TỔ ĐẠT MA – CÁI THẤY

TỔ BỒ ĐỀ ĐẠT MA

Trích: Ngữ Lục Bồ Đề Đạt Ma; Nguyên Hảo dịch; NXB. Phương đông


NGỮ LỤC BỒ ĐỀ ĐẠT MA – Nguyên Hảo dịch – NXB Phương Đông.

Cái thấy chân chính là sắc chẳng phải chính là sắc, do tâm nên có sắc, tâm chẳng phải chính là là tâm, do sắc có tâm, cho nên biết rằng tâm và sắc nương nhau sinh diệt. Có là có nơi không, không là không nơi có. Đó là cái thấy chân thật. Cái thấy chân thật là không cái gì là chẳng thấy, cũng không có cái gì được thấy, thấy khắp mười phương mà chưa từng thấy. Vì sao? Vì không có chỗ thấy, vì thấy mà không có chỗ thấy, vì thấy không phải là thấy. Cái thấy của người phàm đều là vọng tưởng. Nếu tịch diệt không có cái thấy, gọi là thấy chân thật.

Tâm và cảnh đối nhau, cái thấy sinh ra từ đó. Nếu bên trong không khởi tâm, thì bên ngoài sẽ không sinh cảnh. Cảnh và tâm đều tịnh gọi là thấy chân thật. Khi hiểu được điều đó, gọi là hiểu chân chính.

Chẳng thấy một pháp gọi là đắc đạo. Chẳng hiểu một pháp gọi là giải thoát. Vì sao? Thấy và không thấy đều là không thấy. Hiểu và không hiểu đều là không hiểu. Thấy mà không thấy được gọi là thấy chân thật. Hiểu mà không hiểu được gọi là hiểu lớn.

Cái thấy chân chính chẳng phải là thấy nơi cái thấy, cũng là thấy nơi cái chẳng thấy. Cái hiểu chân thật chẳng phải là hiểu nơi cái hiểu hiểu, cũng là hiểu nơi cái không có cái hiểu. Phàm có đối tượng để hiểu đó gọi là không hiểu. Không có đối tượng để hiểu tức là hiểu chân chính. Hiểu và không hiểu đều là không hiểu.

Kinh dạy: “Không xả bỏ trí huệ gọi là ngu si”. Nếu tâm là không thì hiểu và không hiểu đều là chân thật. Nếu tâm là có, hiểu và không hiểu đều là hư dối.

Khi hiểu thì pháp theo người, khi không hiểu thì người theo pháp. Nếu pháp theo người thì phi pháp cũng thành pháp. Nếu người theo pháp thì pháp cũng thành phi pháp. Nếu người theo pháp thì pháp là hư vọng. Nếu pháp theo người thì pháp là chân thật. Vì vậy Thánh nhân không đem tâm cầu pháp, cũng không lấy pháp cầu tâm, cũng không lấy tâm cầu tâm, cũng không lấy pháp cầu pháp. Tâm không sinh pháp, pháp không sinh tâm. Tâm và pháp cả hai đều rỗng lặng. Cho nên thường ở trong định.

Tâm chúng sinh sinh thì Phật Pháp diệt, tâm chúng sinh diệt thì Phật Pháp sinh. Tâm sinh thì pháp chân thật diệt, tâm diệt thì pháp chân thật sinh. Người biết hết thảy các pháp không dính mắc nhau là người đắc đạo. Biết tâm không dính mắc vào một pháp, người này thường ở trong Đạo tràng.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THIỀN ĐỊNH VỀ CÁI THẤY
  2. CÁI THẤY CỦA TỔ LÂM TẾ
  3. CÁI THẤY CỦA ĐẠI TOÀN THIỆN

Bài viết khác của tác giả

  1. NGỘ TÁNH LUẬN: MỘT TÂM LÀ MỘT CÕI PHẬT
  2. BỒ ĐỀ ĐẠT MA (Mahasiddha Ấn Độ)

Bài viết mới

  1. TƯ DUY PHẢN BIỆN ĐÃ HẾT THỜI
  2. LỄ TRƯỞNG THÀNH
  3. KẾT NỐI VỚI NGUỒN ÁNH SÁNG VÀ YÊU THƯƠNG VÔ ĐIỀU KIỆN