TRÌ GIỚI BA LA MẬT

NARADA MAHA THERA

Nguồn: Đức Phật và Phật pháp, Đại đức Narada Maha Thera, Phạm Duy Khách dịch, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2015

Giới nằm trong lòng quảng đại khác thường của một vị Bồ tát. Danh từ “sila” trong Phạn ngữ có nghĩa là quy luật. Giới gồm có những bổn phận phải làm (caritta) và những điều nên tránh (varitta). Đạo làm cha mẹ, làm con, làm vợ, làm chồng, làm trò, làm thầy, làm bạn, bổn phận đối với các bậc tu sĩ, với kẻ ăn người ở trong nhà v.v. đều được giảng giải rõ ràng và cặn kẽ trong kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Sigalovada Sutta, Trường bộ, kinh số 31).

Bổn phận của người Phật tử đại khái có năm phần:

  1. Con đối với cha mẹ, có bổn phận:
  • Phải phụng dưỡng và cung cấp đầy đủ vật dụng cho cha mẹ;
  • Làm công việc thay thế cha mẹ;
  • Có một tác phong đạo đức thế nào để giữ tròn danh giá cho gia tộc;
  • Tỏ ra xứng đáng thọ hưởng di sản của ông cha; và
  • Để bát cúng dường, hồi hướng phước báu cho những người trong gia tộc đã quá vãng.
  1. Cha mẹ, được con chăm sóc và giúp đỡ như vậy, phải biết thương con và có bổn phận:
  • Khuyên lơn và ngăn cản, không để con làm điều tội lỗi, tạo nghiệp bất thiện;
  • Nhắc nhở và dẫn dắt con luôn luôn đi trên đường thiện;
  • Giúp con hành nghề sanh sống chân chánh;
  • Khi con lớn khôn, dựng vợ gả chồng một cách xứng đáng, và
  • Kịp thời chia lại cho con phần tài sản của mình
  1. Học trò đối với thầy có bổn phận:
  • Luôn luôn tỏ lòng cung kính;
  • Trông nom săn sóc thầy;
  • Chăm chỉ nghe lời thầy dạy;
  • Khi cần đến, hết lòng giúp đỡ;
  • Kính cẩn thọ nhận lời thầy dạy bảo.
  1. Thầy, được trò tôn kính và đối đãi như thế, phải biết thương trò và có bổn phận:
  • Rán sức dạy dỗ trò biết tôn trọng kỷ luật;
  • Cố gắng làm cho trò lãnh hội dễ dàng lời dạy;
  • Dạy những môn kỹ thuật và khoa học thích hợp;
  • Tiến dẫn trò vào giới thân cận của mình để trò giao thiệp với bạn bè thân thuộc mình;
  • Đào tạo trò cho ra những người hoàn hảo trên mọi phương tiện.
  1. Chồng đối với vợ, có bổn phận:
  • Luôn luôn nhã nhặn, thanh tao;
  • Không khi nào tỏ ý khinh rẻ;
  • Luôn luôn trung thành với vợ;
  • Giao quyền hành cho vợ;
  • Mua sắm cho vợ các đồ trang sức.
  1. Vợ, được chồng đối đãi như vậy, phải biết thương chồng và có bổn phận:
  • Làm tròn bổn phận trong nhà;
  • Vui vẻ, tử tế với thân bằng quyến thuộc của chồng;
  • Luôn luôn trung thành với chồng;
  • Giữ gìn cẩn thận những đồ trang sức, thận trọng coi sóc của cải trong nhà; và
  • Luôn luôn siêng năng, không tháo trút công việc.
  1. Một thiện hữu đối với bạn bè thân thuộc, có bổn phận:
  • Quảng đại, khoan hồng.
  • Cư xử nhã nhặn, thanh tao.
  • Sẵn sàng làm việc phải đối với bạn bè thân thuộc. Thấy ai hữu sự liền ra tay giúp đỡ, không đợi cầu khẩn.
  • Có tinh thần bình đẳng, và
  • Luôn luôn thành thật.
  1. Người bạn, được đối xử như vậy có bổn phận:
  • Bảo vệ bạn trong lúc cô đơn, cứu vớt bạn trong cơn sa ngã.
  • Khi tài sản bạn không ai trông nom, hết lòng bảo vệ, không để bạn bị hao tổn.
  • Nếu bạn lâm vào tình trạng khủng hoảng, hết lòng đùm bọc và làm cho mình trở nên chỗ nương tựa của bạn.
  • Không nên bỏ bạn lẻ loi trong cơn nguy biến.
  • Đối với gia đình bạn, luôn luôn nhã nhặn, khiêm tốn.
  1. Đối với kẻ ăn người ở, chủ nhà có bổn phận:
  • Không nên giao phó công việc quá sức.
  • Thù lao và nuôi cơm đầy đủ.
  • Khi đau ốm, tận tình săn sóc.
  • Chia sớt những món ngon vật lạ.
  • Không bắt làm quá giờ.
  1. Người làm công, được chủ đối đãi tử tế như vậy, phải biết thương chủ và có bổn phận:
  • Thức dậy trước chủ.
  • Đi ngủ sau chủ.
  • Chỉ lấy hoặc dùng những vật chi mà chủ đã cho.
  • Tận tình làm cho công việc trong nhà được vẹn toàn.
  • Giữ gìn danh giá cho chủ, làm cho danh thơm của chủ được truyền ra xa rộng.
  1. Người cao quý sang trọng phải đối xử với hàng tu sĩ như sau:
  • Tỏ lòng từ ái trong hành động.
  • Tỏ lòng từ ái trong lời nói.
  • Tỏ lòng từ ái trong tư tưởng.
  • Luôn luôn mở rộng cửa nhà để tiếp đón.
  • Sẵn sàng hỗ trợ và dâng cúng những vật dụng cần thiết.
  1. Hàng tu sĩ, được người cao quý sang trọng đối xử như vậy, phải biết thương và có bổn phận:
  • Khuyên nhủ và cản ngăn không để rơi vào con đường lầm lạc.
  • Nhắc nhở và dẫn dắt đi trên đường thiện.
  • Hết lòng thương mến.
  • Thuyết giảng những pháp mà người ấy chưa từng nghe, và giải thích rõ ràng, cặn kẻ những pháp đã thuyết rồi.
  • Vạch cho thấy con đường dẫn đến những cảnh giới an vui hạnh phúc.

