TÍNH THIỆN LUÔN HIỆN HỮU NƠI MỖI NGƯỜI

NELSON MANDELA

Trích: Nelson Mandela - Người Tù Thế Kỷ; Tác giả: Nelson Mandela; Việt dịch: Trần Nhu

Nelson Mandela

LỜI GIỚI THIỆU CỦA DỊCH GIẢ

Báo giới nhiều nước trên thế giới gọi ông là “Người tù thế kỷ”. Tên ông là NELSON MANDELA. Tổng thống nước Cộng hòa Nam Phi, chủ tịch Đảng Đại hội Dân tộc Phi của Nam Phi (ANC). Ông là vị tổng thống người da đen đầu tiên của nhà nước ở cực nam châu Phi. NELSON MANDELA bị chính quyền phân biệt chủng tộc tệ hại nhất trong lịch sử nước này nói riêng, ở châu Phi và thế giới nói chung, bắt khi đang lãnh đạo đội quân vũ trang của ANC chống lại kẻ thù của các dân tộc trên vùng đất đau thương từng phải sống hơn 300 năm dưới chế độ Apartheid tàn bạo. Ông bị kết án tù chung thân và bị đày ra đảo Robben Island trên biển Đại Tây Dương suốt hơn hai thập niên.

Từ trong nhà tù, NELSON MANDELA viết hồi ký về đời hoạt động của mình, về những cuộc chiến đấu của các chiến sĩ ANC và của các tầng lớp nhân dân bị áp bức Nam Phi mà ông là vị chỉ huy tối cao. Những trang gọi là hồi ký này trong thực tế là những bài học kinh nghiệm xương máu mà NELSON MANDELA và các đồng chí của ông mong muốn chuyển tận tay các chiến sĩ kiên cường trên tất cả các mặt trận chống lại kẻ thù. Những trang viết tâm huyết ấy đã vượt biển từ đảo Robben Island đến với đồng chí và chiến sĩ của ông trên đất liền, đến các Ban lãnh đạo ANC từ cơ sở đến trung ương, trong và ngoài nước, các đơn vị vũ trang luôn chắc tay súng trong trận chiến đấu không cân sức… và đã trở thành vũ khí sắc bén của ANC trong suốt hơn hai thập niên.

Những dòng cuối cùng của tập hồi ký này được ông viết sau khi ANC giành thắng lợi với đa số tuyệt đối trong cuộc tuyển cử dân chủ theo chế độ phổ thông đầu phiếu đầu tiên trong lịch sử nước Nam Phi. Cuộc bầu cử này đã đưa NELSON MANDELA lên vị trí nguyên thủ của nhà nước Nam Phi mới.

Hồi ký của NELSON MANDELA chia thành II phần, tuần tự từ buổi thiếu thời đến tuổi trưởng thành rồi đi theo “con đường tất yếu” của người chiến sĩ chiến đấu cho tự do và phẩm giá của con người. NELSON MANDELA gọi hơn 60 năm chiến đấu của ông là “con đường trường chinh dẫn đến tự do” và câu kết luận cuối cùng của tập hồi ký này khẳng định rằng “con đường dài ấy chưa kết thúc”.

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của NELSON MANDELA (18.7.1918 – 18.7.1998), chúng tôi biên dịch cuốn hồi ký này và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc, cuốn hồi ký được chia thành bốn phần lớn nhưng vẫn giữ được tính liên tục của các sự kiện, đồng thời bảo đảm tính trung thực và khách quan, chỉ lược bỏ bớt một số chi tiết cụ thể. Cuốn hồi ký của NELSON MANDELA đã được xuất bản ở nhiều nước và được bạn đọc hưởng ứng nồng nhiệt. Theo bình luận của nhiều tờ báo lớn ở phương Tây thì “Hồi ký của Nelson Mandela không chỉ nói về cuộc đời của một trong những nhân vật chính trị xuất sắc nhất của nửa sau thế kỷ 20 mà còn là một tác phẩm văn học đượm chất trữ tình… Nhiều người trên thế giới coi Nelson Mandela là một trong ít người nổi tiếng nhất thế giới còn sống. Hồi ký và những trang viết của ông thể hiện khá sắc nét điều bình thường đến giản dị và chính điều đó đã nâng ông thành “con người vĩ đại bình dân” với những kiến thức uyên bác của một nhà hàn lâm, là cơ sở đảm bảo cho sự hòa giải dân tộc, tránh được cuộc nội chiến đẫm máu cho các màu da, sắc tộc trên mảnh đất đầu đau thương nhưng hết sức kiên cường này. Hồi ký của Nelson Mandela là một bài thơ, một trường ca mà người đọc không thể dừng lại giữa chừng. Không một trang nào là người đọc hờ  hững”.

PHẨM TÍNH THIỆN LÀNH LÀ CĂN BẢN NƠI MỖI NGƯỜI

Đầu thập niên 70, nhà cầm quyền cử đại tá Piet Badenhorst làm chỉ huy đảo. Y nổi tiếng là ác ôn tàn bạo hạng nhất của Nam Phi.

Việc làm đầu tiên của y khi đến Robben Island là vặn lại đồng hồ trên đảo. Mọi phản kháng đều bị trừng phạt. Y bãi bỏ ngay tức khắc chế độ thăm tù mà không cần bất kỳ lời giải thích nào. Bữa ăn của tù kém hơn trước, hình phạt nặng hơn. Người ta khám xét xà lim chúng tôi, thu hết sách báo, cắt cơm người tù nào nếu hắn muốn và sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với bất cứ tù nhân nào.

Vào một buổi sáng, khoảng một tuần sau khi hắn ra đảo, Badenhorst xuất hiện ở mỏ đá mà không báo trước. Hắn quan sát chúng tôi làm việc từ khoảng cách vừa phải. Chúng tôi cũng quyết định nhân dịp này quan sát “quan lớn” kỹ hơn. Bỗng Badenhorst kêu to: “Mandela, rút ngay tay ra khỏi túi quần!”. Dường như y cảm thấy chưa đủ sức thị uy người tù. Hắn còn tác oai tác quái nhiều hơn, tàn bạo hơn.

Dường như chính quyền Apartheid đã tuyển lựa tất cả những tên thuộc hàng anh chị trong bọn lưu manh cao thủ nhất, bọn thù hận người Phi nhất để quản lý mà thực chất là để đàn áp thẳng tay người tù. Chúng nó trở thành công cụ rẻ mạt cho một chính sách cực kỳ tàn bạo của một bọn người vỗ ngực tự xưng là văn minh. Một sự sỉ nhục cho nền văn minh tư sản.

Nhưng dù tàn bạo đến đâu, con người cũng có lúc hiểu thế nào là sự thật, thế nào là sự vô lý, thậm chí nghịch lý mà chúng phải tôn thờ. Chẳng lẽ vì cuộc sống vinh thân phì da mà người ta tự nguyện biến thành con vật!

Người tù trên đảo Robben không chịu khuất phục bất kỳ một kẻ tàn bạo nào.

Phòng-giam-Nelson-Mandela-trên-đảo-Robben

Bên trong phòng giam Nelson Mandela trên đảo Robben

Chúng tôi quyết định chấp nhận trận đấu không cân sức với Badenhorst. Lãn công, không thực hiện định mức, mang dụng cụ từ trong nhà tù ra ngoài mỏ đá, thành lập “Ban đại diện thống nhất” để khi cần đối mặt với hắn. Tôi và Walter thay mặt anh em ANC, hai người tù thuộc các nhóm chính trị khác. Chúng tôi đòi có cuộc đối mặt với y. Viên sĩ quan ngạo mạn này chấp nhận cuộc đối mặt. Chúng tôi tuyên bố công khai với y rằng nếu y tiếp tục giở những trò tàn bạo thì người tù sẽ sử dụng tất cả những biện pháp họ có thể sử dụng: đình công, tuyệt thực, gây mất trật tự trong các banh. Badenhorst đã buộc phải thay đổi. Hắn đã phải sửa lại một số điều mà khi mới ra đảo đã ra uy với tù như cắt xén tiêu chuẩn ăn, không cho người nhà đến thăm, cấm gửi và nhận thư… Tóm lại y đã phải chăm chú nghe chúng tôi nói chứ không thể phớt lờ. Đối với chúng tôi, hành động phản kháng kiên quyết này coi như đạt thắng lợi. Những cuộc phản kháng của chúng tôi về hành động tàn bạo, độc đoán của Badenborst đã được đưa ra bên ngoài, đến đất liền. Một cuộc “xem xét tại chỗ” đã được hoạch định. Chúng tôi chỉ không biết vị đại diện nào sẽ ra đảo thôi.

Ba ngày sau, chúng tôi được báo tin có ba vị thẩm phán ra đảo. Như mọi khi, tôi được anh em tù cử làm đại diện trước các ngài “cầm cân pháp luật” này. Ba thẩm phán thuộc tòa án tối cao, được tướng Steyen tháp tùng. Tôi nói với các vị thẩm phán tất cả những gì xảy ra từ khi Badenborst được cử ra là chúa đảo: dung túng cho canh tù đánh đập người tù, tự thân y đã đánh đập tù và che chắn cho tay chân trong hàng loạt hành động bạo ngược với tù chính trị cũng như tù thường phạm, cúp bữa ăn, nhục mạ người tù bằng thứ ngôn ngữ thô lỗ của lưu manh… Trong khi tôi nói tất cả cho các vị thẩm phán, Badenborst lúng túng đi đi lại lại như bị kiến đốt. Có lúc y ngắt lời tôi: “Ông có chứng kiến tận mắt những vụ ấy không?”. Tôi từ từ nói rằng mình không tận mắt chứng kiến những vụ hành hung ấy nhưng người tù tin tôi và đã nói rõ tất cả những gì Badenborst và đồng bọn gây ra cho họ. Y đưa nắm đấm ra trước mặt tôi đe dọa: “Mandela, hãy cẩn thận đấy!”. Tôi nói với ba ông thẩm phán những gì đang diễn ra ngay trước mắt họ. Trước mặt pháp luật mà y vẫn đe dọa và sẵn sàng làm tất cả thì thử hỏi con người ấy tàn ác đến đâu, mất tính người tới mức nào khi chỉ có người tù đối mặt với ông ta. Một trong ba ông thẩm phán đã phải khẳng định: “Người tù nói có lý!”. Sau khi nói tất cả những gì cần nói, tôi chào các vị thẩm phán, trở về xà lim.

Tôi không biết họ đã nói gì với tướng Steyen và Badenborst và các vị làm những gì, báo cáo với những ai trong đất liền. Chỉ biết rằng thời gian tiếp theo Badenborst như người bị trói tay chân. Sự thô lỗ giảm hẳn. Ba tháng sau chúng tôi được tin: Badenborst bị sa thải.

Vài ngày trước khi rời đảo, Badenborst gọi tôi lên văn phòng nhà tù. Tướng Steyen thăm đảo và muốn tìm hiểu xem chúng tôi có điều gì kháng nghị. Với sự hiện diện của Badenborst, tôi nói rõ một loạt đòi hỏi của người tù. Sau khi tôi nói xong, Badenborst tiến đến trước mặt tôi, y thông báo rằng mình sẽ rời đảo, rồi ngập ngừng nói: “Tôi chúc ông nhiều hạnh phúc!”. Tôi không biết mình hóa rồ hay mê muội không còn tự chủ khi nghe từ chính miệng kẻ ác này những lời tử tế đến thế. Ông ta nói những lời của một con người đối với một đồng loại và qua đó ông ta thể hiện một mặt của bàn tay mà trước đó chúng tôi chưa bao giờ tin là có. Tôi cảm ơn ông ta về những lời chúc tốt đẹp và chúc ông mọi việc tốt lành, suôn sẻ trong công việc mới của mình.

Phút giây này lưu giữ khá lâu trong suy nghĩ của tôi. Badenborst là cai tù độc ác và tàn bạo nhất trong số những tên cai tù mà tôi từng biết suốt mấy chục năm trên đảo Robben Island. Thế mà con người cực kỳ tàn bạo ấy cũng đã có lúc, ngay trong văn phòng đầy quyền uy của mình, đã trình diễn một bộ mặt khác, khác như hai thái cực với bộ mặt thật của ông ta khi đối xử với người tù. Như vậy trong con quỷ người, vẫn tồn tại cái thiện. Chỉ có điều xã hội đã kích động cái phần thú ấy và người ta đã trả công hậu cho nó, để nó che lấp phần đẹp nhất mà con người nào khi cha mẹ sinh ra đều sở hữu. Đó là tính thiện. Khi con tim của họ rung động trước sự thật thì sự phản tỉnh, cái thiện ấy vẫn có thể sống lại như một bản năng mà không có sức mạnh bạo tàn nào xóa sạch đi được, trừ bọn diệt chủng, diệt ngay cả cha mẹ, anh em, họ hàng chúng như những hoang thú trong rừng, trên sa mạc. Hóa ra Badenborst khi sinh ra cũng không phải là con ác quỷ. Sự vô nhân đạo, mất nhân tính của y là sản phẩm của xã hội phi đạo lý, phi nhân tính, xã hội tội ác. Cái xã hội ấy cần những con quái vật và trả lương hậu cho những hành động quái vật.

Bình luận

[…] TÍNH THIỆN LUÔN HIỆN HỮU NƠI MỖI NGƯỜI […]


Bài viết khác của tác giả

  1. YÊU THƯƠNG VÀ TỰ DO
  2. TỪ MỤC ĐỒNG TRỞ THÀNH NHÀ LÃNH ĐẠO
  3. ĐỐI DIỆN NỖI ĐAU MẤT NHỮNG NGƯỜI THÂN

Bài viết mới

  1. ĐI QUA ĐỪNG CÓ ĐỐT CẦU, ĐỂ NGÀY CẦN ĐẾN CÓ CẦU MÀ ĐI
  2. BỔN PHẬN
  3. ĐỔ LỖI CHO AI ?