THIỀN VÀ VĂN HÓA NHẬT BẢN

DAISETZ TEITARO SUZUKI

 

D.T.Suzuki (1870 – 1966), là một học giả lừng danh người Nhật. Ngài đã góp công rất nhiều trong việc truyền bá Thiền tông sang Tây phương.

Ngoài cái học lực rộng như biển – Đại sư Suzuki biết Hán văn, Phạn ngữ, Tây Tạng, Anh ngữ, Pháp ngữ. Đại sư còn một điểm đặc biệt là hành giả, một hành giả đã đi sâu vào nẻo Đạo, đã thu thập nhiều ấn chứng, khiến Đại sư “tâm thông cập thuyết thông”. Đã thuyết thông lại thêm trình bày theo thể cách Âu, Mỹ bằng chính ngôn ngữ của họ với một nghệ thuật tinh vi, những sách của Ngài đã làm phát khởi một phong trào nghiên cứu rất có lợi cho Đại Thừa và mỗi lúc mỗi lôi cuốn thêm thành phần trí thức.Công truyền bá Phật giáo vào Âu Mỹ vào đầu thế kỷ 20 của Đại sư thật là vĩ đại, mở đầu cho Phật giáo các nước khác, như Phật giáo Tây Tạng.

?????

Sự ảnh hưởng của các phái khác trong Phật giáo với nền văn hóa Nhật Bản thường bị hạn cuộc trong phương diện sinh hoạt tôn giáo của người Nhật, chỉ mỗi Thiền tông là không bị hạn cuộc như thế. Đối với sự sinh hoạt văn hóa Nhật Bản, nó có ảnh hưởng rất sâu trong các phương diện, đó có thể nói là một sự thật có ý nghĩa và sâu sắc.

Thiền mở ra sự xung động nghệ thuật của người Nhật Bản, đồng thời cũng do tư tưởng cá tính của nó, đã tạo nên cho tác phẩm một sắc thái độc đáo, mà một trong những lý do đó là những sự thật cơ bản sau:

Trong suốt thời Liêm Thương và Thất Đinh, Thiền viện đã trở thành kho báu của nền học vấn và nghệ thuật. Các Thiền tăng ở đó có cơ hội tiếp xúc với nền văn hóa Trung Hoa, họ đặc biệt được tầng lớp quý tộc tôn sùng, coi họ là người cổ xúy cho nền giáo dục. Bản thân những Thiền tăng này là những nghệ thuật gia, học giả hoặc tư tưởng gia thần bí. Họ nhờ những người có chức quyền đem về Nhật Bản những tác phẩm nghệ thuật và sản phẩm công nghệ của nước ngoài, mà tầng lớp quý tộc và tầng lớp thống trị của Nhật Bản lại là những người rất nhiệt tâm tu Thiền và ủng hộ Thiền môn. Thế nên Thiền không chỉ tác dụng trực tiếp đến cuộc sống tôn giáo ở Nhật, mà còn ảnh hưởng rộng lớn đến các lãnh vực văn hóa khác nữa.

Các tông phái Phật giáo như: Thiên Thai, Chân Ngôn và Tịnh Độ… đã làm cho tinh thần Phật giáo thâm nhập vào phương diện tâm linh của người Nhật Bản, mà tác dụng của nó không thể coi thường được. Với tông chỉ: “Phật đức cụ hiện”, họ đã xúc tiến phát triển mạnh mẽ các bộ môn như: điêu khắc, hội họa, kiến trúc, dệt may và mỹ nghệ vàng bạc của Nhật Bản. Trong kho tàng quốc gia nổi tiếng nhất của Nhật Bản còn lưu trữ đại đa số những tác phẩm điêu khắc và hội họa thuộc hai triều đại: Nại Lương và Bình An. Chính lúc này là thời kỳ phồn vinh nhất của Thiên Thai tông và Chân Ngôn tông, và cũng chính là thời đại mà nó có quan hệ mật thiết với các tầng lớp văn hóa Nhật Bản. Với Tịnh Độ tông, chủ trương chủ yếu của nó là tuyên dương cõi Cực Lạc vô hạn trang nghiêm, mà trong cõi đó có đức Phật suất lãnh chư vị Bồ Tát…Các nghệ thuật gia Nhật Bản cảm ngộ việc đó, và đã vẽ nên những bức họa Phật giáo vô cùng trang nghiêm, bắt mắt. (Những tác phẩm đó đến nay vẫn còn được bảo tồn trong các tự viện tại Nhật Bản).

Trong sự tu hành của Thiền – tức là đem giáo nghĩa của Thiền dung hòa vào đời sống thực tiễn. Đó là, hòa mình cùng thiên nhiên, đồng tình cùng thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên, nên đã mô tả lại thiên nhiên từ sâu trong thẳm tâm hồn mình. Họ quan sát con sâu, cái kiến, chú chim, cục đá, thú rừng và dòng khe róc rách uốn lượn…Điểm đặc biệt của sự quán sát đó, là trong sâu lắng nó đã phản ánh được tính triết học, phản ánh được trực giác của họ. Sự quán sát của họ không giống như sự quán sát của nhà nghiên cứu vạn vật, bởi họ muốn trong sự quán sát đó, tâm mình sẽ trực tiếp khế nhập vào trong sinh mệnh của đối tượng. Trong tâm của họ, cơ hồ có cái gì đó như là phép thuật, khiến họ có thể sáng tạo một cách độc đáo và kỳ đặc. Quốc sư Mộng Song (1275 – 1351) trong thời đại Cát Dã, Thất Đinh chính là một thí dụ tốt nhất, ông vừa là một nhà danh họa, đồng thời cũng là một nghệ nhân viên lâm. Những nơi đã từng đi qua, ông đều thiết kế để lại những tác phẩm của mình (vườn và nhà kiểu Nhật).

Từ những ngày khởi nguyên của nền văn minh, người đông phương đã chịu sự giáo dục chỉ có chuyên tâm vào sự tu hành thì mới có thể đạt được thành tựu về nghệ thuật, hoặc tôn giáo trên thế giới. Sự thật thì: “Một là tất cả, tất cả là một” chính là một biểu đạt hay nhất của Thiền, mà chỉ có người thật sự hiểu về chân lý đó mới có khả năng trở thành một thiên tài mang tính sáng tạo.

Bậc thầy về Thiền cho rằng, câu: “Một là tất cả, tất cả là một” ở đây không phải “một” và “tất cả” đều tự tồn tại, rồi sau mỗi cá thể lại tồn tại trong cá thể khác. Bất luận là “một” hay “tất cả”, trong con mắt của nhà Thiền thì chúng không thể được cụ thể hóa như một vật mà giác quan có thể nắm bắt được. “Một là tất cả, tất cả là một” phải được hiểu là một sự biểu đạt trực giác siêu việt tuyệt đối, và hoàn toàn không thể được phân tích bằng khái niệm. Trên quan điểm một hành giả mà nói, thì hai từ “một” và “tất cả” đều đồng một thể tánh, mà ta không nên chia chẻ nó ra làm hai. Với quan điểm của người mượn danh Thiền mà nói thì: “Vạn vật đều là Chân như, Chân như là Tánh Không”. Tức là vạn vật tồn tại trong Tánh Không, xuất hiện từ Tánh Không, và trở về với Tánh Không. Chân như tức là Tánh Không, Tánh Không tức là Chân như.

“Một là tất cả, tất cả là một” là trực quan, là thể nghiệm, là giáo pháp căn bản của các tông phái Phật giáo. Nếu nói theo kinh Bát nhã, thì đó là “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. “Không” là thế giới tuyệt đối, và “sắc” là thế giới đặc thù. Một câu nói nổi tiếng thường được dùng nhất trong nhà Thiền đó là “Liễu lục hoa hồng”. Đó là sự diễn tả rõ ràng nhất về thế giới đặc thù ấy, kể cả câu: “Trúc trực, tùng khúc” cũng đều mang nghĩa đó. Thiền không phải là Không chẳng qua Thiền cho rằng kinh nghiệm thực tế của thế giới đặc thù, nếu nói trên ý nghĩa tuyệt đối, thì tất cả đều là “Không”. “Không”, trên ý nghĩa tuyệt đối thì nó không phải khái niệm dựa trên phương pháp phân tích logic, mà là chỉ cho sự thể nghiệm trực giác thực tế của người ta, như: “trúc trực, hoa hồng”…Nó chỉ thừa nhận thực tế về trực giác cho đến thật sự về lãnh ngộ thôi. Khi sức chú ý của chúng ta không phải là lý tính hướng ngoại, mà là chỉ vào bản tâm bên trong, thì chúng ta sẽ đốn ngộ được rằng: Tất cả đều xuất phát từ “Không”, và tất cả trở về với “Không”. Hình thức lặp lại này, trông thì có vẻ là vận động song hành, nhưng thực tế thì nó chỉ là một. Hai động thái ấy cùng một tánh, là một tảng đá cho chúng ta thể nghiệm và tất cả những vận động trong cuộc sống đều chỉ có thể phơi bày ra trên bề mặt ấy. Mục đích của Thiền chính là dắt dẫn chúng ta khai quật tảng đá đó.

Các môn nghệ thuật, nếu không có sự hỗ tương của loại trực giác, mà ta gọi là “vũ trụ vô ý thức” thì sẽ không thể tương quan được, vì tất cả được phát sinh từ một cội nguồn trực giác này. Người Nhật Bản tin rằng trực giác chuyên môn vốn có của các kiếm sĩ, trà nhân, và bậc thầy của các môn nghệ thuật… rốt ráo cũng chỉ là một sự ứng dụng đặc thù của sự thể nghiệm lớn mà thôi. Đối với niềm tin ấy, hiện nay cơ sở khoa học chưa thể nào tiến hành phân tích triệt để được. Nhưng, có một điểm mà người Nhật Bản thừa nhận, đó chính là :chỉ có mang sự thể nghiệm căn bản này thì mới có thể thấu rõ được tất cả sức sáng tạo. Và căn nguyên của xung động về nghệ thuật mới có thể siêu việt được biển sanh tử, đạt đến hình bóng vô thường của mọi sự tồn tại, và tạo nên sự triệt ngộ về “vô ý thức” của “thực tại.

Trích “THIỀN VÀ VĂN HÓA NHẬT BẢN”
Tác giả: D.T. SUZUKI
Việt dịch: Thích Nhuận Tánh
NXB Hồng Đức, năm 2013

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NGỘ THEO CÁI NHÌN CỦA PHÂN TÂM HỌC
  2. TỌA THIỀN CHÂM: TÂM YẾU TỌA THIỀN

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHÍNH CỦA NGỘ
  2. KINH NGHIỆM NGỘ
  3. CON SƯ TỬ VÀNG – CỐT TỦY ĐẠO PHẬT

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG