TÍCH ÂM ĐỨC LÀM KẾ LÂU DÀI – HT. TINH VÂN
Trích: Ranh Giới Giữa Mê Và Ngộ; Dịch giả: Thích Nữ Đồng Diệu – Thích Nữ Minh Hải; NXB. Dân Trí
Âm đức là gì?
Làm việc tốt mà mọi người đều biết đến đó là dương thiện, làm việc tốt không để người biết được chính là âm đức. Âm đức chính là hoàn thành việc tốt mà không mong cầu bất cứ điều gì; âm đức chính là khi đối diện với sự lạnh nhạt, thờ ơ, chế nhạo, coi thường của người khác mà tâm không hề dao động; âm đức giống như nhân vật Công Tôn Xử Cữu và Trình Anh’ trong tác phẩm Triệu Thị cô nhi, một người xả thân cứu Triệu Vũ, một người hy sinh con ruột cứu Triệu Vũ, họ là người giúp đỡ trung thần trừ gian diệt ác, tích âm đức không mong cầu hồi đáp khiến người đời phải ngợi khen.
Người xưa cho rằng hành động “thương bướm đêm, tối chẳng nỡ thắp đèn; lo chuột đói ăn, mà để phần cơm lại” chính là tích âm đức; phát cháo cứu đói chính là tích âm đức; xây dựng cầu đường, đào giếng khơi mương dẫn nước, thắp đèn đặt nước uống ven đường, giúp chôn cất người chết vô thừa nhận, cứu giúp người gặp nạn đều là tích âm đức; khi thành công không giành công về mình, không khoe khoang lòng tốt của bản thân, không rêu rao lỗi sai của người khác chính là tích âm đức; thấy người gặp nguy nan dám dũng cảm xả thân cứu giúp, thậm chí tiện tay nhặt rác trên đường để người khác khỏi vấp ngã cũng đều là tích âm đức; cho đến tươi cười vui vẻ với mọi người khiến cho ngay cả người đang buồn lo cũng thấy nhẹ nhõm trong lòng; làm việc chăm chỉ cẩn thận khiến cho cấp trên yên tâm, đồng nghiệp yên chí, đều là tích âm đức.
Tích âm đức chính là “giúp người” mà không cần ai khác biết đến, chính là “vì người” mà không cần người ta biết, cũng chính là công đức vô tướng mà Phật giáo nói đến. Giống như người làm việc công đức cho chùa nhưng đề tên “vô danh” đều là mong muốn thành tựu âm đức vô tướng. Như thời Phật tại thế thì có vị tỳ kheo chịu oan để cứu một con ngỗng’, thời nhà Tùy có ngài Trí Thuấn cắt tai để cứu chim trĩ, rồi có Tôn Thúc Ngao chôn rắn để trừ hại cho người khác, vua Lương Vũ Đế hạ chỉ cấm giết mổ, vua A Dục cho dựng bia đá khắc lệnh bảo vệ động vật, Tổng thống Lincoln của nước Mỹ ban lệnh trả tự do cho những người nô lệ da đen, thời Tấn, Tăng Quần vì cứu con vịt mà chết khát, v.v. đây đều là việc âm đức ban vui, cứu khổ.
Sách Tư Mã Ôn Công gia huấn’ thời Bắc Tống viết rằng: “Để vàng cho con cháu, chưa chắc chúng giữ được, để sách cho con cháu, chưa chắc chúng đọc đến, không bằng để lại âm đức cho con cháu làm kế lâu dài”. Tích âm đức giống như là đang gieo hạt, một khi đã xới đất gieo hạt, còn phải sợ sau này không có cơ hội thu hoạch nữa sao?
Sách An sĩ toàn thư có chép lại chuyện một vị sa di nhỏ tuổi, vì cứu một đàn kiến khỏi bị nước lũ cuốn trôi mà được kéo dài tuổi thọ; sách Truy môn sùng hành lục cũng ghi lại việc pháp sư Trí Khải, không ngại dơ bẩn mà bện chăn cho chó hoang, không chỉ khiến loài vật cảm động mà cũng làm cho người người tôn kính. Ngoài ra, còn có Quốc sư Ngộ Đạt thời nhà Đường hết lòng chăm sóc cho vị tăng người Tây Vực mắc bệnh nặng, nhờ thế mà sau này ngài đã thoát khỏi quả báo mụn hình mặt người trên đầu gối hay vua Lương Vũ Đế do bố thí mũ nón mà được hưởng quả báo tốt là được làm vua.
“Họa phúc không tự nhiên tìm đến, nó chỉ do bản thân tự tìm lấy”. Vận mệnh tốt hay xấu của một người do việc tích đức kết thiện duyên và những việc thiện ác của bản thân người đó làm hàng ngày tạo nên. Tu thiện tích đức chính là cơ hội để bản thân tự tạo nhân thiện lành, tích phúc diệt tội; gây tội làm ác, chính là bản thân tự tạo nhân xấu ác và là nhân duyên khiến bản thân phải chịu khổ trong luân hồi.
Người xưa dạy rằng: “Lập công danh không bằng gieo âm đức”. Gây dựng danh tiếng không bằng vun trồng thêm âm đức, ví như Viên Liễu Phàm cải mệnh, đó không phải là nhờ tích âm đức hay sao? Vì thế, muốn thay đổi vận mệnh thì phải xem bạn tích âm đức thế nào!