THỞ ĐI, BẠN ĐANG CÒN SỐNG

THÍCH NHẤT HẠNH & KATHERINE WEARE

Trích: Thầy Cô Giáo Hạnh Phúc Sẽ Thay Đổi Thế Giới - Tập 1 Cẩm Nang Hạnh Phúc; NXB Hà Nội, THAIHABOOKS.

Hơi thở chánh niệm (hay còn gọi là hơi thở ý thức) giúp ta đưa tâm trở về với thân để có thể thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại, bây giờ ở đây, để có mặt trọn vẹn và sống sâu sắc mỗi giây phút của đời sống hằng ngày.

Thầy cô giáo cần nắm vững phương pháp thực tập hơi thở chánh niệm trước khi trao truyền cho học sinh. Thực tập hơi thở chánh niệm rất vui và lý thú. Có khả năng thở những hơi thở chánh niệm mang lại cho ta niềm vui, giúp ta xử lý những cảm thọ khó chịu và những cảm xúc mạnh. Nếu thầy cô giáo có khả năng thở chánh niệm thì sẽ giúp học sinh thực tập theo một cách rất tự nhiên.

Ngay cả những em học sinh nhỏ tuổi cũng có thể là nạn nhân của những cảm thọ khó chịu và cảm xúc mạnh. Nếu không biết xử lý những tâm hành ấy thì các em sẽ rất khổ đau. Là giáo viên, thực tập theo dõi hơi thở và chế tác năng lượng chánh niệm sẽ có khả năng giúp cho học sinh bớt khổ. Điều này rất hay. Nếu hiểu được khổ đau của các em và lắng nghe khổ đau của các em, ta có thể nói với các em rằng: “Thầy (cô) cũng khổ đau nhưng nhờ thầy (cô) đã thực tập nên bây giờ thầy (cô) bớt khổ rồi. Em có muốn học cách này không?” Các em có thể lắng nghe mình. Truyền thông giữa giáo viên và học sinh như thế sẽ biến lớp học thành một tăng thân (một cộng đồng). Khi học sinh hạnh phúc, thư giãn thì công việc giảng dạy và học tập trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Đừng đợi đến khi có cảm xúc mạnh mới bắt đầu thực tập. Chúng ta nên bắt đầu thực tập hơi thở chánh niệm ngay. Trong vài tuần ta sẽ quen với sự thực tập này.

Chánh niệm về hơi thở rất thực tế, ai cũng có thể làm được. Thực tập hơi thở chánh niệm không khó nhưng mang lại nhiều sự tĩnh lặng và hạnh phúc ngay lập tức. Bài tập này bắt đầu rất đơn giản: “Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào. Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra.” Ta nhận diện hơi thở vào là hơi thở vào, hơi thở ra là hơi thở ra. Khi thở vào, ta biết đây là hơi thở vào. Ta ý thức là hơi thở vào đang xảy ra. Khi thở ra, ta biết là hơi thở ra đang xảy ra. Khi ta dùng tâm mình để nhận diện hơi thở vào và hơi thở ra thì ta dừng lại hết những suy nghĩ. “Thở vào, tôi biết đây là hơi thở vào”, đó không phải là suy nghĩ mà là nhận diện những gì đang xảy ra; cái đang xảy ra là hơi thở vào và hơi thở ra. Và ta có thể thưởng thức hơi thở của mình.

Khi thở vào, chúng ta đặt hoàn toàn sự chú ý của mình vào hơi thở. Hơi thở trở thành đối tượng duy nhất của tâm. Nếu thực sự tập trung và có chánh niệm về hơi thở thì ta buông bỏ được những thứ khác như quá khứ, dự án, sợ hãi, giận hờn. Tâm ta lúc đó chỉ có một đối tượng duy nhất là hơi thở. Ta có những tiếc nuối, buồn khổ liên quan đến quá khứ. Ta có những sợ hãi, do dự khi nhìn về tương lai. Chỉ trong vòng một hoặc hai giây thực tập là ta buông bỏ được tất cả những thứ ấy, bởi vì tâm ta chỉ đang tập trung vào hơi thở. Thở vào, chánh niệm làm cho ta có tự do. Có đủ tự do trong tâm rồi, nếu cần quyết định nói hay làm một điều gì, ta sẽ làm hay hơn. Ta không bị ảnh hưởng và chi phối bởi sự giận dữ hoặc sợ hãi.

Sự thực tập này mang lại kết quả rất lớn. Khi chú tâm vào hơi thở vào và trở về với thân thể, ta có thể có cái thấy (tuệ giác): “A, tôi có một thân thể! Tôi ý thức là tôi có một thân thể”. Khi thân tâm hợp nhất thì ta thực sự có mặt trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, sẵn sàng sống đời sống của mình một cách trọn vẹn. Nếu biết cách tiếp xúc và kết nối với thân thể, ta sẽ biết cách tiếp xúc và kết nối với đất Mẹ cùng toàn thể vũ trụ.

Xin đừng xem thường bài tập đơn giản và dễ làm này. Cho dù mình đã thực tập hơi thở chánh niệm mười năm, hai mươi năm rồi thì đó vẫn là một bài tập có sức mạnh rất lớn. Ta sẽ tiếp tục thừa hưởng lợi lạc ngày càng nhiều hơn trong quá trình thực tập.

Tiếp đến, ta theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra xuyên suốt chiều dài hơi thở. “Thở vào, tôi theo dõi hơi thở vào của tôi từ đầu cho đến cuối. Thở ra, tôi theo dõi hơi thở ra của tôi từ đầu cho đến cuối”. Trong suốt thời gian thở vào thở ra, chánh niệm của ta không bị gián đoạn. Chú tâm hoàn toàn vào hơi thở, ta nuôi dưỡng được định lực, không một khoảnh khắc nào bị gián đoạn. Ta hoàn toàn có mặt với hơi thở và an trú vững chãi trong hơi thở của mình. Vững chãi và an ổn nghĩa là không bị kẹt vào quá khứ hoặc tương lai. Ta có khả năng có mặt trong cái bây giờ, ở đây.

Trong suốt thời gian thở vào, nhiều cái thấy có thể đi lên trong ta như: “Thở vào, tôi đang còn sống!” Ta có thể ăn mừng phép lạ mình đang còn sống bằng chính hơi thở vào của mình. Điều đó đã là hạnh phúc rồi. Ta không cần đi tìm hạnh phúc ở một nơi còn sống nào khác. Ta chỉ ngồi, thở và thưởng thức sự thật là mình đang còn sống.

Nếu thực tập hơi thở chánh niệm trong khi đi, ta có thể nhận ra rằng còn sống là một điều rất mầu nhiệm và ta đang bước đi trên hành tinh xinh đẹp này. Với cái thấy ấy, ta có hạnh phúc ngay lập tức. Hạnh phúc không phải được làm bằng tiền bạc, danh vọng hay quyền hành mà chính bằng hơi thở chánh niệm. Bằng cách theo dõi và thưởng thức hơi thở vào ra của mình từ đầu cho đến cuối, ta có thể vun trồng thêm định lực, bởi vì niệm và định có cùng chung một bản chất như nước và băng đá. Khi thân và tâm tách rời nhau thì ta không thực sự có mặt. Sử dụng máy tính liên tục hai tiếng đồng hồ, ta có thể hoàn toàn quên đi là mình có một thân thể. Khi tâm không có mặt cho thân thì ta không thực sự sống. Ta đánh mất mình trong công việc, trong lo lắng, sợ hãi, trong những dự án, những kế hoạch. Hơi thở chánh niệm có thể giúp ta đưa tâm về đoàn tụ với thân. Làm được điều này thì đó là giây phút mà ta thực sự sống. Khi thân tâm hợp nhất, ta có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống trong ta và xung quanh ta. Đó là sự sống đích thực.

Có mặt cho thân thể, không những ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của thân thể mà còn đủ khả năng nhận ra được trong thân thể ta có những điều cần quan tâm để chuyển hóa, như căng thẳng và đau nhức. Sống trong quên lãng, ta để cho những căng thẳng và đau nhức tích tụ trong thân thể. Ta có nhiều stress. Cuộc sống hiện đại đã gây nên nhiều căng thẳng trong ta.

Thực tập hơi thở chánh niệm giúp ta buông bỏ những căng thẳng trong thân thể. “Thở vào, tôi buông bỏ căng thẳng trong thân thể tôi”. Khi thở vào và trở về với thân thể, ta nhận ra rằng, sự căng thẳng khiến cho ta không thư giãn, bình an và hạnh phúc. Thấy được điều này, ta có cảm hứng muốn làm một điều gì đó giúp cho thân thể ta bớt khổ. Khi thở vào và thở ra, ta để cho thân thể ta buông bỏ những căng thẳng. Đây là thực tập buông thư. Thực tập nhiều lần ta sẽ thấy rất dễ chịu và thích thú.

Chạy theo những áp lực của cuộc sống hằng ngày, ta thường có cảm giác như ta không có một tí thì giờ nào để thực tập chánh niệm cả. Tuy nhiên, khi thực tập hơi thở chánh niệm, buông bỏ những suy nghĩ và làm cho thân thể vững vàng thì ta chỉ cần mất một hoặc hai phút thôi. Ngồi trên xe buýt, lái xe hơi, tắm rửa hay nấu ăn sáng, ta đều có thể thực tập được. Ta có thể thực tập suốt ngày và thấy ngay được sự lợi lạc. Ta không thể nói: “Tôi không có thời gian để thực tập.” Ta có rất nhiều thời gian nếu ta biết cách. Điều này rất quan trọng. Khi ta thực tập có niềm vui và thư giãn thì học sinh của ta sẽ được lợi lạc. Thực tập hơi thở chánh niệm là một hành động thương yêu. Có bình an, niềm vui, thư giãn ta sẽ trở thành suối nguồn bình an và tươi vui cho người khác.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. KHÔNG CÓ BÙN THÌ KHÔNG CÓ SEN
  2. ĂN CƠM CHÁNH NIỆM

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