THƯ GỬI TRƯỜNG HỌC – Ngày 01-05-1979

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống; Phụ Lục: Thư Gửi Trường Học; Bản dịch: Đào Hữu Nghĩa; NXB Thời Đại.

Rốt lại, trường học là nơi ta học chẳng những kiến thức cần cho cuộc sống thường ngày mà cũng học nghệ thuật sống với tất cả những phức tạp và tinh tế. Ta hình như quên mất điều sau này và trở nên hoàn toàn bị mắc kẹt trong cái tính nông cạn của kiến thức. Kiến thức luôn luôn ở trên bề mặt nông cạn và học nghệ thuật sống thì không cần thiết tư tưởng. Sống không được xem là nghệ thuật. Khi ta rời ghế nhà trường, ta ngừng học và tiếp tục sống dựa trên những điều đã được tích lũy như kiến thức. Ta không bao giờ xem cuộc sống là toàn bộ tiến trình học hỏi. Như ta quan sát cuộc sống, cuộc sống thường ngày là một cuộc chuyển động thay đổi triền miên và trí não ta thì không đủ nhanh nhẹn và nhạy cảm để theo dõi và nắm bắt mọi sự tinh tế của cuộc sống. Ta tiếp cận cuộc sống với những phản ứng có sẵn và những lối ứng xử cố định. Tình thế ấy có thể được ngăn chặn trong các trường học loại này không? Không có nghĩa rằng ta phải có một trí não cởi mở. Thông thường trí não mở tựa như một cái rây chỉ giữ lại một ít hoặc không gì cả. Nhưng một trí não có khả năng tri giác và hành động nhanh là cần thiết. Thế nên ta đã đi sâu vào vấn đề tuệ giác cùng với hành động tức thời của nó. Tuệ giác không lưu lại dấu vết của ký ức. Thông thường kinh nghiệm, như ta biết, lưu lại tàn dư như ký ức và phát xuất từ tàn dư này ta hành động. Do đó, hành động này tăng cường tàn dư và theo đó, hành động trở thành máy móc. Tuệ giác không phải là một hoạt động có tính máy móc. Vậy có thể dạy tuệ giác trong một trường học mà cuộc sống hàng ngày được xem là một tiến trình luôn luôn học hỏi và hành động trong quan hệ giao tiếp không tăng cường tàn dư tức ký ức? Với phần đông chúng ta, vết sẹo, tức tàn dư ký ức là tất cả sự quan trọng và ta đánh mất dòng chảy cực nhanh của cuộc sống.

Cả người học và nhà giáo dục đều sống trong hỗn loạn và vô trật tự, cả trong lẫn ngoài. Ta không thể tri giác sự kiện này và nếu có, ta nhanh chóng lập lại trật tự cho sự vật bên ngoài, nhưng ta hiếm khi tri giác tình trạng hỗn loạn và vô trật tự ở nội tâm.

Thượng Đế là vô trật tự. Quan sát vô số những Thượng Đế mà con người đã bịa ra, hay một Thượng Đế duy nhất, đấng cứu thế độc tôn, và quan sát sự hỗn loạn do việc làm này đã tạo ra, những cuộc chiến tranh Thượng Đế đã tạo ra, vô số những cuộc chia rẽ, những tín điều, biểu tượng và hình ảnh có khả năng chia cắt, phân ly. Đấy không phải là hỗn loạn và vô trật tự sao? Ta đã quá quen với tình trạng này rồi, ta chấp nhận nó một cách dễ dàng, bởi vì cuộc sống ta đã quá mệt mỏi và buồn chán và đau khổ nên ta tìm an ủi trong Thượng Đế, thần thánh mà tư tưởng đã phù phép nên. Đấy đã là lối sống của ta trong nhiều ngàn năm qua. Mọi nền văn minh đều đã tưởng tượng hay bịa đặt ra những Thượng Đế. Và những Thượng Đế tưởng tượng này đã là nguồn gốc của chế độ bạo chúa khủng khiếp của chiến tranh và hủy diệt. Những cơ ngơi họ xây dựng có thể đẹp đẽ một cách lạ lùng nhưng bên trong toàn là bóng tối và là nguồn gốc của sự hỗn loạn đảo điên.

Liệu ta có thể gạt bỏ những Thượng Đế này sang một bên không? Ta phải làm việc đó thôi nếu ta chịu xem xét tại sao trí não nhân loại chấp nhận và sống vô trật tự về mặt chính trị, tôn giáo và kinh tế. Nguồn gốc của tình trạng vô trật tự này, thực tại này là gì, không phải từ lý do thần học chi cả. Ta có thể gạt bỏ các khái niệm về vô trật tự và tự do để tra xét sâu vào nguồn cội của tình trạng vô trật tự thực sự diễn ra hàng ngày, không phải tra xét tìm hiểu trật tự là gì mà ngay chính tình trạng vô trật tự. Ta chỉ có thể khám phá trật tự tuyệt đối khi ta đã tra xét xuyên suốt tình trạng vô trật tự và nguồn gốc của nó. Ta quá nôn nóng muốn khám phá trật tự, quá không nhẫn nại trước vô trật tự vì cho rằng ta có đủ khả năng triệt tiêu nó, từ đó ta nghĩ ta có thể tạo ra trật tự. Ở đây, bây giờ, ta đang hỏi không chỉ có thể có một trật tự tuyệt đối trong cuộc sống thường ngày của ta mà còn hỏi loạn đảo điên này có thể chấm dứt. Do đó, mối đầu tiên của ta là với vô trật tự và nguồn gốc của nó là gì? Phải là tư tưởng không? Phải nó là những dục vọng mâu thuẫn không? Phải nó là sự sợ hãi và cầu an không? Phải nó là đòi hỏi triền miên khoái lạc không? Phải chăng tư tưởng là một trong những nguồn cội hay lý do chính yếu gây ra tình trạng vô trật tự này không? Xin vui lòng hãy luôn luôn nhớ điều này: không chỉ người viết thư này mà các bạn nữa đang đặt các câu hỏi ấy. Bạn phải khám phá nguồn gốc chứ không phải nghe nói và rồi dùng ngôn từ lặp lại.

