TÍNH NÔN NÓNG

DARSHANI DEANE

Trích: Minh Triết Trong Đời Sống; NXB Hồng Đức, First News.

Susan là một phụ nữ trẻ, làm việc bán thời gian cho một cửa hàng. Cô thường tham thiền cho thân thể được thư giãn vì cô mắc bệnh cao áp huyết. Tuy tham thiền giúp cô giảm bớt áp huyết nhưng cô vẫn chưa tìm được sự bình an ở nội tâm. Cô nói:

– Thưa bà tôi là người có tính nóng, việc gì cũng có thể khiến tôi nổi giận được. Tôi vừa ghé qua một siêu thị để mua thuốc lá, tôi đang vội vì còn phải đón con gái ở trạm xe buýt nên đến chỗ quầy trả tiền cấp tốc (Express check out) cho nhanh. Đa số mọi người đều di chuyển rất nhanh cho đến lượt một bà già đứng trước tôi, bà đổ ngược túi tiền, đếm từng xu từng cắc. Nhìn bà già thong thả đếm tiền mà đầu óc tôi phát  khùng lên được. Tôi vừa đứng vừa rủa thầm bà già “chậm như rùa” làm trễ việc của tôi. Tôi chỉ muốn vặn cổ bà này cho rồi. Tôi đứng chờ mà lòng như bốc lửa, khi ra khỏi siêu thị tim tôi đập liên hồi khiến tôi phải ngồi nghỉ một lúc mới có thể lái xe  được. Những chuyện lặt vặt như vậy xảy ra rất thường mà tôi không biết phải đối phó bằng cách nào. Liệu bà có thể chỉ cho tôi một phương pháp để giảm bớt tính nóng này không?

– Trước hết chị cần biết rằng bà già kia không có trách nhiệm gì trong việc làm gia tăng áp huyết của chị cả. Chị cần biết sự bực tức, nôn nóng của chị chẳng thúc giục bà  già kia nhanh được chút nào mà chỉ làm hại cho bản thân của chị mà thôi. Nếu đã  từng thực tập thiền định thì chị hẳn biết rằng khi không có một ý nghĩ nào nổi lên trong tâm trí thì trí của chị sẽ lặng yên và chị sẽ cảm thấy bình an. Suy tưởng có sức mạnh rất lớn, khi nó đã nổi lên trong tâm của chị thì các hình ảnh liên quan đến ý nghĩ đó cũng nổi lên theo. Khi chị tức giận rồi nghĩ đến việc đập bà già kia một trận thì hình ảnh đánh đập bà già này đã nổi lên trong tâm của chị rồi và chị đồng hóa mình với các hình ảnh đó. Sự đồng hóa này tạo ra nỗi vui cũng như điều khổ, sự bực  tức cũng như nỗi hân hoan. Nếu ý thức được điều này thì chị có thể tránh khỏi bị nó mê hoặc qua sức mạnh của tư tưởng mà chị tạo ra trong tâm. Chính vì không ý thức mà chúng ta đã tự tạo ra địa ngục cho mình rồi lại cố gắng để thoát ra. Chị cần biết rằng tất cả đều do tâm tạo, chính trí óc của chị đã tạo ra thiên đường hay địa ngục. Tôi giúp chị chìa khóa để sử dụng quyền lực này một cách có lợi hơn: lần sau, mỗi khi đứng chờ mà cảm thấy có các phản ứng nôn nóng như trên thì chị phải lập tức thay đổi ngay suy nghĩ của mình và nhủ thầm: “Nếu tôi biết tự chủ và kiên nhẫn thì  tôi sẽ thoải mái, những điều đang xảy ra này sẽ không ảnh hưởng gì đến tôi cả vì tôi biết cách khiến cho mình cảm thấy bình an”. Cứ lặp đi lặp lại tư tưởng này mãi trong trí óc thì các cảm giác thoải mái, bình an sẽ lan tỏa trong lòng chị, sẽ điều khiển xác thân chị và quan trọng hơn nữa là chị sẽ tiến một bước dài trong việc cải thiện tình  trạng sức khỏe của mình. Chị hãy ghi nhận thật kỹ điều quan trọng sau đây:

Chúng ta không thể thay đổi cuộc đời mà chỉ có thể thay đổi được thái độ của chúng ta đối với cuộc đời mà thôi.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TỰ DO Ý CHÍ – MINH TRIẾT TRONG ĐỜI SỐNG
  2. “TÔI LÀ NGÀI”

Bài viết mới

  1. ĐỨNG DẬY SAU VẤP NGÃ
  2. CHUYỂN HÓA TÂM THỨC, LỜI KHUYẾN TU TỪ NGƯỜI BẠN LÀNH
  3. ĐỘT NHẬP VÀO HỆ ĐIỀU HÀNH CỦA NỀN VĂN MINH NHÂN LOẠI