Người đã làm tròn những điều đáng làm (Caritta Sila) này thật đúng là con người thanh lịch, hoàn toàn trong sạch và cao quý trong xã hội.

Ngoài những bổn phận ấy, Bồ tát còn phải cố gắng tránh những điều không nên làm (Varita Sila), ghép mình trong giới luật để sống cuộc sống lý tưởng của một Phật tử thuần thành chân chánh.

Sau khi suy luận rõ ràng và đúng đắn thế nào là định luật nhân quả. Bồ tát cố gắng tránh xa tất cả những điều bất thiện xấu xa lầm lạc và tận lực làm tất cả những điều thiện mà mình có thể làm. Ngài nhận thức rằng bổn phận của mình là trở thành một nguồn hạnh phúc cho tất cả và không bao giờ gây phiền toái cho một chúng sanh nào, dầu người hay thú.

Mọi người đều quý trọng đời sống của mình. Không ai có quyền cướp sự sống của kẻ khác, Bồ tát rãi tâm Từ đến tất cả chúng sanh, cho đến những con vật bé nhỏ đang bò dưới chân và không khi nào sát hại hoặc làm tổn thương một sinh vật nào. Con người vốn sẵn có một thú tính xúi giục giết hại những sinh vật khác để ăn thịt mà không chút thương xót. Cũng có khi sát sanh để tiêu khiển thì giờ. Dầu để nuôi sống thân mạng hay để tìm thú vui, không có lý do nào chánh đáng để giết một sanh linh hoặc làm cách nào khác cho một sanh linh bị giết. Có những phương pháp tàn nhẫn, đáng ghê tởm, cũng có những phương pháp mà người ta gọi là nhân đạo, để sát sanh. Nhưng làm đau khổ một chúng sanh là đã thiếu lòng từ ái. Giết một con thú đã là một hành động bất chánh, nói chi đến giết một con người, mặc dầu có nhiều lý do đã được viện dẫn, gọi là chánh đáng, có khi gọi cao quý, để con người tàn sát giết hại con người.

Bồ tát cũng tránh trộm cắp, bất luận dưới hình thức nào, trực tiếp hay gián tiếp. Làm như vậy, những đức tính thanh bạch, thành thật và ngay thẳng được phát triển rộng có thể phương hại đến phẩm giá con người, và hết sức cố gắng giữ mình hoàn toàn trong sạch. Ngài không nói dối, không nói lời thô lỗ cộc cằn, không nói điều nào làm cho người này có thể phiền trách người khác, không nói những lời vô ích. Ngài chỉ nói những lời thanh tao nhã nhặn, chân thật, dịu dàng, những lời có thể đem lại cho người khác hoàn cảnh hòa hợp, tình trạng an vui hạnh phúc, và những lời hữu ích.

Bồ tát không dung món chi có chất độc hoặc có thể làm cho tinh thần mất sáng suốt. Trái lại, Ngài luôn luôn luyện tập cho tâm được an trụ, cho trí được sáng suốt.

Mặc dầu có phải bị thiệt thòi đi nữa, Bồ tát cũng không hề dể duôi để phạm phải một điều nào trong năm nguyên tắc căn bản để kiểm soát hành động và lời nói mình. Để giữ tròn năm giới, không những Bồ tát có khi phải hy sinh tài sản, sự nghiệp, mà cũng có vài trường hợp Ngài phải hy sinh cả tánh mạng.

Không nên lầm tưởng rằng trong vòng luân hồi, một vị Bồ tát phải hoàn toàn trong sạch. Đã sanh ra làm chúng sanh trong cõi phàm, Ngài cũng có những nhược điểm và lỗi lầm. Vài câu chuyện trong Truyện tiền thân (Túc Sanh Truyện) như Kanavera (Jakata, số 318) có mô tả một vị Bồ tát nọ như một tên cướp vô cùng lợi hại. Tuy nhiên, đó là một trường hợp hy hữu, hơn là một thong lệ.

Đối với Bồ tát, là người có nguyện vọng trở thành Phật, thì công trình nghiêm túc giữ gìn giới luật trong sạch là điều vô cùng quan trọng. Truyện tiền thân Sila Vimamasa (Jataka, số 362) có đoạn thuật lại lời một vị Bồ tát như thế này:

Trí tuệ ngoài đạo đức là một thứ trí tuệ không có giá trị.”

Trong sách Visuddhi Magga (Thanh Tịnh Đạo), Đức Buddhaghosa viết rằng giới luật là nền tảng của tất cả đức hạnh.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỰ TAI HẠI CỦA RƯỢU
  2. KINH TỪ BI

Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỨC PHẬT LÀ AI ?
  2. NGHIỆP CHUYỂN LÊN VÀ NGHIỆP CHUYỂN XUỐNG
  3. TÌM CHÂN LÝ

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG