SOGYAL RINPOCHE
Trích: Tạng thư sống chết -The Tibetan Book Of Living And Dying; Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch; Nhà xuất bản Thanh Văn Hoa Kỳ 1992 và Nhà xuất bản Xuân Thu Hoa Kỳ 1996
Nghiệp như vậy không có tính cách định mệnh hay tiền định. Nghiệp là khả năng của chúng ta có thể định đoạt cách thức và lý do chúng ta hành động. Chúng ta có thể thay đổi. Tương lai nằm trong tay ta, và trong tay của trái tim ta. Phật dạy:
– Nghiệp tạo tất cả, như một họa sĩ.
– Nghiệp sáng tác như một vũ công.
Vì mọi sự là vô thường, tuôn chảy, và hỗ tương lệ thuộc, nên cách làm và nghĩ của ta đương nhiên thay đổi tương lai. Không có hoàn cảnh nào dù có vẻ ghê gớm vô vọng tới đâu, – như một cơn bệnh tới thời kỳ chót – mà chúng ta không có thể sử dụng để tiến hóa. Và không có tội ác hay sự tàn bạo nào mà không được tịnh hóa nhờ sự sám hối chân thành và tu tâm thực sự.
Milarepa được xem như vị đạo sư Du già vĩ đại nhất ở Tây Tạng, một nhà thơ, một bậc thánh. Tôi còn nhớ hồi nhỏ tôi đã ớn lạnh như thế nào khi đọc câu chuyện đời ngài, và nghiền ngẫm những bức minh họa trong cuốn tập chép tay của tôi về cuộc đời ngài. Khi còn trẻ, Milapera đã được huấn luyện làm phù thủy, và với tà thuật ngài đã giết và tàn hại vô số người. Thế nhưng nhờ ăn năn sám hối, và những nỗi đau khổ nhọc nhằn mà ngài đã phải chịu đựng với vị thầy vĩ đại Marpa, ngài đã có thể lọc sạch tất cả ác nghiệp. Ngài tiến lên đến sự giác ngộ, trở thành một nguồn cảm hứng cho hàng triệu người sau qua nhiều thế kỉ.
Ở Tây Tạng chúng tôi nói: “Ác nghiệp có một điều hay, đó là nó có thể được tịnh hóa”. Bởi vậy luôn luôn còn có hy vọng. Ngay cả những kẻ sát nhân và những kẻ trọng tội ghê gớm nhất cũng có thể thay đổi và vượt qua cái hoàn cảnh đưa họ đến tội lỗi. Hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, nếu biết sử dụng khéo léo, có trí tuệ, có thể gợi hứng cho ta thoát khỏi dây trói của đau khổ.
Những gì đang xảy ra cho ta hiện tại phản ảnh nghiệp quá khứ của ta. Nếu ta biết điều ấy, và biết thực sự, thì mỗi khi đau khổ hay khó khăn giáng xuống cho ta, ta sẽ không xem chúng đặc biệt như một thất bại hay tai họa, hay xem đau khổ như một sự trừng phạt nào đó. Chúng ta cũng không trách kẻ khác, hay tự ghét mình. Chúng ta xem đau khổ mà ta đang trải qua cũng như sự hoàn tất của những kết quả của nghiệp quá khứ. Người Tây Tạng nói rằng đau khổ là “một cái chổi quét sạch những nghiệp ác của ta”. Chúng ta lại còn nên cám ơn (sự đau khổ) vì đấy là một cái nghiệp ta đang đi đến kết thúc. Chúng ta biết rằng “sự may mắn” một kết quả tốt của nghiệp, có thể trôi qua nếu ta không khéo sử dụng, nhưng “rủi ro” kết quả của ác nghiệp, quả có thể đem cho chúng ta một cơ hội tuyệt diệu để tiến hóa.
Với những người Tây Tạng, nghiệp có một ý nghĩa thiết thực sống động trong đời sống hàng ngày. Họ sống những nguyên lý của nghiệp, trong sự hiểu biết sự thật của nó, và đây là căn bản của đạo đức Phật giáo. Họ hiểu nghiệp là một tiến trình tự nhiên và công bằng. Bởi thế nghiệp gợi cho họ có được một ý thức trách nhiệm cá nhân trong bất cứ việc gì họ làm. Hồi tôi còn bé, gia đình tôi có một nô bộc kỳ diệu tên là A pé Dorje thương tôi rất mực. Ông ta thực là một người thánh thiện, suốt đời không bao giờ hại ai. Mỗi khi tôi nói hay làm điều gì có hại, ông liền nhẹ nhàng nói: “Ồ, thế là không phải”. Bằng cách ấy ông gieo cho tôi một ý thức sâu xa về sự có mặt khắp nơi của nghiệp, và hầu như một thói quen máy móc để chuyển hóa những phản ứng của tôi, nếu tôi có một ý tưởng tai hại.
Có phải thực sự khó thấy vận hành của nghiệp không? Há chẳng phải ta chỉ cần nhìn lại đời mình, để thấy những hậu quả của một vài nghiệp chúng ta đã làm? Khi chúng ta làm tổn thương một người nào, có phải là nó dội lại trên chính ta? Có phải chúng ta còn lại một hoài niệm đen tối đắng cay, và bóng đen của sự tự ghét? Hoài niệm và bóng đen đó chính là nghiệp. Những thói quen và những nỗi sợ của chúng ta cũng thế, là do nghiệp, hậu quả những hành động, lời nói, tư tưởng ta đã làm trong quá khứ. Nếu ta xem xét những hành động của ta, và thực sự ý thức về chúng, ta sẽ thấy rằng có một mẫu mực luôn luôn trở lại trong những hành động của ta. Bất cứ lúc nào ta có hành động xấu, nó liền đưa đến đau khổ; khi ta có hành động tốt, cuối cùng sẽ có kết quả là hạnh phúc.