THƯ GỬI TRƯỜNG HỌC – Ngày 1-12-1982
Trích: Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống; Bản dịch: Đào Hữu Nghĩa; Công ty Sách Thời Đại và NXB Thời Đại.
Dường như chỉ một số rất ít thầy cô giáo tri giác trách nhiệm lớn lao của mình, không những với cha mẹ các em mà cả trong quan hệ với học sinh nữa. Mối quan hệ này là gì? Ta nhìn mối quan hệ này ra sao? Truyền đạt kiến thức. Mô tả bằng ngôn từ một số sự kiện, và phải chăng mối quan hệ này vốn nông cạn, hời hợt, ngẫu nhiên và qua nhanh? Thầy giáo là một gương mẫu? Gây ảnh hưởng? Nếu tôi làm gương mẫu để học trò noi theo, lúc đó, tôi đã trở thành một tên bạo chúa, bấy giờ kỷ luật trở thành một sự tuân thủ, rập khuôn, bắt chước. Học trò bắt chước tôi, cách tôi sống, cử chỉ thái độ của tôi, v.v… Nhưng tôi không muốn chúng rập khuôn bắt chước tôi, không muốn ảnh hưởng chúng. Tôi muốn các em hiểu tất cả chúng ta đã bị ảnh hưởng ra sao, đã bị đúc khuôn rập theo một mô hình cách nào. Tri giác, chủ tâm của tôi là giúp các em thoát khỏi mọi ảnh hưởng, mặc kệ xấu hay tốt, để các em tự mình thấy đâu là hành động đúng đắn. Không phải được chỉ dạy hành động đúng là gì mà tự các em có khả năng và nghị lực để thấy cái thực và cái ảo. Nghĩa là tôi quan tâm trước hết giáo dục trí thông minh nơi các em để các em có thể tự mình giáp mặt một cách thông minh với cuộc sống và những phức tạp của nó. Tôi thấy đây không phải như một mục đích mà là một hiện thực tức thời. Tôi biết các em bị ảnh hưởng bởi cha mẹ, bởi bạn bè và bởi thế giới quanh các em. Người trẻ dễ bị ảnh hưởng. Họ có thể nổi loạn chống lại ảnh hưởng đó, nhưng ý thức hoặc vô thức, luôn luôn có áp lực và sự căng thẳng của áp lực. Do đó, tôi tự hỏi trong cương vị nhà giáo và một con người, bằng cách nào tôi tạo ra được đặc tính và năng lượng của trí thông minh đó?
Tôi bắt đầu thấy rằng tôi phải đồng thời hướng nội và hướng ngoại trong thế giới hành động và hướng nội không có nghĩa là tập trung xoay quanh cái tôi mà xoay hướng mắt và tai nghe thấy những điều tinh tế của cuộc sống. Tức là, tôi phải đủ sức bảo vệ và đồng thời nuôi dưỡng lòng bao dung, cả với người nhận và người cho. Tôi cảm nhận mọi điều này nếu tôi là một nhà giáo thực sự cống hiến, đúng nghĩa của từ này. Với tôi đó không phải là một nghề; đó là việc phải làm, thế thôi. Do đó, tôi trở nên tri giác thế giới sâu rộng hơn, những gì đang diễn ra ở đó, và về mặt nội tâm tôi hiểu sự cần thiết phải vượt qua và lên trên mọi lợi lạc xoay quanh cái tôi. Tôi thấy đấy như một động thái toàn thể nguyên vẹn, ngoài và trong, bất khả phân như nước của biển tràn vào và rút đi. Bây giờ, câu hỏi của tôi là: tôi phải giúp người học trò cách nào để tri giác mọi điều này?
Nhạy cảm, ngụ ý mẫn cảm, bén nhạy. Ta nhạy bén với các phản ứng, tổn thương của ta với cuộc sống quanh ta; tức là nhạy bén với chính ta và trong trạng thái mẫn cảm này có tư lợi thực sự và do đó có khả năng bị tổn thương, thần kinh trở nên dễ bị kích động. Đó là một hình thái kháng cự trong cốt lõi tập trung vào cái tôi. Sức mạnh của tính mẫn cảm vốn không tập trung xoay quanh cái tôi. Tựa như chiếc lá non mùa xuân có thể đứng vững trước gió và phát triển. Tính mẫn cảm này không có khả năng bị tổn thương, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhạy cảm hay mẫn cảm vốn không có trung tâm như cái tôi. Nó có một sức mạnh phi thường, tính sinh động và vẻ đẹp.
Tự thân tôi là một con người và là nhà giáo, tôi thấy mọi điều này càng rõ càng tốt nếu có thể, nhưng là nhà giáo, tôi không là tất cả mọi điều này, tôi nghiên cứu tra xét điều này, học. Là nhà giáo, tôi quan hệ với học trò của tôi và trong mối quan hệ đó, tôi học. Vậy, phải trong cung cách nào tôi mới truyền đạt được mọi điều này cho học trò của tôi vốn bị qui định, thiếu quan tâm, ham vui, tinh nghịch như mọi đứa trẻ thông thường khác? Tôi dạy các môn học nhà trường, và tôi tự hỏi liệu mọi điều này có thể truyền đạt thông qua các môn toán, sinh, lý. Hay mọi điều này là cái gì đó riêng biệt không nhớ lại được. Tôi thấy có cái học khác hoàn toàn không phải là sự đào luyện ký ức, tôi có vấn đề này: một đàng là sự đào luyện ký ức, trí nhớ học sử, địa, v.v.., và cuối cùng có một nghề, và cái học khác, tôi hiểu lờ mờ rằng trí thông minh hay trí tuệ vốn không mang tính máy móc, không phải là việc đào luyện trí nhớ. Đấy là vấn đề của tôi, tôi tự hỏi liệu hai cái học ấy có tách biệt nhau không? Hoặc là, nếu trí thông minh được đánh thức ngay từ đầu của cuộc sống, có thể bao gồm cả trí nhớ mà vẫn không là nô lệ của trí nhớ? Cái lớn hơn bao gồm cái nhỏ hơn. Vũ trụ chứa cá thể. Nhưng cá thể không thể trụ lại trong cái góc đời hạn hẹp nhỏ nhoi riêng biệt của mình.
Tôi bắt đầu hiểu rõ nhân tố quan trọng này bởi vì tôi là một nhà giáo cống hiến trọn đời cho giáo dục đang sử dụng việc dạy học như phiến đá lót chân dẫn đến cái gì đó khác. Do đó, tôi tự hỏi phải làm gì với những đứa trẻ đang đối diện với tôi. Các em không quan tâm mọi điều này. Chúng sẵn sàng bắt nạt nhau, ganh đua nhau, ghen tị và v.v… Bây giờ, bạn là người ngoại cuộc, bạn có hiểu vấn đề của tôi không? Bạn phải hiểu bởi vì bạn cũng là nhà giáo theo cách riêng tại nhà bạn, ở các sân chơi hay trong việc kinh doanh. Tất cả chúng ta đều là nhà giáo cách này hay cách khác, do đó, đừng bỏ mặc tôi với vấn đề của tôi. Cũng chính là vấn đề của bạn đấy, cho nên ta hãy cùng nhau thảo luận.
Tôi hy vọng cả hai chúng ta đều thấy rằng chúng ta đang ở trong tình thế khó khăn này: rằng, điều quan trọng chủ yếu và lớn lao nhất là gây tạo trí thông minh này trong mọi đứa trẻ và trong những học trò mà ta có trách nhiệm. Đừng bỏ mặc tôi một mình đứng ra giải quyết vấn đề này, ta hãy cùng nhau thảo luận. Trước hết, tôi muốn bạn và tôi hiểu vấn đề. Tạm thời khoan bàn đến bọn trẻ và học trò. Ta có thấy rằng cuối cùng rồi người học trò phải có nghề nghiệp và do đó, cậu ta phải hiểu thế giới, các nhu cầu cấp thiết của thế giới cùng với tình trạng vô trật tự ngấm ngầm và gia tăng phá hoại và suy tàn của nó? Người học trò phải đối mặt với thế giới không phải trong tư thế của một thực thể chuyên biệt hóa, tức một nhà chuyên môn, chỉ làm cho cậu ta không thể giáp mặt, thấu hiểu thế giới. Tất cả đấy ngụ ý phải thu thập kiến thức và ân cần tuân thủ kỷ luật của kiến thức. Bao lâu thế giới, cuộc đời còn tồn tại như đang là thì hành động của người học trò phải đi theo một phương hướng nào đó và bận bịu phần lớn thời gian sống vào đó, có lẽ tám hay mười giờ một ngày. Người học trò cũng phải nghiên cứu và học hỏi toàn bộ thế giới tâm lý đã chưa được thăm dò và khám phá bởi bất cứ người nào. Những người đã từng thăm dò khám phá kể lại những điều họ đã khám phá: việc làm này trở thành kiến thức và người học trò chỉ còn biết đi theo. Đấy không phải là cuộc thăm dò, khám phá chính xác vào chính mình. Vậy là bạn và tôi có cùng vấn đề này. Bạn có thể thỉnh thoảng quan tâm, nhưng còn tôi, là nhà giáo, tôi thực sự quan tâm, tôi cũng đang bị qui định; tôi hoàn toàn không mẫn cảm trong định nghĩa đã được nêu lên ở đây. Tôi có các vấn đề về gia đình của tôi, v.v.. nhưng sự cống hiến của tôi bỏ qua tất cả. Tôi phải làm gì hay không làm gì cả. Hay nó đòi hỏi không hành động gì cả mà cùng với các nhà giáo khác tạo ra một bầu không khí quyết tâm. Quyết tâm không phải là một mục tiêu để rồi sau đó một thời gian mới thực hiện. Quyết tâm là một hành động bao giờ cũng diễn ra trong hiện tại hoàn toàn không có liên hệ gì với thời gian.