TỰ DO Ý CHÍ – MINH TRIẾT TRONG ĐỜI SỐNG

DARSHANI DEANE

Trích: Minh Triết Trong Đời Sống; Việt dịch: Nguyên Phong; NXB. Hồng Đức; Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News

Sự thật thì chúng ta chỉ là một lá bài trong canh bạc lớn là cuộc đời mình trong đó kẻ thắng không phải là người cầm tiền ra về mà là kẻ biết tin cậy vào sự khôn ngoan, sáng suốt đầy minh triết của bàn tay điều khiển những cây bài. Dĩ nhiên anh không thể mặc cho số phận run rủi hay thụ động để mặc cuộc đời trôi chảy ra sao thì ra.

TƯ TƯỞNG VÀ HÀNH ĐỘNG

Isabel là nhân viên phục vụ trong một nhà hàng, công việc bận rộn và nhiều áp lực khiến cô muốn tìm sự an tĩnh qua việc thực hành thiền định. Nhưng vì đã quen sống phóng túng trong nhiều năm, cô không thể dậy sớm để tham thiền đều đặn được. Cô nói:

– Thưa bà nỗi khó khăn lớn nhất của tôi là tuân theo kỷ luật. Tôi là người sống bừa bãi không có kỷ luật gì hết, nhất là trong việc ăn với ngủ. Tôi đã tham dự các lớp huấn luyện, đọc sách “Học làm người”, đi chữa ở các bác sĩ tâm thần nhưng chẳng kết quả gì, chứng nào vẫn tật nấy. Tôi đến đây để xem bà có phương pháp nào thay đổi được cuộc đời vô kỷ luật của tôi hay không?

– Thánh Teresa d’Avilla đã nói: “Nếu muốn có một đức tính nào, hãy tưởng tượng mình có đức tính đó và như vậy thì đã đi một nửa con đường rồi”. Hãy hình dung chính mình là người đã có những đức tính mình muốn một cách hứng thú, và rồi cách cư xử của ta sẽ dần dần thay đổi để thích hợp với những đức tính đó. Bao lâu nay cô vẫn tự nhủ: “Tôi là người vô kỷ luật, tôi chẳng tuân theo kỷ luật gì cả…” do đó hành động của cô đã phản ảnh đúng tâm trạng vô kỷ luật này. Phải chăng khi đồng hồ báo thức reo lúc 5 giờ sáng, tiềm thức của cô lặp đi lặp lại một điệp khúc quen thuộc rằng: “Tôi không có kỷ luật, tôi không có kỷ luật”, và rồi trí óc của cô đã sai khiến cái tay của cô tắt đồng hồ báo thức đi để ngủ thêm ít lâu nữa. Điều này có khác chi một cái mẫu mà người thợ may dùng để may quần áo. Mẫu thế nào thì bộ quần áo sẽ như thế. Trong cuốn “Psychocybernetics”, giáo sư Maxwell Waltz đã viết: “Cách xử sự của một người không bao giờ trái ngược với hình ảnh của chính đương sự”. Vì cô thích đọc những loại sách “Học làm người”, để tôi giới thiệu cuốn “Power of Affirmation” của đạo sư Subramuniya, nhà xuất bản Himalayan Acadamy tại Hawaii.

Trong cuốn này tác giả đã dạy chúng ta cách phá bỏ những thói quen trong trí óc để bước vào một địa hạt khác. Ông viết: “Nếu một người cảm thấy mình không thể làm được thì người đó sẽ không bao giờ làm được việc đó”. Phương pháp thực hiện là thay đổi tư tưởng, thay đổi suy nghĩ bằng tất cả sức mạnh bản thân, sao cho toàn thân, từ đầu óc xuống đến các lỗ chân lông đều toát ra một ý nghĩ duy nhất là “Tôi có thể làm được”. Tác giả đề nghị mỗi ngày nên lặp đi lặp lại hàng trăm lần câu: “Tôi có thể và tôi sẽ làm được chuyện đó” thì người ta sẽ thay đổi được. Bây giờ chúng ta hãy áp dụng phương pháp này vào trường hợp của cô. Thay vì giữ ý nghĩ: “Tôi không có kỷ luật” trong tâm tư tưởng, cô cần đổi nó thành: “Tôi có kỷ luật, tôi là người rất kỷ luật”. Không những giữ trong tâm như vậy mà cô còn phải lặp đi lặp lại mỗi khi có dịp như một câu thần chú. Sau nữa, khi trí óc của cô ở tình trạng nhạy cảm như lúc trước khi ngủ thì cô hãy hình dung trong trí óc về hành động mà cô muốn thực hiện.

