ĐẠI SƯ TINH VÂN
Thiền sư Phật Ấn và Tô Đông Pha cùng nhau tản bộ, nhìn thấy bức tượng Quan Âm, Phật Ấn liền chắp tay lễ bái. Tô Đông Pha nghi ngờ hỏi: “Quan Âm là đối tượng chúng ta cần phải lễ bái, nhưng trên tay của đức Quan Âm cũng cầm chuỗi tràng hạt, cũng chắp tay niệm Phật, vậy Quan Âm niệm ai thế?”
Thiền sư Phật Ấn nói: “Điều đó cần hỏi chính ông đấy”.
Tô Đông Pha hỏi:“Làm sao tôi biết Quan Âm tay cầm tràng hạt niệm ai?”
Thiền sư Phật Ấn nói: “Cầu người không bằng cầu mình”.
Tôn Trung Sơn nói: “Tín ngưỡng là sức mạnh!”, con người cần phải có tín ngưỡng. Có tín ngưỡng cũng như có cây gậy dùng để đi trên đường đời gập ghềnh, giúp chúng ta vượt núi băng rừng; tín ngưỡng giống như chiếc thuyền từ bi giúp chúng ta đi từ bờ khổ ải sang bờ an lạc!
Trong tín ngưỡng, tà tín là điều xấu nhất, giống như một người mù dẫn đường cho đám người mù, không thể đạt được mục đích mà lại mất phương hướng. Trên tà tín là bất tín, trên bất tín là mê tín, trên mê tín là chính tín, tức là một thứ niềm tin chân chính.
Có nhiều người, tay cầm nén hương, quỳ trước tượng thần, miệng lầm rầm khấn đảo. Tuy người ta nói họ mê tín, nhưng tinh thần của họ nhân đó mà có chỗ nương tựa, thể hiện hy vọng đối với cuộc sống.
Nhưng điều cần nhất là phải có chính tín. Chính tín cần có hai điều kiện: Một là tín ngưỡng tôn sùng Tam bảo; hai là tín ngưỡng giá trị tự thân.
Chúng ta thường than rằng thời Phật cách nay quá lâu, điều gọi là “thời thánh ra đi đã xa”, nhưng đừng quên rằng còn có sức mạnh của Tam bảo, Tam bảo luôn luôn bảo bọc che chở chúng ta! Tam bảo bao gồm Phật, Pháp, Tăng.
Phật, giống như ánh sáng, công năng của ánh sáng là ấm áp, soi sáng, che chở. Ánh sáng từ bi của đức Phật sưởi ấm chúng ta, ánh sáng trí huệ của đức Phật soi sáng chúng ta, ánh sáng phước đức của đức Phật che chở chúng ta.
Pháp, giống như nước, công dụng của nước là tưới ướt, tẩy rửa, làm tăng trưởng. Nước pháp (pháp thủy) có thể tưới ướt thấm đẫm lúa má, nước pháp có thể tẩy rửa gột sạch tất cả dơ bẩn, làm tươi tốt vạn vật cỏ cây.
Tăng, giống như gió, công dụng của gió là thổi qua, làm thông thương, làm mát mẻ. Gió đức của tăng bảo có thể thổi mát chúng sinh, làm thông thương xã hội, đem lại mát mẻ cho chúng sinh.
Phật, Pháp, Tăng, tính chất quan trọng của Tam bảo giống như ánh sáng, như nước mưa, như không khí (gió), xem ra rất đỗi bình thường, nhưng thiếu một trong ba thứ đó đều không được. “Ánh sáng, không khí và nước, đó là ba thứ trân quý của cuộc sống”, “Phật, Pháp, Tăng là Tam bảo xuất thế!” Tam bảo là gì? Là Tam bảo tự tính! Khi đức Phật thành đạo có nói: “Mọi người đều có Phật tính”, cho nên cầu người không bằng cầu mình. “Tôi là Phật”, rõ ràng thay, tự tại thay!
Thừa nhận “Tôi là Phật”
có những điều bổ ích nào?
Thứ nhất, tôi có thể sửa sai hướng thiện. Một người có thể trực tiếp thừa nhận “Tôi là Phật”, tức là có thể dễ dàng sửa đổi sai lầm. Làm sao có thể không cố gắng hướng thiện? Thừa nhận mình là Phật thì cống hiến cơ bản nhất là sửa sai hướng thiện để có được nhiều lợi ích to lớn.
Thứ hai, tôi có thể nhìn gương hiền tài mà bắt chước. Tôi đã thừa nhận “Tôi là Phật”, tức là luôn noi gương “Như Lai để làm theo”. Chư Phật, Bồ Tát đại từ đại bi, tôi có thể không từ bi được chăng? Chư Phật, Bồ Tát đại trí đại huệ, tôi có thể không có trí huệ được chăng?
Thứ ba, có lòng bao dung đại độ. Lòng khoan hồng đại lượng của đức Phật có thể bao dung trời đất, tôi có thể không khoan dung rộng lượng với người khác được chăng? Tôi đã thừa nhận “Tôi là Phật”, tức là không thể tính toán chi ly trước sai trái của người khác; cần phải lấy “cái tâm trách người để trách mình, để xem lại mình”.
Thứ tư, tôi có thể phóng khoáng tùy duyên. Cuộc sống tùy duyên thật là tươi đẹp, cuộc sống phóng khoáng thật là khoát đạt! Đối với sự phát tâm “không làm điều ác”, tôi cần phải tùy duyên; đối với hành vi “theo đuổi điều thiện”, tôi cần phải thực tế. Tôi làm lớn rộng tự ngã, khai phá tương lai, tôi hướng theo đạo Bồ Đề để cố gắng tiến lên, hăng hái làm việc; trong cuộc sống phóng khoáng tùy duyên, tôi có thể đảm đương việc “hoằng pháp là việc nhà, lợi tha là sự nghiệp”.
Thứ năm, tôi có thể vô tư vô ngã. “Tôi đã là Phật” thì ích lợi riêng tư của thời quá khứ tôi đã phá trừ tất cả, ý nghĩ xằng bậy đảo điên của thời quá khứ tôi đã dứt tuyệt. Tôi lấy cái tâm “vô tư vô ngã” để làm người, xử sự, lấy thái độ “vô tư vô ngã” để phục vụ người đời; đã vô tư vô ngã, không chấp không cầu, tôi có thể tôn trọng mọi người và bao dung tất cả. Có lẽ hành động nhất thời của tôi khó có thể chu toàn, nhưng tôi có nghị lực kiên định, có sức mạnh tâm nguyện, luôn khấn cầu “Tôi là Phật” để Phật tính ở trong tâm của tôi dần dần tỏa sáng, và ánh sáng ấy chiếu rọi khiến những ích kỷ, cố chấp đều bị tiêu trừ dưới ánh sáng của tịnh độ.
Thứ sáu, tôi có thể tự giác theo Phật. “Tôi là Phật”, tức là tôi tự biết sự dạy bảo hướng dẫn của người khác chỉ là gợi ý nhất thời, sau này, tôi chắc chắn phải tự biết. Tôi tự biết những phiền não sâu xa của nội tâm, ắt phải dũng cảm trừ bỏ; tự biết những toan tính, được thua, vọng tưởng, tôi cần cố gắng hết sức để đối phó. Tôi tự biết việc làm người của tôi không hoàn hảo, học vấn không sâu rộng, tài năng còn kém cỏi, việc làm lợi cho người khác của tôi không đầy đủ, cho nên tôi cần phải cố gắng tự bổ sung cho mình. Lòng từ bi, trí Bát nhã, lối giải thoát của đức Phật tôi luôn phải theo đuổi với hy vọng mình có thể giải thoát tự tại như đức Phật, bởi vì tôi đã thừa nhận “Tôi là Phật”.
Trích dẫn từ sách Thái căn đàm
Dùng tâm buông bỏ kết rộng vô lượng duyên lành,
Dùng tâm trong sạch xa rời sắc dục nhiễm ô,
Dùng tâm thiền định xử trí tình huống xuôi ngược,
Dùng tâm cầu nguyện tạo dựng thế giới viên mãn.