TINH THẦN SAMURAI TRONG THẢM HỌA SIÊU ĐỘNG ĐẤT, SÓNG THẦN Ở NHẬT BẢN

SƯU TẦM

Nguồn: Siêu Động Đất Sóng Thần ở Nhật Bản – Những câu chuyện từ thảm họa; NXB. Thông Tấn; 2011

“Cho dù thảm họa là vô cùng to lớn, nhưng sự kiện đáng buồn này về phần nào đó đã thể hiện được những đặc tính rất đáng ngưỡng mộ của Nhật Bản và vì thế, nó giúp củng cố và tăng cường sức mạnh mềm của họ”
(Giáo sư Joseph Nye – Đại học Harvard)

THẾ GIỚI KHÂM PHỤC NGƯỜI NHẬT

Bất chấp những khó khăn và đau thương vẫn không ngừng tăng lên từng phút, từng giờ, người dân Nhật vẫn bình tĩnh, kiên cường và đoàn kết một lòng để vượt qua thảm họa. Tinh thần ấy đang được cả thế giới khâm phục.

Không giống như ở một số nước khác sau thảm họa, ở Nhật không thấy cảnh “đục nước béo cò”, trộm cướp, hôi của. Trận động đất ở Chile năm 2010, quân đội phải can thiệp do nạn cướp bóc triền miên. Haiti sau động đất và lũ lụt cũng vậy, nhiều kẻ tư lợi đã lợi dụng tình hình rối ren để cướp phá, trộm cắp.

Thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật để lại hậu quả thật kinh hoàng. Người dân Nhật đang gặp rất nhiều khó khăn. Lương thực, điện, nước đều thiếu. Các thành phố lớn luân phiên cắt điện do bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy nổ ở nhà máy điện hạt nhân. Mọi thứ đều rất tồi tệ nhưng người dân thế giới vẫn nhận thấy ở người Nhật ánh lên niềm tin, tinh thần đoàn kết đáng kể.

Vì sao cảnh cướp bóc không xảy ra trong thảm họa ở Nhật?

Từng làm cả thế giới phải trầm trồ thán phục về cuộc “Minh trị duy tân” hay những bước tiến thần kỳ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, giờ đây Nhật Bản lại khiến người ta ngạc nhiên về tính kỷ luật phi thường, bất chấp cảnh tượng kinh hoàng do động đất và sóng thần.

Trước tiên là thảm họa xảy ra, sau đó là nạn hôi của – một diễn biến trở nên quá quen thuộc trong những thảm họa gần đây. Trong trận lụt ở phía tây nước Anh năm 2007, những kẻ hôi của đã đập vỡ cửa kính của những xe hơi bị bỏ lại và cướp giật những chai nước uống cứu trợ.

Tại Orleans năm 2005, Chính phủ Mỹ đã phải đưa quân đội tới để giải quyết cảnh hỗn loạn trong thành phố – các cuộc đọ súng, cướp của diễn ra thường xuyên đến độ người ta đã không cho những người tình nguyện đến hỗ trợ vì quá nguy hiểm.

Còn ở Haiti, cho đến bây giờ người ta vẫn còn ghi nhận các vụ hãm hiếp và cướp bóc tại những khu vực đổ nát mà Chính phủ chưa thể dọn dẹp, một năm sau khi động đất xảy ra.

Thế nhưng tại Nhật Bản, không có ai bất chợt “để mắt” đến những đống đổ nát dù tình hình thật sự tuyệt vọng.

Tinh thần đoàn kết của người dân Nhật thật mạnh mẽ. Sức mạnh của xã hội Nhật Bản có lẽ gây ấn tượng còn hơn cả sức mạnh công nghệ của họ” – ông Ed West viết trên tờ Telegraph.

“Hôi của đơn giản là không xảy ra ở Nhật Bản. Tôi thậm chí còn không chắc rằng trong ngôn ngữ Nhật Bản có một từ để mô tả chính xác hành động này” – Gregory Pflugfelder, giáo sư nghiên cứu văn hóa Nhật Bản tại Đại học Columbia (Mỹ).

“Người Nhật tuân thủ nghiêm ngặt mệnh lệnh của cộng đồng và nhóm, bởi họ coi đó là cách duy nhất để cân bằng nhu cầu của cá nhân” – ông Pflugfelder phân tích.

CNN dẫn lời ông Pflugfelder, “Trật tự xã hội và kỷ luật đã được tập thành thói quen ngay trong cuộc sống bình thường, nên người Nhật Bản không thấy trở ngại tiếp tục thói quen này khi có thảm họa xảy ra”.

Giáo sư Merry White tại Đại học Boston (Mỹ) nói “bạo lực và giành giật từ tay người khác đơn giản là không được chấp nhận trong văn hóa Nhật”.

SỰ BÌNH TĨNH CỦA NGƯỜI DÂN

Tinh thần kiên cường và tương thân tương ái đã giúp Nhật Bản vượt lên trên những đống đổ nát trong quá khứ, từ trận động đất giết chết 142.800 người ở Tokyo năm 1923 đến vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945.

Thủ tướng Nhật Bản nói rằng, trải qua động đất, sóng thần kinh hoàng ngày 11/3, khiến hàng chục nghìn người chết và mất tích, xứ sở hoa anh đào đang đối mặt khủng hoảng tồi tệ nhất từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Thế nhưng, người dân vẫn bình thản tự giúp mình và cứu người, không giận dữ hay tuyệt vọng như ở nhiều nước khác. Họ tích cực tìm kiếm người thân, nhanh chóng dọn dẹp đường phố và kiên nhẫn chờ được cấp điện, cấp gas.

SỨC MẠNH CỦA NIỀM TIN

Vì sao ở Nhật Bản người ta có thể bình tĩnh chờ đợi để đến lượt về nhà khi mặt đất ở dưới chân vẫn tiếp tục rung lên, và khi người thân còn chưa có tin tức? Phải chăng đó là mặt tích cực của tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản, hay đó là sự tự trọng được hình thành từ bề dày văn hóa? Có thể, đó là những yếu tố làm nên tính cách Nhật. Song, con người dù ở nền văn minh nào cũng vẫn luôn là những thực thể cá nhân, và niềm ham sống, sợ chết, lợi ích cá nhân luôn tồn tại và bùng nổ trong những thời điểm khó khăn và tuyệt vọng. Do đó, phải có một cách lý giải khác về hàng người bình tĩnh kia. Đó là niềm tin. Người dân Nhật Bản đã bình tĩnh vì họ tin rằng họ không bị bỏ rơi. Họ tin con cái họ ở trường sẽ được các thầy cô bảo vệ, niềm tin đó chắc chắn như việc con cái họ biết rằng phía sau ghế ngồi luôn có tấm đệm để che đầu khi động đất, và các giáo viên dẫn chúng vào nhà tập thể dục vì nơi đó an toàn.

Họ tin, nếu người thân chưa thể về nhà thì cũng không thể bị đói, rét bởi các khu trại trị nạn đã nhanh chóng được dựng lên ở khu vực công cộng. Họ tin tưởng vì chính quyền luôn cung cấp thông tin chi tiết về những nguy cơ có thể sẽ đến, cả những thông tin nhạy cảm về nhà máy điện hạt nhân có thể phát nổ.

Niềm tin được hình thành như thế nào?

Chắc chắn sẽ không có một con đường chung dẫn đến niềm tin của tất cả mọi người. Song, sự thật là điều không thể thiếu để có được niềm tin. Đó cũng là lý do mà ưu tiên số một của chính quyền các thành phố ở Nhật Bản trong thời gian diễn ra động đất chính là cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân.

Hàng triệu người dân Nhật Bản đã được an toàn bởi chính sự bình tĩnh của họ, và sâu xa hơn, bởi những nỗ lực đảm bảo thông tin của chính quyền. Đây là một bài học cho bất cứ quốc gia, dân tộc nào. Cùng là niềm tin, nhưng khi nó hình thành bởi sự thật, nó sẽ giúp người ta mạnh mẽ hơn, còn khi niềm tin được hình thành từ sự mù quáng, nó sẽ dẫn con người tới tự diệt vong.

Nếu như chính phủ và truyền thông Nhật làm chúng ta ngạc nhiên một thì con người Nhật với sự bình tĩnh, cảm thông, tương tợ lẫn nhau để cùng trải qua những ngày khó khăn lịch sử này làm chúng ta ngạc nhiên, cảm động hơn rất nhiều lần và tự hỏi chúng ta có thể làm gì giúp họ?

Một phân xưởng làm cơm nắm, làm việc ngày đêm bởi vì “ngoài kia có rất nhiều người đang ở trung tâm trị nạn không có gì ăn, chúng tôi phải làm nhanh hơn nữa để giúp họ”. Sản phẩm được giảm giá mạnh, thậm chí cho không. Và những hàng người dài, rất dài xếp hàng để chờ phát thức ăn và luôn miệng “Xin lỗi vì đã làm phiền ông/bà” khi nhận được đồ ăn, nước uống. Thậm chí xếp hàng mà không nhận được đồ ăn, nước uống họ vẫn cúi gặp người xin lỗi.

Gần khu vực tâm chấn động đất, công nhân một kho hàng hì hục lôi ra những hộp cafe và soda, biếu không người qua đường. Cách đó không xa, 50 thợ kỹ thuật dò dẫm trong bóng tối Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, ngăn rò rỉ phóng xạ quy mô lớn, dù độ phóng xạ quanh họ vượt ngưỡng cho phép nhiều lần…

Một trường học giữa ngổn ngang đổ nát vẫn tổ chức lễ tốt nghiệp cho các em học sinh cấp I. Cả học sinh, thầy giáo và phụ huynh đều lau nước mắt. Lễ tốt nghiệp rất đơn sơ. Trong một gian lớp học, học sinh ngồi bệt xuống đất chờ đợi gọi đến tên mình để lên nhận giấy chứng nhận. Người mẹ trẻ cúi rạp mình để cảm ơn thầy, cô dù trong khó khăn vẫn tổ chức một buổi lễ tốt nghiệp cho các em và sẽ là một kỷ niệm sâu sắc trong lòng các em.

Ở Tokyo, người ta vẫn xếp hàng dài ra tận ngoài phố để chờ được lên tàu dù điều đó đồng nghĩa có thể họ sẽ phải chờ tới ba chuyến tiếp theo. Ở các cửa hàng bán lẻ, người bán hàng xin lỗi vì đã hết hàng, do phần nhiều hàng phải chuyển về các tỉnh thành cần trợ giúp. Những câu xin lỗi và cảm ơn ngày thường nghe đến nhàm tai, những ngày này trở thành công cụ đắc lực giúp mọi người thể hiện sự cảm thông, trân trọng lẫn nhau và cùng nhắc nhau hướng về những điều tốt đẹp.

Người Nhật đã dạy chúng tôi một điều rằng trong mọi khó khăn ta phải có niềm tin. Và chính niềm tin của người Nhật sẽ đưa nước Nhật thoát ra khỏi thảm họa này một cách kỳ diệu. Niềm tin của họ có sức lay động toàn thế giới.

TÌNH THÂN ÁI TRONG THẢM HỌA

Người dân Nhật xếp hàng nhận nước uống trong những ngày thảm họa xảy ra.

Trận động đất và sóng thần đã đẩy cuộc sống vốn sung túc của người dân Nhật Bản vào cảnh khó khăn. Chính trong hoàn cảnh khó khăn này, tinh thần tương thân tương ái của người dân Nhật Bản lại càng rõ nét hơn bao giờ hết.

Mặc dù hàng hóa còn rất khan hiếm, nhưng giá cả các mặt hàng không những không tăng mà còn thấp hơn mức bình thường.

Một số cửa hàng xăng dầu trong khu vực Đông Bắc Nhật Bản đã cung cấp miễn phí cho mỗi người dân 10 lít dầu để sưởi ấm. Tất cả các tuyến xe buýt đều được phục vụ miễn phí.

Anh Lê Quang Dũng – người đã sống chung các nạn nhân người Nhật cho biết “Họ không có biểu hiện sự lo lắng, hoảng hốt mà cực kỳ bình tĩnh. Từ người già đến người trẻ, họ động viên nhau cùng cố gắng”.

TÔN GIÁO

Đa số người Nhật theo Thần đạo và Phật giáo, và theo như giáo sư John Nelson thuộc Đại học San Francisco, người Nhật sử dụng tôn giáo để đối mặt với các tình huống khác nhau trong cuộc sống.

“Khi gặp sự việc tích cực thì người Nhật tìm đến các nghi thức của Thần đạo, nhưng khi gặp tai họa hay thảm kịch thì họ hướng về Phật giáo”, theo ông Nelson.

Khác với nhiều tôn giáo khác, Phật giáo và Thần đạo của người Nhật không quá tập trung vào nguyên nhân xảy ra thảm họa mà chỉ dạy cách ứng xử của người dân trước thảm họa.

“Đối với người Nhật, quan trọng nhất là phản ứng một cách tích cực và kiên trì mỗi khi đối mặt với khó khăn, điều đó phản ánh qua tôn giáo của họ” – giáo sư Bocking thuộc Đại học Cork nói với CNN.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. SỨC MẠNH CỦA NHÂN LÀNH – SỨC MẠNH CỦA THIỆN PHÁP – SỨC MẠNH CỦA BỐ THÍ
  2. CON CHỒN CỦA HÒA THƯỢNG HƯ VÂN
  3. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