JACK KORNFIELD
Trích: Tâm Đạo-Hành Trình Tâm Linh-Những Nguy Cơ Và Triển Vọng; Biên dịch: Đỗ Văn Thuấn & Lưu Văn Hy; NXB. Thời Đại
Dù là các trạng thái cao siêu nhất hay các thành tựu tâm linh phi thường nhất cũng chẳng quan trọng gì nếu chúng ta không thể cảm thấy hạnh phúc một cách cơ bản và bình thường nhất, nếu chúng ta không thể dùng con tim mình đề ảnh hưởng tới nhau và tới cuộc đời mà chúng ta được ban cho.
Trong hành trình của đời sống tâm linh, có một điều rất là đơn giản nhưng quan trọng: Chúng ta phải bảo đảm đường đi của chúng ta phải được nối liền với con tim của chúng ta. Chúng ta được cống hiến nhiều tầm nhìn khác nhau trong thị trường tâm linh hiện đại. Các truyền thống tâm linh lớn cung cấp các câu chuyện về giác ngộ, an lạc, tri thức, xuất thần, và những khả thể cao nhất của tinh thần con người. Trong phạm vi rộng lớn các lời dạy mà người phương Tây nhận được, chúng ta trước tiên thường chú ý tới các khía cạnh hào nhoáng và phi thường nhất. Trong khi việc đạt các trạng thái như thế là có thể trở thành hiện thực, và trong khi các trạng thái ấy biểu lộ các giáo huấn, thì chúng cũng là một trong số các kỹ thuật quảng cáo của nền kinh doanh tâm linh. Chúng không phải là mục tiêu của đời sống tâm linh. Suy cho cùng, đời sống tâm linh không phải là một tiến trình tìm kiếm hay đạt đến một trạng thái phi thường hay khả năng đặc biệt nào đó. Thực ra, việc tìm kiếm những thứ này có thể lôi kéo chúng ta ra khỏi chính mình. Nếu chúng ta không cẩn thận, chúng ta có thể dễ dàng gặp những thất bại lớn của xã hội hiện đại – tham vọng, chủ nghĩa duy vật, và thái độ cô lập cá nhân – thường lặp đi lặp lại trong đời sống tâm linh chúng ta.
Khi bắt đầu một hành trình tâm linh chân chính, chúng ta phải gần gũi với nhà của mình hơn, tập trung trực tiếp vào cái gì cụ thể trước mắt chúng ta, bảo đảm sao cho con đường chúng ta đi được nối kết với tình yêu sâu xa nhất của chúng ta. Don Juan, trong các lời dạy của ông cho Carlos Castaneda, đã nói như sau:
Hãy chú ý nhìn thật kỹ mọi con đường. Hãy thử thật nhiều lần nếu bạn thấy là cần thiết. Rồi hãy tự hỏi mình một câu hỏi, và chỉ một mình bạn thôi. Đây là câu hỏi mà chỉ một người rất già mới hỏi. Vị ân nhân của tôi nói cho tôi nghe điều đó khi tôi còn trẻ, lúc máu huyết tôi còn quá sôi sục để có thể hiểu nó. Bây giờ thì tôi hiểu rồi. Tôi sẽ nói cho bạn biết câu hỏi ấy là gì: Con đường này có tấm lòng không? Nếu có, nó là con đường tốt. Nếu không, nó chỉ vô ích thôi.
Quyển sách này dạy về việc tìm kiếm một con đường theo trái tim như thế, chọn một con đường làm biến đổi và ảnh hưởng tới tâm điểm hữu thể của chúng ta. Đó là tìm một cách thực hành có thể giúp chúng ta sống trong thế giới bằng con tim chúng ta một cách hoàn toàn và đầy đủ.
Khi chúng ta hỏi, “Tôi có đang đi theo con đường của trái tim không?”, chúng ta thấy rằng không ai có thể định nghĩa một cách xác đáng con đường chúng ta đi phải như thế nào. Ngược lại, phải để cho mầu nhiệm và vẻ đẹp của câu hỏi này vang dội trong con người chúng ta. Rồi ở đâu đó sẽ xuất hiện một câu trả lời và chúng ta sẽ hiểu. Nếu ở yên và lắng nghe kĩ, dù chỉ một chốc lát, chúng ta sẽ biết mình có đang đi đường bằng con tim không.
Có thể nói trực tiếp với con tim chúng ta. Đa số các nền văn hóa cổ đều biết điều này. Chúng ta có thể thực sự trò chuyện với con tim như thể nó là một người bạn thân. Trong đời sống hiện đại, hằng ngày quá bận bịu với biết bao công việc và tư tưởng, khiến chúng ta quên mất cái nghệ thuật cơ bản là dành thời giờ trò chuyện với lòng mình. Khi ta hỏi lòng mình về con đường đang đi, chúng ta phải nhìn vào các giá trị sống mà chúng ta đã chọn. Chúng ta dành thời giờ, sức lực, sự sáng tạo và tình yêu cho cái gì? Chúng ta phải nhìn vào đời mình bằng cái nhìn không nhuốm màu tình cảm, cường điệu, hay lý tưởng hoá. Điều chúng ta đang chọn có phản ánh đúng điều mà chúng ta đánh giá cao nhất không?
Để thấy sự quý báu của mọi vật, chúng ta phải hoàn toàn tập trung chú ý vào sự sống. Thực hành tâm linh có thể dẫn ta tới sự ý thức này. Khi các tính chất của sự hiện diện và sự đơn sơ bắt đầu thấm nhuần mỗi lúc một nhiều vào đời sống, tình yêu ở nội tâm đối với trái đất và mọi vật bắt đầu tự bộc lộ và làm cho đường đi của chúng ta đầy sức sống.
Khi bạn đã hoàn tất việc suy tư này, bạn hãy nhìn thật kỹ tính chất của các tình huống, nhìn kỹ xem có cái gì được bao hàm trong một lúc tốt đẹp của cuộc đời với những lời nói và hành động. Hầu như bất cứ ai có thể nhớ các việc làm ấy trong lúc suy niệm đều phát hiện ra chúng hết sức đơn giản. Chúng hiếm khi là những việc làm mà người ta thường ghi vào trong một bản sơ yếu lý lịch. Đối với một số người, khoảnh khắc tốt đẹp ấy chỉ đơn giản là khi mà họ nói yêu cha họ trước lúc ông chết, hay khi họ bỏ các công việc bận bịu để đến chăm sóc những đứa con của chị gái họ trong khi chị phải nằm dưỡng bệnh sau một tai nạn ô tô.
Những điều quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta không phải là những chuyện vĩ đại hay lạ lùng. Chúng là những lúc chúng ta tương tác với nhau, lúc chúng ta có mặt ở đó với một thái độ quan tâm và chăm sóc cho người khác. Những lúc tương tác này có thể trở thành một cơ sở cho tâm đạo, chúng diễn ra một cách trực tiếp và cụ thể nhất. Mẹ Teresa đã diễn tả điều này như sau: “Trong cuộc đời này chúng ta không thể làm những điều vĩ đại. Chúng ta chỉ có thể làm những điều nhỏ bé với một tình yêu vĩ đại”.
Một số người thấy việc tập luyện này khó quá. Không có hành động tốt nào xuất hiện trong trí họ, hay chỉ có rất ít để rồi lại bị dẹp bỏ ngay bởi bị đánh giá là hời hợt, nhỏ bé, không tinh tuyền hay không hoàn hảo. Phải chăng điều đó có nghĩa là không hề có dù chỉ là hai lúc tốt đẹp giữa hàng trăm ngàn hành động trong một đời người? Không phải thế. Tất cả chúng ta đều có rất nhiều. Nó có một ý nghĩa khác sâu xa hơn. Nó phản ánh rằng chúng ta quá khó với bản thân mình. Chúng ta phán đoán về mình quá khắt khe, chỉ có tay độc tài Idi Amin mới thuê chúng ta chủ trì các toà án của hắn. Nhiều người chúng ta thấy mình có rất ít lòng thương xót đối với chính mình. Chúng ta ít khi nhìn nhận rằng tình yêu và sự tốt lành chân chính có thể tỏa sáng một cách tự do. Nhưng đúng là như thế.
Trong những căng thẳng và phức tạp của cuộc đời, chúng ta có thể quên những ý định thâm sâu nhất của mình. Nhưng khi người ta đi đến cuối cuộc đời và nhìn lại, các câu hỏi thường xuyên nhất không phải là, “Tài khoản tôi có trong ngân hàng là bao nhiêu?” hay “Tôi đã viết được bao nhiêu cuốn sách?” hay “Tôi đã xây được cái gì?” hay những câu hỏi tương tự như thế. Nếu bạn may mắn được ở với một người biết được giờ chết của họ, bạn thấy các câu mà người ấy hỏi rất đơn giản: “Tôi có yêu thực sự không?”, “Tôi có sống trọn vẹn không?”, “Tôi có một thái độ khoáng đạt không?”.
Các câu hỏi đơn giản này đi vào tận tâm điểm của đời sống tâm linh. Khi xét tới việc yêu mến thực sự và sống trọn vẹn, chúng ta có thể nhận ra rằng các mối quyến luyến và sợ hãi đã giới hạn chúng ta như thế nào, và chúng ta có thể nhận ra nhiều cơ hội để cho lòng mình mở ra. Chúng ta có để cho mình yêu mến những người xung quanh, gia đình, cộng đồng, trái đất chúng ta với một thái độ khoáng đạt hay không? Chúng ta có biết sống với ân sủng, khôn ngoan và từ tâm, qua những thay đổi của cuộc đời không? Chúng ta có biết tha thứ và sống với tinh thần của con tim thay vì tinh thần của óc phán đoán không?
Sống khoáng đạt là một chủ đề trọng tâm của đời sống tâm linh, vì cuộc đời ngắn ngủi và quý báu biết bao. Khi cần phải sống khoáng đạt mà không biết cách sống, chúng ta sẽ cảm thấy rất đau khổ, và khi kết thúc cuộc đời, chúng ta có thể cảm thấy mọi sự đổ vỡ. Sớm hay muộn chúng ta cũng phải học biết sống khoáng đạt và để cho mầu nhiệm làm thay đổi cuộc đời được đi vào con người mà không sợ nó, không níu kéo cũng không chiếm hữu nó.
Sống khoáng đạt và trải qua các chặng thay đổi của dòng đời sẽ trưởng thành trong đời sống tâm linh. Cuối cùng sẽ khám phá ra rằng yêu thương và sống khoáng đạt có thể chỉ là một mà thôi. Cả hai đều không tìm cách chiếm hữu. Cả hai đều cho phép chúng ta ảnh hưởng tới mỗi lúc của cuộc đời thay đổi này và sống một cách trọn vẹn bất luận điều gì sẽ tới.
Có một câu chuyện cổ về một Rabbi Do Thái (giáo sĩ) nổi tiếng ở châu Âu được một người đáp tàu từ New York tới thăm. Người này tới nhà của Rabbi, một ngôi nhà nguy nga toạ lạc trên một đường phố châu Âu, và được đưa tới phòng ở của Rabbi trên gác xép. Anh bước vào và thấy Rabbi ở trong một căn phòng với một cái giường, một cái ghế và mấy quyển sách. Anh không nghĩ căn phòng chỉ có bấy nhiêu đồ đạc. Sau lời chào hỏi, anh nói, “Thưa Giáo sĩ, các đồ đạc của ông ở đâu?” Kinh sư hỏi ngược lại, “Thế đồ đạc của anh ở đâu?”. Người khách đáp, “Nhưng, thưa Giáo sĩ, tôi chỉ ghé qua thôi”, và kinh sư trả lời, “Tôi cũng thế thôi, tôi cũng thế thôi”.
Cuối cùng thì để yêu và sống trọn vẹn, phải nhận ra rằng chúng ta không có hay sở hữu một điều gì – nhà cửa, xe cộ, những người thân yêu, thậm chí cả thân xác cũng không. Niềm vui và sự khôn ngoan tâm linh không xuất phát từ sự sở hữu nhưng từ khả năng cởi mở, yêu thương, cử động và khoáng đạt trong đời.
Bài học này cần phải học ngay. Một bậc thầy danh tiếng cắt nghĩa như sau: “Rắc rối ở chỗ bạn nghĩ bạn có thời gian”. Chúng ta không biết mình có bao nhiêu thời gian, sẽ sống đời mình ra sao nếu chúng ta biết bây giờ có thể là năm cuối cùng, tuần cuối cùng, ngày cuối cùng của đời ta? Trong ánh sáng của câu hỏi này, chúng ta có thể chọn một con đường của trái tim.
Tâm đạo cũng bao gồm các khả năng và tính sáng tạo độc đáo của chúng ta. Cách biểu lộ bên ngoài của cõi lòng có thể là viết sách, xây nhà, tạo ra những phương thức để người ta phục vụ lẫn nhau. Nó cũng có thể là dạy học hay làm vườn, phục vụ bàn ăn hay chơi nhạc. Bất kể chúng ta chọn làm gì, các sáng tạo của cuộc đời chúng ta phải bắt nguồn từ cõi lòng chúng ta. Tình yêu của chúng ta là nguồn của mọi năng lượng để sáng tạo và nối kết. Nếu chúng ta hành động mà không có sự nối kết với lòng mình, thì những việc to tát nhất trong cuộc đời chúng ta cũng có thể bị khô đi, vô nghĩa và cằn cỗi.
Khát vọng tình yêu và chuyển động tình yêu đang nằm bên dưới mọi hoạt động của chúng ta. Hạnh phúc mà chúng ta phát hiện trong cuộc đời không phải là về chuyện có hay chiếm hữu một cái gì, thậm chí cũng không phải là hiểu biết một cái gì. Ngược lại, nó là sự phát hiện ra khả năng yêu thương, khả năng có một mối quan hệ yêu thương, tự do và khôn ngoan với mọi mặt của đời sống. Tình yêu này không có tính chiếm hữu mà phát sinh từ một sự ý thức về hạnh phúc của chính chúng ta và sự nối kết với mọi sự. Vì vậy, nó quảng đại và tỉnh táo, và nó yêu mến tự do của mọi sự. Từ tình yêu thương, con đường của chúng ta có thể dẫn tới chỗ biết cách sử dụng các khả năng của mình để chữa lành và phục vụ, để tạo hòa bình xung quanh chúng ta, để kính trọng sự thánh thiêng trong cuộc đời, để chúc phúc bất cứ điều gì chúng ta gặp, và để ước muốn điều tốt cho mọi loài.
Đời sống tâm linh có vẻ phức tạp, nhưng thực chất thì không phức tạp. Chúng ta có thể tìm thấy sự sáng sủa và đơn sơ cả trong cái thế giới phức tạp này, khi chúng ta khám phá ra rằng chất lượng của cõi lòng mà chúng ta đưa vào cuộc sống là điều quan trọng nhất. Nhà thơ Thiền Ryokan đã tóm tắt điều này như sau:
Mưa đã tạnh, mây đã tan, và trời lại sáng.
Nếu lòng bạn tỉnh tuyền, mọi sự trong thế giới của bạn đều tinh tuyển..
Lúc ấy bằng nguyệt và hoa cỏ sẽ dẫn bạn đi trên Đường.
Nếu chúng ta không biết yêu, thì mọi lời giảng dạy tâm linh đều là vô ích. Ngay cả những trạng thái xuất thần và những thành tựu tâm linh phi thường nhất cũng đều không quan trọng nếu chúng ta không thể hạnh phúc một cách cơ bản và bình thường nhất, nếu chúng ta không thể dùng con tìm mình để ảnh hưởng tới nhau và tới cuộc đời mà chúng ta được ban tặng. Điều quan trọng là chúng ta sống như thế nào. Đây là lý do tại sao đặt câu hỏi này cho chính mình là điều quá khó khăn và quá quan trọng: “Tôi có đang sống trọn vẹn con đường của mình không, tôi có sống mà không hối tiếc không?”, để chúng ta có thể nói vào bất cứ ngày nào là ngày cuối đời của chúng ta, “Có, tôi đã sống con đường của tôi với cả cõi lòng”.
SUY NIỆM VỀ LÒNG YÊU THƯƠNG NHÂN HẬU
Chất lượng của tình yêu nhân hậu là mảnh đất màu mỡ từ đó có thể nảy nỗ một đời sống tâm linh trọn vẹn. Với lòng yêu thương nhân hậu làm nền, tất cả những gì chúng ta cố gắng làm, tất cả những gì chúng ta gặp, sẽ mở ra và trôi chảy hơn. Tuy lòng yêu thương nhân hậu có thể phát sinh một cách tự nhiên nơi chúng ta trong nhiều hoàn cảnh, song nó cũng có thể được vun trồng.
Bài suy niệm dưới đây là một việc thực hành đã có từ 2.500 năm, nó sử dụng các câu lặp đi lặp lại, các hình ảnh và tình cảm để khơi gợi lòng yêu thương nhân hậu và tình bạn đối với mình và người khác. Bạn có thể thử nghiệm việc thực hành này để xem nó có ích cho bạn không. Tốt nhất nên bắt đầu bằng việc lặp đi lặp lại bài này từ mười lăm tới hai mươi phút hay hai lần mỗi ngày ở một nơi yên tĩnh trong vài tháng. Lúc đầu bài suy niệm này có thể làm ta cảm thấy máy móc hay ngượng ngùng, hay thậm chí có hiệu quả ngược lại, như những cảm giác khó chịu hay tức giận. Nếu điều này xảy ra, điều quan trọng là bạn cần phải kiên nhẫn và tủ tế đối với bản thân mình, cú để cho bất cứ điều gì xảy ra được đón nhận với tinh thần thân thiện và tình cảm yêu thương. Đúng lúc của nó, ngay cả giữa những khó khăn nội tâm, lòng yêu thương nhận hậu sẽ phát triển.
Hãy ngồi ở một tư thế thoải mái. Để cho thân thể bạn thư giãn và nghỉ ngơi. Hãy cố gắng hết sức làm cho tâm trí bạn thinh lặng, đừng quan tâm tới các dự tính hay lo toan. Rồi đọc trong lòng các câu sau đây. Bạn bắt đầu với chính bạn bởi vì nếu bạn không yêu thương chính bạn thì bạn cũng không thể yêu thương người khác.
Ước gì tôi được đầy lòng yêu thương nhân hậu.
Ước gì tôi được khoẻ mạnh.
Ước gì tôi được an bình thoải mái.
Ước gì tôi được hạnh phúc.
Khi đọc những câu này, có thể bạn cũng muốn dùng hình ảnh trong lời dạy của Đức Phật: hãy hình dung bạn là một đứa bé nhỏ tuổi và dễ thương, hay cảm thấy bạn trong trạng thái như bây giờ, đang được lòng yêu mến nhân hậu ôm ấp. Hãy để cho các tình cảm phát sinh cùng với các lời nói ra. Hãy điều chỉnh các lời nói và hình ảnh sao cho bạn tìm ra được những câu chính xác để mở cõi lòng yêu thương nhân hậu của bạn một cách tốt nhất. Hãy lặp đi lặp lại các câu này, để cho các tình cảm thấm nhuần thân xác và tinh thần bạn.
Hãy thực hành bài suy niệm này nhiều lần trong một số tuần cho tới khi tinh thần yêu thương nhân hậu của chính bạn phát triển.
Khi bạn cảm thấy đã sẵn sàng, cùng lúc với suy niệm này, bạn có thể dần dần mở rộng sự tập trung lòng yêu thương nhân hậu của bạn sang những người khác. Sau bạn, hãy chọn một người ơn, một ai đã thực sự chăm sóc bạn trong đời. Hãy hình dung họ và cẩn thận dọc cùng những câu, Ước gì người ấy được đầy lòng yêu thương nhân hậu, v.v… Khi lòng yêu thương nhân hậu đối với ân nhân của bạn đã phát triển, bạn hãy bắt đầu đưa vào trong bài suy niệm những người khác mà bạn yêu mến, hình dung ra họ và đọc cùng những câu trên, đồng thời khơi dậy một tinh thần yêu thương nhân hậu đối với họ.
Rồi bạn có thể học thực hành việc này ở bất cứ đâu. Bạn có thể sử dụng bài suy niệm này trong những lúc bị kẹt xe, trên xe buýt hay máy bay, trong phòng đợi của bác sĩ, và trong hàng ngàn hoàn cảnh khác. Khi bạn thinh lặng thực hành bài suy niệm này giữa những người khác, bạn sẽ lập tức cảm thấy một sự nối kết kỳ diệu với họ – sức mạnh của lòng yêu thương nhân hậu. Nó sẽ làm dịu đời bạn và giữ bạn nối kết với lòng mình.