LINDA KAPLAN THALER
ROBIN KOVAL
Trích: Sức Mạnh Của Sự Tử Tế, Cách Chinh Phục Giới Kinh Doanh Bằng Sự Tử Tế; Việt dịch: Trịnh Ngọc Minh; NXB Thế giới; Công ty Sách Phương Nam, 2022
Một lần nọ, có một gã hỏi Abraham Lincoln rằng, cứ bị xin chữ kí mãi như thế ông có bực không. “Được nịnh một chút thì người ta sẽ chịu được nhiều thứ lắm,” Tổng thống Lincoln trả lời.
Cho đến nay, câu nói của Lincoln vẫn đúng. Chúng ta ai cũng thích được khen. Thế mà chúng ta chẳng mấy khi chịu khó khen nhau. Linda nhớ lại:
Hồi còn làm bên một hãng nọ, tôi có mua một bộ đồ mới đẹp lắm. Tôi rất hãnh diện với nó. Tôi vừa mới sinh cháu, lại đang muốn giảm cân nên cảm thấy rất yên tâm trong bộ đồ này. Thế nhưng, cả ngày hôm ấy chả ai nói gì về bộ đồ mới của tôi cả. Thất vọng vô cùng. Rốt cuộc, tôi hỏi một đồng nghiệp rằng tại sao chẳng ai để ý gì đến bộ đồ mới của tôi chứ. Anh ta tỉnh bơ nhìn tôi, rồi bảo, “Đó gọi là luật đời đấy.”
Nói cách khác, người ta thường ngại khen đồng nghiệp và người quen, dù chỉ là một câu vô thưởng vô phạt – sợ rằng khen hay khen tốt về cái áo hay mái tóc của ai đó thì có thể sẽ bị hiểu lầm. Chúng ta ai cũng cần được động viên. Nếu bạn nói với người phụ tá chỉ mới hai mươi tuổi của mình, rằng anh ta có bộ ngực ngon cơm thì chắc chắn sẽ có lời ra tiếng vào ngay. Nhưng còn bảo một người quen thân rằng họ trông anh thật bảnh bao hay phong độ thì hầu như lúc nào cũng cực tốt cả.
Một số người hà tiện lời khen vì sợ bị coi là giả dối hay xu nịnh.
Nhưng xin nói với bạn thế này: một khi bạn đã lo lời khen thốt ra có vẻ giả dối hay kẻ cả thì chắc chắn lời khen ấy sẽ không như thế. Chỉ riêng cái việc bạn lo lắng như thế đã chứng tỏ bạn không phải là kẻ bợ đỡ rồi, cho nên lời khen của bạn cũng sẽ thể hiện rõ như vậy. Còn nữa, nếu bạn vốn là người kẹo có tiếng, thế rồi tự dưng đem sô-cô-Ìa đi chia và khen đầu tóc người ta khiến cho bạn bè, đồng nghiệp choáng thì sao? Thì chẳng phải cái hay của việc làm dịu không khí xung quanh là chỉ cần rải một nhúm đường đấy thôi. Vậy nên, nếu bạn vốn nổi tiếng là người khó đăm đăm thì tiếng cười, câu khen của bạn sẽ càng thêm nhiều ý nghĩa. Chẳng hạn như Karen, chủ tịch một công ty hạng trung, vốn là người rất hay nổi nóng. Những khi căng thẳng quá, chị thường quát mắng búa xua những người xung quanh. Bình thường chị cố kiểm soát lời ăn tiếng nói và thái độ của mình, nhưng lúc nóng lên rồi thì chị phớt lờ hết.
Thế rồi Karen cũng tập làm được việc này. Trước hết, chị luôn xin lỗi khi cơn giận làm chị mất khôn. Quan trọng hơn, chị còn biến việc khen ngợi nhân viên – chứ không chỉ “đì” thôi – thành một việc làm thường xuyên. Một trong các nhân viên cũ của Karen kể, “Khi bạn làm việc gì đúng, Karen sẽ làm như bạn là người thông minh nhất, giỏi giang nhất trên đời. Chị ấy phát rồ lên mà ca tụng bạn, và điều đó sẽ giúp bạn thấy vững dạ hơn mỗi khi chị ấy trái tính hay nổi khùng. Bạn chịu đựng được, vì trước đó chị ấy đã ra sức bồi đắp sự tự tin cho bạn rồi.”
Karen vẫn nóng nảy như tính tình chị vốn thế, tuy nhiên, chị đã biết ban phát thêm những lời ngợi khen mà nhân viên cần. Sức mạnh của lòng tốt là nói về chuyện tốt bụng thật sự chứ không phải là giả vờ.