TỐT HƠN, TỪ BI HƠN, NHÂN ĐỨC HƠN VÀ HẠNH PHÚC HƠN

Trích: Đạo Kỷ Nguyên Mới; Tác Giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14; NXB Đồng Nai

Qua sự phát triển một thái độ sẵn sàng chịu trách nhiệm đối với mọi người, chúng ta có thể tạo ra được một thế giới tốt đẹp hơn mà chúng ta hàng mong ước. Độc giả có thể đồng ý hoăc không đồng ý với quan điểm của tôi về trách nhiệm chung đối với toàn cầu. Dĩ nhiên, mặc dù các chi tiết được nêu ra ở đây để tranh luận cùng nhau, tôi vẫn tin chắc rằng trách nhiệm chung của chúng ta có nghĩa là lòng nhân đức từ bi trong đời sống hàng ngày cũng như trong tất cả mọi lĩnh vực khác. Điều này cho thấy rõ tầm quan trọng của lối hành xử đạo đức của chúng ta trong đời sống hàng ngày nếu chúng ta muốn được hạnh phúc theo cách mà tôi đã định nghĩa. Khi nói những lời này, tôi tin rằng rõ ràng ở đây không phải là đang kêu gọi mọi người cần phải từ bỏ cuộc sống hiện tại của mình để thực hành theo một đường hướng hay một lối suy nghĩ hoàn toàn mới. Nói đúng ra, tôi muốn đề nghị rằng mỗi cá nhân với đời sống hàng ngày của mình, có thể thay đổi, để trở nên tốt hơn, từ bi hơn, nhân đức hơn và hạnh phúc hơn. Và khi chúng ta trở thành những con người tốt đẹp hơn, từ bi hơn, chúng ta có thể thực hiện cuộc cách mạng trong tâm hồn.

Công việc hàng ngày của mọi người, chẳng hạn như các bác sĩ, các giáo viên v.v… sẽ được hướng sang một phương hướng thích đáng hơn nhằm phục vụ ích lợi của toàn xã hội hơn là cho chính cá nhân mình. Tất cả mọi cố gắng nỗ lực của nhân loại sẽ có tiềm năng trở nên vĩ đại hơn, cao thượng hơn miễn là chúng ta thực hiện công việc hàng ngày của mình với một động cơ tốt đẹp, chúng ta luôn nghĩ rằng “Công việc của mình là nhằm phục vụ mọi người”, thì tất cả mọi người trong xã hội, kể cả chính bản thân chúng ta, sẽ được ích lợi rất nhiều. Nhưng khi chúng ta bỏ mặc không quan tâm đến tình cảm và lợi ích của mọi người, mọi hành vi của chúng ta có xu hướng trở nên sai lầm. Nếu thiếu tình cảm cơ bản của con người, thì tất cả mọi tôn giáo, mọi thể chế chính trị, mọi nền kinh tế v.v… đều sẽ trở thành vô nghĩa. Thay vì nhằm mục tiêu phục vụ cộng đồng, người ta trở thành những nhân tố tạo ra sự phá hoại cho chính cộng đồng.

Thế nên, ngoài việc phát huy trách nhiệm đối với toàn cầu, chúng ta còn phải phát huy trách nhiệm của mình đối với mọi người. Trừ khi chúng ta thực sự bắt tay vào việc, chúng ta vận dụng những nguyên tắc này vào đời sống hàng ngày của mình, nếu không thì mọi việc vẫn không hề thay đổi. Thế nên, ví dụ, trách nhiệm của các chính trị gia là họ cần phải ghi nhớ rằng mục tiêu của họ là giúp ích cho toàn thể cộng đồng qua lòng chân thật và liêm chính của mình. Các luật sư cần vận dụng khả năng chuyên môn của mình để bảo vệ công lý.

Rõ ràng chúng ta khó có thể chỉ ra rõ được thái độ hành xử của chúng ta được định hình như thế nào bởi việc quyết tâm thực hiện nguyên tắc về trách nhiệm đối với toàn cầu. Vì lý do này, tôi không có bất kỳ một tiêu chuẩn nhất định nào trong đầu mình. Tất cả những gì tôi hy vọng ở đây là nếu những gì được viết ở đây có ý nghĩa với các bạn thì bạn sẽ cố gắng sống một đời nhân đức hơn trong đời sống hàng ngày của mình và tôi hy vọng rằng qua ý thức trách nhiệm của mình đối với mọi người xung quanh bạn sẽ thực hiện được những gì bạn có thể để giúp ích cho họ. Khi bạn bước ngang qua một chiếc vòi đang rỉ nước, bạn sẵn sàng dừng lại để siết chặt nó lại vì ích lợi của mọi người. Nếu bạn trông thấy một ngọn đèn nào đó được thắp sáng một cách vô ích, bạn cũng sẽ làm như thế. Nếu bạn là một người có tín ngưỡng và ngày mai bạn sẽ gặp gỡ một người nào đó theo tín ngưỡng khác, bạn sẽ thể hiện lòng ngưỡng mộ của mình dành cho họ cũng như những gì bạn mong đợi nhận được từ phía họ. Hoặc, nếu bạn là một nhà khoa học và bạn nhận thấy rằng những nghiên cứu mà bạn đang tham gia thưc hiện có khả năng gây hại cho người khác thì từ ý thức trách nhiệm mạnh mẽ này bạn sẽ thôi không tham gia cuộc nghiên cứu đó nữa. Theo khả năng và ý thức được những hạn chế trong hoàn cảnh của mình, bạn sẽ thực hiện những gì bạn có thể. Và nếu một ngày nào đó mọi thái độ hành xử của bạn đối với mọi người trở nên từ bi hơn thì điều đó cũng bình thường. Tương tự, nếu những gì tôi nói ở đây dường như chẳng ích gì với các bạn thì điều đó cũng chẳng hề gì. Điều quan trọng là bất luận chúng ta làm gì cho mọi người thì chúng ta cũng nên thực hiện với một thái độ tự nguyện và hành vi của chúng ta cần bắt nguồn từ sự hiểu biết về ích lợi của những hành vi của chính mình.

Trong một chuyến viếng thăm New York gần đây, một người bạn đã nói với tôi rằng con số những tỷ phú ở Mỹ đã gia tăng từ con số mười bảy cách đây vài năm lên đến con số hàng trăm vào ngày nay. Tuy thế, đồng thời con số người nghèo trở nên ngày càng nghèo hơn cũng gia tăng mạnh mẽ. Tôi nghĩ rằng đây là điều đáng buồn. Điều đó cho thấy nguy cơ tạo ra những khó khăn rắc rối cho toàn xã hội loài người. Trong khi hàng tỷ người thậm chí còn không có được những vật chất thiết yếu cho đời sống – thực phẩm, nơi ở, giáo dục, và thuốc men – thì sự bất cân bằng về vật chất, của cải sẽ góp phần tạo thêm nhiều khó khăn rắc rối. Nếu tất cả mọi người đều có đủ những nhu yếu phẩm cần thiết cho đời sống của mình thì những đời sống vương giả kia mới có thể tồn tại được. Nếu đó là điều mà mọi cá nhân đều thực sự muốn thì mọi việc đã tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, thực tế không phải thế. Trong thế giới của chúng ta, vẫn còn có nhiều nơi người ta vất bỏ thực phẩm thừa trong khi tại một số nơi khác có nhiều người vẫn đang chết vì đói. Thế nên, mặc dù tôi không thể nói rằng cuộc sống xa xỉ của những người giàu có là sai trái, mặc dù họ đang sử dụng tiền bạc của chính họ và đồng tiền của họ hoàn toàn không phải là đồng tiền bất chính nhưng tôi vẫn nói rằng cách sử dụng tiền của của họ là không hợp lý.

Hơn nữa, tôi nhận thấy rằng đời sống của những người giàu có thường phức tạp đến mức vô lý. Một trong số những người bạn của tôi, anh ta đã ở cùng với một gia đình cực kỳ giàu có nọ, đã kể cho tôi nghe rằng mỗi khi họ đi bơi, được người hầu trao cho chiếc khăn choàng để quấn lên người sau khi họ bơi xong. Sau đó mỗi khi họ xuống nước và lên bờ trở lại, chiếc khăn đó lại được thay bằng chiếc khăn mới, dù rằng họ có xuống nước và lên bờ rất nhiều lần trong ngày. Thật lạ thường! Thậm chí, thật lố bịch. Tôi không cho rằng cuộc sống như thế sẽ giúp họ cảm thấy dễ chịu như thế nào. Là một con người, chúng ta chỉ có một chiếc dạ dày duy nhất. Chúng ta chỉ có thể dùng một số lượng thức ăn nhất định nào đó mà thôi. Tương tự, chúng ta chỉ có mười ngón tay, thế nên chúng ta không thể đeo hàng trăm chiếc nhẫn lên đó. Dù chúng ta có lý luận thế nào thì việc đeo trên đôi bàn tay của mình quá nhiều những chiếc nhẫn khác nhau để trang sức cũng là một điều vô lý. Tất cả những điều vô lý còn lại chỉ có họ mới có thể biết được mà thôi. Việc sử dụng tài sản một cách thích đáng hợp lý như tôi đã giải thích với các thành viên của một gia đình cực kỳ giàu có tại Ấn Độ, chỉ xuất hiện qua việc trao tặng với tấm lòng nhân ái. Trong trường hợp đặc biệt này – vì họ yêu cầu – tôi đã đề nghị rằng có lẽ việc sử dụng tiền bạc dâng tặng cho sự giáo dục chính là những gì tốt nhất mà họ có thể làm được. Tương lai của thế giới được đặt trong tay của thế hệ sau của chúng ta. Thế nên, nếu chúng ta muốn tạo nên một thế giới tốt đẹp và công bằng hơn thì rõ ràng là chúng ta cần phải giáo dục con cháu của mình trở thành những con người có ý thức trách nhiệm cao và luôn biết quan tâm đến mọi người quanh mình. Khi một người được sinh ra trong sự giàu có, hoặc có được nhiều tiền của qua một số hình thức nào đó, họ có cơ hội tuyệt vời để giúp ích cho mọi người quanh mình. Thật lãng phí khi cơ hội đó chỉ được tận dụng vì một mục tiêu vị kỷ nhỏ nhen.

Tôi thực sự nghĩ rằng đời sống xa xỉ là một điều hoàn toàn không thích hợp, thế nên tôi phải thừa nhận rằng mỗi khi tôi ở tại một khách sạn sang trọng nào đó và tôi trông thấy người khác dùng các loại thức ăn và thức uống đắt tiền trong khi ngay bên ngoài khách sạn vẫn có rất nhiều người thậm chí còn không có nơi để ngụ qua đêm thì tôi cảm thấy rất bứt rứt trong lòng. Điều đó càng khiến tôi cảm nhận rõ ràng khi tôi đặt mình vào từng hoàn cảnh. Tất cả mọi người chúng ta đều muốn được hạnh phúc và không muốn chịu đau khổ. Đồng thời, tôi không tin rằng tất cả mọi người đều có thể hoặc trở thành những người giống như Mahatma Gandhi và sống đời nghèo khó như thế. Sự cống hiến như thế là điều tuyệt vời và đáng được trân trọng. Nhưng bí quyết một đời cân bằng ở đây là “Nhiều như chúng ta có thể” – nhưng không đến mức cực đoan.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP