THƯ GỬI TRƯỜNG HỌC – Ngày 01-09-1979

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống; Phụ lục: Thư Gửi Trường Học;Bản dịch: Đào Hữu Nghĩa; NXB Thời Đại.

Tại sao ta được giáo dục? Có lẽ bạn không bao giờ đặt câu hỏi này, nhưng nếu hỏi, câu trả lời của bạn là gì? Có nhiều lý do được đưa ra nói về sự cần thiết được giáo dục, nhiều lập luận rằng các lý do đó hoàn toàn hợp lý, cần thiết và bình thường. Câu trả lời thường là để có một việc làm, một nghề nghiệp thành đạt hoặc trở nên có tài khéo léo với đôi tay hoặc trí óc. Trí não có khả năng tự mình tìm thấy một nghề nghiệp tốt, sinh lợi được xem trọng. Nếu bạn không nổi bật về mặt tri thức thì sự khéo léo của đôi tay trở thành quan trọng. Người ta nói giáo dục là cần thiết để duy trì cái xã hội như nó là hiện nay, để tuân thủ rập khuôn theo một mô hình được áp đặt bởi những cái gọi là tổ chức, mang tính truyền thống hoặc cực kỳ hiện đại. Trí não được giáo dục có một khả năng to lớn thu gom thông tin kiến thức về hầu hết mọi chuyên ngành – nghệ thuật, khoa học và v.v… Một trí não hiểu biết dựa vào thông tin, kiến thức là một học giả, nhà chuyên môn, triết gia xuất thân từ nhà trường.

Lối học này được ca ngợi và tôn vinh rất dữ. Giáo dục này, nếu bạn cần cù, khôn lanh trong học tập, sẽ đảm bảo cho bạn một tương lai rạng rỡ, một sự rạng rỡ sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh xã hội và môi trường. Nếu bạn không nổi bật trong hệ thống giáo dục, bạn trở thành một nông dân, một công nhân nhà máy hay phải tìm một vị trí ở tận đáy của cái xã hội vô cùng phức tạp này. Đây là con đường đi thông thường của giáo dục.

Giáo dục là gì? Cốt tủy của giáo dục là một nghệ thuật học hỏi, không chỉ học từ sách vở mà học từ toàn bộ vận động của cuộc sống. Chữ nghĩa được in ấn trong kinh sách đã trở thành quan trọng mang tính thống trị. Bạn học được những điều người khác nghĩ, học ý kiến, ý tưởng của họ, học những giá trị của họ, những suy luận phán đoán của họ cùng vô số kinh nghiệm của họ. Thư viện còn quan trọng hơn người sở hữu thư viện. Chính người ấy là thư viện và cho rằng mình đang học bằng việc không ngừng đọc sách. Tích lũy kiến thức, thông tin, như một computer, được xem là một trí não được giáo dục, hiểu biết rộng. Và cũng có những người không đọc điếc chi cả, khinh thường người khác, chỉ sống loay hoay trong những kinh nghiệm, lấy cái tôi làm trung tâm và các ý tưởng đầy tự tin của họ.

Hiểu ra mọi điều này, vậy chức năng của một trí não toàn vẹn là gì? Ta hiểu trí não là tất cả mọi ứng đáp của các giác quan, cảm xúc – vốn khác hẳn với tình yêu – và năng lực tri thức – Hiện giờ ta gắn cho lý trí một tầm quan trọng phi thường. Ta hiểu lý trí là khả năng lý luận hợp logic, mạch lạc, một cách tỉnh táo hoặc không, khách quan hoặc chủ quan. Chính lý trí với động thái tư tưởng của nó đã chia cắt tan nát thân phận làm người của ta. Chính lý trí đã chia cắt thế giới về mặt ngôn ngữ, quốc gia, dân tộc, tôn giáo – phân chia con người với con người. Lý trí là nhân tố chính yếu tạo ra sự băng hoại, suy thoái của con người trên khắp thế giới, vì lý trí chỉ là một thành phần của năng lực và thân phận làm người đó. Một khi thành phần được đề cao, ca tụng và tôn vinh, khi nó tự cho là tối quan trọng, bấy giờ cuộc sống của ta, tức là mối quan hệ, hành động, cách cư xử trở thành mâu thuẫn đạo đức giả, rồi nỗi âu lo và tội lỗi hình thành. Lý trí có vị trí riêng của nó, như khoa học vậy, nhưng con người đã sử dụng kiến thức khoa học không chỉ đem lại lợi ích cho mình mà còn tạo ra những khí tài chiến tranh và làm ô nhiễm trái đất. Lý trí có thể tri giác chính các hoạt động của nó gây ra tình trạng suy thoái, băng hoại, nhưng nó hoàn toàn bất lực trong việc chấm dứt chính sự suy thoái của nó bởi vì trong cốt tủy lý trí chỉ là một thành phần.

Như ta đã nói, giáo dục cơ bản là học. Học bản chất của lý trí, sự thống trị, các hoạt động của nó, các năng lực rộng lớn và sức mạnh mang tính hủy diệt của nó, là giáo dục. Học bản chất của tư tưởng, tức là sự động đậy của lý trí, không phải học từ kinh sách mà học bằng quan sát thế giới quanh ta. Học những gì chính xác đang xảy ra, mà tuyệt dứt lý thuyết, học thuyết, thành kiến và giá trị, là giáo dục. Kinh sách là quan trọng, nhưng việc quan trọng hơn nhiều là học kinh sách, học câu chuyện về chính con người bạn, bởi vì bạn là tất cả nhân loại. Đọc quyển sách này là nghệ thuật học. Tất cả đều bày hết ra đấy: những học viện, áp lực của chúng, những áp đặt tôn giáo và những giáo lý, sự tàn bạo và niềm tin của chúng. Cấu trúc xã hội của mọi xã hội là mối quan hệ giữa con người và lòng tham, tham vọng, bạo lực, khoái lạc, âu lo, đau khổ của họ. Tất cả đều bày hết ra đấy nếu bạn biết cách nhìn. Cái nhìn không là bên trong kinh sách, không phải ở bên ngoài hay giấu kín trong bạn. Tất cả đều xoay quanh bạn; bạn cũng phụ thuộc vào kinh sách đó. Kinh sách kể bạn nghe sự tích của nhân loại và bạn phải đọc thấy sự tích đó trong cuộc sống quan hệ của bạn, trong những phản ứng của bạn, trong các khái niệm và giá trị. Kinh sách chính là trung tâm của tự thể bạn và học là đọc cuốn sách đó với thái độ cực kỳ cảnh giác. Kinh sách kể bạn nghe câu chuyện về quá khứ, quá khứ vo tròn bóp méo thô bạo tâm trí và các giác quan bạn ra sao. Quá khứ uốn nắn, định hình hiện tại, tự điều chỉnh rập theo thách thức của từng khoảnh khắc trong hiện tại. Và trong dòng thời gian bất tận đó, con người bị mắc kẹt. Đó là sự qui định hay tâm thái bị qui định của con người. Sự qui định này đã là cái gánh nặng muôn đời bất tận của con người, của bạn và những người anh em của bạn.

Các triết gia, các nhà thần học, các bậc thánh, đã chấp nhận sự qui định này, cho phép chấp nhận sự qui định này, họ trau chuốt sửa sang sự qui định đó, biến thành tốt đẹp hơn hoặc họ đề nghị những cuộc lẩn trốn bằng cách tưởng tượng những cuộc trải nghiệm thần bí về Thượng Đế và thiên đường. Giáo dục là nghệ thuật học về sự qui định này và con đường ra khỏi đó, thoát khỏi gánh nặng này. Có một con đường ra khỏi đó mà không phải là lẩn trốn, không phải là chấp nhận sự vật như chúng đang là. Không phải là lẩn trốn sự qui định, không phải là triệt tiêu. Đó là làm tan biến sự qui định.

Khi bạn đọc đến hay khi bạn nghe đến điều này, hãy tri giác liệu bạn nghe hay đọc với cái năng lực ngôn từ của lý trí hay với sự chú tâm đầy cảnh giác: Khi có sự chú tâm hoàn toàn này, không còn có quá khứ nữa mà chỉ có thuần quan sát về những gì đang thực sự diễn ra.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
  2. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  3. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