TRÍ TUỆ PHÁT SANH

ĐẠI SƯ AJAHN CHAH

Trích: “Thiên Nhiên Tâm”;  việt dịch: Trường Tâm & Thanh Long; NXB Hồng Đức – 2022.

Khi nói rằng Đức Phật dạy nên tách rời tâm ra khỏi thọ, không có nghĩa là vứt bỏ nó ở một nơi nào. Ngài muốn dạy rằng tâm phải hiểu biết hạnh phúc và hiểu biết đau khổ. Thí dụ như khi tọa thiền, trong trạng thái định, tâm thấm nhuần an lạc thì hạnh phúc đến, nhưng không để vào tâm, đau khổ đến, nhưng không để vào tâm. Đó là tách rời thọ và tâm. Ta có thể ví như nước và dầu trong một cái lọ. Nó không hòa tan. Mặc dầu có muốn trộn lộn hai thứ, dầu vẫn ra dầu và nước vẫn ra nước. Tại sao vậy? Vì trọng lượng khác nhau.

Trạng thái thiên nhiên của tâm là không hạnh phúc, không đau khổ. Khi thọ nhập vào thì hoặc hạnh phúc, hoặc đau khổ phát sanh. Nếu có niệm, ta nhận biết thọ lạc là thọ lạc. Cái tâm hiểu biết không “bốc” nó lên. Hạnh phúc có đó, nhưng nó “ở ngoài”, không đắm chìm trong tâm. Tâm chỉ hiểu biết rõ ràng.

Tách rời đau khổ ra khỏi tâm. Phải chăng điều này có nghĩa là không còn đau khổ, rằng ta không còn kinh nghiệm đau khổ nữa? Không phải vậy, ta vẫn còn kinh nghiệm đau khổ, nhưng lúc bấy giờ ta hiểu biết tâm là tâm, thọ là thọ. Ta không bám chặt vào thọ cảm đau khổ ấy và mang nó đi theo mình. Đức Phật tách rời những trạng thái ấy bằng tuệ giác. Ngài có đau khổ không? Ngài biết có trạng thái đau khổ, nhưng không bám giữ. Do vậy ta nói rằng Ngài cắt đứt đau khổ. Và khi có hạnh phúc, Ngài hiểu biết đó chỉ là hạnh phúc. Ngài không nắm giữ nó lại và cho rằng nó là mình. Xuyên qua trí tuệ, hiểu biết rằng có hạnh phúc hiện hữu, nhưng hạnh phúc không ở trong tâm. Vậy ta nói rằng Ngài tách rời hạnh phúc và đau khổ khỏi tâm.

Nói rằng Đức Phật và chư vị A La Hán diệt trừ ô nhiễm không có nghĩa là các Ngài thật sự giết chết ô nhiễm. Nếu các Ngài đã giết chết tất cả những ô nhiễm thì có lẽ chúng ta không còn ô nhiễm nào! Các Ngài không giết chết. Khi hiểu biết thực tướng của nó, hiểu đúng như nó là vậy, các Ngài buông bỏ, để cho nó đi qua. Người điên rồ sẽ nắm giữ nó lại, nhưng các bậc Giác Ngộ đã thấu hiểu rằng ô nhiễm trong tâm là thuốc độc nên liền quét sạch nó đi. Các Ngài quét sạch những gì là nguyên nhân tạo ra đau khổ chứ không giết chết. Người không thấu hiểu như vậy sẽ thấy những gì như hạnh phúc là tốt đẹp và nắm chắc, giữ chặt nó lại (thủ), nhưng Đức Phật chỉ hiểu biết nó và giản dị tẩy sạch nó đi.

Nhưng đối với chúng ta, khi thọ phát sanh thì ta lợi dưỡng trong đó, có nghĩa là tâm của ta mang hạnh phúc và đau khổ theo cùng với nó. Trong thực tế, tâm và hạnh phúc hay đau khổ là hai sự việc khác nhau. Những sinh hoạt của tâm: thọ lạc, thọ khổ vv… là những cảm xúc. Nó là thế gian pháp. Nếu tìm hiểu biết như vậy thì dầu hạnh phúc hay đau khổ, tâm vẫn xem như nhau và phản ứng cùng một cách. Tại sao? Bởi vì tìm hiểu biết chân lý của sự vật. Người không thông hiểu sẽ thấy hạnh phúc và đau khổ có hai giá trị khác biệt, nhưng người đã thấu hiểu sẽ thấy nó như nhau. Nếu quý vị bám chặt vào hạnh phúc thì nó sẽ là nơi phát sanh đau khổ về sau, bởi vì nó không ổn định vững bền mà luôn luôn biến chuyển. Khi hạnh phúc tan biến ắt đau khổ khởi sanh.

Đức Phật thấu triệt rằng bởi vì cả hai, hạnh phúc và đau khổ, đều là bất toại nguyện, tức đau khổ, nên cả hai đều có giá trị bằng nhau. Khi hạnh phúc phát sanh, Ngài để nó trôi qua. Ngài có pháp Hành Chân Chánh và thấy rằng cả hai đều có giá trị và sức trở ngại bằng nhau. Cả hai đều nằm dưới sự chi phối của Định Luật Thiên Nhiên, tức bất ổn định và bất toại nguyện. Sanh rồi diệt. Khi thấy rõ như vậy Chánh Kiến phát sanh và pháp hành chân chánh trở nên sáng tỏ. Bất luận cảm thọ hoặc tư tưởng nào phát sanh, Ngài biết rõ rằng đó chỉ giản dị là trò đùa của hạnh phúc và đau khổ luôn luôn tiếp diễn. Ngài không bám níu vào.

Khi Đức Phật mới Thành Đạo, Ngài thuyết giảng Pháp về Lợi Dưỡng trong Dục Lạc và Lợi Dưỡng trong Đau Khổ, “Này chư Tỳ Khưu! Lợi Dưỡng trong Dục Lạc là con đường dể duôi buông lung. Lợi Dưỡng trong Đau Khổ là con đường căng thẳng.” Đó là hai con đường đã làm trở ngại pháp hành của Ngài chí đến ngày chứng ngộ Đạo Quả, bởi vì trước đó Ngài không buông bỏ cho nó trôi qua. Khi đã thấu hiểu, Ngài để cho nó trôi qua và do đó mới có thể ban truyền Bài Pháp Đầu Tiên.

Như vậy chúng ta nói rằng người hành thiền không nên đi trên con đường của hạnh phúc và đau khổ, mà phải thấu hiểu bản chất của nó. Thấu hiểu chân lý của Đau Khổ hành giả sẽ thấu hiểu Nguyên Nhân sanh Đau Khổ, sự Chấm Dứt Đau Khổ và Con Đường dẫn đến Chấm Dứt Đau Khổ. Và con đường dẫn thoát ra khỏi Đau Khổ chính là pháp môn hành thiền. Nói một cách khác, ta phải luôn luôn giữ chánh niệm.

Niệm là hay biết, hay có tâm hiện hữu. Ngay trong giờ phút này chúng ta đang nghĩ gì, chúng ta đang làm gì? Điều gì xảy đến ta trong hiện tại? Chúng ta quán chiếu như vậy, luôn luôn hay biết ta đang sống như thế nào. Trong khi thực hành như vậy trí tuệ có thể phát sanh. Lúc nào chúng ta cũng đang suy niệm và quán chiếu, trong mọi oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi. Khi một cảm giác phát sanh mà ta ưa thích, hãy hay biết đúng như vậy, nhưng chúng ta không giữ nó lại như một cái gì có thực chất. Chỉ là hạnh phúc. Khi đau khổ phát sanh chúng ta hiểu biết ngay rằng đó là Lợi Dưỡng trong Đau Khổ, không phải là Con Đường của người hành thiền.

Đó là điều gọi là tách rời tâm ra khỏi thọ. Nếu là sáng suốt, ta không bám níu vào mà để cho sự vật tự nhiên trôi chảy. Chúng ta trở thành “người hiểu biết”. Tâm và thọ cũng chỉ như nước và dầu: cùng chung trong một cái lọ nhưng không hòa tan. Chí đến khi lâm bệnh hay đau nhức ta vẫn hiểu biết thọ là thọ, tâm là tâm. Chúng ta hiểu biết những trạng thái đau đớn hay thoải mái dễ chịu nhưng không tự mình đồng hóa với chúng. Chúng ta chỉ ở với thanh bình an lạc, sự an lạc thanh bình vượt lên trên cả hai, thoải mái và đau khổ.

Phải thấu hiểu như vậy, bởi vì đã không có một tự ngã trường tồn ắt không có chỗ nương tựa. Quý vị phải sống như vậy, tức sống không có hạnh phúc và không có đau khổ. Quý vị chỉ sống với sự hiểu biết, không bận bịu mang kè kè sự vật theo mình.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TRÍ TUỆ PHÁT SANH
  2. HÃY XẢ BỎ TẤT CẢ
  3. DÒNG NƯỚC TĨNH ĐANG CHẢY, DÒNG NƯỚC CHẢY ĐANG TĨNH

Bài viết mới

  1. HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH
  2. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  3. KHẢ NĂNG TRUYỀN CẢM HỨNG