Tư tưởng như ta đã vạch rõ, vốn bị hạn chế, có giới hạn và bất cứ gì bị hạn chế, dù tầm hoạt động của nó rộng mở ra sao đi nữa, chắc chắn khiến sinh hỗn loạn đảo điên. Cái gì có biên giới, bị hạn chế là mang tính chia rẽ, và do đó, phá hoại và gây hỗn loạn đảo điên. Ta đã đi đủ sâu vào bản chất và cấu trúc của tư tưởng, và có tuệ giác thọc sâu vào bản chất của tư tưởng là đặt tư tưởng vào đúng chỗ của nó, do đó, tư tưởng mất đi cái thế thống trị đầy quyền lực tối thượng.

Phải chăng dục vọng và các đối tượng luôn thay đổi của dục vọng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tâm trạng vô trật tự của ta? Triệt tiêu dục vọng là triệt tiêu mọi cảm giác, tức là làm bại liệt trí não. Ta nghĩ đây là phương cách dễ nhất và nhanh nhất để chấm dứt dục vọng, nhưng ta không thể triệt tiêu dục vọng; dục vọng quá mạnh mẽ, quá tinh tế. Bạn không thể nắm bắt nó trong tay và vo tròn bóp méo nó tùy ước muốn của bạn, đó chỉ là một dục vọng khác nữa mà thôi. Ta đã đề cập dục vọng trong thư trước. Không bao giờ có thể triệt tiêu hay biến đổi hay làm băng hoại dục vọng bằng một dục vọng đúng hay sai. Luôn luôn tồn tại cảm giác và dục vọng, dù bạn có làm bất cứ điều gì. Mong muốn giác ngộ và mong muốn tiền bạc đều như nhau dù đối tượng mong muốn thay đổi. Ta có thể sống không dục vọng không? Hay nói cách khác, các giác quan có thể hoạt động tối đa mà dục vọng không thâm nhập vào đó không? Có các hoạt động thuộc giác quan trong phạm vi tâm lý và vật lý. Thân xác tìm kiếm sự ấm áp, cái ăn, tình dục; có nỗi đau ở thân và v.v… Các cảm giác này là tự nhiên nhưng khi chúng thâm nhập vào lĩnh vực tâm lý, sự rối loạn bắt đầu. Và sự hỗn loạn đảo điên của ta nằm trong đó. Điều này quan trọng phải hiểu, đặc biệt khi ta còn trẻ. Để quan sát các cảm giác vật lý mà không triệt tiêu hay phóng đại chúng và cảnh giác, tỉnh táo không để cho chúng rò rỉ sang lĩnh vực tâm lý không thuộc chúng – đó là chỗ khó khăn của ta. Toàn bộ tiến trình diễn ra quá nhanh bởi vì ta không thấy, không hiểu điều ấy và đã không bao giờ chịu xem xét thực sự việc gì đang xảy ra. Có cái phản ứng thuộc giác quan tức thì trước một thách thức. Ứng đáp này vốn tự nhiên và không bị tư tưởng, dục vọng chế ngự. Chỗ khó khăn của ta khởi sự khi các ứng đáp thuộc giác quan đi vào lĩnh vực tâm lý. Thách thức có thể là một người đàn bà hay một người đàn ông hay vật gì đó trông bắt mắt, ngon lành, hay một khu vườn xinh. Ứng đáp lại mọi điều ấy là cảm giác và khi cảm giác này đi vào lĩnh vực tâm lý, dục vọng bắt đầu và tư tưởng với những hình ảnh của nó, tìm cách thỏa mãn dục vọng.

Câu hỏi của ta là làm cách nào ngăn chặn các ứng đáp vật lý tự nhiên không đi vào lĩnh vực tâm lý? Điều này chỉ có thể thực hiện khi bạn quan sát bản chất của thách thức bằng tất cả sự chú tâm và thận trọng cảnh giác trước các ứng đáp hay phản ứng. Động thái chú tâm hoàn toàn này ngăn các ứng đáp vật lý xâm nhập vào thức tâm, tức là lĩnh vực tâm lý.

Ta quan tâm và thấu hiểu dục vọng chứ không dùng bạo lực để triệt tiêu, lẩn tránh hay thăng hoa dục vọng. Bạn không thể sống không dục vọng. Khi bạn đói, bạn cần thức ăn. Nhưng để thấu hiểu, tức tra xét khám phá toàn bộ hoạt động của dục vọng, là đặt dục vọng vào đúng chỗ của nó. Có như thế, dục vọng sẽ không còn là nguồn gốc của tình trạng vô trật tự trong cuộc sống đời thường của ta.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH
  2. NGƯỜI TA CÓ THỂ ĐI XA TỚI ĐÂU
  3. SỰ TRỐNG KHÔNG NỘI TÂM (VÔ TÂM) LÀ THOÁT KHỎI THAM MUỐN

Bài viết mới

  1. NGƯỜI VIỆT TRỒNG LÚA NƯỚC TRÊN ĐẤT CHÂU PHI
  2. SỐNG AN VUI
  3. TÌNH CỜ PHÁT HIỆN KHẢ NĂNG NGOẠI CẢM