HH. DALAI LAMA XIV
HOWARD C. CUTLER
Trích: Sống Hạnh Phúc, Cẩm Nang Cho Cuộc Sống; Nguyên tác: The Art of Happiness; Việt dịch: Nguyễn Trung Kỳ; NXB. Lao động; Công ty VH-TT Nhã Nam, 2010
Trong khi chúng tôi đã nói chuyện về tầm quan trọng của lòng nhiệt tình và yêu thương của con người trong cuộc nói chuyện ở Arizona, thì chỉ vài tháng sau tại nhà ngài ở Dharamsala, tôi đã có cơ hội khai phá các mối quan hệ con người với ngài một cách chi tiết hơn. Vào lúc ấy, tôi rất nôn nóng xem xem liệu chúng ta có thể khám phá ra một tập hợp nguyên tắc nền tảng mà ngài sử dụng trong các cuộc giao tiếp của ngài với người khác không – những nguyên tắc có thể áp dụng để cải thiện bất cứ mối quan hệ nào, dù với người lạ, gia đình, bạn bè hay người yêu. Nôn nóng muốn bắt đầu, tôi đi ngay vào đề:
“Bây giờ, về chuyện các mối quan hệ của con người… ngài cho đâu là phương pháp hay kỹ thuật hiệu quả nhất để kết nối với người khác bằng một cách thức có ý nghĩa và giảm bớt những xung khắc với người khác?”
Ngài nhìn chòng chọc vào tôi một lát. Đó không phải là một cái nhìn trừng trừng thiếu lịch sự, nhưng làm tôi cảm thấy như mình vừa mới hỏi xin ngài công thức hóa học chính xác của bụi trên mặt trăng vậy.
Sau một thoáng ngừng lại, ngài trả lời: “Ồ, quan hệ với người khác là một vấn đề rất phức tạp. Anh không có cách nào đi đến một công thức giải quyết được hết mọi vấn đề đâu. Có chút gì giống như việc nấu ăn đấy. Nếu anh nấu một món ăn rất ngon, một món ăn đặc biệt, thi sẽ có những giai đoạn khác nhau trong việc nấu nướng. Có thể anh phải nấu chín riêng từng loại rau quả rồi mới chiên xào, sau đó mới trộn cả lại theo một công thức đặc biệt, cho thêm gia vị, vân vân. Và cuối cùng, kết quả sẽ là một món ăn ngon. Tương tự như vậy, ở đây, để trở nên khéo léo trong giao tế với người khác, anh cần đến nhiều yếu tố. Anh không thể chỉ nói: “Là cách này đây” hoặc “Là kỹ thuật này đây.”
Đó không phải là câu trả lời tôi chờ đợi. Tôi nghĩ rằng ngài đang tránh né, và cảm thấy chắc chắn ngài phải có điều gì đó cụ thể hơn để cho. Tôi lấn tới: “Ồ, cứ cho rằng không có một giải pháp duy nhất để cải thiện các mối quan hệ, nhưng có lẽ có một số hướng dẫn tổng quát hơn và hữu ích chứ?”
Đức Đạt Lai Lạt Ma suy nghĩ một chút trước khi trả lời: “Có. Trước đây chúng ta đã nói về tầm quan trọng của việc đến với người khác với ý nghĩ về lòng yêu thương. Đó là điều quan trọng. Dĩ nhiên, chỉ riêng việc bảo ai đó rằng: ‘Ồ, điều rất quan trọng là yêu thương. Anh phải yêu thương nhiều hơn nữa’ thì chưa đủ. Một kiểu kê toa như thế sẽ chẳng đem lại kết quả gì. Nhưng phương tiện hiệu quả để dạy ai đó làm thế nào để trở nên nồng hậu và yêu thương hơn là đầu tiên hãy dùng lý luận để giáo dục người đó về giá trị và lợi ích thực tiễn của lòng yêu thương, và làm họ suy tư về chuyện họ cảm thấy ra sao khi ai đó tử tế với họ, vân vân. Theo một nghĩa nào đó, việc này khai tâm cho họ, để sẽ còn hiệu quả hơn nữa khi họ tiếp tục trong nỗ lực của mình để trở nên yêu thương hơn.
