa Thiên văn học.

Tại một trong các cuộc hội thảo Tâm hồn và Cuộc sống ở Dharamsala, nhà vật lý thiên thể Piet Hut đã cho tôi thấy qua máy vi tính hình ảnh vũ trụ đã được hình thành như thế nào qua một vụ nở lớn giữa các thiên thạch. Đó là một hình ảnh khá ấn tượng, một cảnh tượng thực sự ngoạn mục. Qua hình ảnh đó chúng ta có thể nhận thấy rằng vũ trụ đã được hình thành như thế nào theo một số nguyên tắc thuộc vũ trụ học. Sau khi Piet Hut trình bày xong, chúng tôi có một cuộc thảo luận trao đổi trong không khí cởi mở nhiệt tình. Hai trong số những người tham gia tại buổi hội thảo hôm ấy, David Finkelstein và George Greenstein, đã cố gắng diễn giải mình họa về các hiện tượng của vũ trụ bằng cách sử dụng những chiếc vòng nhỏ. Tôi còn nhớ rất rõ kỷ niệm này bởi vì khi ấy hai người thông dịch của tôi và tôi đã khó khăn lắm mới có thể hiểu được những lời diễn giải minh họa này. Sau đó, tất cả các nhà hoa học có mặt hôm ấy cùng kết hợp với nhau để tìm ra lời giải thích cuối cùng, đây đương nhiên là một trong những việc khiến chúng tôi thậm chí còn bối rối hơn.

Vũ trụ học hiện đại – khá giống với khoa học vật lý hiện đại – được dựa trên nền tảng là học thuyết của Einstein về tính tương đối. Trong vũ trụ học, các quan sát thiên văn được kết hợp lại cùng nhau cùng dựa trên lý luận về thuyết tương đối này, chính điều này đã tạo nên trọng lực trong vai trò là độ cong của cả không gian và thời gian, đã cho chúng ta thấy rằng vũ trụ của chúng ta không vĩnh cửu mà cũng không tĩnh tại trong điều kiện như hiện tại. Nó liên tục vận động và phát triển. Phát hiện này rất phù hợp với những hiểu biết cơ bản qua trực giác của các nhà thiên văn học cổ đại của Phật giáo, họ đã cho rằng bất kỳ một hệ thống vũ trụ nào cũng trải qua những giai đoạn như hình thành, mở rộng phát triển, và cuối cùng là phân hủy. Trong môn vũ trụ học hiện đại, vào những năm 1920, cả những lời tiên tri (của Alexander Friedmann) và những quan sát theo kinh nghiệm (của Edwin Hubble) đều đã giải thích được một cách thuyết phục rằng vũ trụ này là một mặt cong và liên tục vận động thay đổi.

Người ta cho rằng sự vận động này xuất nguồn từ một vụ nổ cực lớn trong vũ trụ – big bang (thuyết cho rằng vũ trụ bắt đầu từ sự nổ của một khối vật chất đơn nhất, các thành phần của nó vẫn còn bay tứ tung), vụ nổ này được cho là đã xảy ra cách đây khoảng 12-15 tỷ năm. Hầu hết các nhà vũ trụ học ngày nay đều tin rằng chỉ vài giây sau vụ nổ lớn này, nhiệt độ trong vũ trụ gia tăng mạnh khiến các phản ứng xảy ra tạo nên các hạt nhân cực nhỏ của vật chất, chính từ vụ nổ này mà về sau tất cả các đối tượng trong dải ngân hà được hình thành. Thế nên tất cả không gian, thời gian, vật chất, và năng lượng như chúng ta biết đều xuất hiện qua quả cầu lửa của phản ứng bức xạ này. Vào những năm 1960 bức xạ sóng ngắn cơ bản đã được phát hiện là xuất hiện trong toàn bộ vũ trụ này; nó xuất hiện dưới dạng dư âm của sự kiện big bang. Những thông số chính xác về quang phổ, về sự phân cực, về sự phân mảnh rải rác của bức xạ căn nguyên này dường như đã được khẳng định, ít ra thì cũng được khẳng định qua các phác họa, qua các mô hình lý thuyết hiện nay về căn nguyên của vũ trụ.

Mãi cho đến khi người ta phát hiện ra bức xạ sống ngắn này, thì khi đó mới xuất hiện các tranh luận giữa các trường Đại học nổi tiếng về lĩnh vực thiên văn hiện đại. Một số nhà khoa học cho rằng vũ trụ đang vận động phát triển ở tốc độ đều đặn, cùng với các quy luật vật lý không thay đổi theo thời gian. Mặt khác, cũng có một số các nhà khoa học lại quan sát sự tiến triển mở rộng của vũ trụ qua lăng kính là vụ nổ lớn tạo ra vũ trụ. Ngày nay, dường như là, hầu hết các nhà thiên văn học đều chấp nhận rằng bức xạ sống ngắn là bằng chứng rõ ràng nhất về giả thuyết nói về vụ nổ big bang.

Ở Tây Tạng có những câu truyện thần thoại kể về sự hình thành nên vũ trụ này, những câu truyện này đã xuất hiện trước khi Phật giáo xuất hiện. Nội dung của các câu truyện này xoay quanh đề tài chính là đem lại trật tự cho thế giới hỗn độn này, đem lại ánh sáng cho thế giới tối tăm này, đem lại ngày để đầy lùi đêm tối, giải thích rõ thực tại trống rỗng của mọi đối tượng. Tất cả những hành động này đều được thực hiện bởi đấng siêu nhiên, họ đã tạo ra tất cả mọi thứ. Lại có một bộ truyện thần thoại nổi tiếng khác mô tả vũ trụ này như một cơ thế sống được sinh ra từ một quả trứng. Theo các truyển thống triết lý tâm linh của Ấn Độ cổ đại, rất nhiều các quan điểm khác nhau về sự hình thành vũ trụ đã được phát triển.

Theo những câu chuyện truyền thuyết xa xưa, Đức Phật chưa bao giờ trả lời trực tiếp câu hỏi về sự hình thành vũ trụ này. Với nụ cười hiền hòa độ lượng, Đức Phật cho rằng một người đặt ra những câu hỏi như thế là một người đang mang trên mình một mũi tên tẩm độc. Thay vì trước hết người này cần phải để cho y sĩ lấy mũi tên đó ra giúp, người này lại khăng khăng tìm hiểu xem người đã bắn mũi tên ấy là ai, tên gì, ở đâu, da trắng hay đen, sống ở làng nào, thành phố nào, có râu hay không có râu, và vân vân. Câu chuyện này cho thấy rằng Đức Phật đã từ chối không trả lời trực tiếp câu hỏi này. Có người cho rằng Đức Phật từ chối là bởi vì những câu hỏi siêu hình không liên hệ gì đến sự cứu rỗi con người. Lại có quan điểm khác, chủ yếu là những tín đồ theo pháo Nagarjuna, lại cho rằng vì câu hỏi này được đặt trên nền tảng là thực tại cố hữu của vật chất thế nên việc trả lời cho câu hỏi này sẽ càng khiến cho người đặt câu hỏi tin chắc vào sự tồn tại độc lập cố hữu của mọi đối tượng.

Các câu hỏi này được xếp vào thành từng nhóm theo các truyền thống Phật giáo khác nhau. Theo truyền thống Ấn Độ cổ đại thì họ đưa ra 10 câu hỏi được xếp vào loại “không được trả lời”, trong khi đó theo truyền thống Phật giáo Ấn Độ cổ điển xuất nguồn từ Tây Tạng thì danh sách này gồm 14 câu hỏi như sau:

  1. Bản ngã và vũ trụ có trường tồn vĩnh cửu không?
  2. Bản ngã và vũ trụ chỉ tồn tại phù du nhất thời?
  3. Bản ngã và vũ trụ vừa vĩnh cửu và phù du?
  4. Bản ngã và vũ trụ không vĩnh cửu cũng chẳng phù du?
  5. Bản ngã và vũ trụ có điểm khởi đầu?
  6. Bản ngã và vũ trụ không có điểm khởi đầu?
  7. Bản ngã và vũ trụ vừa có điểm khởi đầu vừa không có điểm khởi đầu?
  8. Bản ngã và vũ trụ không có điểm khởi đầu và cũng không có việc không có điểm khởi đầu?
  9. Người được cầu nguyện có tồn tại sau cái chết?
  10. Người được cầu nguyện không tồn tại sau cái chết?
  11. Người được cầu nguyện vừa tồn tại vừa không tồn tại sau cái chết?
  12. Người được cầu nguyện không tồn tại mà cũng không có việc không tồn tại sau cái chết?
  13. Tâm hồn chính là thể chất?
  14. Tâm hồn và thể chất là hai thực thể tách rời nhau?

 

Dù rằng các đoạn kinh Phật giáo từ chối không tham gia thảo luận về các vấn đề trừu tượng này, nhưng Phật giáo trong vai trò là một hệ thống triết lý ở Ấn Độ cổ đại đã phát triển một câu truyện dài bàn về các câu hỏi về sự tồn tại của con người và thế giới mà con người đang sống. Truyền thống Tây Tạng của tôi cũng đã thừa kế câu truyện này.

Trong triết lý Phật giáo có hai hệ thống lý luận chính về lĩnh vực vũ trụ học. Một là hệ thống lý luận Abhidharma, hệ thống lý luận này được giảng dạy tại nhiều trường Phật giáo chẳng hạn như trường Theravada, ngày nay hệ thống lý luận này được phổ biến rộng rãi ở các quốc gia như Thái Lan, Sri Lanka, Miến Điện, Campuchia và Lào. Hệ thống lý luận thứ 2 về lĩnh vực vũ trụ học là hệ thống lý luận Kalachakra, hệ thống lý luận này được tìm thấy chủ yếu trong các đoạn kinh Phật giáo Vajrayana thường được biết với tên gọi là “bánh xe luân hồi”.

Trước thế kỷ XX, khi tôi bắt đầu việc học tập nghiên cứu chính thức của mình về các đoạn kinh nói về hệ thống lý luận Abhidharma, tôi được biết rằng thế giới này hình cầu, tôi được xem qua những hình ảnh về trái đất này qua các tạp chí và sách vở, khi ấy tôi có được một số hiểu biết mơ hồ về quỹ đạo của trái đất và mặt trăng quanh mặt trời. Vì thế tôi phải thú nhận rằng, khi tôi nghiên cứu về những gì được trình bày trong tập kinh của Vasubandhu về hệ thống lý luận thiên văn Abhidharma, khi ấy tôi chẳng có hứng thú gì cho lắm.

Lý luận thiên văn Abhidharma mô tả trái đất này là một mặt phẳng, vây quanh nó là các vật thể màu xanh tự quay quanh chính mình chẳng hạn như mặt trăng và mặt trời. Theo lý luận này thì, trái đất của chúng ta là một trong bốn “lục địa” – trái đất là lục địa thuộc phía Nam – nằm trong bốn phương chính của một dãy núi cao được gọi là dãy Meru, tại trung tâm điểm của vũ trụ. Mỗi lục địa này được tiếp giáp bởi hai lục địa nhỏ hơn, trong khi đó thì khoảng cách giữa các đại dương mênh mông. Hệ thống toàn bộ thế giới này được đặt trên một “mặt đất”, mặt đất này được treo lơ lửng trong không trung. Năng lượng của “không khí” giữ cho mặt đất được nổi bồng bềnh trong không trung trống rỗng. Tập kinh của Vasubandhu lại mô tả chi tiết về sự vận hành theo quỹ đạo của mặt trời và mặt trăng, kích cỡ của chúng và khoảng cách của chúng từ trái đất.

Các kích cỡ, khoảng cách… này đều hoàn toàn mâu thuẫn với các bằng chứng thiên văn hiện đại. Thế nên thật khó có thể tin theo những lời được nêu ra trong lý luận Abhidharma. Theo quan điểm của riêng tôi thì Phật giáo phải loại bỏ các quan niệm sai lạc về thiên văn như thế này. Nói đúng ra, việc mô tả về vũ trụ và về nguồn gốc của vũ trụ – được mô tả trong kinh Phật là “chiếc lọ” – chỉ là thứ yếu đặt sau bản chất và nguồn gốc của nhân loại, là những đối tượng được đặt trong “chiếc lọ” này.  Học giả người Tây Tạng tên là Gendun Chophel, người đã thám hiểm vòng quanh tiểu lục địa Ấn Độ trong suốt những năm 1930, cho rằng tập kinh Abhidharma nói về “trái đất” và xem nó là một lục địa thuộc phía Nam là có ý muốn nói đến tấm bản đồ cổ xưa nói về miền trung Ấn Độ. Trong một số tập kinh thời sơ khai, các hành tinh được mô tả là những vật thể hình cầu được treo lơ lửng trong không trung, không khác lắm so với khái niệm về hệ hành tinh trong vũ trụ học hiện đại. Trong môn vũ trụ học Kalachakra, dải ngân hà được mô tả là một loạt các đối tượng trong vũ trụ xuất hiện. Đầu tiên là các vì sao được hình thành, sau đó là hệ mặt trời xuất hiện, và vân vân. Điều thú vị nơi hai môn chiêm tinh Abhidharma và Kalachakra chính là bức tranh tổng quát về sự hình thành của vũ trụ. Trong hai môn chiêm tinh này, người ta xác nhận rằng hành tinh của chúng ta thuộc một trong vô số những hành tinh khác của hệ thống thế gian này. Cả Abhidharma và Kalachakra đều nói về từ trichilicosm (tôi nghĩ rằng từ này gần đồng nghĩa với một hệ thống thế giới to lớn gấp hàng tỷ lần) để nói về khái niệm những hệ thống vũ trụ khổng lồ, và cả hai đều cho rằng có vô số những hệ thống như thế. Thế nên nhìn chung, mặc dù vũ trụ này không có “khởi nguồn” cũng không có “kết thúc”, nhưng vẫn có sự tiến triển của thời gian theo ba giai đoạn là giai đoạn khởi đầu, giai đoạn giữa, và giai đoạn kết thúc khi nói đến bất kỳ một hệ thống thế giới riêng biệt nào.

Sự tiến hóa của một hệ thống vũ trụ nào đó được hiểu qua bốn giai đoạn chính với tên gọi là thời (1) hư vô, (2) hình thành, (3) tồn tại,  và (4) phân hủy. Mỗi giai đoạn này được cho là kéo dài rất lâu, khoảng chừng “hai mươi niên kỷ”, và chỉ vào niên kỷ cuối cùng của giai đoạn hình thành thì cách sinh vật sống mới xuất hiện. Sự phân hủy của một hệ thống vũ trụ có thể được hình thành bởi bất kỳ nhân tố nào trong ba nhân tố sau – nước, lửa và không khí. Nhân tố nào là nguyên nhân tạo ra sự phân hủy của hệ thống thế giới trước đó thì cũng chính nhân tố đó sẽ là nguyên nhân tạo ra hệ thống thế giới sau này.

Thế nên, quan điểm cốt lõi trong môn vũ trụ học của Phật giáo là, có rất nhiều các hệ thống thế giới khác nhau – theo một số đoạn kinh thì con số này nhiều hơn cả số hạt cát ở sông Hằng – và chúng liên tục xuất hiện và biến mất. Điều này có nghĩa là vũ trụ hoàn toàn không có điểm khởi nguồn. Đây là những vấn đề cơ bản mà khoa học hiện đại cần giải quyết. Liệu trong quá khứ có một hay rất nhiều các vụ nổ big bang? Chỉ có một vũ trụ duy nhất hay có rất nhiều, hay con số những vũ trụ là vô tận? Vũ trụ này là một vũ trụ giới hạn hay vô hạn? Vũ trụ của chúng ta sẽ phát triển đến vô tận, hay tốc độ phát triển của nó sẽ chậm lại, và thậm chí còn phát triển theo chiều hướng ngược lại? Các nhà khoa học đang tranh luận về những vấn đề này rất gay gắt. Theo quan điểm Phật giáo, còn một câu hỏi sâu xa hơn nữa. Dù chúng ta thừa nhận chỉ có một vụ nổ big bang tạo ra vũ trụ mà thôi, thì chúng ta vẫn đặt ra câu hỏi, liệu đây có phải là nguồn gốc của toàn bộ vũ trụ hay chỉ là điểm đánh dấu hệ thống vũ trụ này của chúng ta mà thôi? Thế nên câu hỏi chủ đạo ở đây là liệu vụ nổ big bang – vụ nổ này, theo khoa vũ trụ học hiện đại, là điểm khởi nguồn cho hệ thống thế giới hiện nay của chúng ta – có thực sự là căn nguyên của mọi đối tượng không?

Theo quan điểm Phật giáo, ý tưởng cho rằng có một điểm khởi nguồn từ trong quá khứ bất tận là một ý tưởng mơ hồ. Nếu có tồn tại một điểm khởi nguồn như thế thì, theo suy luận hợp lý, việc này làm phát sinh hai phạm trù. Một phạm trù là thuyết hữu thần (tin là có thần sáng tạo và điều hành vũ trụ), cho rằng vũ trụ này được tạo ra bởi các đấng thiêng liêng siêu phàm và dựa vào luật nhân quả. Phạm trù thứ hai là thuyết cho rằng vũ trụ này xuất hiện không vì nguyên nhân nào cả. Phật giáo bác bỏ cả hai thuyết này. Nếu vũ trụ được tạo ra bởi đấng thiêng liêng thì câu hỏi về trạng thái bản thể học của các đấng thiêng liêng đó vẫn chưa thể giải quyết.

Nhà lý luận học và cũng là nhà nhận thức luận Dharmakirti (thế kỷ XVII sau công nguyên) đã trình bày một cách thuyết phục về việc Phật giáo bác bỏ thuyết hữu thần. Trong cuốn Bình luận về nhận thức hợp lý kinh điển của mình, Dharmakirti nói tới một số “bằng chứng” thuyết phục nhất về sự tồn tại của Thượng đế theo một số trường phái triết lý theo thuyết hữu thần tại Ấn Độ. Tóm lại, những lý lẽ của thuyết hữu thần gồm có: Cả thế giới nội vi lẫn ngoại vi đều được tạo ra bởi các bậc tiền bối, (a) bởi vì, giống như đồ nghề của thợ mộc, chúng vận hành theo một trình tự nhất định liên tiến; (b) giống như những tác phẩm chẳng hạn như chai lọ, chúng có hình thức của chúng; và (c) giống như các vật thể mà chúng ta sử dụng hàng ngày, chúng sở hữu tính hiệu quả riêng.

Những lý lẽ này, tôi nghĩ, có sự tương đồng với những lý lẽ của thuyết hữu thần theo truyền thống lý luận phương Tây. Lý luận này cho rằng thiên nhiên là sản phẩm của một sức mạnh thiêng liêng và chắc chắn nó đã được một tác nhân nào đó tạo ra. Cũng giống như việc chúng ta không thể nhìn thấy được chiếc đồng hồ nếu không có người chế tạo đồng hồ, vì thế nên thật khó có thể hình dung một vũ trụ xa xưa mà không có sức mạnh thiêng liêng vô hình ẩn phía sau đó.

Các trường phái triết lý Ấn Độ cổ điển tán thành những hiểu biết theo thuyết hữu thần về căn nguyên của vũ trụ cũng tồn tại rất nhiều tại thế giới phương Tây. Một trong số những nhánh xa xưa nhất của trường phái Samkhya, phái này tán thành quan điểm cho rằng vũ trụ xuất hiện qua sự tương tác của những gì chúng ta gọi là “thực thể ban sơ”, PrakritIshvara, Chúa trời. Đây là một thuyết siêu hình rất tinh vi dựa trên nền tảng là luật nhân quả tự nhiên, giải thích vai trò của thần thánh trong việc tạo ra các vấn đề khác trong thực tại, chẳng hạn như sự sáng tạo trong đời sống, mục tiêu của sự tồn tại, và các yếu tố khác.

Điểm then chốt trong lý luận của Dharmakirti là giải thích sự mâu thuẫn cơ bản mà ông nhận thấy được trong quan điểm của thuyết hữu thần. Ông chỉ ra rằng chính việc cố gắng giải thích căn nguyên của vũ trụ theo thuyết hữu thần được đặt trên nền tảng là nguyên lý về luật nhân quả, tuy nhiên – trong kết luận cuối cùng – thuyết hữu thần cần phải loại bỏ nguyên lý này. Qua việc thừa nhận căn nguyên của vũ trụ dứt khoát là do luật nhân quả, những người theo thuyết hữu thần ngụ ý muốn nói rằng có thể có một điều gì đó, ít nhất cũng là một nguyên nhân nào đó, nguyên nhân này nằm ngoài phạm vi của luật nhân quả. Điểm khởi đầu này, đây hẳn là nguyên nhân đầu tiên, sẽ tự nó hình thành mà không vì một nguyên nhân nào khác cả. Nguyên nhân đầu tiên này chắc chắn phải là một nguyên lý trường tồn vĩnh cửu. Nếu thế, thì làm sao chúng ta có thể mong đợi rằng nó sẽ tạo ra những đối tượng mang tính tạm thời? Dharmakirti lý luận rằng không có nguyên nhân nào có thể ghi nhận là trường tồn vĩnh cửu cả. Về cơ bản, ông ta nói rằng việc nhìn nhận nguyên nhân đầu tiên ắt hẳn là một giả thuyết siêu hình nào đó. Không ai có thể chứng minh được nó.

Asanga, một bài lý luận ở thế kỷ IV, đã nói về căn nguyên của vũ trụ dựa trên học thuyết về sự khởi thủy phụ thuộc. Học thuyết này phát biểu rằng mọi đối tượng xuất hiện và biến mất trong sự phụ thuộc vào các nguyên nhân và điều kiện. Asanga đưa ra ba điều kiện then chốt chi phối sự khởi thủy phụ thuộc. Thứ nhất là điều điện về sự xuất hiện của các sức mạnh có trước. Asanga bác bỏ khả năng vũ trụ là sự sáng tạo của các lực lượng có trước, đưa ra lý luận rằng nếu chúng ta thừa nhận một lực lượng như thế thì ắt hẳn lực lượng đó nằm ngoài tầm của luật nhân quả. Một lực lượng vĩnh hằng, siêu hình, và nằm ngoài phạm vi của luật nhân quả chắc chắn sẽ là một lực lượng không có khả năng tương tác trong phạm vi luật nhân quả, và thế nên lực lượng đó cũng không thể tạo ra hay kết thúc bất kỳ một thực thể nào khác. Thứ hai là điều kiện về tính tạm thời, điều kiện này xác định rằng chính những nguyên nhân và điều kiện tạo ra thế giới có căn nguyên phụ thuộc này đều tự chúng mang tính tạm thời và dễ dàng bị thay đổi. Thứ ba là điều kiện về tiềm năng. Một thực thể nào đó không thể được hình thành bởi duy nhất một đối tượng nào cả. Nói đúng hơn, thực thể được tạo nên và nguyên nhân tạo ra chúng có mối quan hệ tương tác lẫn nhau. Asanga khẳng định rằng căn nguyên của vũ trụ cần phải được mọi người hiểu trong phạm vi mắt xích vô tận của luật nhân quả mà không hề tồn tại bất kỳ một lực lượng siêu nhiên nào cả.

Phật giáo và khoa học cùng chia sẻ một quan điểm cơ bản, quan điểm này bác bỏ lực lượng vô hình tạo ra căn nguyên của mọi đối tượng. Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi cả hai, Phật giáo và khoa học, đều có cùng quan điểm cơ bản không thuộc thuyết hữu thần. Tuy nhiên, nếu ở phương diện này, vụ nổ big bang được xem là khoẳng khắc tạo nên vũ trụ, trừ khi chúng ta không muốn tìm hiểu sâu thêm về vụ nổ tạo ra vũ trụ này, thì các nhà vũ trụ học phải đồng ý rằng dù muốn dù không một sức mạnh siêu việt nào đó chính là nguyên nhân tạo ra vũ trụ này. Sức mạnh này không giống như Chúa trời mà thuyết hữu thần đã dựng nên; dù sao thì, trong vai trò là đấng tạo hóa của vũ trụ, sức mạnh siêu việt này cũng là một hình thức của thánh thần.

Ở phương diện khác, một số nhà khoa học cho rằng vụ nổ big bang mang ý nghĩa một sự kiện tạo ra nhiệt động lực hơn là nguyên nhân tạo ra vũ trụ. Tôi được biết rằng nhiều nhà khoa học vẫn còn đang phân vân về việc liệu vụ nổ big bang có phải là nguyên nhân tạo ra vũ trụ này hay không. Cho đến nay thì bằng chứng duy nhất về vụ nổ này, theo tôi được biết, là việc môi trường vũ trụ của chúng ta là một trạng thái dày đặc và nóng bỏng. Cho đến khi nào các bằng chứng xác thực hơn về các khía cạnh khác của vụ nổ big bang được tìm thấy, và các hiểu biết then chốt về vật lý lượng tử và thuyết tương đối được thống nhất hoàn toàn, nhiều câu hỏi về vũ trụ được nêu ra vẫn mãi còn thuộc một lĩnh vực siêu nhiên mà khoa học chưa thể trả lời được.

Theo quan điểm Phật giáo về vũ trụ, thế giới được hình thành bởi năm nhân tố: nhân tố kích thích là không gian, và bốn nhân tố cơ bản là đất, nước, lửa, và không khí. Không gian giúp cho bốn nhân tố cơ bản được tồn tại và vận hành. Hệ thống Kalachakra xem không gian không phải là một tập hợp rỗng hoàn toàn, mà là một môi trường trung gian, là một nhân tố “vật chất” vô cùng tinh vi. Nhân tố không gian là nền tảng cho mọi sự tiến hóa và phân rã của bốn nhân tố còn lại, bốn nhân tố này được tạo ra và xuất hiện từ không gian và cũng bị hấp thu ngược trở lại không gian. Quá trình phân rã xảy ra theo trật tự này: đất, nước, lửa và không khí. Quá trình xuất hiện xảy ra theo trật tự này: không khí, lửa, nước và đất.

Asanga cho rằng những nhân tố cơ bản này, ông mô tả chúng là “bốn nhân tố siêu việt”, không nên được hiểu là “vật chất thực sự”. Ông đưa ra sự phân biệt giữa “bốn nhân tố siêu việt” này, bốn nhân tố này cấu thành một khối thống nhất. Có lẽ bốn nhân tố này nên được hiểu theo cách khác là chất rắn (đất), chất lỏng (nước), nhiệt (lửa), và năng lượng động lực (không khí). Bốn nhân tố này được tạo ra ở các mức độ khác nhau, từ tinh vi cho đến hiển hiện và chúng phân rã từ mức độ hiển hiện cho đến mức độ tinh vi và quay trở lại với nhân tố kích thích (môi trường) là không gian. Không gian, với những phần tử trống rỗng của nó, là nền tảng cơ bản cho toàn bộ quá trình này. Cụm từ phần tử ở đây có lẽ không xác đáng lắm khi đề cập đến những sự vật hiện tượng này, bởi vì nó ngụ ý muốn nói đến những vật chất định hình. Đáng tiếc là, các đoạn kinh không mô tả nhiều về việc này để giúp chúng ta có thể định nghĩa được các phần tử của nhân tố không gian một cách rõ ràng cụ thể hơn.

Môn vũ trụ học của Phật giáo kiến lập nên vòng xoay của vũ vụ theo cách sau đây: đầu tiên là giai đoạn hình thành vũ trụ, kế tiếp là giai đoạn vũ trụ tồn tại, sau đó là giai đoạn phân hủy, tiếp nữa là giai đoạn trống rỗng hoang phế trước khi hình thành một vũ trụ mới. Trong suốt giai đoạn thứ tư, giai đoạn trống rỗng, các phần tử không gian vẫn liên tục tồn tại, và chính từ những phân tử này mà tất cả mọi đối tượng trong một vũ trụ mới được hình thành. Chính từ những phân tử này mà chúng ta tìm thấy nguyên nhân cơ bản tạo ra toàn bộ thế giới vật chất. Nếu chúng ta muốn mô tả quá trình hình thành vũ trụ và các vật thể sống, thì chúng ta cần phải phân tích quá trình vận động khác nhau của các nhân tố cấu thành, giúp vũ trụ có thể định hình từ những phần tử không gian này.

Dựa trên nền tảng là tiềm năng của những phần tử đó mà cấu trúc của vũ trụ và tất cả mọi đối tượng tồn tại trong vũ trụ – gồm có các hành tinh, các vì sao, các sinh linh như con người và động vật – được hình thành. Nếu chúng ta quay trở lại phân tích tìm hiểu nguyên nhân cơ bản nhất tạo nên các vật chất trên thế gian, thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng nguyên nhân cơ bản nhất cấu thành chúng chính là các phân tử không gian. Chúng xuất hiện trước cả vụ nổ big bang (vụ nổ được cho là nguyên nhân hình thành vũ trụ) và thế nên chúng là thành phần còn lại của vũ trụ đã bị phân rã trước đó. Tôi được biết rằng một số nhà vũ trụ học tán thành ý tưởng cho rằng vũ trụ của chúng ta đã hình thành dưới dạng một dao động thay đổi bất thường từ những gì được gọi là chân không lượng tử. Với tôi, ý tưởng này khiến tôi nhớ lại học thuyết Kalachakra về các phần tử không gian.

Từ quan điểm của vũ trụ học hiện đại, việc tìm hiểu căn nguyên hình thành nên vũ trụ ngay tại những khoảnh khắc đầu tiên là một thử thách hầu như không thể vượt qua được. Vấn đề ở đây là bốn nhân tố của thiên nhiên – trọng lượng và hiện tượng điện từ, năng lượng hạt nhân mạnh và yếu – không hề tồn tại ngay ở những khoảnh khắc đầu tiên của quá trình hình thành nên vũ trụ. Chúng xuất hiện sau, khi tỷ trọng và nhiệt độ của giai đoạn đầu đã gia tăng đột biến nên các phân tử vật chất khác, chẳng hạn như hydro và heli, bắt đầu hình thành. Sự xuất hiện chính xác của big bang là những gì các nhà khoa học gọi là “sự phi thường”. Ở đây, tất cả mọi phương trình toán học và các nguyên tắc vật lý đều sụp đổ. Các con số thường được xác định, chẳng hạn như tỷ trọng và nhiệt độ, trở nên mơ hồ ngay tại khoảnh khắc đó.

Vì quá trình nghiên cứu khoa học về căn nguyên hình thành vũ trụ đòi hỏi sự ứng dụng các phương trình toán học và các quy luật vật lý xác đáng, nên dường như là, nếu các phương trình và các quy luật này không đúng, thì chúng ta buộc phải tự hỏi rằng liệu chúng ta trong vai trò là nhân loại có thể nào có được sự hiểu biết hoàn toàn về những khoảnh khắc đầu tiên của vụ nổ big bang này hay không. Những nhà khoa học bạn bè của tôi đã nói với tôi rằng một số các chuyên gia vật lý hàng đầu đã bắt tay vào việc nghiên cứu tìm hiểu câu truyện về những giai đoạn đầu tiên hình thành vũ trụ này. Tôi được biết rằng có một số nhà khoa học tin rằng giải pháp cho vấn đề này ắt hẳn phải là một học thuyết trung hòa, học thuyết này giúp chúng ta kết hợp được tất cả mọi quy luật vật lý đã được biết đến. Có lẽ nó có thể kết hợp hai mô hình của vật lý hiện đại dường như mâu thuẫn với nhau – thuyết tương đối và cơ học lượng tử. Tôi được biết rằng những kết luận rõ ràng của hai học thuyết này mãi cho đến nay vẫn cho thấy là không thể hợp nhất được. Học thuyết tương đối cho rằng chúng ta có thể thực hiện các tính toán chính xác về điều kiện của vũ trụ tại bất kỳ thời điểm nào nếu chúng ta có đủ các thông tin cần thiết. Cơ học lượng tử, ngược lại, khẳng định rằng chúng ta chỉ nên hiểu thế giới của những phân tử (hạt) qua lăng kính hiển vi ở góc độ xác suất tự nhiên, bởi vì thành phần cơ bản của thế giới vật chất là các định lượng của vật chất (thế nên gọi là khoa học lượng tử), học thuyết này luôn phản bác những nguyên lý mơ hồ không xác đáng. Các học thuyết khác chẳng hạn như học thuyết siêu chuỗi hoặc học thuyết M đều được xem là những học thuyết không xác đáng.

Lại có một khó khăn khác nữa trong việc tìm hiểu căn nguyên hình thành nên vũ trụ của chúng ta. Xét ở mức độ cơ bản, cơ học lượng tử cho chúng ta biết rằng chúng ta không thể dự đoán chính xác về việc các phân tử vận hành như thế nào trong một điều kiện nào đó. Vì thế, chúng ta chỉ có thể dự đoán về lối vận hành của các phân tử dựa vào những khả năng có thể xảy ra (xác suất ngẫu nhiên). Nếu thế thì, bất kể kiến thức về toán học của con người có phát triển đến đâu, vì kiến thức của chúng ta về giai đoạn sơ khai của mọi sự vật hiện tượng lúc nào cũng bị thiếu khuyết, nên chúng ta không thể hoàn toàn hiểu được toàn bộ câu truyện về sự hình thành vũ trụ này. Trong hoàn cảnh tốt nhất, chúng ta chỉ có thể đưa ra những phỏng đoán ước đoán gần đúng, nhưng chúng ta không bao giờ có thể có được bảng mô tả hoàn toàn đầy đủ thậm chí về một nguyên tử đơn, huống chi là bảng mô tả đầy đủ về toàn bộ vũ trụ này.

Trong thế giới Phật giáo có nói đến khả năng thực tiễn trong việc đạt được sự hiểu biết hoàn toàn về căn nguyên khởi nguồn của vũ trụ. Một đoạn kinh Đại thừa có tên gọi là Tinh hoa có nói về những thảo luận dài dòng về một hệ thống các thế giới vô lượng (vô bờ bến) và những giới hạn trong hiểu biết của con người. Một đoạn kinh được gọi là “Vô lượng” nói về một chuỗi các kết quả tính toán với các con số cực kỳ lớn, và mức độ cao nhất là “vô lượng”, “không thể đếm suể”, “không giới hạn”, ”vô song”. Con số cao nhất là “vô kể bình phương”, con số này được định nghĩa là con số vô hạn đem nhân với chính nó! Một người bạn đã nói với tôi rằng con số này có thể được viết tương đương là 1059 . Đoạn kinh Tinh hoa này tiếp tục áp dụng những con số phi thường này vào các hệ thống vũ trụ; đoạn kinh này cho rằng nếu thế giới “vô hạn”, thì số lượng các hệ thống thế giới là vô cùng.

Tương tự, trong các đoạn kinh thơ có nói về mối quan hệ tương hỗ phụ thuộc sâu sắc ở mức độ vô cùng phức tạp của thế giới này với rất nhiều những viên đá quý được gọi là “mạng lưới những viên ngọc của Indra”, mạng lưới này là một không gian vô hạn. Tại mỗi điểm gút của mạng lưới này là một viên đá quý, viên đá quý này được kết nối với tất cả những viên đã quý còn lại và phản ánh rõ về tất cả những viên đá quý còn lại. Trên một mạng lưới như thế, không có viên đá nào nằm ở trung tâm mạng lưới và cũng chẳng có viên đá nào nằm ở rìa của mạng lưới; nói đúng hơn, nó vừa nằm ở trung tâm vừa nằm ở rìa. Nó nằm ở trung tâm mạng lưới này bởi vì nó phản ánh được tất cả những viên đá còn lại, đồng thời nó cũng nằm ở rìa của mạng lưới này bởi vì nó được phản ánh qua tất cả những viên đá còn lại. Qua mối quan hệ liên kết sâu sắc của mọi đối tượng trên thế giới như thế, chúng ta không thể nào có được hiểu biết hoàn toàn thậm chí ngay cả hiểu biết hoàn toàn về một nguyên tử đơn, trừ khi chúng ta là người toàn trí toàn thức (thông suốt mọi sự). Thậm chí ngay cả việc tìm hiểu hoàn toàn về một nguyên tử đơn cũng đòi hỏi chúng ta phải hiểu biết được toàn bộ các mối liên hệ giữa nguyên tử đơn đó với tất cả mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ vô hạn này.

Các đoạn kinh Kalachakra cho rằng, trước khi được hình thành, bất kỳ một vũ trụ nào cũng đang còn ở trạng thái trống rỗng, trong trạng thái đó thì tất cả mọi yếu tố vật chất của nó đều tồn tại dưới hình thức là “các phân tử không gian”. Tại một điểm nào đó, khi các nghiệp chướng của các sinh linh tăng cao đến một mức độ cần thiết nào đó tại một vũ trụ nào đó thì “các phân tử khí” bắt đầu kết hợp lại cùng nhau, tạo ra ngọn gió vũ trụ. Sau đó “các phân tử lửa” tập hợp lại theo cùng một cách, tạo ra “nhiệt lượng” vận hành trong không khí. Sau quá trình này, “các phân tử nước” kết hợp lại để hình thành các “cơn mưa” xối xả cùng với sấm sét. Cuối cùng, “các phân tử đất” kết hợp lại và, cùng với các nhân tố khác, bắt đầu hình thành trạng thái vững chắc của nền tảng. Nhân tố thứ năm, “không gian”, được xem là nhân tố tỏa khắp bốn nhân tố còn lại với tên gọi là lực lượng nội tại và vì thế nó không sở hữu bất kỳ một đặc tính tồn tại riêng biệt độc lập nào. Qua một khoảng thời gian dài, năm nhân tố này phát triển mở rộng để hình thành nên vũ trụ vật chất như chúng ta đã biết và đang sống trong nó.

Mãi cho đến nay chúng ta đã và đang nói về căn nguyên hình thành vũ trụ như thể nó chỉ gồm có một sự kết hợp giữa vật chất vô tri vô giác và năng lượng mà thôi – chúng ta xem đây là sự khai sinh ra các dải ngân hà, các hố đen vũ trụ, các vì sao, các hành tinh, và các thành phần hạ nguyên tử. Tuy nhiên theo quan điểm Phật giáo, ngoài ra còn có vấn đề quan trọng về vai trò của hữu thức. Ví dụ, cả hai học thuyết vũ trụ Kalachakra và Abhidharma đều cho rằng sự hình thành nên một hệ thống vũ trụ nào đó có quan hệ mật thiết với những xu hướng nghiệp chướng của các sinh linh. Nói cho dễ hiểu theo ngôn ngữ hiện nay, hai học thuyết vũ trụ Phật giáo này muốn nói rằng hành tinh của chúng ta đã tiến hóa nhằm hỗ trợ sự sinh tồn của vô số những sinh linh đang tồn tại trên trái đất này ngày nay.

Qua việc dẫn chứng về nghiệp chướng, tôi không có ý muốn nói rằng theo như quan điểm Phật giáo thì tất cả mọi đối tượng đều được hình thành bởi luật nhân quả đâu nhé! Chúng ta phải phân biệt giữa quan hệ nhân quả tự nhiên, một điều kiện nào đó sẽ đem lại một số kết quả nào đó, và quy luật về nghiệp chướng thì một hành vi cố ý nào đó sẽ đem lại một kết quả nào đó. Vì thế, ví dụ, nếu một đống lửa bị bỏ lại trong một khu rừng và cháy lan vào những đám cỏ, dẫn đến việc cháy rừng, thì một khi những thân cây bị cháy, chúng sẽ bốc lửa, bốc khói, tạo ra than, đây là một quá trình vận hành của tự nhiên trong quan hệ nhân quả. Trong trường hợp này hoàn toàn không có gì liên quan đến “nghiệp chướng” cả. Nhưng một người quyết định đốt một đống lửa và quên dập tắt nó – điều này sẽ tạo thành một chuỗi những sự kiện gắn liền với nhau – trường hợp này là một ví dụ về quy luật nghiệp chướng.

Quan điểm của tôi là, toàn bộ quá trình tìm hiểu căn nguyên của vũ trụ là một vấn đề có liên hệ mật thiết với quy luật nhân quả của tự nhiên. Tôi mường tượng rằng trong trường hợp này thì quy luật về nghiệp chướng xuất hiện ở hai điểm. Khi vũ trụ đã phát triển tới một giai đoạn mà nó có thể hỗ trợ cho sự sống của mọi sinh linh, thì số mệnh của nó có liên hệ đến nghiệp chướng của những sinh linh đang tồn tại trên nó. Ngoài ra còn có sự can thiệp của quy luật về nghiệp chướng ở mức độ tinh vi hơn, nghiệp chướng của các sinh linh tồn tại trên vũ trụ sẽ tác động trực tiếp đến nghiệp chướng của vũ trụ này.

Khả năng phân biệt được đâu là quan hệ nhân quả và đâu là nghiệp chướng, theo truyền thống Phật giáo, được cho là chỉ có ở bậc toàn trí toàn thức. Vấn đề ở đây là, làm thế nào để hòa hợp hai lối giải thích – một là, bất kỳ một hệ thống vũ trụ nào và bất kỳ một sinh linh nào tồn tại trên vũ trụ đó cũng đều xuất nguồn từ nghiệp chướng, và hai là, có một mối quan hệ nhân quả của tự nhiên trong sự xuất hiện của các đối tượng đó. Các bài kinh Phật giáo xa xưa cho rằng vật chất và ý thức là hai mặt của mọi vấn đề, chúng có mối quan hệ lẫn nhau tùy thuộc vào toàn bộ quá trình quan hệ nhân quả giữa chúng.

Triết học Phật giáo cho rằng có bốn quy luật chính chi phối toàn bộ vũ trụ – quy luật về tự nhiên, quy luật về sự phụ thuộc, quy luật về sự vận hành hoạt động, và quy luật về tính hiển hiện. Vậy thì câu hỏi đặt ra là, bốn quy luật này (bốn quy luật cấu thành mọi quy luật của tự nhiên theo như triết học Phật giáo) có tồn tại độc lập với quy luật nghiệp chướng không, hay sự tồn tại của chúng được gắn liền với quy luật nghiệp chướng của những sinh linh tồn tại trên vũ trụ mà chúng đang vận hành? Vấn đề này cũng giống như vấn đề được đặt ra trong mối quan hệ giữa các quy luật vật lý. Liệu có tồn tại các quy luật vật lý hoàn toàn khác ở một vũ trụ khác không, hay các quy luật vật lý mà chúng ta đã biết luôn luôn đúng ở tất cả mọi vũ trụ? Nếu câu trả lời là, một tập hợp các quy luật vật lý khác có thể vận hành ở một vũ trụ hoàn toàn khác, nếu thế thì điều này cho thấy (theo khía cạnh triết lý Phật giáo) rằng thậm chí ngay các các quy luật vật lý cũng có liên hệ với nghiệp chướng của các sinh linh xuất hiện trong vũ trụ hoàn toàn khác đó.

Thậm chí ngay cả khi tôi đã được lĩnh hội tất cả những học thuyết khoa học tinh vi về căn nguyên của vũ trụ, thì tôi vẫn băn khoăn bởi những câu hỏi lớn này: Cái gì đã tồn tại trước vụ nổ big bang? Vụ nổ big bang xuất nguồn từ đâu? Cái gì đã gây nên vụ nổ này? Tại sao hành tinh của chúng ta lại có thể là nơi tồn tại sự sống. Đâu là mối quan hệ giữa vũ trụ và những sinh linh gắn liền với nó? Các nhà khoa học có thể lướt qua các câu hỏi này và xem chúng là những câu hỏi vô nghĩa, hoặc họ có thể thừa nhận tầm quan trọng của chúng nhưng vẫn phủ nhận rằng chúng thuộc về phạm vi giải quyết của khoa học. Tuy nhiên, cả hai lối phản ứng này đều cho thấy rằng kiến thức khoa học của chúng ta về căn nguyên của vũ trụ vẫn còn đang bị giới hạn rất nhiều. Tôi không phản đối quan điểm duy vật của mọi người. Và trong Phật giáo thì, vũ trụ này được xem là vô hạn, vô chung vô thủy, vì thế tôi rất vui khi được tham gia tìm hiểu về những gì vượt xa hơn vụ nổ big bang đó và tìm hiểu về những gì đã xuất hiện trước cả vụ nổ big bang này.

——-???——-

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HÀI HÒA
  2. PHẬT GIÁO KHÔNG CHỈ TƯƠNG HỢP MÀ CÒN HOAN NGHÊNH VŨ TRỤ HỌC HIỆN ĐẠI
  3. HOA TẠNG THẾ GIỚI

Bài viết khác của tác giả

  1. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  2. KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI
  3. SUY TƯ VỀ NHỮNG NGƯỜI MUỐN BƯỚC THEO CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN