YÊU THƯƠNG VÀ TỰ DO

NELSON MANDELA

Trích: Nelson Mandela - Người Tù Thế Kỷ; Việt dịch: Trần Nhu

Tên tuổi của cựu Tổng thống Nam Phi, Nelson Mandela (1918-2013) luôn gắn liền với sự nghiệp đấu tranh không mệt mỏi cho sự bình đẳng và dân chủ ở Nam Phi. Ông là một nhà lãnh đạo vì nhân quyền xuất chúng và là nhân tố quan trọng dẫn đến sự chấm dứt chế độ Apartheid tàn bạo đã tồn tại hơn 300 năm kể từ khi người châu Âu xâm chiếm quốc gia này làm thuộc địa. 

Nelson MandelaBài viết dưới đây được trích từ quyển sách “Nelson Mandela – Người tù thế kỷ”. Tác phẩm này bao gồm những trang hồi ký được Nelson Mandela viết ra trong thời gian ông bị chính quyền của chế độ Apartheid (A-pac-thai) tại quốc gia Nam Phi cầm tù chung thân trên đảo Robben Island, do bởi những hoạt động đấu tranh cho quyền tự do và bình đẳng của các sắc tộc Phi trên quốc gia ở miền cực nam châu Phi này. Đây là đoạn trích nói về niềm tin không bao giờ tắt trong ông về lòng nhân ái, khoan dung và những phẩm tính thiện lành luôn sẵn có nơi mỗi con người dù cho người đó có những hành động tàn ác đến đâu đi nữa.

Khi được cựu ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, hỏi rằng vì sao trong dòng chảy nguy hiểm, trong cuộc đấu tranh biến động liên tục như vậy mà ông vẫn duy trì được một tấm lòng quảng đại, khoan dung và tha thứ, ông đã trả lời rằng:

Khi tôi bước ra khỏi phòng giam của mình, đi qua cánh cổng nhà tù để được tự do, tôi đã hiểu rõ ràng rằng, nếu tôi không thể để nỗi đau và sự oán hận của mình ở lại đằng sau, thì thực sự chính là tôi vẫn còn đang ở trong tù.

Lòng biết ơn và khoan dung thường có nguồn gốc từ sự đau khổ và hoạn nạn, chúng ta phải dùng nghị lực thật to lớn để huấn luyện. Bản thân tôi lúc còn trẻ tính tình rất nóng nảy, ở trong tù phải học cách kiểm soát, kiềm chế cảm xúc mới tồn tại được đến hôm nay. Những năm tháng ở trong tù đã cho tôi thời gian và sự khích lệ, có thể thâm nhập được vào nội tâm của chính mình, học được cách xử lý những đau khổ mà bản thân gặp phải.

Mời bạn đọc cùng xem bài viết cũng như có thể tìm đọc toàn bộ tác phẩm “Nelson Mandela – Người tù thế kỷ” có bán tại các nhà sách để hiểu thêm về con người và cuộc đời của Nelson Mandela, người được xem là một trong số ít những người có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới của thế kỷ 20.

—– ?☘️? —–

Tôi chưa bao giờ mất hy vọng trong những năm tăm tối nhất của lịch sử nước nhà, bởi vì Nam Phi không chỉ có vô số anh hùng mà nó còn có “tài sản” quý hơn nhiều. Đó là những phụ nữ, những người đàn ông bình thường. Tôi biết  trong sâu thẳm con tim của hàng triệu con người chất phác này là lòng nhân ái, vị tha và lòng quả cảm vô song. Không có ai trong họ sinh ra để căm thù những người khác vì khác màu da, khác tín ngưỡng với mình. Nếu như con người phải “học” để hằn thù nhau và nếu như người ta có thể học để yêu thương, bởi vì trái tim con người nhạy cảm và dễ tiếp thu sự yêu thương, lòng nhân ái hơn hẳn sự hận thù, nhỏ nhen. Ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất, khi kẻ thù đẩy chúng tôi đến giới hạn cuối cùng của sự tồn tại, tôi nhận ra – dù trong nháy mắt – ở người canh tù này, người canh tù kia một chút nhân đạo không thể xóa hết sạch trong ánh mắt, trong thần sắc họ. Chừng ấy đủ cho tôi tự tin và sống tiếp bất chấp tất cả. Tài sản của con người là ngọn lửa dù có khi nó ẩn sâu không lóe sáng, nhưng không ai có thể xóa được.

Nelson Mandela - Yêu thương và tự do

Chúng tôi đã chấp nhận cuộc chiến đấu với đôi mắt mở to, không hề ảo tưởng là con đường đi tới dễ dàng. Khi gia nhập ANC, tôi coi đó là phần thưởng cao quý mà chiến hữu của tôi đã từng phải trả giá. Tôi chưa bao giờ sám hối về những gì mình đã lựa chọn và dấn thân trong suốt 60 năm qua. Tôi đã từng thề rằng không từ nan bất kỳ khó khăn, gian khổ và hy sinh nào. Tôi biết rằng gia đình tôi đã phải trả giá đắt cho hoạt động của tôi.

Trong cuộc đời, mỗi con người có nghĩa vụ với cha mẹ, vợ, con và nghĩa vụ đối với nhân dân, cộng đồng và với đất nước. Trong một xã hội văn minh, nhân đạo con người có điều kiện hoàn thành những nghĩa vụ cao cả này theo khả năng và trí lực của từng người. Nhưng ở trong một nước như nước Nam Phi của chế độ Apartheid thì không thể hoàn thành được hai nghĩa vụ ấy, nhất là đối với người Phi có màu da và xuất xứ như tôi và hàng triệu đồng bào tôi. Ở Nam Phi, một người da đen phấn đấu sống như một con người mà vẫn bị  trừng phạt và cách li, bị ném vào nhà tù, bị lưu đày thì hỏi làm sao người ấy hoàn thành được nghĩa vụ cao cả với gia đình, với đất nước? Khi dấn thân vào sự nghiệp phục vụ nhân dân, đất nước, tôi không nói gì đến gia đình. Thế nhưng khi đưa hết tâm huyết phục vụ nhân dân thì tôi phải khẳng định rằng tôi không còn có thể thực hiện được nghĩa vụ đầy đủ và trọn vẹn đối với gia đình với tư cách là con, là anh, là cha, là chồng.

Tôi sẽ không là người tự do khi cướp đi tự do của người khác. Cũng như vậy, làm sao tôi có thể tự do khi người khác đã cướp nó đi. Kẻ áp bức và người bị áp bức đều bị cướp mất tính người.

Nelson-Mandela-Tự-do

Khi rời khỏi nhà tù, nhiệm vụ đặt ra cho tôi là giải phóng kẻ áp bức và người bị áp bức. Không ít người cho rằng nhiệm vụ ấy đã hoàn thành. Không hẳn như vậy. Sự thật là chúng ta chưa tự do mà mới chỉ giành được quyền tự do thôi, để trở thành tự do, có quyền không bị áp bức. Chúng tôi chưa làm được bước cuối cùng của sự đổi thay mà mới chỉ là bước đầu tiên trên con đường còn rất dài, rất chông gai, khó khăn. Bởi để được tự do thì việc phá bỏ xiềng xích là chưa đủ mà người ta phải sống bằng cách tôn trọng người khác. Thử thách thật sự cho sự hy sinh của chúng ta cho tự do nay mới bắt đầu.

Tôi đã bước đi trên con đường dài dẫn đến tự do. Tôi đã gắng hết sức mình không đi lạc đường. Trên con đường dài ấy tôi từng mắc lỗi lầm. Nhưng tôi đã phát hiện ra bí mật rằng sau khi trèo qua một ngọn núi cao, phải khẳng định còn phải vượt lên nhiều ngọn núi khác xung quanh. Khi qua được một ngọn núi cao ta phải dừng trong chốc lát, đánh giá những cố gắng đã đạt được để hướng tới phía trước tiến lên. Nhưng tôi chỉ có thể xả hơi một lúc thôi, bởi vì cuộc trường chinh còn chưa kết thúc.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TỪ MỤC ĐỒNG TRỞ THÀNH NHÀ LÃNH ĐẠO
  2. ĐỐI DIỆN NỖI ĐAU MẤT NHỮNG NGƯỜI THÂN
  3. TỰ DO CHO CHÍNH NGHĨA

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