TỰ DO CHO CHÍNH NGHĨA

NELSON MANDELA

Trích từ tác phẩm "Nelson Mandela - Người tù thế kỷ"

Tác giả: Nelson Mandela

Việt dịch: Trần Nhu

Tên tuổi của cựu Tổng thống Nam Phi, Nelson Mandela (1918-2013) luôn gắn liền với sự nghiệp đấu tranh không mệt mỏi cho sự bình đẳng và dân chủ ở Nam Phi. Ông là một nhà lãnh đạo vì nhân quyền xuất chúng và là nhân tố quan trọng dẫn đến sự chấm dứt chế độ Apartheid tàn bạo đã tồn tại hơn 300 năm kể từ khi người châu Âu xâm chiếm quốc gia này làm thuộc địa.

Nelson Mandela - Người tù thế kỷBài viết dưới đây được trích từ quyển sách “Nelson Mandela – Người tù thế kỷ”. Tác phẩm này bao gồm những trang hồi ký được Nelson Mandela viết ra trong thời gian ông bị chính quyền của chế độ Apartheid (A-pac-thai) tại quốc gia Nam Phi cầm tù chung thân trên đảo Robben Island, do bởi những hoạt động đấu tranh cho quyền tự do và bình đẳng của các sắc tộc Phi trên quốc gia ở miền cực nam châu Phi này.

—– ??? —–

TỰ DO CHO CHÍNH NGHĨA

Cuộc đời tôi hồi ấy chảy theo hai hướng: công việc của cuộc đấu tranh giải phóng của Đại hội Dân tộc Phi và nghề kiếm sống với tư cách là luật sư. Sau khi thi đỗ tốt nghiệp, lúc đầu tôi làm việc tại một số văn phòng luật sư da trắng có tư tưởng tự do, tiến bộ. Năm 1952 tôi mở văn phòng luật sư của riêng mình. Ít lâu sau Oliver Tambo trở thành đồng nghiệp của tôi. Bảng hiệu của chúng tôi ghi “Mandela và Tambo” gắn trước văn phòng nằm trên đường Chancellor tại nội thành Johannesburg.

Khách hàng đến văn phòng của chúng tôi rất đông. Đây là văn phòng duy nhất của các luật sư da đen, mặc dù Johannesburg có nhiều luật sư người Phi.

Người Phi đến văn phòng luật sư da đen nhờ bảo vệ quyền lợi cho họ trong ngờ vực. Chính quyền thực dân da trắng đổ lên đầu họ đủ thứ tội: tội đi qua một cái cửa chỉ dành riêng cho người da trắng ngay trong những tòa nhà văn phòng của các cơ quan chính quyền; tội lên xe bus chỉ dành riêng cho người da trắng trong thành phố; tội lấy nước ở máy nước, nguồn nước chỉ dành riêng cho người da trắng; tội đến một bãi biển chỉ dành riêng cho người da trắng phơi nắng và tắm biển; tội không mang theo giấy căn cước hộ thân khi ra khỏi nhà, đi trên đường phố; tội không có công ăn việc làm khi cảnh sát phát hiện khám giấy “sổ căn cước lao động”; tội sống ở những nơi không được phép cư ngụ và tội không có nơi che mưa nắng! Ngày này sang ngày khác, chúng tôi chứng kiến ngàn vạn sự nhục mạ của bọn cầm quyền da trắng đối với người da đen. 

Tôi từng cùng thân chủ của mình đến văn phòng xử án cãi cho họ. Đối diện với những nguyên cáo, tôi thường sử dụng chiến thuật đối chất trực tiếp trước bàn dân thiên hạ dự khán các phiên xử. Tôi còn nhớ một lần bảo vệ cho một thanh nữ da đen làm tạp vụ trong một gia đình da trắng. Cô bị tố cáo là ăn cắp đồ lót của cô chủ. Những thứ ấy hiện đang đặt trên bàn tang chứng ngay tại phiên tòa. 

Sau khi “quý cô” trình bày xong với quý bà, với tư cách là luật sư bào chữa cho bị cáo, tôi sử dụng biện pháp đối chất. Tôi từ từ tiến đến bàn để vật làm chứng, dùng đầu nhọn của chiếc bút chì, khều một trong vài món đồ lót cũ kỹ để trên bàn, giơ lên cao. Đó là chiếc quần lót. Tôi đến trước mặt “quý cô”, nhìn thẳng vào mắt, hỏi: “Thưa cô, có phải cái này là của cô?” “Quý cô” mặt đỏ như gấc, nói nhanh trong hơi thở gấp: “Không!”. Mặt “quý cô” đỏ bừng và rất ngượng khi phải đối diện với sự thật quá tầm thường, quá nhỏ nhen này. Tòa đã buộc phải tuyên bố bị cáo vô tội!.

Cùng với nhiều cán bộ lãnh đạo khác, tôi cho rằng chính quyền sẽ thẳng tay đàn áp ANC mà khả năng xấu nhất nhưng rõ ràng là có cơ sở để nhận định như vậy, rằng người ta sẽ cấm ANC hoạt động bằng một đạo luật như đạo luật đặt đảng Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật như chúng đã làm. Tôi được tín nhiệm giao nhiệm vụ thảo bản kế hoạch hành động, đưa ANC vào hoạt động bí mật khi cần thiết. Tôi đã gặp gỡ nhiều ủy viên Ban thường vụ ANC cùng nhau thảo ra những phương án và những biện pháp bảo vệ tổ chức một khi rút vào bí mật mà vẫn đảm bảo được sự hoạt động thông suốt từ cấp cơ sở đến các tỉnh thành lên trung ương. Bản kế hoạch đã được ANC thông qua với đa số tuyệt đối. Bản kế hoạch mang tên “Kế hoạch M”. Ba khóa huấn luyện về hoạt động bí mật đã được tổ chức cho tất cả cán bộ lãnh đạo ANC, từ chi đội đến trung ương để quán triệt kế hoạch hành động này.

Oliver Tambo có sức làm việc phi thường. Anh không bao giờ sợ tốn thời gian với khách hàng đồng bào của mình. Tình cảm của anh dành cho họ, sự kiên nhẫn của anh không chỉ nói lên trách nhiệm nghề nghiệp của một luật sư có nghĩa vụ bênh vực lẽ phải. Anh đau nỗi đau của những người bị cướp đoạt hết mọi thứ, kể cả phẩm giá con người, ngay trên mảnh đất quê hương của mình.

Đồng bào da đen Phi nhanh chóng nhận ra “những vị luật sư da đen” có ý nghĩa thế nào đối với họ. Văn phòng của chúng tôi là nơi không bao giờ từ chối họ, lại càng không bao giờ lừa bịp họ. Họ đến đó và tự hào được những người cùng màu da “kiến thức uyên bác” bảo vệ bất kể họ thuộc loại sang hay hèn. Khi chứng kiến cảnh này, tôi bỗng nhớ lại nguyên nhân dẫn tôi đến trường đại học và khoa luật ngay từ khi tôi mới mười chín đôi mươi. Bây giờ thì tôi có thể thở phào nhẹ nhõm để nói rằng sự lựa chọn của mình thật đúng đắn biết bao.

Chúng tôi có nhiều khách hàng đồng nghĩa với việc phải xuất hiện thường xuyên tại các phiên xử của tòa án các cấp. Ở tòa án cấp chúng tôi được tiếp đón một cách lịch sự, ở nơi khác quan tòa và cử tọa coi khinh. Trong con mắt của người da trắng thực dân người da đen chỉ là “bọn nhọ”. Chúng tôi đã thành công trong rất nhiều vụ kiện của thân chủ. Tuy nhiên chúng tôi ý thức được một cách rõ ràng, dù có xuất sắc đến đâu thì chúng tôi cũng không bao giờ được trở thành “quan tòa của nhà nước”. Người Phi dưới con mắt của nhà cầm quyền dù làm bất cứ việc gì, dù là luật sư thì bao giờ cũng “kém cỏi” hơn người da trắng.

Không ít lần “nguyên cáo” da trắng trả lời chúng tôi trong các cuộc đối chất trước tòa. Đối với họ phải trả lời câu hỏi chất vấn của một “đứa da đen” – dù đó là một luật sư – là điều không thể chấp nhận. Không ít “chánh tòa” đồng lõa với những thái độ ấy của người da trắng. Họ không ngần ngại tìm mọi cơ hội gây khó dễ cho chúng tôi. Một lần “quý tòa” yêu cầu tôi xuất trình bằng luật sư. Thật ra chuyện đó không có gì lạ. Tôi trả lời chánh tòa: “Tôi là Nelson Mandela, luật sư, tôi có mặt tại phiên tòa xử với tư cách là người bào chữa cho thân chủ của tôi”. “Chánh tòa” hỏi: “Tôi không biết ông, và vì thế bằng luật sư của ông đâu?” Bằng ư? Đó là mảnh giấy in đẹp, có viền hoa văn và thường cất trong tủ hoặc treo trên tường nhà hoặc văn phòng chứ ai mang theo trong người. May mà tôi mang theo văn bằng và xuất trình cho ngài chánh tòa. Ấy vậy mà ông ta vẫn không khai mạc phiên xử. Tệ hơn nữa là khi ông ta yêu cầu nhân viên trật tự đưa tôi ra khỏi phòng xử án.

Đó là hành động vi phạm luật pháp. Tôi kiện chánh tòa lên tòa án tối cao. Ông chánh án đã phải làm cái việc bất đắc dĩ là khiển trách vị chánh tòa kia, và giao cho tòa án khác mở phiên tòa mà tôi là luật sư bào chữa.

Là luật sư da đen hiển nhiên người ta không nhất thiết được công nhận ngoài phòng xử án. Một hôm tôi thấy một phụ nữ da trắng đã cao tuồi bị mắc kẹt trong chiếc xe hơi của bà giữa hai chiếc xe ngay trong khu đỗ xe trước văn phòng chúng tôi.Tôi đã đến tận nơi, dùng hết sức đẩy chiếc xe của bà ra khỏi “gọng kìm” của hai chiếc xe kia. Người đàn bà da trắng nhìn tôi, nói bằng tiếng Anh khá lịch sự: “Xin cảm ơn, John!”. John là chữ nói đầu lưỡi của người Anh chỉ một người Phi mà họ không biết tên. Bà ta muốn “trả công” tôi đồng 5 xu, nhưng tôi đã lịch sự từ chối không nhận. Bà ta chìa đồng xu trước mặt tôi một lần nữa và tôi cũng từ chối lần thứ hai. Bỗng bà ta nói như hét lên: “Phải chăng từ chối đồng năm xu tức là ông đòi 1 bảng. Không có đâu nhé, 1 bảng là không thể, nghe chưa!”. Nói xong và ta ném đồng xu về hướng tôi và lên xe chạy thẳng.  

Trong những năm hành nghề thầy cãi, những lần đến các thị trấn xa xôi bào chữa cho thân chủ của mình đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng không quên, thật cảm động. Lần tôi đến thành phố Calorina cách Johannesburg 150km là một kỷ niệm không bao giờ phai mờ. Khi tôi xuống xe trước tòa án, đồng bào da đen của tôi đã sung sướng, vui mừng biết bao. Họ đón tiếp tôi như một ân nhân, một anh hùng. Trong đời của họ chưa bao giờ nhìn thấy một luật sư da đen đến pháp trường bào chữa và bảo vệ một “bị cáo” da đen. Chánh tòa và các ủy viên công tố cũng tỏ ra thân thiện với tôi. Họ chào mừng tôi theo nghi thức dành cho một luật sư. Chánh tòa và các ủy viên công tố còn dời giờ khai mạc phiên tòa để hỏi thăm tôi. Họ muốn biết vì sao và làm cách nào mà tôi chọn và hành nghề khó khăn này thành công. Phòng xử án đầy cử tọa tò mò. Họ đến đông hơn bất cứ phiên tòa nào trước đó và trên khuôn mặt ai cũng lộ rõ niềm vui.

Tôi bào chữa cho một thầy lang chữa bệnh trong một làng gần đó. Ông bị kiện là dùng phép thuật tà ma để chữa trị. Ngoài lý do “xem ông luật sư da đen” người ta kéo đến dự phiên xử rất đông còn để xem thử luật lệ của nhà nước da trắng có hiệu lực đối với “con ma” hay không. Ông lang vốn có ảnh hưởng rất lớn trong vùng. Rất nhiều người kính trọng nhưng đồng thời cũng rất sợ ông. Trong khi tòa đang tranh luận, ông lang bỗng hắt hơi rất to. Cử tọa la ó, tìm cách chạy khỏi phòng xử án trong hỗn loạn, bởi vì họ cho rằng ông lang – thân chủ của tôi – đang dùng thứ ngôn ngữ mà quỷ để trao đổi với luật sư. Phiên tòa kết thúc mà phần thắng thuộc về thân chủ của tôi. Thế nhưng nhiều người dự khán phiên xử không cho rằng kết quả ấy là do lý lẽ xác đáng của luật sư bào chữa, mà là do sự huyền ảo của những vị thuốc ông lang sử dụng trong khi chữa bệnh, nay được ông đưa vào phòng xử án.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. YÊU THƯƠNG VÀ TỰ DO
  2. TÍNH THIỆN LUÔN HIỆN HỮU NƠI MỖI NGƯỜI

Bài viết khác của tác giả

  1. YÊU THƯƠNG VÀ TỰ DO
  2. TỪ MỤC ĐỒNG TRỞ THÀNH NHÀ LÃNH ĐẠO
  3. ĐỐI DIỆN NỖI ĐAU MẤT NHỮNG NGƯỜI THÂN

Bài viết mới

  1. GIẢM THIỂU SỰ TÁC ĐỘNG CỦA BẢN NGÃ VÀ NHỮNG TỔN THƯƠNG
  2. LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH – PHẦN 1
  3. LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH – P2: NHỮNG LỢI ÍCH THỂ CHẤT