“Bây giờ, khi nhìn vào những phương cách đủ loại để phát triển lòng yêu thương, tôi nghĩ rằng sự đồng cảm là một yếu tố quan trọng. Đây là khả năng coi trọng sự đau khổ của người khác. Thật vậy, theo truyền thống, một trong những kỹ thuật của Phật giáo để tăng cường lòng yêu thương là hình dung ra một hoàn cảnh trong đó một loài có tri giác đang đau khổ – chẳng hạn, một con cừu sắp bị tay đồ tể giết. Sau đó cố gắng hình dung nỗi đau khổ mà con cừu sẽ phải trải qua v.v…” Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại một chút để suy nghĩ, lơ đãng lần chuỗi hạt bồ đề qua những ngón tay. Ngài nhận xét: “Tôi nảy ra ý nghĩ rằng nếu gặp những người vốn rất lạnh nhạt, thờ ơ thì loại kỹ thuật này có thể không có hiệu quả lắm. Sẽ như thể anh đòi người đồ tể hãy làm công việc tưởng tượng này: người đồ tể đã quá chai sạn, đã quá quen với toàn bộ việc này, nên cách đó sẽ không có tác động gì. Thế nên, lấy thí dụ, sẽ rất khó mà giải thích và sử dụng kỹ thuật ấy cho một số người phương Tây đã quen với việc săn bắn và câu cá để vui đùa, như một hình thức giải trí…”
“Trong trường hợp ấy,” tôi đề nghị, “có thể đó không phải là một kỹ thuật hữu hiệu khi yêu cầu người thợ săn tưởng tượng đau khổ của con mồi của anh ta, nhưng ngài có thể đánh thức những cảm giác yêu thương bằng cách đầu tiên bảo anh ta hình dung con chó săn yêu quý của anh bị vướng vào bẫy và lăn lộn đau đớn…”
“Vâng, đúng vậy…” Đạt Lai Lạt Ma đồng ý. “Tôi nghĩ tùy vào hoàn cảnh mà người ta có thể điều chỉnh cái kỹ thuật này. Chẳng hạn, người ấy có thể không có cảm xúc đồng cảm với thú vật, nhưng ít ra còn có chút đồng cảm với những thành viên gần gũi trong gia đình hoặc bạn thân. Trong trường hợp này, người ấy có thể hình dung một hoàn cảnh trong đó người thân yêu đang đau khổ hoặc nếm trải một tình trạng bi thảm, rồi hình dung xem họ sẽ đáp ứng hoặc phản ứng ra sao với điều đó. Như vậy, anh có thể tìm cách gia tăng lòng yêu thương bằng cách thử thông cảm với cảm xúc hoặc trải nghiệm của người khác.
“Tôi nghĩ; sự đồng cảm là quan trọng, không chỉ như một phương tiện làm tăng thêm lòng yêu thương, mà tôi nghĩ rằng nói chung, khi liên hệ với người khác ở bất cứ cấp độ nào, nếu anh gặp một vài khó khăn, thì điều cực kỳ có ích là hãy thử đặt mình vào vị trí của người khác và nhìn xem anh sẽ phân ứng với hoàn cảnh ấy ra sao. Ngay cả nếu như anh không có một kinh nghiệm chung với người kia, hoặc có lối sống rất khác biệt, anh vẫn có thể làm được điều này qua sự tưởng tượng. Anh có thể cần đôi chút sáng tạo. Kỹ thuật này liên quan đến khả năng tạm dừng việc bám vào quan điểm của anh, mà nhìn từ quan điểm của người khác, để hình dung hoàn cảnh sẽ là gì nếu anh ở vào cương vị người ấy, anh sẽ xử lý tình huống như thế nào. Điều này giúp anh phát triển sự ý thức và tôn trọng những cảm xúc của người khác, là một yếu tố quan trọng trong việc giảm thiểu những mâu thuẫn và rắc rối với người khác.”