Muốn dậy sớm ư? Cô hãy hình dung mình sẽ dậy đúng 5 giờ sáng và thực hành thiền định đều đặn trong suốt một giờ liền. Nếu trước khi đi ngủ cô cứ nghĩ về tư tưởng này thì cô sẽ hành động như vậy.

Bây giờ qua đến việc ăn uống, nếu cô nghĩ mình có thói quen ăn bừa bãi bất cứ thứ gì và bất cứ lúc nào thì cô sẽ làm như vậy. Để thay đổi, cô phải hình dung chính cô là người mà cô muốn trở thành. Hãy nghĩ rằng cô là người ăn uống rất kỷ luật, ăn đúng giờ giấc và chỉ ăn những thức ăn do cô định trước, không hơn không kém. Hãy hình dung cô chỉ mặc những quần áo do chính cô chọn lựa. Ăn uống ngủ nghỉ vào những giờ giấc nhất định do cô định đoạt. Cứ như thế, cô sẽ kiểm soát được đời sống của chính cô. Phương pháp giản dị này còn giúp cô thay đổi các thói quen vô ý thức từ trước, tạo dựng đức hạnh và biển đổi cuộc đời.

– Nhưng phần lớn con người sẽ trở lại các thói quen cũ vì bao giờ thói cũ cũng mạnh hơn cái mới. Làm sao ta có thể vượt qua trở ngại này?

– Vì cô thích đọc sách, tôi giới thiệu thêm cuốn “The Mental Equivalent” của Emmet Fox. Trong cuốn này tác giả đã đưa ra ba chìa khóa để khắc phục trở ngại như sau:

Rõ ràng, Thường xuyên và Mạnh mẽ. Rõ ràng là đặt mục tiêu thật rõ rệt trong trí, Thường xuyên là luôn luôn nuôi dưỡng trong trí cái hình ảnh mới này. Khi thói quen cũ bắt đầu hoạt động trở lại thì lập tức thay thế nó bằng một hình ảnh mới vào đó. Mạnh mẽ là làm sao nuôi dưỡng cái hình ảnh mới này một cách sâu xa, mạnh mẽ. Làm sao để nó không những là một quan niệm trong trí óc, mà từ trái tim đến mỗi tế bào trong cơ thể cô đều cảm thấy như vậy. Kinh Thánh đã dạy: “Anh muốn thế nào thì sẽ được như thế”. Kinh không hề nói rằng mong thế nào thì sẽ vậy vì sự mong mỏi thì hời hợt, yếu đuối, nông cạn, trong khi sự ham muốn thì mạnh mẽ hơn nhiều.

Lòng tin là một thứ quyền lực, và sức mạnh của tư tưởng có thể thay đổi được nhiều việc. Khi thay đổi tư tưởng, người ta sẽ thay đổi hành động vì chúng ta nghĩ thế nào thì sẽ hành động như thế.

GIẢI THOÁT

Donald là một sinh viên còn trẻ có giọng nói nhỏ nhẹ và lễ phép, anh đang cố gắng tìm hiểu về ý nghĩa cuộc sống qua thiền định và đọc sách vở về tâm linh. Anh nói:

– Thưa bà, nếu chỉ một kinh nghiệm tâm linh nhỏ có thể thay đổi hẳn cuộc đời một người thì sự giác ngộ đạt đến tâm thức vũ trụ chắc chắn phải tuyệt vời lắm. Một việc tốt đẹp như thế tại sao có ít người làm quá?

– Không đâu, tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều muốn tìm sự giải thoát. Mọi sinh vật đều muốn tự do, hạnh phúc và sống mãi, nhưng đa số người ta đều tìm kiếm những sự này qua việc ăn uống, tình dục, tiền bạc, thành công, của cải, danh vọng hay giải trí. Vấn đề không phải là người ta không muốn tìm sự giải thoát, nhưng người ta đã tìm nó sai chỗ. Điều này có thể diễn tả qua câu chuyện ngụ ngôn sau:

“Có một thiếu nữ kia cứ cắm cúi lục lọi trong vựa lúa trước nhà cho đến khi một người qua đường thấy vậy hỏi:

– Cô kiếm gì mà lục lọi trong vựa lúa vậy?

– Tôi tìm một cây kim khâu.

– Cô đánh rớt nó trong vựa lúa ư?

– Không, tôi đánh rớt nó ở trong nhà.

– Ủa! Cô đánh rớt nó ở trong nhà thì tại sao cô lại tìm nó ở ngoài vựa lúa?

– Tại vì trong đó tối quá tôi khó tìm, ở ngoài này sáng hơn”

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy rằng tất cả những gì chúng ta muốn tìm đều có sẵn trong nội tâm chúng ta cả, nhưng thay vì quay vào bên trong thì chúng ta lại cứ xoay ra bên ngoài tìm kiếm rồi than là không thấy. Chúa Jesus đã dạy rõ rằng: “Thiên đường ở nội tâm”. Cái ánh sáng cao cả bao la thấm nhuần tất cả lúc nào cũng chiếu soi nhưng vì bị lớp mây vô minh che lấp, khi mây tan hết thì ánh sáng lại hiện ra.

Kinh điển Phật giáo cũng đề cập đến việc một người có viên ngọc cất trong tay áo nhưng không biết dùng mà cứ sống một cuộc đời nghèo đói lam lũ, ăn xin, cho đến khi tỉnh ngộ biết rằng mình vốn là người giàu có, có ngọc trong tay áo chứ không phải một người nghèo kém.

TỰ DO Ý CHÍ

Trevor là nhân viên bảo trì cho một nhà thờ tại thành phố Pennsylvania. Anh thắc mắc:

– Con người có tự do ý chí không? Nếu tất cả mọi việc đều đã được Thượng Đế sắp đặt thì ý chí đóng vai trò gì? Theo giáo lý, tôi không có quyền gì cả vì ơn trên đã lo liệu đầy đủ. Tuy nhiên trên thực tế, tôi cũng có chút quyền hạn trong công việc hàng ngày. Thí dụ tôi có quyền yêu cầu mọi người rời khỏi giảng đường để tôi quét dọn, có thể khóa cửa nhà thờ vào lúc nửa khuya, v.v.

Đêm qua có một buổi họp tại nhà thờ để bàn việc chi đó. Lúc nửa khuya tôi đi kiểm soát thì thấy vẫn còn mấy người nán lại trong phòng họp để chơi bài và tán gẫu. Vị mục sư không bao giờ cho phép chuyện lạm dụng phòng họp như thế, dĩ nhiên tôi có thể yêu cầu họ rời khỏi nhà thờ ngay. Chiếu theo luật lệ quy định thì điều này thuộc quyền hạn của tôi nhưng thay vì áp dụng luật, tôi đã dừng lại suy nghĩ. Tôi không biết có nên nhắc nhở cho họ biết rằng họ đến đây vì Chúa chứ không phải để đánh bài. Tôi cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin Ngài cho biết con phải làm gì?”.

Bất chợt tôi cảm thấy có một sức mạnh kỳ lạ, một thông điệp ở đâu vang lên trong tai tôi rằng hãy để họ yên. Tôi ý thức rằng đó là một tiếng nói vô thanh phát xuất từ một quyền lực cao cả nào đó, nên lẳng lặng bỏ đi không can thiệp vào việc đó nữa. Dĩ nhiên đó là trường hợp ngoại lệ nhưng tôi vẫn thắc mắc nếu tất cả đều do ý Chúa thì công việc của tôi trong cuộc đời này là gì?

– Nếu anh đề cập đến canh bạc thì tôi tạm lấy thí dụ về một ván bài cho dễ hiểu.

Này anh bạn, cuộc đời cũng giống như một canh bạc mà trong đó mỗi người được chia một số quân bài nhất định và không thể thay đổi. Thí dụ anh đã có những lá bài 10, Bồi, Đầm, Vua, chỉ thiếu một con “Át” nữa thôi là thắng lớn nhưng tiếc thay anh chỉ được lá bài “3 trái tim” nên không thể thắng. Cuộc đời cũng thế, chỉ cần xê dịch vài con số là kẻ nọ trúng độc đắc, chỉ cần một giải phẫu thẩm mỹ rất nhỏ là cô kia thắng giải hoa hậu, chỉ cần có chút bằng cấp là em này tìm được việc làm như ý. Tuy nhiên, sự thật thì người nào khác chứ không phải kẻ nọ đã trúng độc đắc, một thiếu nữ nào đã thắng giải hoa hậu chứ không phải cô kia, một người nọ đã được việc làm mà em này mong muốn.

Tóm lại, số độc đắc, giải hoa hậu, việc làm tốt, là của những người khác vì họ đã có đủ những “lá bài” để thắng. Tại sao họ có đủ lá bài mà anh thì không? Tại sao anh được lá bài “3 trái tim” thay vì lá bài “Át”? Hiển nhiên anh không biết lý do nhưng nếu anh biết cuộc đời là một canh bạc mà trong đó không hề có yếu tố may rủi thì anh sẽ hành động khác. Sự thật thì tất cả đều phát xuất từ một định luật thiêng liêng công bình và bất biến.

Tất cả “Nhân” đều gây ra “Quả” chứ không có gì là ngẫu nhiên, trùng hợp hay may rủi. Hiểu như thế anh nên nhìn cuộc đời bằng một nhãn quan khác như sau:

Tất cả “Nhân” đều gây ra “Quả” chứ không có gì là ngẫu nhiên, trùng hợp hay may rủi.

Hãy làm trọn vẹn bổn phận được giao phó một cách bình thản. Bình thản nghĩa là chấp nhận, không khó chịu, bất mãn, hay đau khổ. Anh phải chấp nhận rằng anh có lá bài “3 trái tim” chứ không phải lá bài “Át”, do đó anh không thắng. Anh không nên chống đối, khó chịu hay bất mãn với bất cứ điều gì dù kết quả chỉ xê xích đi khoảng một sợi tóc. Hãy để mọi việc xảy ra một cách tự nhiên, đừng phản kháng, đừng bất mãn khi đã làm hết sức mình. Thật ra một việc sẽ tốt đẹp hơn khi người thực hiện nó biết bỏ qua mọi bám víu vào các điều kiện hay kết quả.

Chúng ta có thói quen nghĩ rằng mình và chỉ mình thôi mới có thể làm việc đó một cách tốt đẹp. Lúc nào con người cũng nghĩ rằng họ có thể thay đổi được mọi sự bằng sức mạnh bé bỏng của mình, hiển nhiên họ thường đau khổ vì kết quả không mấy khi xảy ra như họ nghĩ.

Sự thật thì chúng ta chỉ là một lá bài trong canh bạc lớn là cuộc đời mình trong đó kẻ thắng không phải là người cầm tiền ra về mà là kẻ biết tin cậy vào sự khôn ngoan, sáng suốt đầy minh triết của bàn tay điều khiển những cây bài. Dĩ nhiên anh không thể mặc cho số phận dun rủi hay thụ động để mặc cuộc đời trôi chảy ra sao thì ra.

Anh cần làm việc tích cực nhưng không nên qúa chú trọng vào kết quả. Phải biết dừng lại, ý thức về nguồn cội, biết rằng tất cả chúng ta vốn thực sự là sự thức tỉnh sáng ngời phát xuất từ một niềm an tĩnh, phúc lạc vô biên chứ không phải là những cá nhân rời rạc trôi nổi như bèo giạt trên sông.

– Như vậy ngoài tự do ý chí, chúng ta còn phải biết chấp nhận nữa?

– Đúng thế, một con chim chỉ có thể bay được bằng hai cánh, trong sự chấp nhận vẫn có tự do ý chí, tự do làm việc, tận dụng mọi khả năng cá nhân, nhưng điều chính yếu là không quá chú trọng đến kết quả. Khi đã vượt qua được quan niệm xấu hay tốt, thành công hay thất bại, được hay thua, còn hay mất thì anh sẽ thấy rằng, biết chấp nhận chính là một phần của tự do của ý chí.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết liên quan

  1. NIỀM TIN LÀ ĐIỂM KHỞI ĐẦU CỦA MỌI THÀNH CÔNG VĨ ĐẠI
  2. VƯỢT QUA KHUÔN KHỔ TƯ DUY – HỢP NHẤT VỚI VŨ TRỤ
  3. SỨC MẠNH CỦA NIỀM TIN

Bài viết khác của tác giả

  1. “TÔI LÀ NGÀI”

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG