HH. DALAI LAMA XIV
ĐỨC DALAI LAMA – NHỮNG GIÁO LÝ TỪ TÂY TẠNG
🙏🙏🙏
MỤC ĐÍCH CỦA PHẬT GIÁO
Theo quan điểm Phật Giáo, tâm của một người bình thường thì yếu đuối và bị lệch lạc bởi những ảo tưởng và nỗi khổ mà họ chất chứa bên trong. Kết quả là họ không thể nhìn thấy sự vật như chúng đang thực sự hiện hữu. Họ thấy bằng quan điểm đã bị bẻ cong và bị xác định bởi chứng loạn thần kinh chức năng cảm xúc và định kiến.
Mục đích của đạo Phật là loại bỏ sự lệch lạc đó ra khỏi tâm, từ đó giúp cho những tri kiến có giá trị trở nên dễ dàng hơn. Chừng nào chúng ta chưa nhổ bỏ những ảo tưởng, tri kiến của chúng ta vẫn bị nhiễm ô. Khi nhổ bỏ chúng, chúng ta bước vào trạng thái luôn nhìn nhận thực tại như chúng là. Sau đó, vì tâm chúng ta ở trạng thái của trí huệ và tự do hoàn hảo, hành động và lời nói tự nhiên theo những cách thiện lành. Điều này mang lại lợi ích không chỉ cho chúng ta mà còn cho cả những người khác, không những ở đời này mà còn ở những đời sau. Vì vậy đạo Phật không chỉ là con đường của niềm tin mà còn là con đường của lý luận và tri thức.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ HỌC PHẬT
Người Tây Tạng có may mắn là sinh ra ở một xã hội nơi mà những kiến thức về tâm linh đã có sẵn và được trân quý vô cùng. Tuy nhiên có lẽ vì được sinh ra trong đó nên chúng tôi thỉnh thoảng xem đó là điều hiển nhiên. Chính Đức Phật đã nói: “Hãy kiểm tra lời nói của ta thật kỹ càng như người thợ kim hoàn kiểm tra vàng rồi sau đó mới chấp nhận chúng”. Đức Phật dạy mọi người đến từ mọi tầng lớp xuất thân và mọi trình độ hiểu biết trong một thời gian dài. Vì vậy mỗi lời dạy của Người phải được cân nhắc một cách cẩn thận về nghĩa và đánh giá để xác định liệu nó chân thật theo nghĩa đen hay chỉ theo nghĩa bóng. Rất nhiều lời dạy được đưa ra trong những trường hợp cụ thể hoặc cho những chúng sinh có hiểu biết còn hạn hẹp. Chấp nhận bất cứ học thuyết nào hoặc bất cứ phương diện nào của một học thuyết mà không có sự xem xét kỹ lưỡng và chi tiết ban đầu thì giống như xây một lâu đài trên băng tuyết – việc thực hành này sẽ không ổn định và thiếu chiều sâu, sức bền cơ bản.
THỰC HÀNH PHÁP
“Thực hành Pháp” nghĩa là gì? Hiểu theo nghĩa đen, Pháp nghĩa là “cái giữ gìn”, đó là những lời dạy thuộc về tinh thần để giúp hoặc dẫn chúng ta ra khỏi đau khổ. Ở phương diện Phật giáo, có thể tại một thời điểm nào đó, tâm chúng ta bị chế ngự bởi những ảo tưởng và sự lệch lạc, nhưng sau cùng, vẫn có một trạng thái tâm thanh tịnh tự nhiên và không bị nhiễm ô, bằng cách trau dồi tâm thanh tịnh này và loại bỏ những che chướng của tâm, chúng ta được giữ gìn khỏi những kinh nghiệm buồn khổ và không thỏa mãn.
Đức Phật dạy tiềm năng thanh tịnh của tâm như là một nguyên lý cơ bản trong học thuyết của Người, và tôn giả Pháp Xứng (Dharmakirti), lý luận gia người Ấn Độ, người xuất hiện sau đó một thiên niên kỷ, đã thiết lập tính giá trị của nó một cách logic. Khi hạt giống của giác ngộ này được trau dồi đủ, chúng ta sẽ có được kinh nghiệm của Niết Bàn, đó là trạng thái thoát khỏi mọi thiếu sót của sinh tử luân hồi. Cũng như ý tưởng về hạt giống giác ngộ, tôn giả Pháp Xứng đã xác thực một cách logic toàn bộ phạm vi của giáo lý Phật giáo, bao gồm luật nhân quả, ý tưởng về sự tái sinh, khả năng giải thoát và toàn tri và bản tính của Ba Ngôi Tam Bảo (Chốn Nương Tựa Quý Báu): Phật, Pháp, Tăng.
Với phương thức thực hành thực tiễn, sẽ thiếu sót nếu thực hành mà không có sự hiểu biết có tư duy về học thuyết. Chúng ta cần hiểu biết rõ cái chúng ta đang làm và lý do tại sao, đặc biệt đối với những người trong số chúng ta, những tu sĩ (tăng hoặc ni) đã quyết định tận hiến cuộc đời mình để hành Pháp, chúng ta nên cẩn trọng đặc biệt để thực hành không lỗi lầm. Tăng đoàn rất quan trọng trong việc duy trì ổn định học thuyết; vì vậy chúng ta nên cố gắng hết sức để mô phỏng theo Đức Phật. Những ai cân nhắc việc thọ giới, trước tiên cần cân nhắc kỹ lưỡng; không cần phải trở thành một tu sĩ nếu như chỉ trở thành một tu sĩ kém cỏi. Tăng đoàn phải chịu trách nhiệm cho việc thể hiện các giới luật. Nếu bạn muốn sống một cuộc đời bình thường, hãy để lý tưởng xuất gia cho những ai có khuynh hướng tâm linh cao cả hơn và đơn giản hãy thực hành như người cư sĩ một cách tốt nhất mà bạn có thể.
Tất cả những tôn giáo trên thế giới đều giống nhau ở chỗ là đưa ra các phương pháp để nuôi dưỡng tất cả những phương diện thiện lành của tâm và loại bỏ những phương diện xấu ác. Phật giáo là một tôn giáo đặc biệt đa dạng và phong phú, bởi nó được phát triển ở Ấn Độ khi đất nước này đang trong thời điểm phát triển mạnh mẽ về tâm linh và triết học, nó đại diện cho cả hai: toàn bộ phạm vi những ý tưởng tâm linh và cách tiếp cận có lý trí đối với những phương pháp phát triển tâm linh. Điều này cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên hiện đại ngày nay khi mà người ta có lòng tin sâu sắc vào lý trí.
Vì phương diện này của lý tính, Phật giáo có một khó khăn nhỏ khi đối diện với thế giới hiện đại. Thực sự, nhiều những khám phá của khoa học hiện đại chẳng hạn như vật lý nguyên tử, thường được xem là những phát minh mới, đã được đề cập lâu đời trong những bản kinh Phật Giáo cổ. Bởi vì lời dạy cuối cùng của Đức Phật dành cho các đệ tử của ngài là đừng nên chấp nhận bất cứ điều gì chỉ dựa vào niềm tin mà không thông qua sự kiểm nghiệm dựa trên lý trí, nên thế giới Phật giáo luôn được vận hành để giữ tinh thần học hỏi sống động trong những ranh giới của nó. Không giống nhiều tôn giáo khác đã có những xác quyết về sự thật, do đó, không bao giờ cho phép bất cứ sự kiểm nghiệm nào có vẻ như đe dọa những lý thuyết thực tại hạn chế của họ.
BA NGÔI BÁU ĐỂ NƯƠNG TỰA
Việc bạn có là Phật tử hay không được nhìn nhận qua việc bạn có hoặc không quy y nương tựa ở Ba ngôi Tam Bảo : Phật, Pháp, Tăng – một cách thanh tịnh từ sâu thẳm trong trái tim bạn. Chỉ đơn giản trì tụng những lời cầu nguyện Phật giáo, lần tràng hạt hoặc đi xung quanh chùa chiền không thể làm cho bạn trở thành Phật tử. Kể cả những chú khỉ cũng có thể được dạy để làm những điều đó. Pháp là vấn đề của tâm hay tinh thần, không phải là những hoạt động bên ngoài. Vì vậy, để là một Phật Tử, bạn phải hiểu chính xác quy y nương tựa Ba Ngôi Tam Bảo là gì và chúng liên quan đến đời sống tâm linh của bạn như thế nào.
Về quy y nương tựa nơi Đức Phật, chúng ta nói về nương tựa nhân Phật – trong tất cả các đức Phật quá khứ, hiện tại và vị lai, vị có liên hệ đến chúng ta nhiều nhất là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – và nương tựa quả Phật -là nương tựa ở tiềm năng giác ngộ của chính chúng ta, đức Phật mà mỗi chúng ta sẽ trở thành. Về nương tựa Pháp, có một Pháp được giảng dạy trong những bản kinh, và có một Pháp là sự chứng ngộ tâm linh của những gì được dạy. Cuối cùng là chúng ta quy y nương tựa vào Tăng đoàn, cả những vị tăng sĩ và ni sĩ bình thường, những người tượng trưng cho Tăng đoàn, và cả Tăng đoàn cao quý – những vị đã đạt được những kinh nghiệm thiền định về sự thật tối thượng. Vì vậy, chúng ta hay nói rằng Phật là Thầy, Pháp là con đường và Tăng là những người đồng hành tâm linh hữu ích.
Trong Ba Ngôi này, quan trọng nhất với mỗi cá nhân chúng ta là Pháp, vì chỉ có chúng ta mới có thể giúp đỡ bản thân mình một cách rốt ráo – không ai khác có thể đạt giác ngộ cho chúng ta hoặc đưa nó cho chúng ta. Giác ngộ chỉ đến với người thực hành Pháp rốt ráo, với người đón nhận Pháp và áp dụng Pháp để trau dồi dòng tâm của chính người đó. Vì vậy trong Ba Ngôi Tam Bảo, Pháp là nơi nương tựa tối thượng. Bằng cách lắng nghe, suy ngẫm và thiền định về Pháp, cuộc sống của chúng ta sẽ hoà thành một với Pháp và giác ngộ là điều bất chợt xảy ra.
LUẬT NHÂN QUẢ
Tất cả những bậc thầy Kadampa vĩ đại trong quá khứ đã nhấn mạnh rằng việc quy y nương tựa phải được thực hành trong bối cảnh của tỉnh giác mãnh liệt về luật nhân quả; nó đòi hỏi sự tuân thủ luật nhân quả như là một sự hỗ trợ cho nó. Đức Phật nói: “Bạn là người bảo vệ cho chính mình và bạn là kẻ thù của chính mình.” Đức Phật không thể bảo vệ chúng ta, chỉ có sự tuân thủ luật nhân quả của chính chúng ta mới có thể bảo vệ chúng ta. Nếu giữ gìn nơi nương tựa thanh tịnh và sống phù hợp với luật nhân quả, chúng ta trở thành người bảo vệ cho chính mình; ngược lại, nếu sống trái ngược với con đường tâm linh, chúng ta sẽ trở thành kẻ thù tệ hại nhất của chính mình, làm hại chính mình trong đời này và trong các đời sau.
Tâm của một người bình thường thì không có kỷ luật (được rèn luyện) và không được kiểm soát. Để có thể dấn thân vào những thực hành Phật Giáo cao cấp hơn, chẳng hạn sự phát triển định (samadhi), cái thấy thấu suốt về tính Không hoặc những phương pháp yoga của những hệ thống tantra khác nhau, đầu tiên chúng ta phải trưởng dưỡng một tâm có kỷ luật (giữ giới). Trên nền tảng của việc quy y nương tựa và sự tự kỷ luật (tự giữ giới), chúng ta có thể dễ dàng phát triển những kinh nghiệm ngày càng tăng dần trong các thực hành Pháp cao hơn nhưng nếu không có nền tảng của giới luật, những thực hành cao hơn của chúng ta sẽ không sinh ra quả.
PHÁT TRIỂN THỰC HÀNH
Tất cả chúng ta muốn thực hành những kỹ thuật cao nhất nhưng đầu tiên chúng ta phải hỏi chính mình liệu chúng ta đã là tinh thông ở những điều kiện tiên quyết thấp hơn chưa, chẳng hạn như giới luật. Mục đích của việc quy y nương tựa là để chuyển hoá một con người bình thường thành một vị Phật; khi điều này được viên mãn, mục đích của việc quy y nương tựa đã hoàn thành. Giây phút tâm ta trở thành Phật, lời nói của chúng ta trở thành Pháp và thân thể của chúng ta trở thành Tăng đoàn. Tuy nhiên, thành tựu được trạng thái cao cả này còn tùy thuộc vào sự thực hành Pháp của chính chúng ta. Để dành việc thực hành cho những người khác trong khi mong đợi những lợi ích tâm linh cho chính mình là mơ mộng bất khả thi.
Để tịnh hoá tâm khỏi những lỗi lầm liên quan tới nghiệp và tri kiến và trưởng dưỡng những phẩm tính của giác ngộ trong dòng tâm của mình, chính chúng ta phải làm các bài thực hành và kinh nghiệm những trạng thái tâm linh. Một trăm lẻ tám tập sách về những lời của chính Đức Phật đã được dịch sang tiếng Tây Tạng có một nghĩa thiết yếu là: tịnh hoá tâm ý và tạo ra những phẩm tính bên trong. Không có chỗ nào nói rằng có ai khác có thể làm điều đó cho chúng ta. Vì vậy, theo một cách nào đó, các đức Phật có một chút hạn chế – Các vị có thể giải thoát chúng ta bằng cách truyền cảm hứng để chúng ta thực hành các lời dạy của các vị. Rất nhiều vị Phật đã đến trước đây nhưng chúng ta vẫn còn ở đây trong vòng sinh tử luân hồi. Điều này không phải vì các đức Phật ấy thiếu tâm đại bi nhưng bởi vì chúng ta không thể thực hiện lời dạy của các ngài. Tiến bộ của các cá nhân trên con đường tâm linh tùy thuộc vào nỗ lực của chính những cá nhân ấy.
MƯỜI THIỆN HẠNH
Tiến trình tự tu luyện (trưởng dưỡng) có rất nhiều cấp độ. Tuy nhiên, đối với người bắt đầu, điều cần thiết là nên tránh mười hành động xấu ác và thực hiện mười hành động thiện lành. Ba trong số mười hành động này là thuộc về thân thể: thay vì giết hại, chúng ta nên trân quý và tôn trọng sự sống; thay vì trộm cướp, chúng ta nên cho đi một cách tự nguyện điều mà chúng ta có thể giúp đỡ người khác; và thay vì lấy đi đối tác (bạn đời) của người khác, chúng ta nên tôn trọng cảm xúc của họ. Bốn hành động liên quan đến lời nói: thay vì nói dối, chúng ta nên nói sự thật; thay vì gây bất hòa bằng cách vu khống người khác, chúng ta nên khuyến khích hạnh lành bằng cách nói về những phẩm tính tốt của họ; thay vì nói những lời hà khắc và sắc bén, lời nói của chúng ta nên nhẹ nhàng, hòa nhã và tràn đầy yêu thương; và thay vì những cuộc giao tiếp vô bổ, chúng ta nên dấn thân vào những hoạt động có ý nghĩa. Cuối cùng, ba trong mười hoạt động đề cập đến tâm: chúng ta nên thay thế lòng tham đắm bằng việc không dính mắc; nên gửi đến người khác tình yêu thương và đại bi thay vì những ý xấu; những niềm tin không đúng nên thay bằng những thái độ thực tế.
Mỗi người Phật tử nên noi theo mười giới luật cơ bản này. Không làm theo như vậy trong khi dấn thân vào những phương pháp tantra cao hơn đơn giản chỉ là đánh lừa chính bạn. Mười phương pháp này là những thực hành, quy tắc đơn giản mà bất cứ ai cũng có thể noi theo, đó là những bước đầu tiên cho bất cứ ai muốn thực hành yoga đầy quyền năng, cái mà có thể đưa đến giác ngộ trong một đời.
Khi chúng ta đã quy y nương tựa và trở thành Phật tử, chúng ta phải tôn kính gia đình của chư Phật. Thực hiện bất kỳ điều nào trong mười điều xấu ác sau khi đã quy y nương tựa là sự sỉ nhục đạo Phật. Không ai yêu cầu bạn trở thành Phật tử; bạn là Phật tử bởi vì bạn đã chọn như thế. Vì vậy bạn nên tự hoàn thiện mình theo đó, và những yêu cầu tối thiểu là tránh làm mười điều xấu ác và nuôi dưỡng những điều thiện lành. Phải thừa nhận rằng không ai hoàn hảo, nhưng nếu bạn muốn gọi mình là Phật tử, bạn phải có một số cố gắng nỗ lực. Khi có điều gì đó làm bạn tham đắm hay giận dữ phát sinh bên trong bạn, ít nhất bạn nên làm điều gì đó để không bị trạng thái sai lạc của tâm này làm mất tự chủ và thay vào đó là giữ thái độ tự tại và yêu thương.
TRƯỞNG DƯỠNG (TU LUYỆN) TÂM
Tinh tuý của Pháp là trưởng dưỡng (tu luyện) tâm bởi vì tất cả nghiệp tốt và xấu của lời nói và hành động đều bắt nguồn từ tâm và được dẫn dắt bởi tâm. Nếu bạn không rèn luyện một sự tỉnh giác về tiến trình tâm và khả năng cắt bỏ những dòng suy nghĩ tiêu cực khi nó phát sinh, thì hai mươi năm thiền định trong một hang động chỉ có chút xíu lợi ích thôi. Trước khi tìm một hang động, bạn nên tìm những phẩm tính tốt đẹp bên trong tâm mình và phát triển khả năng sống phù hợp với Pháp. Chỉ như vậy, việc đi vào hang động mới tốt hơn là việc chú gấu ngủ đông. Nói về thực hành nhập thất tantra trong khi mười nền tảng của Pháp vẫn nằm ngoài tầm với của bạn thì chỉ đơn giản làm cho chính bạn trở thành trò cười thôi.
LÀM CHO ĐỜI SỐNG NÀY HỮU ÍCH.
Là con người, chúng ta có tiềm năng đạt đến giác ngộ trong một đời. Tuy nhiên, đời sống quá ngắn và một phần lớn cuộc đời đã qua đi. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào và khi nó đến chúng ta phải bỏ lại tất cả mọi thứ sau lưng ngoại trừ những dấu ấn trong tâm về những việc đã làm trong đời. Nếu chúng ta thực hành và sống phù hợp với Pháp trong suốt cuộc đời mình và thậm chí đạt được những chứng ngộ, thì nguồn năng lượng này sẽ ở đó trong tâm chúng ta. Ở một phương diện khác, nếu chúng ta trải qua cuộc đời mình trong những suy nghĩ tiêu cực và xấu ác và rồi những ký ức theo những cách của vòng sinh tử luân hồi sẽ chiếm lấy thức của chúng ta khi nó chuyển sang một đời tiếp theo.
Vì vậy, bây giờ trong khi chúng ta có khả năng, chúng ta nên thực hành Pháp một cách chuyên sâu và thanh tịnh. Thực hành Pháp sẽ mang đến bình an và sự hòa hợp cho cả chúng ta và những người xung quanh, thậm chí ở cả đời này, và nếu chúng ta không đạt được giác ngộ trong đời này, nó sẽ cho chúng ta một viên ngọc như ý mà chúng ta có thể mang theo sang các đời sống tương lai để giúp chúng ta tiếp tục đi trên con đường tâm linh.
Cuối cùng là, tương lai của chúng ta nằm trong tay chúng ta. Hầu hết mọi người đều lập kế hoạch tuyệt vời cho tuần tới, tháng tới, năm tới, nhưng cái cần tính nhiều nhất là làm sao để thực hành Pháp ngay bây giờ. Nếu làm như vậy, tất cả các mục tiêu đều được hoàn thành. Khi chúng ta trưởng dưỡng những thiện hạnh hôm nay, những quy luật của duyên sinh tương thuộc sẽ đảm bảo rằng một dòng chảy những thay đổi tích cực đang được khởi động. Đây là điều quý giá của đời người: chúng ta có thể tác động một cách mạnh mẽ đến trạng thái tương lai của chính mình bằng việc áp dụng trí huệ phân biệt vào tất cả hoạt động của thân thể, lời nói, và tâm thức. Sử dụng và trưởng dưỡng trí huệ phân biệt này là chiết xuất tinh túy cốt tuỷ nhất của đời người.
🙏🙏🙏