TRUNG ĐẠO – SUỐI NGUỒN TÂM LINH

ĐẠI SƯ AJAHN CHAH

Trích: Suối nguồn tâm linh; Biên dịch: Minh Vi; NXB Lao Động, 2011

 

Cả hạnh phúc và đau khổ
đều không phải là trạng thái bình an
Đức Phật dạy chúng ta xả bỏ cả hai thứ này.
Đây là sự tu hành đúng. Đây là Trung Đạo.

Giáo lý của Phật là về việc bỏ ác, hành thiện. Rồi, khi sự ác đã được dứt trừ và sự thiện lành đã được thuần thục, chúng ta xả bỏ cả hai. Trung đạo là con đường vượt lên cả hai thứ này.

Tất cả sự giảng dạy của Phật đều có cùng một mục tiêu – chỉ ra con đường thoát khổ. Ngài cho chúng ta Chánh Kiến. Nếu chúng ta không hiểu biết đúng đắn, chúng ta không thể đạt đến sự bình an.

Khi tất cả chư Phật đắc đạo và thuyết giảng lần đầu tiên, họ đều nói về hai điều cực đoan: sự mê đắm trong dục lạc và sự mê đắm trong khổ đau. Đây là hai thứ mê đắm mà những ai kẹt trong đó phải lên xuống mãi, không bao giờ đạt đến sự bình an. Họ sẽ mãi lăn lộn trong vòng luân hồi sinh tử.

Con người bị kẹt trong hai thái cực này, nên không thể nhìn thấy Trung Đạo. Cả hạnh phúc và đau khổ đều không phải là trạng thái bình an. Đức Phật dạy chúng ta xả bỏ cả hai thứ này. Đây là sự tu hành đúng. Đây là Trung Đạo.

Trung Đạo không ám chỉ thân thể và lời nói của chúng ta, mà ám chỉ tâm. Khi một cảm thọ mà chúng ta không thích nảy sinh, tâm rối rắm, dao động – đây không phải là con đường đúng. Khi một cảm thọ mà chúng ta thích nảy sinh, tâm liền chìm đắm trong dục lạc – con đường này cũng không đúng.

Khi ai trong chúng ta muốn đau khổ. Nhưng thật ra, hạnh phúc chỉ là một hình thức đau khổ vi tế mà thôi. Bạn có thể so sánh hạnh phúc và đau khổ với một con rắn. Đầu rắn là sự đau khổ, đuôi là hạnh phúc. Đầu rắn rất nguy hiểm, nó chứa nọc độc. Nếu bạn đụng vào, con rắn sẽ cắn ngay. Nhưng đừng nói chi cái đầu, dầu bạn nắm cái đuôi, nó cũng quay lại cắn bạn như thường, bởi vì cả đầu và đuôi đều thuộc về con rắn.

Cùng thế ấy, cả hạnh phúc và đau khổ đều bắt nguồn từ sự ham muốn. Cho nên khi bạn vui, tâm bạn không an. Nó thật sự bất an! Vì sao thế? Khi chúng ta có được điều mình ưa thích, chẳng hạn như tài sản, danh dự, lời khen, chúng ta vui lắm. Nhưng tâm cảm thấy hơi lo bởi vì nó sợ mất đi điều này. Một ngày nào đó, chúng ta có thể mất điều này và rồi, chúng ta sẽ đau khổ.

Do đó, ngay cả khi bạn hạnh phúc, sự đau khổ đã ở đó rồi nếu bạn không tỉnh giác. Cũng giống như khi bạn nắm cái đuôi rắn – nếu bạn không bỏ nó ra, nó sẽ cắn bạn. Cho nên, dầu nó là đầu rắn hay đuôi rắn, có nghĩa là, dầu đó là điều thiện hay bất thiện, chúng đều không chắc chắn và luôn thay đổi.

Cốt tủy của Phật pháp là sự bình an, và sự bình an đó phát sinh từ cái biết xác thực về bản chất của vạn vật. Nếu xem xét kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng sự bình an không phải là hạnh phúc hay khổ đau. Cả hai thứ này đều không phải là chân lý.

Tâm của con người, cái tâm mà Đức Phật muốn chúng ta khảo sát, là một thứ mà chúng ta chỉ có thể nhận biết qua những động thái của nó. Cái Tâm Nguyên Thủy thì không thể xem xét được, không thể biết được. Trong trạng thái tự nhiên, tâm không dao động, không lung lay. Khi hạnh phúc phát sinh, tâm này dao động: nó mê đắm trong cảm thọ đó. Khi tâm dao động như thế, sự dính mắc và ràng buộc phát sinh.

Đức Phật đã vạch ra cho chúng ta toàn bộ con đường tu hành, nhưng hoặc là chúng ta chưa tu, hoặc chúng ta chỉ tu trên miệng. Tâm và lời nói của chúng ta chưa hợp nhất, chúng ta chỉ lý luận suông. Nhưng Phật Pháp không phải là một thứ có thể bàn luận hay suy đoán. Phật Pháp thật sự là kiến thức rốt ráo về chân lý của thực tại. Nếu bạn biết chân lý này, bạn không cần sự giảng dạy nào cả. Nếu bạn không biết nó, thì dầu bạn có nghe nói về nó bao nhiêu lần, bạn cũng không thật sự hiểu. Cho nên Đức Phật mới nói, “Bậc Giác Ngộ chỉ vạch ra con đường”. Ngài không thể tu hành cho bạn, bởi vì chân lý là một thứ không thể diễn đạt hay chia sẻ.

Tất cả giáo lý chỉ là những sự so sánh, những phương tiện để giúp tâm nhận ra chân lý. Nếu chúng ta chưa nhìn thấy chân lý, chúng ta đau khổ. Thí dụ, chúng ta thường dùng từ pháp hữu vi khi nói đến thân thể. Ai cũng có thể nói từ này, nhưng vấn đề là chúng ta không biết sự thật về những pháp hữu vi này, và vì thế chúng ta bám giữ chúng. Bởi vì chúng ta không biết sự thật về thân thể, chúng ta đau khổ.

Sau đây là một thí dụ. Giả sử một buổi sáng, bạn đang đi bộ tới chỗ làm thì có một người mắng nhiếc và nhục mạ bạn từ phía bên kia đường. Bạn cảm thấy bực tức và bị xúc phạm. Người đàn ông đó cứ lải nhải chửi rủa bạn suốt ngày. Nghe những lời sỉ nhục này, bạn rất tức giận, và dầu đã về đến nhà, bạn vẫn còn ấm ức và muốn trả thù.

Vài ngày sau, có người đến gặp bạn và nói, “Nè! Người đàn ông chửi rủa bạn hôm đó là một thằng điên! Hắn điên như thế đã nhiều năm nay rồi! Hắn chửi rủa mọi người. Không ai để tâm đến lời nói của hắn cả”. Nghe thấy thế, bạn liền cảm thấy nhẹ nhõm. Cảm giác tức giận và xúc phạm bị đè nén mấy hôm nay đều tan biến hết. Tại sao? Bởi vì bây giờ bạn đã biết được sự thật. Trước kia, bạn cứ tưởng người đàn ông đó là một người bình thường, nên bạn mới tức giận. Sự hiểu lầm này đã khiến cho bạn khổ sở vô cùng. Khi vừa biết sự thật, mọi thứ đều thay đổi: “Ồ, té ra hắn là một thằng điên! Hèn gì!”.

Bây giờ hiểu ra, bạn cảm thấy nhẹ nhõm, và bạn có thể buông bỏ. Nếu bạn không biết sự thật, bạn dính mắc ngay tại đó. Khi bạn còn cho rằng người sỉ nhục bạn là một người bình thường, bạn giận đến độ muốn giết hắn. Nhưng khi biết sự thật, bạn thấy nhẹ hẳn. Đây là sự hiểu biết chân lý.

Một người chứng ngộ có kinh nghiệm tương tự. Khi sự tham ái, thù hận, và si mê tan biến, chúng tan biến cùng một cách đó. Chừng nào chúng ta không biết những thứ này, chúng ta nghĩ, “Làm sao đây? Tôi tham lam và sân si quá”. Đây không phải là sự hiểu biết đúng đắn. Cũng giống như khi chúng ta nghĩ rằng người điên là một người tỉnh táo. Rồi khi biết được hắn là một người điên, chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm. Không ai có thể chỉ cho bạn thấy điều này. Chỉ khi tâm tự nó nhìn thấy, nó mới có thể dứt trừ sự ràng buộc.

Nó cũng giống như cái thân thể mà chúng ta gọi là pháp hữu vi này. Mặc dầu Đức Phật đã giải thích rằng nó không có thật chất, chúng ta vẫn ngoan cố bám chặt vào nó. Nếu thân thể có thể nói chuyện, nó sẽ nói với chúng ta cả ngày, “Bạn không phải là chủ nhân của tôi, bạn biết chứ”.

Ví dụ, các giác quan – mắt, tai, mũi, lưỡi, thân – luôn thay đổi, nhưng chúng chẳng bao giờ thỉnh ý chúng ta, dầu chỉ một lần! Khi chúng ta nhức đầu hay đau bụng, thân thể đâu có xin phép chúng ta trước, nó cứ làm, theo lề lối tự nhiên của nó. Rõ ràng là thân thể không cho phép bất cứ người nào làm chủ nhân của nó, nó không có chủ nhân. Đức Phật mô tả nó như một thứ không có thực thể.

Chúng ta không hiểu Đạo, nên chúng ta không hiểu những pháp hữu vi này. Chúng ta xem chúng là chính mình, thuộc về mình hay thuộc về một người nào khác. Một khi có sự hiện hữu, thì có sinh. Một khi có sinh, thì có già, bệnh, chết – cả một rừng đau khổ phát sinh.

Đây là Mười Hai Nhân Duyên. Vô minh sinh ra hành (hành động có ý chí), và hành sinh thức (tâm thức), và cứ thế… Tất cả những thứ này chỉ là những sự kiện trong tâm (tâm pháp). Khi chúng ta tiếp cận những thứ chúng ta không thích, nếu không có chánh niệm, vô minh sẽ ở đó. Đau khổ phát sinh ngay lập tức. Nhưng tâm đi ngang qua những sự biến đổi này quá nhanh, nên chúng ta không theo kịp. Cũng giống như khi bạn rơi từ cây xuống. Trước khi bạn biết chuyện gì xảy ra – bịch! – bạn đã đụng mặt đất. Thật ra bạn sẽ rơi ngang nhiều cành cây trong lúc rớt xuống, nhưng bạn không đếm kịp. Bạn chỉ rơi xuống… bịch!

Mười Hai Nhân Duyên cũng vậy. Chúng ta nói là vô minh sinh hành, hành sinh thức, thức sinh danh sắc, danh sắc sinh lục căn, lục căn sinh lục trần, lục trần sinh tham ái, tham ái sinh thủ, thủ sinh hữu, hữu dẫn tới sinh, và sinh dẫn tới già, bệnh, chết, và đủ thứ khổ đau. Tuy vậy, trên thực tế, khi bạn tiếp cận một thứ gì bạn không thích, bạn cảm thấy đau khổ ngay lập tức! Cảm giác đau khổ đó, thật ra, là kết quả của cả chuỗi nhân duyên sinh khởi này. Đây là tại sao Đức Phật muốn đệ tử của ngài khảo sát biết rõ tâm của họ.

Khi con người sinh ra, họ không có danh tánh – một khi họ sinh ra, chúng ta đặt tên cho họ. Đây là quy ước. Chúng ta đặt tên cho mỗi người để tiện việc giao tiếp. Kinh điển cũng vậy. Chúng ta đặt tên cho mỗi một thứ để tiện việc nghiên cứu và truyền đạt. Tất cả đều là những pháp hữu vi. Chúng là những thứ do nhân duyên sinh ra (bị điều kiện hóa). Chúng đều vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã. Chúng không ổn định. Chúng ta không hiểu điều này, cho nên chúng ta có quan niệm sai lạc. Quan niệm sai lạc này cho rằng các pháp hữu vi là chúng ta, chúng ta là những pháp hữu vi, hay nói cách khác, hạnh phúc và đau khổ là chúng ta, chúng ta là sự hạnh phúc và đau khổ. Suy nghĩ như thế là không hiểu bản chất thật của sự việc. Sự thật thì chúng ta không thể ép những thứ diễn biến theo ý muốn của mình. Chúng chỉ đi theo tự nhiên.

Lấy ví dụ sau đây: giả sử bạn ngồi giữa một xa lộ và xe cộ đang chạy về phía bạn. Bạn không thể nổi nóng với những chiếc xe trên đường mà la hét, “Ê, đừng lái về phía này! Đừng lái về phía này!” Đó là xa lộ. Bạn không thể nói chuyện kiểu đó. Vậy thì bạn làm gì bây giờ? Bạn rời khỏi xa lộ! Bạn tránh đường xe chạy. Con đường là nơi để xe chạy. Nếu bạn không muốn xe ở đó, bạn chỉ đau khổ thôi.

Các pháp hữu vi cũng vậy. Chúng ta nói rằng chúng quấy nhiễu chúng ta, chẳng hạn như khi chúng ta đang ngồi thiền và nghe tiếng động. Chúng ta nghĩ, “Ồ, tiếng động đó phiền nhiễu quá”. Nếu chúng ta nghĩ rằng tiếng động làm phiền chúng ta, chúng ta đau khổ. Nhưng nếu chúng ta khảo sát kỹ hơn, chúng ta sẽ để tiếng động ở đó. Chúng ta sẽ thấy rằng tiếng động là một thứ và chúng ta là một thứ khác. Những ai cho rằng tiếng động đến để quấy rối họ, kẻ đó không nhìn thấy chính mình. Họ thật sự không thấy gì cả! Một khi bạn nhìn thấy chính mình, tâm sẽ an ổn. Tiếng động chỉ là tiếng động. Bạn dính mắc với nó làm gì? Thật ra, bạn mới là người đi ra ngoài và quấy rối tiếng động.

Đây mới là chánh kiến. Bạn nhìn thấy cả hai mặt, cho nên bạn bình an. Nếu chỉ nhìn thấy một mặt, bạn sẽ đau khổ. Khi bạn nhìn thấy cả hai mặt, đó là khi bạn đi theo Trung Đạo. Đây là sự tu hành đúng cách. Đây gọi là “điều chỉnh sự hiểu biết của chúng ta”.

Cùng thế ấy, bản chất của các pháp hữu vi là vô thường và sinh diệt, nhưng chúng ta muốn nắm giữ chúng. Chúng ta muốn chúng là thật. Chúng ta muốn tìm thấy sự thật bên trong những thứ không thật. Bất cứ ai, khi nhìn thấy điều này và bám vào các pháp hữu vi như chúng là chính họ, kẻ đó sẽ đau khổ.

Sự tu hành không nằm nơi một tỳ kheo, tỳ kheo ni, sa di, hay một người tại gia nào. Nó chỉ là sự điều chỉnh cái biết của bạn. Nếu sự hiểu biết của bạn đúng, bạn sẽ bình an. Dầu bạn có xuất gia hay không, cũng vậy thôi. Mọi người đều có cơ hội để tu hành, để giác ngộ. Chúng ta đều quán chiếu cùng một việc. Nếu chúng ta đạt được sự bình an, sự bình an đó cũng giống nhau với mỗi chúng ta, con đường cũng giống nhau, phương pháp cũng giống nhau.

Do đó, Đức Phật không phân biệt người tại gia và người xuất gia. Ngài dạy tất cả mọi người tu hành để hiểu biết sự thật về các pháp hữu vi. Khi chúng ta hiểu sự thật này, chúng ta buông bỏ các pháp hữu vi. Nếu chúng ta biết sự thật, sẽ không còn sự trở thành và sinh ra. Sự sinh không có cách nào xảy ra, bởi vì chúng ta đã biết rõ bản chất của các pháp hữu vi. Nếu chúng ta hiểu biết chân lý một cách rốt ráo, sự bình an phát sinh. Có hay không có, nó cũng giống như nhau. Được và mất đều như nhau. Đức Phật muốn chúng ta hiểu điều này đây là sự bình an – bình an là vượt lên tất cả sự hạnh phúc lẫn đau khổ.

Chúng ta phải thấy là không có lý do để sinh ra – không có lý do nào cả. Sinh và diệt phát sinh từ sự dính mắc vào và bám giữ các pháp hữu vi. Khi chúng ta có được điều chúng ta thích, chúng ta vui sướng. Nếu không có sự dính mắc vào cảm giác vui sướng đó, thì không có sự sinh ra. Nếu có sự dính mắc, đây gọi là “sự sinh ra”. Cho nên, nếu chúng ta có được một điều gì đó, chúng ta không sinh vào sự vui sướng. Nếu chúng ta mất nó, chúng ta không sinh vào sự đau khổ. Đây là sự không sinh và không diệt.

Đây là sự tu hành đúng. Nếu bạn không đạt được những điều này, nếu bạn không đạt được Trung Đạo, bạn sẽ không vượt lên trên khổ đau.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. DÒNG NƯỚC TĨNH ĐANG CHẢY, DÒNG NƯỚC CHẢY ĐANG TĨNH
  2. MỘT TÂM HỒN MẠNH MẼ
  3. TRÍ TUỆ PHÁT SANH

Bài viết mới

  1. ĐI QUA ĐỪNG CÓ ĐỐT CẦU, ĐỂ NGÀY CẦN ĐẾN CÓ CẦU MÀ ĐI
  2. BỔN PHẬN
  3. ĐỔ LỖI CHO AI ?