JOHN C. MAXWELL
Trích: 15 Nguyên Tắc Vàng Về Phát Triển Bản Thân; Người dịch: Nguyễn Hương Giang ;NXB Thế Giới - 2018
Biên kịch kiêm tác giả J. M. Barrie thừa nhận: “Cuộc sống của mỗi người là một cuốn nhật ký, trong đó thay vì viết một câu chuyện thì anh ta lại viết một câu chuyện khác; và những giờ phút khiêm nhường nhất là khi anh ta so sánh tác phẩm như nó vốn có với những điều anh ta hy vọng sẽ viết được.” Tôi nghĩ bất cứ ai trung thực với bản thân đều nhận ra anh ta có thể tới đâu và nên tới đâu trong cuộc sống. Không giống như những gì Tom Hanks đã nói trong vai diễn Forrest Gump, cuộc sống không phải là một hộp sôcôla. Nó giống như một bình ớt jalapeno hơn. Những gì chúng ta thực hiện ngày hôm nay có thể thiêu đốt chúng ta vào ngày mai!
Chúng ta không có ý định phạm sai lầm và thất bại, nhưng chúng ta là như vậy. Tất cả chúng ta đều chỉ cách sự ngu ngốc một bước nhỏ. Tác giả, mục sư và một người bạn của tôi Andy Stanley nói: “Tôi biết rằng dù không ai dự định làm rối tung cuộc sống của họ lên, nhưng vấn đề là rất ít người trong chúng ta có kế hoạch để không làm thế. Nghĩa là chúng ta không thể đưa ra các biện pháp bảo vệ cần thiết để đảm bảo một kết thúc có hậu.
Vậy chúng ta làm điều đó như thế nào?
Ghi nhớ bức tranh toàn cảnh
Tôi nghĩ điều đầu tiên cần làm là nhắc nhở bản thân về bức tranh toàn cảnh. Người ta nói rằng, Tổng thống John F. Kennedy đã giữ một miếng thẻ nhỏ trong Nhà trắng với nội dung: “Ôi Chúa ơi, biển cả của Người quá rộng lớn còn thuyền của con thì quá nhỏ.” Nếu người được biết đến như là nhà lãnh đạo của một thế giới tự do còn biết vị trí thực sự của mình ở đâu trên thế giới, chúng ta cũng nên vậy.
Công nhận rằng ai cũng có điểm yếu
Rick Warren đưa ra lời khuyên tuyệt vời về cách duy trì đức tính khiêm tốn. Ông gợi ý hãy thừa nhận những điểm yếu của bản thân, kiên nhẫn với những điểm yếu của người khác và sẵn sàng sửa lỗi. Trong ba điều đó, tôi phải thừa nhận rằng tôi chỉ làm tốt được một trong số đó. Tôi không cảm thấy khó khăn khi thừa nhận những điểm yếu của mình – có thể vì tôi có rất nhiều điểm yếu. Tôi đã có một khoảng thời gian khó khăn để kiên nhẫn với người khác. Tôi liên tục phải nhắc nhở bản thân rộng lượng hơn với người khác. Và để có thể cởi mở hơn với việc sửa lỗi, tôi không bao giờ cho rằng mình sẽ không phạm sai lầm, tôi phát triển mối quan hệ với những người tốt, những người sẽ nói sự thật với tôi, và thiết lập một hệ thống trách nhiệm giải trình trong cuộc sống của mình.
Luôn cầu thị
Tôi thích được ở xung quanh những người có tâm trí của một người mới bắt đầu. Họ nghĩ mình như người học việc thay vì các chuyên gia, và cứ vậy, luôn cầu thị. Họ cố gắng nhìn mọi thứ qua lăng của người khác. Họ mở lòng với những ý tưởng mới. Họ khao khát kiến thức. Họ.đặt câu hỏi và biết lắng nghe. Và họ thu thập nhiều thông tin nhất có thể trước khi đưa ra quyết định. Tôi ngưỡng mộ những người như vậy và cố gắng học hỏi họ.
Sẵn sàng phục vụ những người khác
Không có nhiều thứ có lợi cho việc tu dưỡng nhân cách và trao dồi sự khiêm tốn hơn việc phục vụ người khác. Đặt người khác lên trước cái tôi và quan điểm cá nhân. (Nếu bạn là một nhà lãnh đạo, thì bạn đặc biệt cần nhớ điều này bởi vì bạn có thể quen với việc được người khác phục vụ và nghĩ rằng bạn có đặc quyền đó.)
Trong cuốn sách Winning: The Answers (tạm dịch: Chiến thắng: Những câu trả lời), Jack và Suzy Welch mô tả những người “tự phụ” vì thành công của họ và do đó hình thành thái độ sai lầm đối với những người khác. Họ viết:
Kẻ tự phụ sở hữu mọi loại hành vi không hấp dẫn. Họ kiêu ngạo, đặc biệt là đối với đồng nghiệp và cấp dưới. Họ ôm lấy công lao và coi thường nỗ lực của người khác, không chia sẻ những ý tưởng ngoại trừ để khoe khoang, và không lắng nghe, gần như mọi điều. Các ông chủ có thể phát hiện ra các hành vi gây hại cho nhóm từ xa, và do đó, không có gì ngạc nhiên khi những người có quyền lực và quyền hạn xung quanh bạn liên tục chống lại bạn. Bạn có thể rất thông minh và mang lại kết quả ưu tú trong công việc, nhưng tính cách tự phụ của bạn phá hoại tinh thần làm việc trong bất kỳ tổ chức nào và cuối cùng có thể thực sự làm hỏng kết quả công việc.
Làm sao để một người quen với chiến thắng nhắc nhở bản thân rằng anh ta không phải là cái rốn của vũ trụ? Bằng cách phục vụ người khác. Đối với tôi, việc phục vụ bắt đầu với Margaret và gia đình tôi. Cũng bắt đầu từ năm 1997, mỗi năm tôi chọn ra một số ít các cá nhân để phục vụ mà không nhận được bất cứ điều gì đổi lại. Và tôi cũng tìm cách để phục vụ đội ngũ của mình, vì họ làm việc rất chăm chỉ để phục vụ tôi và tầm nhìn của chúng tôi mỗi ngày.
Hãy biết ơn
Tôi rất ý thức được thực tế rằng tôi là một người rất may mắn và không xứng đáng với những gì tôi đã nhận được trong cuộc sống. Tôi mắc nợ Chúa và những người khác, và vì điều đó, tôi luôn cố gắng duy trì thái độ biết ơn. Điều đó không phải luôn dễ dàng. Nhà tư vấn Fred Smith, người đã cố vấn cho tôi trong nhiều năm, đã giúp tôi trong chuyện này. Ông nói: “Chúng ta không biết ơn vì điều đó khiến chúng ta mắc nợ, và chúng ta không muốn mắc nợ. Cụm từ trong Kinh thánh ‘hy sinh của sự tạ ơn’ là một câu đố với tôi cho đến khi tôi nhận ra lòng biết ơn là thừa nhận công lao của người làm điều gì đó cho tôi mà tôi không thể tự thực hiện. Lòng biết ơn thể hiện tính dễ tổn thương của chúng ta, sự phụ thuộc của chúng ta vào những người khác.”
Ngạn ngữ Trung Quốc có câu đại ý rằng “uống nước nhớ nguồn”. Mọi thứ chúng ta làm, mọi thành tựu chúng ta đạt được, mỗi cột mốc mà chúng ta vượt qua đều có một phần nỗ lực của những người khác. Không ai có thể tự mình làm mọi thứ. Nếu chúng ta có thể nhớ điều đó, chúng ta có thể biết ơn. Và nếu chúng ta biết ơn, chúng ta có khả năng phát triển nhân cách tốt hơn.
Khổng Tử khẳng định: “Khiêm tốn là nền tảng vững chắc của mọi nhân cách tốt.” Nói cách khác, nó mở đường cho sự phát triển nhân cách. Và điều đó giúp chúng ta phát triển cá nhân. Những điều này được kết nối một cách khéo léo.
Tôi sẽ cố gắng để kết thúc tốt đẹp – Sự trung thành cũng rất quan trọng
“Nấc thang” cuối cùng trên chiếc xe nhân cách của tôi là quyết tâm xây dựng nhân cách và sống theo tiêu chuẩn cao nhất cho đến ngày ra đi. Tôi đang cố gắng làm điều đó bằng cách làm đúng và trở thành một người tốt hơn mỗi ngày. Để làm đúng, tôi không chờ đợi đến lúc cảm thấy thích nó. Tôi nhận ra rằng cảm xúc theo sau hành động. Làm điều đúng đắn và bạn sẽ cảm thấy đúng đắn. Làm điều sai trái, bạn sẽ cảm thấy tồi tệ. Nếu bạn kiểm soát hành vi của mình, cảm xúc của bạn sẽ vào nề nếp.
Mục sư kiêm phát thanh viên Tony Evans cho hay: “Nếu bạn muốn có một thế giới tốt đẹp hơn, bao gồm các quốc gia tốt đẹp hơn, với các bang tốt hơn, các tỉnh tốt hơn, những thành phố tốt hơn từ những khu phố tốt hơn, được chiếu sáng bởi những nhà thờ tốt hơn, với các gia đình tốt hơn, bạn sẽ phải bắt đầu bằng cách trở thành một người tốt hơn.” Đó luôn là điểm bắt đầu – với tôi, với bạn. Nếu chúng ta tập trung vào nhân cách của bản thân, chúng ta sẽ tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Nếu chúng ta làm điều đó cả đời, chúng ta đã làm được điều tốt nhất có thể để cải thiện thế giới của mình.
NHÂN CÁCH CỦA BẠN CÀNG MẠNH MẼ, TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN CỦA BẠN CÀNG LỚN
Tác giả đoạt giải Pulitzer, Alexander Solzhenitsyn, đã trải qua tám năm tù giam trong thời kỳ Xô Viết vì đã chỉ trích Joseph Stalin. Ông vào nhà tù khi là một người vô thần và ra khỏi đó với tâm thế của một người có đức tin. Trải nghiệm đã giúp ông hình thành đức tin và củng cố nhân cách. Nhìn lại quá khứ, ông nói: “Cảm ơn anh, nhà tù – Cảm ơn anh vì đã xuất hiện trong cuộc đời tôi – nhờ được nằm trên nền rơm nhà tù, tôi đã học được rằng mục tiêu của cuộc sống không phải là sự thịnh vượng như tôi đã tin khi lớn lên, mà là sự trưởng của tâm hồn.”
Nếu chúng ta muốn phát triển và đạt được tiềm năng của bản thân, chúng ta phải chú ý tới nhân cách hơn là thành công của bản thân. Chúng ta phải nhận ra rằng phát triển cá nhân có ý nghĩa hơn nhiều việc mở rộng tâm trí và học hỏi thêm các kỹ năng. Điều đó có nghĩa là gia tăng khả năng của chúng ta với tư cách là con người. Nó có nghĩa là duy trì sự toàn vẹn cốt lõi, ngay cả khi bị tổn thương. Nó có nghĩa trở thành người chúng ta nên trở thành, chứ không chỉ là đến nơi mà chúng ta muốn đến. Nó có nghĩa là nuôi dưỡng tâm hồn của chúng ta.
Bác sĩ, nhà nghiên cứu Orison Swett Marden từng mô tả một người thành công như sau: “Anh ta sinh ra trong bùn rồi nằm xuống trên đá cẩm thạch. Điều này mang lại cho chúng ta một phép ẩn dụ thú vị để nhìn vào những cuộc sống khác nhau. Một số người sinh ra trong bùn, chết vẫn trong bùn… Đáng buồn thay, một số sinh ra trong nhung gấm nhưng lại chết đi trong bùn; một số được sinh ra trong bùn, mơ về đá cẩm thạch, nhưng vẫn chôn chân trong bùn. Nhưng nhiều người có tính cách cao quý đã được sinh ra trong bùn và nằm xuống trên đá cẩm thạch.” Đó không phải là một ý tưởng tuyệt vời sao? Tôi hy vọng rằng khi nằm xuống, tôi cũng được mọi người nhớ đến, và tôi cũng hy vọng bạn cũng vậy.