Buổi phỏng vấn của chúng tồi chiều hôm ấy rất ngắn gọn, Tôi chen được vào những phút cuối cùng trong lịch trình bận bịu của Dạt Lai Lạt Ma, và giống như nhiều lần trao đổi khác, nó diễn ra vào cuối ngày, Bên ngoài, mặt trời đang lặn, chiếu ngập gian phòng với chút ánh sáng nhạt nhòa đó quạch, làm những bức tường màu vàng nhạt biến thành màu hổ phách, chiếu sáng những hình ảnh Phật giáo trong phòng với một sắc độ vàng rực. Người phục vụ của Đạt Lai Lạt Ma lặng lẽ đi vào phòng, ra hiệu kết thúc lần gặp của chúng tôi. Kết lại buổi nói chuyện, tôi hỏi: “Tôi biết rằng chúng ta phải kết thúc thôi, nhưng ngài có lời khuyên hay phương pháp nào khác mà ngài dùng để giúp thiết lập sự đồng cảm với người khác không?”
Nhắc lại những lời ngài đã nói ở Arizona nhiều tháng trước, với một sự giản dị hiền từ, ngài trả lời: “Mỗi khi tôi gặp người khác, tôi luôn đến với họ dựa trên chỗ đứng là những điều căn bản nhất mà chúng tôi có chung với nhau. Mỗi chúng ta đều có một cấu trúc thể lý, tâm hồn, cảm xúc. Chúng ta được sinh ra như nhau, và tất cả chúng ta đều chết. Mọi người trong chúng ta, ai ai cũng muốn được hạnh phúc, không ai muốn đau khổ. Nhìn những người khác từ chỗ đứng này thay vì nhấn mạnh những khác biệt thứ yếu như chuyện tôi là người Tây Tạng, hoặc khác biệt màu da, tôn giáo hay bối cảnh văn hóa, điều ấy cho phép tôi có cảm giác tôi đang gặp gỡ một người giống như tôi. Tôi thấy việc liên hệ với người khác trên bình diện ấy khiến việc trao đổi và truyền thông với nhau trở nên dễ hơn nhiều.” Nói rồi, ngài đứng dậy, mỉm cười, siết nhẹ tay tôi và rời đi.
Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục cuộc trao đổi ở nhà ngài.
“Ở Arizona, chúng ta đã nói nhiều về tầm quan trọng của lòng yêu thương trong các mối quan hệ của con người. Còn hôm qua, chúng ta thảo luận về vai trò của sự đồng cảm trong việc cải thiện khả năng tương giao của mình với người khác…”
“Đúng rồi,” Đạt Lai Lạt Ma gật đầu.
“Ngoài những điều đó ra, ngài có thể gợi ý những phương pháp hay kỹ thuật nào để giúp người ta hành xử một cách hiệu quả hơn với người khác không?”
“Ồ, như tôi đã nói hôm qua, chẳng hề có cách nào để anh chỉ trong một hai kỹ thuật đơn giản là giải quyết hết được mọi vấn đề. Tuy nhiên, dù nói vậy, tôi nghĩ rằng có một số yếu tố khác có thể giúp người ta giao tiếp với người khác một cách khéo léo hơn. Trước hết, hiểu và tôn trọng bối cảnh, tức hoàn cảnh xuất thân, trình độ giáo dục, nền văn hóa… của những người anh đang gặp là một điều rất hữu ích. Ngoài ra, đầu óc cởi mở và trung thực cũng là những phẩm chất hữu dụng khi giao tiếp với người khác.”
Tôi chờ, nhưng ngài không nói gì thêm nữa.
“Ngài có thể gợi ý những phương pháp nào khác để cải thiện những mối quan hệ của chúng ta không?”
Đạt Lai Lạt Ma suy nghĩ một lát, “Không” ngài cười lớn.
Tôi cảm thấy những lời khuyên ấy quá đơn giản, thực sự chung chung. Tuy nhiên, vì xem ra đó là tất cả những gì ngài muốn nói về vấn đề ấy lúc này, nên chúng tôi chuyển qua những chủ đề khác.