TÌM KIẾM MỘT THẾ KỶ XÁN LẠN – ĐỐI THOẠI GIỮA KIM DUNG VÀ IKEDA

KIM DUNG - DAISAKU IKEDA

Trích: Tìm Kiếm Một Thế Kỷ Xán Lạn (Đối thoại giữa Kim Dung và Ikeda); Người dịch: Lê Khánh Trường; NXB Hội Nhà Văn, 2004

Cuộc gặp gỡ giữa Ikeda Daisaka (bên phải) chủ tịch hội Soka Gakkai – Nhật Bản và Kim Dung (bên trái) một văn hào lẫy lừng tiếng tăm của Trung Hoa

  • “ Lúc Còn Sống” Và “Sau Khi Chết” Là Hai Đề Tài Vĩnh Hằng

Kim Dung: Đúng thế, tuy đã trải qua không ít thời đại nền văn minh tiến bộ rất dài, song vẫn chưa đủ làm sáng tỏ đề tài đó.

Ikeda : Đặc biệt là “Lúc còn sống” và “sau khi chết”, hai đề tài, hai nghi vấn vĩnh hằng. đối với hai đề tài này nếu không thiết tha tìm hiểu, cuộc sống con người sẽ trở nên nông cạn! Sẽ chỉ chú ý đến khoái lạc trước mắt, mặc kệ mọi thứ muốn ra sao thì ra.

Kim Dung: Thói sùng bái đồng tiền cũng thế đấy. Nguyên nhân lớn nhất là họ không tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống.

Ikeda: Tước khi gia nhập Hội Sáng giá, tôi từng thử cố hiểu rõ một vấn đề, cho nên mới học triết học, đọc văn chương. Có thời gian tôi say mê triết học siêu nghiệm của Waldo Emerson, có thời gian đọc ngốn ngấu triết học “biến đổi” của Henri Bergson. Sau khi trải qua lịch trình đó, tôi mới gặp Phật pháp và thấy nó thích hợp với mình.

Khi mới gặp Hộ Điền tiên sinh, tôi có cảm giác rằng sức sống của Hộ Điền tiên sinh tỏ ra mạnh mẽ như ánh sáng vầng dương át hết hào quang của Emerson và Bergson. Tôi cảm động vì tìm ra “chân lý”, bèn làm thơ tặng Hộ Điền tiên sinh:

Hỡi người lữ hành 
người từ đâu tới 
rồi lại đi đâu?…

Con người là gì? Người từ đâu tới? Sau đó lại đi đâu? Các câu hỏi ấy cứ lởn vởn trong óc, nên tôi mới viết câu thơ kia. Từ đó tôi bắt đầu con đường tìm đạo, một con đường không có điểm cuối cùng.

Lần trước tôi sang thăm Hồng Công, tiên sinh nói rằng những người bạn có thể dùng hình thức thư tín công khai trao đổi quan điểm với nhau, cũng có thể đối thoại với nhau bằng văn chương. Được đàm luận văn chương với một đại sư văn học Trung Hoa như tiên sinh, tôi vô cùng thích thú.

Kim Dung: Lần trước Ikeda tiên sinh có nói: ”Trong những tác phẩm văn chương hồi trẻ hai chúng ta thích đọc, không ngờ lại có nhiều quyển giống nhau”. Tôi nói: “Người Trung Hoa có câu ngạn ngữ: gặp tri kỷ, rượu ngàn chén còn ít; lời không hợp ý, nói nửa câu đã nhiều”. Thói quen vừa uống rượu, vừa trò chuyện, dù là người Trung Hoa hay người Nhật Bản, chắc cũng giống nhau (cười). Càng uống rượu càng cao hứng nói cười. Chỉ tiếc tửu lượng tôi không cao.

Ikeda: Buồn quá, tôi cũng không biết uống rượu (cười).

Ikeda Daisaka: “Không chỉ vào thời chiến, mà bất cứ thời nào, nghe hô hào “đại nghĩa”, mọi người đều phải thận trọng, phân biệt bản chất sự việc…”

  • Kẻ Sĩ Chết Vì Tri Kỷ

Kim Dung: Gọi là tri kỉ, tức là hai người bạn có thể hiểu nhau, dựa vào nhau, tôn trọng đối phương. Người Trung Hoa chúng tôi thường nói: “Kẻ sĩ chết và tri kỷ, phụ nữ làm dáng vì người thích mình”. Mục đích trang điểm của nữ là để cho nam giới thích mình, nam thì có thể hi sinh tính mạng cho người tri kỷ.

Ikeda: Có thể gọi đó là “sách lược nước Việt” trong “Chiến quốc sách”.

Kim Dung: Trong lịch sử Trung Hoa có rất nhiều vị anh hùng giàu lòng hiệp nghĩa, họ thường thường vì tri kỷ mà không tiếc tính mạng của mình, song lại bất chấp phải trái, chính tà. Đó là hiện tượng chủ yếu trước khi tư tưởng Nho Giáo được truyền bá. Ví dụ Nhiếp Chính giết Hiệp Lụy, Chuyên Tư giết Ngô Vương Liêu, Hầu Anh vì Tính Lăng Quân mà tự sát, Dự Nhượng hàng thích Triệu Tương Tử, đều là để đền ơn tri ngộ, chứ không thể nói vì mục đích chính nghĩa. Cái đó giống như lý tưởng võ sĩ đạo ở Nhật Bản! Sự trung thành ngu xuẩn của “Đội đặc công Thần Phong” trong chiến tranh thế giới thứ thứ hai là một ví dụ.

Ikeda: Xác định giới hạn nội hàm “chính nghĩa” là một vấn đề khó. Trước tác lớn “Nhà nước” của Platon có tiêu đề phụ “Bàn về chính nghĩa”, song cũng chưa đề cập nghĩa của hai chữ “chính nghĩa”. Đủ thấy nó quả là một vấn đề khó. Nhưng có một điểm không thể quên, cái gọi là chính nghĩa, thì không thể chỉ dựa vào tình cảm chủ quan, thiết thân của một cá nhân mà quyết định được; nếu coi thường hoặc bóp méo điểm này, thì sẽ rất gượng ép. Một số kẻ cổ xúy chiến tranh, tuyên bố ầm ỹ mình là vì “chính nghĩa” “đại nghĩa”, là một ví dụ.

Không chỉ vào thời chiến, mà bất cứ thời nào, nghe hô hào “đại nghĩa”, mọi người đều phải thận trọng, phân biệt bản chất sự việc…

Kim Dung: Tôi cũng nghĩ như vậy.

Ikeda: Dù gì thì tôi và tiên sinh hồi trẻ cũng đều đọc một số tác phẩm văn chương giống nhau, tựa hồ hai ta có duyên văn chương với nhau vậy.

Kim Dung: Chúng ta cùng có kinh nghiệm sống qua thời chiến loạn, giả dụ bây giờ chúng ta cùng nhập ngũ, thì không chừng lại chạm trán nhau ngoài mặt trận (cười)! Tôi nghĩ đó là do cá tính của chúng ta có nhiều điểm hợp nhau.

Ikeda: Chạm trán với Kim Dung tiên sinh ngoài mặt trận, tuy là điều tưởng tượng, song nghe đã muốn sởn gai ốc (cười). Song chiến tranh Nhật – Trung là một chiến tranh xâm lược do Nhật Bản phát động lần trước tôi đã nói, tôi cũng không phải là ngoại lệ, bị ảnh hưởng không khí xã hội, nhưng nghe anh mình từ mặt trận Trung Hoa về nhà nghỉ phép, nói: “Nhật Bản quá tệ hại, người Trung Hoa thật đáng thương!” Tôi mới sinh ra nghi ngờ chiến tranh.

Tuy Bộ chiến tranh Nhật Bản tuyên truyền, gần đây là cuộc tháng chiến nhằm tạo ra khối thịnh vượng chung Đại Đông Á, để giải phóng Nhân dân Châu Á khỏi ách áp bức Âu Mỹ, song bản chất của chiến tranh dường như là hoàn toàn phi nghĩa.

Chính nghĩa của chiến tranh và thực tế cách xa nhau như thế nào? Sau khi Nhật Bản thất bại, ý nghĩ đó không ngừng làm cho người ta trăn trở.

Kim Dung: “Một cá nhân biết hạn chế ham muốn, biết đủ, biết dừng lại, làm việc đừng quá mức, thì sẽ không bị nhục nhã, không bị đánh đỗ, tuy cũng là tự tư tự lợi, song rốt cuộc rất có lợi cho cả mình lẫn mọi người.”

 

  • Giảm Bớt Ham Muốn, Tâm Trạng Sẽ Thoải Mái 

Kim Dung: Số người theo đạo Phật trong tầng lớp trí thức Anh quốc hiện nay khá đông; nội dung tạp chí Phật giáo “Trung đạo”(Middle Way) khá hay. Tại các trường đại học lớn của Anh quốc đều có các tổ chức Phật học, hội viên là các giáo sư và sinh viên. Hấp dẫn họ chủ yếu có 3 điểm: thứ nhất, Phật giáo coi trọng tự tu, không dựa vào sự ban ơn từ bên ngoài; thứ hai, giáo nghĩa Phật giáo nguyên thủy chú trọng giảm bớt ham muốn của mình để mong được giải thoát; thứ ba, Phật giáo chủ trương toàn nhân loại bình đẳng, chủ trương từ bi bác ái.

Người ta sống ở đời, ai cũng có nhu cầu sinh hoạt, cũng có ham muốn. Nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại, ắt phải được đáp ứng; con người cần nối giỏi tông đường, cần lấy vợ lấy chồng. Tôi bảo người Hồng Công, người Nhật Bản phải cảnh giác với thói “sùng bái đồng tiền”, quyết không phải là coi nhẹ tiền bạc và các giá trị vật chất. Tại Hồng Công và Tokyo ăn no mặc ấm không khó, chỉ khó có một chỗ ở tử tế. Tôi hoàn toàn không khuyên người ta đừng kiếm tiền. Tôi làm báo mấy chục năm, giá một ram giấy trắng bao nhiêu, một centimet vuông trên báo thu phí quảng cáo bao nhiêu, trả lương hưu cho một nhân viên về hưu bao nhiêu, một bài báo có bao nhiêu chữ để tính trả nhuận bút, tất cả đều phải tính toán cẩn thận, nhất định không được tùy tiện cẩu thả, như thế tờ báo mới có thể thành công. Có giai đoạn tôi quá mải mê kiếm tiền; nhưng rồi tôi cũng tự ngộ ra rằng một người sống trên đời mấy chục năm, cuối cùng thể nào cũng chết đi, mà đã chết đi thì chẳng còn gì nữa hết. Mấy chục năm trời, nếu chỉ nhắm mỗi mục đích là kiếm tiền thêm một vạn, hai vạn, mười vạn, một triệu đô la, tâm hồn chỉ toàn là những tham lam, lo nghĩ, hoảng sợ, ưu sầu, phiền não, tính toán hơn thiệt … thì chẳng phải là không còn ra gì nữa hay sao?

Sự từ bi của Phật giáo Đại thừa phổ độ chúng sinh là vô cùng vĩ đại; lý tưởng “tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ” của Nho gia cũng cực kỳ cao quý, đại bộ phận những người bình thường chúng ta không thể làm nổi. Tokyo ngoài vai trò là trung tâm chính trị của Nhật Bản, cũng như Hồng Công, còn là một trung tâm mậu dịch quốc tế, trung tâm tài chính, trung tâm giao thông vận tải, nền công thương nghiệp tại chỗ cũng rất phồn vinh, toàn bộ sinh hoạt của một người tập trung trong hoạt động công thương nghiệp, kể ra cũng là hợp tình hợp lý; có điều là ngoài việc cố gắng kinh doanh kiếm tiền, cũng nên nghĩ một chút đến ý nghĩa cuộc sống, để khỏi tiêu phí thời gian vô ích. Đạo xử thế truyền thống của Trung Hoa nói: “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi” (Biết đủ không nhục, biết dừng lại không nguy) (Lão Tử, chương 44), có thể nói điểm xuất phát là tự tư tự lợi, song là thứ tự tư tự lợi vô cùng sáng suốt. Một cá nhân biết hạn chế ham muốn, biết đủ, biết dừng lại, làm việc đừng quá mức, thì sẽ không bị nhục nhã, không bị đánh đỗ, tuy cũng là tự tư tự lợi, song rốt cuộc rất có lợi cho cả mình lẫn mọi người. Tuy kiếm được tiền ít hơn vài vạn đô la, nhưng lại tìm được sự yên ổn thư thái trong lòng và được người khác yêu mến, thì chẳng phải là hay hơn rất nhiều đó sao?

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TẦM NHÌN VÀ CHÍ HƯỚNG CỦA “CON NGƯỜI THẾ KỶ 21”

Bài viết mới

  1. KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC CHỈ LÀ CẢM NHẬN CHỦ QUAN
  2. VƯỢT QUA SỢ HÃI
  3. TÍNH NÔN NÓNG